- Cậu làm được đấy - bác già giọng miễn cưỡng nói với "Adam".
Bác giao cho anh ta cuốc thử một khoảnh đất và bây giờ nhận xét kết quả. Bác già nói thêm.
- Có điều cậu không cần phải làm kỹ quá như thế này. Tốt nhất là làm vừa phải thôi.
"Người phụ việc" hiểu rằng bác già Briggs không muốn ai làm tốt hơn bác ta. Bác đang nói tiếp:
- Chỗ này ta sẽ trồng cúc đại đoá. Tôi biết bà ta không thích cúc nhưng tôi mặc. Đàn bà hay khó tính, và nếu ta lờ đi, chín phần mười trường hợp, họ nói dứt khỏi miệng là quên ngay họ đã nói gì.
"Adam" đã biết ông già làm vườn nói "bà ta” là để chỉ bà hiệu trưởng Bulstrode.
- Này - đột nhiên ông già hỏi - Lúc nãy có một đứa con gái ra đây với cậu, đứa nào thế?
- Tôi không biết tên, chỉ biết cô ta là học sinh của trường.
- Mấy đứa ranh ma ấy hẳn? Tôi dặn cậu, đừng dính đến chúng mà có ngày ân hận. Hồi đại chiến thứ nhất tôi đã "bị" với những đứa như thế rồi đấy, cho nên tôi có kinh nghiệm là nên tránh cho xa. Cậu hiểu chưa?
- Cô này không hề có mưu đồ gì - Adam trả lời cho qua chuyện - Cô ta chỉ hỏi tên một giống hoa, có vậy thôi
- Nếu vậy thì được. Nhưng cậu đừng có chuyện trò gì với đám học sinh đấy. Bà ta không bằng lòng đâu. Kìa, bà ta đang đi về phía này đấy. Lại sắp sai tôi làm một việc gay go đây, chắc chắn là như thế.
Bà hiệu trưởng đi nhanh đến:
- Chào bác Briggs. Chào...
Bà nhìn người phụ việc.
- Thưa bà, tôi là Adam,
- À, phải rồi, Adam. Bác Briggs này, tấm lưới quần vợt bị trùng. Bác kéo căng lên cho tôi nhé.
- Tất nhiên rồi, thưa bà hiệu trưởng.
- Bác định trồng hoa gì ở đây?
- Tôi định...
- Không được trồng cúc đâu đấy. Trồng thược dược!
Nói xong, bà đi nhanh khuất. Bác già Briggs nhún vai.
- Bà ta ra lệnh thoáng qua thế thôi, nhưng bà ta để ý khiếp lắm. Cậu bạn trẻ, đừng quên lời tôi nói với cậu về lũ con gái láu lỉnh kia. Mà coi chừng cả bà ta nữa!
- Bà ấy thì tôi không ngại. Bà ta mà không vừa lòng thì tôi có cách - Adam nói - Thiếu gì công ăn việc làm kia chứ, tôi xin làm ở đâu mà chẳng được?
- Đúng là lớp trẻ ngày hôm nay, không chịu nghe ai.
Adam tiếp tục làm việc, còn bà hiệu trưởng Bulstrode thì quay về văn phòng. Đột nhiên bà cau mày: cô giáo Vansittart dạy lịch sử và tiếng Đức đang tiến về phía bà.
- Trời nóng quá! - cô giáo Vansittart nói.
- Oi nữa chứ! - Bà hiệu trưởng Bulstrode đáp. Chị có để ý anh thợ làm vườn phụ việc mới đến làm không ?
- Tôi không chú ý lắm.
- Tôi thấy anh ta... biết nói thế nào nhỉ? Tóm lai tôi thấy anh ta không có vẻ loại người chuyên làm thứ công việc này.
- Có lẽ anh ta tốt nghiệp một trường nào đó, làm tạm để kiếm ăn trong khi chờ gặp công việc thích hợp.
Thì cứ cho là như thế, nhưng anh ta đẹp trai quá, đám nữ sinh có vẻ đã quan tâm đến anh ta rồi đấy.
- Vậy ta áp dụng chiến thuật kinh điển chứ ạ, thưa bà hiệu trưởng?
- Đúng thế, bề ngoài vẫn để bọn nữ sinh thoải mái, nhưng bên trong ta kín đáo giám sát chặt chẽ.
- Vâng, đúng là phải làm như thế. Cách đó lần nào cũng hiệu nghiệm. Trong trường nữ học Meadowbank chúng ta, chưa bao giờ xảy ra chuyện tai tiếng. Bà có thể hãnh diện về kết quả mà bà đã đạt được rồi đấy, thưa bà hiệu trưởng.
- Tôi chỉ nghĩ rằng tôi làm đúng phận sự. Nhưng nếu chị thay tôi lãnh đạo cái trường này, chị có định thực hiện những cải tiến như thế nào không? Chị cứ trả lời thẳng, đừng ngần ngại. Tôi rất muốn biết các dự định của chị, Vansittart!
- Tôi nghĩ không có thứ gì phải thay đổi. Mục tiêu cũng như các biện pháp thực hiện của trường Meadowbank đã rất hoàn hảo rồi.
- Nghĩa là chị sẽ giữ đúng cách làm từ trước đến nay?
- Tất nhiên, thưa bà Bulstrode. Tôi thấy không nên thay đổi gì hết.
Bà hiệu trưởng im lặng một lúc, thầm nghĩ: “Hay cô ta nói như vậy chỉ cốt để vừa lòng mình?"
- Dù sao - bà hiệu trưởng Bulstrode nói - Tôi lại cho rằng trên đời không có gì có thể cho là hoàn hảo được. Bao giờ và lúc nào cũng cần phải có những sửa đổi, cải tiến để cho tốt hơn và nhất là thích hợp với thời đại hơn. Vì con người và hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác, ngày hôm nay không thể giống cách đây hai chục năm.
- Tôi đồng ý với bà, thưa bà hiệu trưởng. Đúng là phải theo kịp thời đại. Nhưng đây là trường của bà! Bà chính là cột trụ của trường, và bà biết rằng truyền thống đóng vai trò cực kỳ to lớn.
Bà Bulstrode không đáp, mặc dù bà rất muốn nói lên một ý tưởng mà bà cho là quan trọng. Bởi bà ngại cô giáo dạy lịch sử này sẽ hiểu sai ý của bà, cho rằng bà chưa muốn rời khỏi cái trường này. Mà thật ra, trong đáy lòng, bà có ý nghĩ đó thật. Tuy nhiên, những ý kiến của bà sẽ bổ ích cho cô giáo Vansittart, giúp cô làm tốt công việc lãnh đạo trường. Tất nhiên còn Chadwick nữa, người đã cùng bà Bulstrode sáng lập nên cái trường này. Chị ấy rất tận tuỵ, nhưng chưa đủ trình độ lãnh đạo một trường học tầm cỡ như thế này.
Tiếng chuông vang lên ở xa.
- Đến giờ tiếng Đức của tôi rồi! - Cô giáo Vansittart kêu lên.
Rồi bước chân thoăn thoắt nhưng vẫn đàng hoàng, cô đi nhanh về pha lớp học. Bà hiệu trưởng đi theo, đầu cúi, suýt vấp phải cô giáo Eileen Rich dạy văn, vừa từ một lối đi nhỏ trong hoa viên bước nhanh ra.
- Ôi, xin lỗi, thưa bà hiệu trưởng! Tôi không nhìn thấy bà.
Giống như mọi khi, đầu tóc cô Rich bù rối, xòa ra bên ngoài tấm khăn đội đầu. Lại một lần nữa bà Bulstrode nhận thấy khuôn mặt cô giáo dạy văn này quá gầy, gò má nhô cả lên. Cô giáo Eileen Rich quả là một phụ nữ khác thường. Trẻ trung, hiếu động, và luôn buộc người ta phải chú ý đến cô.
- Chị có giờ dạy bây giờ phải không?
- Vâng, giờ tiếng Anh ạ.
- Chị thích nghề dạy học chứ?
- Vâng, tôi mê nghề này.
- Vì sao?
- Thú thật là chính tôi cũng đang cố cắt nghĩa xem tại sao tôi lại mê nghề này đến thế. Phải chăng vì nghề dạy học là một nghề cực kỳ quan trọng? Không, có lẽ tôi đã quá phóng đại ý nghĩa của nó. Thật ra tôi mê nghề dạy học vì nguyên nhân khác. Tôi cho rằng nghề dạy học giống như nghề đâm cá. Phóng mũi lao xuống nước nhưng chưa biết sẽ đâm được con cá gì, và chính đó là thứ vô cùng hấp dẫn. Tôi rất sung sướng mỗi khi "tóm" được một suy nghĩ độc đáo, một ý tưởng bất ngờ của học sinh. Rất tiếc là các em học sinh rất ít khi có những suy nghĩ mới mẻ, độc đáo...
Bà hiệu trưởng Bulstrode gật đầu. Vậy là bà đã không lầm, cô giáo trẻ nay quả là con người có cá tính. Bà nói:
- Tôi nghĩ rằng thế nào cũng đến một ngày chị có được một trường học riêng, do chị lãnh đạo, để chị phát huy mọi ý tưởng đẹp đẽ của chị.
- Ôi, nếu được thế thì còn gì bằng!
- Chắc chị đã có lúc suy nghĩ, là nếu được lãnh đạo một trường thì chị sẽ làm những gì rồi chứ?
- Tôi cho rằng ai cũng có những mơ ước riêng của bản thân mình về chuyện đó. Một số những ý nghĩ đó là viển vông và khi vấp phải thực tế sẽ dẫn đến thất bại. Đúng thế. Nhưng tôi cho rằng mọi ý tưởng đều phải được đem ra thử nghiệm. Phải dám làm, rồi mới có cái mà rút kinh nghiệm, tiếp tục học hỏi thêm. Không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm của người khác. Tôi nghĩ như vậy có đúng không, thưa bà?
- Kể ra thì chưa hoàn toàn. Nhưng chị nói đúng. Thất bại là cần thiết, ít nhất cũng để lần san không mắc phải sai lầm nữa. Tôi thấy chị không sợ mở ra những con đường mới, có phải thế không? Chị không sợ mạo hiểm.
- Tôi cho rằng tôi luôn sống bằng mạo hiểm...
Một thoáng suy nghĩ nào đó lướt qua trên nét mặt cô, và Eileen Rich vội vã nói thêm:
- Nhưng tôi phải xin phép bà thôi, thưa bà hiệu trưởng! Các em học sinh đang chờ tôi.
Bà hiệu trưởng Bulstrode nhìn theo cô giáo trẻ, thầm nghĩ:
"Tiếc quá, cô ấy còn quá non nớt. Lúc này giao phó cho cô ta công việc thay ta, e chưa được”.
Bà giáo Chadwick đi ngang qua, nhận thấy vẻ băn khoăn trên khuôn mặt bà hiệu trưởng.
- Chị lo lắng chuyện gì thế?
- Đúng là tôi có băn khoăn. Tôi biết trường chúng ta cần một hiệu trưởng như thế nào, nhưng lại thấy có nhiều e ngại...
- Tôi tha thiết xin chị bỏ cái ý nghĩ nghỉ hưu ấy đi. Chị đã quá gắn bó với cái trường Meadowbank này rồi. Trường không thể vắng chị được.
- Đối với chị, trường nữ học này là tất cả, đúng thế không, Chadwick?
- Đúng thế, và tôi cho rằng không có trường nữ học nào sánh được với nó!
Bà hiệu trưởng Bulstrode trìu mến đặt tay lên vai người đồng sáng lập trường và là người bạn gái thân thiết:
- Đúng thế, chị Chadwick thân mến ạ! Chị còn là người đầu tiên, chính yếu đã hỗ trợ tôi. Chị quan tâm đến mọi thứ liên quan đến ngôi trường này.
Bà giáo dạy toán Chadwick đỏ bừng mặt sung sướng. Hiếm khi bà thấy người bạn gái lâu năm mất đi vẻ nghiêm nghị thường ngày như hôm nay.