Cô Thành Bế

Quyển 1 - Chương 3: Thôi Bạch




Năm mười hai tuổi, ta được điều vào Hàn lâm họa viện nhậm chức. Phẩm cấp không thay đổi, chỉ là công việc chủ yếu đổi thành hầu hạ các đãi chiếu bên họa viện vẽ tranh và nghe quan chủ quản họa viện sai khiến. Đám nội thị Thư nghệ cục đều rất lấy làm thương cảm cho ta, nói rằng đây thực ra là bị giáng chức, họa viện vốn thấp hơn thư viện một bậc.

Ta cũng biết rằng địa vị của người bên thư họa viện không cao, tuy quan viên tứ phẩm ngũ phẩm trong viện cũng có thể mặc áo đỏ áo tím như các quan văn bình thường nhưng lại không có bội ngư (*). Trong mắt người đời, đãi chiếu thư họa viện bị quy là “vào bằng nghệ thuật”, mức độ tôn trọng được dành cho cũng có giới hạn. Mà người của họa viện so ra thì còn kém thư viện một bậc, mỗi lần chúng đãi chiếu lập đội đều lấy thư viện dẫn đầu, họa viện xếp sau, chỉ đỡ hơn cầm, kỳ, ngọc, bách công viện đôi chút.

(*) Tín phù ra vào hoàng thành, lên triều diện thánh của quan viên từ ngũ phẩm trở lên, chiếu theo cấp bậc quan viên mà phân biệt làm bằng vàng, bạc, đồng, tạo thành hình cá chép, gọi là ngư phù, khắc những thông tin cơ bản như họ tên quan viên, chức quan, đựng trong túi đeo bên hông, là ký hiệu cho địa vị và thân phận của quan viên. (chú thích của tác giả)

Đãi chiếu chính thức còn vậy thì nội thị trong viện lẽ tự nhiên cũng theo đó mà bị phân chia đẳng cấp trong mắt mọi người. Cùng là nội thị hoàng môn nhưng cầm viện không bằng họa viện, họa viện cũng không bằng thư viện.

Quan tổng quản của Hàn lâm thư họa cục khi ấy là nhập nội phó đô tri Nhậm Thủ Trung, sau đó, Trương Thừa Chiếu đã kiến nghị ta: “Cậu đi xin Trương tiên sinh đi, xin ông ấy nói vài câu với hoàng hậu, để hoàng hậu mệnh Nhậm đô tri giữ cậu lại thư viện cho.”

Ta chẳng ừ hử gì. Hắn lại nháy mắt mấy cái với ta, cười nói: “Đi đi, không sao đâu, Trương tiên sinh là tâm phúc của hoàng hậu, một khi ông ấy đã có lời thì cậu cũng không cần phải đi họa viện nữa rồi.”

Ta lắc đầu với hắn, gạt bỏ kiến nghị này. Cũng không phải là ta nghi ngờ sự thật rằng Trương tiên sinh rất được hoàng hậu tán thưởng và tín nhiệm, mà là ta biết rõ rằng, ỷ vào sự coi trọng của hoàng hậu với mình để yêu cầu chuyện ngoài bổn phận không phải là tác phong của thầy, lần trước mở miệng cứu ta chỉ là tình huống cực kỳ ngẫu nhiên, ta không muốn khiến thầy phá lệ lần nữa. Ta chưa bao giờ tham vọng xa vời, cũng không muốn chứng kiến ai vì cớ tại ta mà cầu xin người khác điều gì.

Họa sư họa viện chia thành năm bậc: họa học chính, đãi chiếu, nghệ học, chỉ hầu, nghệ nhân; người chưa có phẩm cấp thì gọi chung là họa học sinh. Các tác phẩm tranh vẽ của họ đều là để cung ứng cho cung đình, lấy làm ngự dụng, hoặc giả họ sẽ phụng chỉ đến các chùa miếu đạo quan vẽ tranh. Đó là nơi còn yên tĩnh hơn thư viện. Cứ mỗi mười ngày đều phải mang tranh họa cất trong gác mật ra cho các họa sư đánh giá mô phỏng, hôm ấy sẽ hơi mệt, song những ngày khác thì không có bao nhiêu sự vụ, đa số thời gian ta chỉ cần đứng hầu bên cạnh, nghe quan viên họa viện dạy học hoặc xem các họa sư vẽ tranh là được.

Trong số các họa sư, ta thích xem tranh của họa học sinh Thôi Bạch nhất. Gã là người Hào Lương, năm đó tuổi chừng hăm mấy, dung mạo sáng sủa thanh tú, tính tình cởi mở, không màng danh lợi, hành sự phóng túng ngông cuồng, thường độc lai độc vãng, hay bị quan viên họa viện lườm nguýt, nhưng tranh gã luôn ẩn chứa một luồng linh khí hiếm thấy so với tranh cung đình phổ thông, đó cũng là cái mà ta cực kỳ thưởng thức.

Một ngày cuối thu, trong đình họa viện xào xạc lá rụng, gã một thân một mình vẽ tại chỗ hai con quạ đậu trên cây, ta yên lặng đứng xem đằng sau gã, khi đặt bút xuống tạm nghỉ, trong lúc vô tình quay đầu, gã phát hiện ra ta, cười cười, hỏi: “Trung quý nhân (*) cũng mê đan thanh (**) chăng?”

(*) Về xưng hô của hoạn quan, hoạn quan thời Tống không gọi là thái giám mà thường gọi là nội thị, nội thần, hoạn giả, trung quan, người Tống không gọi họ là “công công” mà thường gọi họ theo chức quan, “trung quý nhân” là cách gọi tôn kính của người ngoài cung đối với hoạn quan. (chú thích của tác giả)

(**) Đan chỉ đan sa (chu sa), thanh chỉ thanh hoạch, là hai loại khoáng vật chế tạo nên thuốc màu. Hội họa cổ Trung Hoa thường dùng hai màu đỏ xanh nên đan thanh trở thành một cách gọi khác của môn nghệ thuật này.

Ta lùi ra sau một bước, cúi người đáp: “Hoài Cát mạo phạm, quấy rầy nhã hứng của Thôi công tử.”

“Chuyện đó thì không,” Thôi Bạch tủm tỉm, nói, “Tôi chỉ tò mò không biết, vì sao trung quý nhân không đi xem chư đãi chiếu họa viện vẽ tranh mà mỗi lần đều để ý tới chuyết tác như thế.”

Ta ngẫm nghĩ rồi đáp: “Còn nhớ ngày Hoài Cát mới vào họa viện, thấy chúng họa học sinh đều đang theo họa học chính vẽ phỏng tranh hoa điểu của Hoàng Cư Thái, duy có công tử là ngoại lệ, một mực nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, vẽ chim chóc trên cành cây trong đình.”

Thôi Bạch xua tay cười: “Tranh hoa điểu của Hoàng thị tinh vi tráng lệ, đời này tôi học chẳng nổi nên dứt khoát tự mình nguệch ngoạc đấy thôi.”

Ta cũng mỉm cười, nói: “Thôi công tử đặt bút là thành cấu tứ, không vay mượn quy chuẩn mà cong thẳng vuông tròn vẫn đúng độ chuẩn mực. Hoài Cát đó giờ vẫn hằng bội phục sâu sắc.”

“Trung quý nhân khen lầm.” Nói đoạn, Thôi Bạch một lần nữa chầm chậm nâng bút lên, trước khi hạ bút chợt hỏi ta: “Lẽ nào trong họa viện này còn có người cong thẳng vuông tròn nằm ngoài chuẩn mực ư?”

Tất nhiên là có. Nhưng ta chỉ cười hờ hững, không đáp lời.

Chừng như bản thân cũng có đáp án, Thôi Bạch không truy hỏi nữa, ngậm một nét cười ngang tàng, xoay người tiếp tục vẽ tranh, trước trán rủ xuống vài sợi tóc chưa bao giờ chịu vào nếp, theo động tác đưa bút mà đôi lúc lại phất phơ bên sườn mặt gã, song ánh mắt gã trước sau vẫn chăm chú đậu lên bức tranh, không chút để ý.

Nhờ thế mà hai ta dần trở nên quen thân, thi thoảng gặp nhau trò chuyện về thư họa, gã nhìn ra ta có hứng thú với đan thanh, chủ động đề nghị dạy ta, ta tất nhiên là vô cùng vui vẻ, bèn theo gã học vẽ vào những lúc cả hai đều rảnh rỗi.

Một hôm, gã dạy ta vẽ chim núi rừng xuân bằng thủ pháp không xương, họa học chính họa viện đi ngang qua phòng vẽ bọn ta dùng, thấy người vung bút vẽ tranh là ta, không khỏi kinh ngạc, bèn vào xem thử. Ta tức khắc thu bút, thi lễ với y như thường ngày. Y không đáp lại, đi thẳng tới cạnh ta, nghiêm túc xem tranh ta vẽ.

Từ thuở lập quốc đến nay, phong cách hội họa cung đình Hoàng thị của hai cha con Hoàng Thuyên và Hoàng Cư Thái vẫn luôn giữ ngôi độc tôn trong Hàn lâm họa viện quốc triều, vẽ hoa trúc lông vũ phải dùng bút than nháp trước rồi lấy chỉ mực cực nhỏ phác họa đường nét, tiếp đó trùng trùng tô màu, hình vẽ tinh xảo tráng lệ, tôn chỉ rực rỡ đậm màu. Mà giờ đây, họa học chính thấy tranh ta vẽ màu sắc thanh nhã, trong đó, chim núi không được phác họa hoàn toàn bằng chỉ mực, chi tiết sợi lông vũ phần đa là dùng những màu mực đậm nhạt khác nhau điểm xuyết thêm chấm đỏ mà thành, khác hẳn tranh cung đình Hoàng thị được họa viện coi là chuẩn mực, tức thì mặt sa sầm, lạnh lùng hỏi Thôi Bạch: “Anh dạy cậu ấy vẽ thế này?”

Thôi Bạch gật đầu, ung dung đáp: “Họa chim muông vị tất phải vẽ phác đắp màu, thỉnh thoảng pha lối không xương tô điểm bằng mực đạm cũng có cái thú hoang dã riêng. (*)”

(*) Vẽ phác đắp màu (双钩填彩) là phép vẽ phác họa đường nét trước rồi mới tô màu, họa sĩ Hoàng Thuyên thời Ngũ Đại là một họa sĩ tiêu biểu cho bút pháp này, tương phản với phép vẽ không xương (没骨) là trực tiếp dùng thuốc màu hoặc mực để vẽ sự vật mà không có “xương bút”, tức dùng chỉ mực phác khung, tiêu biểu cho phép vẽ này có họa sĩ Từ Hi cùng thời với Hoàng Thuyên.

Họa học chính thình lình đập bàn, cao giọng: “Anh làm thế là dạy hư học sinh!”

Thôi Bạch không nao núng, chỉ nghiêm trang cúi người với y, cụp mắt đứng đó.

Họa học chính nén giận, quay sang nói với ta: “Nếu trung quý nhân muốn học vẽ, trong họa viện tự có đãi chiếu, có thể thỉnh giáo học nghệ, mới bắt đầu học phải thận trọng mà chọn lấy thầy tài, chớ để bị hạng nắm cày không thạo dẫn lên đường lầm.”

Ta cũng khom lưng tỏ vẻ thụ giáo. Họa học chính hung dữ trừng Thôi Bạch thêm một cái rồi mới phất tay áo ra cửa.

Đợi y đi xa rồi, Thôi Bạch nghiêng đầu nhìn ta, giả đò nghiêm mặt, nói: “Mời trung quý nhân chọn thầy tài khác cho, chớ theo cái hạng nắm cày không thạo tôi đây mà lạc phải đường lầm.”

Câu trả lời của ta là: “Nếu lối Thôi công tử dẫn tôi theo là đường lầm thì đời này tôi nguyện không đi chính đạo nữa.”

Bọn ta nhìn nhau cười, từ đó về sau càng thêm thân thiết. Theo lời đề nghị của gã, chúng ta không còn xưng hô khách khí với nhau nữa, gã gọi thẳng tên ta mà ta cũng gọi gã bằng tự “Tử Tây” của gã.

Họa học chính càng lúc càng tỏ ra chán ghét Thôi Bạch, nhiều lần bàn luận với đồng liêu về phẩm hạnh và họa kỹ của gã, thường có ý chê bai. Thôi Bạch cũng liên tiếp bị họa viện chèn ép, mỗi lần so tài, tranh của gã đều bị bình xét hạng kém, chưa lần nào có cơ hội được trình lên ngự lãm.

Thôi Bạch không bận tâm, vẫn chuyện ta ta làm mà vẽ tranh theo phong cách của mình, cũng chẳng để bụng lời giảng dạy của quan viên họa viện. Mỗi bữa dạy học, gã đều không vắng mặt thì cũng đến trễ, góp được cái thân ngồi trong sảnh cũng chẳng nghiêm túc nghe bài, thường xuyên dõi mắt qua cửa sổ mà ngắm cảnh bên ngoài, thả hồn rong chơi, hoặc là dứt khoát gục xuống bàn ngủ, đợi đến lúc quan viên họa viện giảng xong mới vươn vai ngáp dài, thong thả đứng dậy, nghênh ngang rời đi trước cái nhìn hầm hầm của quan viên.

Một lần nọ gặp đúng tiết dạy của họa học chính, chủ đề là nghệ thuật tranh thủy mặc, lý thuyết giảng xong rồi, họa học chính lấy bản phác nền đã chuẩn bị từ trước ra, múa bút điểm màu tại chỗ, vẽ nên một bức sen thu thủy mặc, nét mực vừa khô sơ là treo ngay lên vách cho các họa học sinh bình phẩm.

Quả tình cũng là một tác phẩm đặc sắc, bông sen thu trong tranh phong tư thanh nhã, tuy là tranh thủy mặc, song lại vẽ đài sen và lá sen phản chiếu đón sóng, thể hiện được ý mây trôi mang mưa. Chúng họa học sinh tất nhiên là khen ngợi không ngớt, ngay sau đó sôi nổi nhấc bút, bắt đầu phỏng theo.

Họa học chính vuốt râu, quét mắt nhìn mọi người, dương dương tự đắc. Chẳng ngờ tròng mắt đảo qua, phát hiện ra Thôi Bạch không để ý mảy may, ngồi một góc mãi tít dãy cuối, bộ dáng lại còn là gục bàn ngủ vùi.

Họa học chính lập tức tắt ngấm nụ cười, sầm mặt gọi: “Thôi Bạch!”

Thôi Bạch như đã say giấc nồng, chẳng có vẻ gì là định tỉnh. Họa học chính lại nghiêm giọng gọi, gã vẫn không một phản ứng, ta thấy cục diện dần ngả theo hướng xấu hổ, bèn lại gần gã, cúi người gọi khẽ: “Tử Tây.” Bấy giờ gã mới cau mày, chậm rãi nhập nhèm mở mắt, dòm ta trước rồi mơ màng nhìn chòng chọc họa học chính một hồi, mãi sau mới rộ cười hỏi: “Đại nhân giảng bài xong rồi?”

“Xong rồi,” Họa học chính nuốt giận lạnh nhạt cất lời, “Nhưng xem ra nói khô khan quá, khó vào nổi tai của quý ngài, thành ra lại hoá tác dụng thôi miên.”

Thôi Bạch cười mỉm, nói: “Nào có, lúc đại nhân giảng bài tôi vẫn nghe mà, chỉ là sau đó đại nhân vẽ tranh, bọn học sinh đều chen lên quan sát, tôi cách có hơi xa, mắt thấy chen không nổi nên mới quyết định ngủ một chốc, đợi đại nhân vẽ xong lại tỉ mỉ thưởng thức sau.”

“Thật không?” Họa học chính liếc xéo gã rồi không thèm nhìn nữa, chắp tay đứng ngó bầu trời xanh bên ngoài cửa sổ, bảo: “Vậy theo cái nhìn của anh, bức họa của kẻ hèn này vẽ ra sao?”

Thôi Bạch vẫn ngồi đó, biếng nhác dựa ghế, nghiêng đầu đánh giá bức sen thu trên vách tường đối diện một khắc rồi gật gù: “Đẹp lắm đẹp lắm… Chỉ là ở đâu đó có hơi thiếu nét.”

Họa học chính sao khỏi hiếu kỳ, hỏi lại ngay: “Chỗ nào?”

Thôi Bạch nhếch miệng: “Chỗ này.” Đương nói, tay nhặt một chiếc bút đã nhúng mực lên, bỗng ném phắt về phía tranh vẽ, đến lúc gã dứt lời, bút đã chạm đến tranh, quét một nét mực xéo dưới một phiến lá sen thu.

Hành động của gã quá mức đột ngột, chúng họa học sinh la lên thất thanh, quay đầu nhìn Thôi Bạch, lại đồng thời chuyển qua nhìn họa học chính, thăm dò sắc mặt y.

Họa học chính tức đến nghẹn lời, ngón tay trỏ vào Thôi Bạch run run: “Ngươi, ngươi…”

“Ối! Học sinh nhất thời sơ suất, lấy nhầm cái bút có mực, đại nhân thứ tội.” Thôi Bạch vừa cáo lỗi vừa giở tay áo đứng lên, cất bước đi tới trước mặt họa học chính, một lần nữa tao nhã khom người tạ lỗi.

Sắc mặt họa học chính thoắt xanh thoắt trắng, phẫn nộ xoay người, giơ tay lên muốn giật bức họa treo trên vách xuống, chắc là định xé tan trút giận.

Thôi Bạch lại đưa tay đi cản, cười nói: “Đại nhân bớt giận. Tranh này xuất sắc là vậy, chỉ vì một nét mà xé đi thì tiếc quá. Học sinh đã phạm lỗi tất sẽ nghĩ cách bổ cứu.”

Một họa học sinh nghe vậy xen lời: “Tranh đã bị mực làm nhơ thì bổ cứu thế nào?”

Thôi Bạch treo ngay ngắn lại tranh, cẩn thận nhìn thêm một lượt rồi nói: “Tranh đã dính vết nhơ, đại nhân cũng không muốn giữ nữa thì hẳn cũng sẽ không để ý tôi lại thêm vài nét bút đâu chứ?”

Cũng không đợi họa học chính cho phép, liền thong dong lựa lấy một cây bút trên bàn y, chấm nước mực trong nghiên, tay trái đặt sau lưng, tay phải vận bút, từ nét mực nhơ kia, hoặc điểm, dắt, lia, phẩy, hoặc xoay, chếch, xiên, kéo, giữa chừng pha mực, chốc lát sau, một con ngỗng trắng cong gáy cúi đầu rỉa lông xuất hiện đầy sinh động dưới phiến lá sen, nét bút nhơ được gã vẽ thành mỏ ngỗng, bút pháp tự nhiên, nhìn không ra dấu tích cố ý tu sửa.

Vẽ xong, Thôi Bạch đặt bút xuống lùi ra sau, cười mỉm mời họa học chính góp ý. Mọi người chú tâm nhìn lại, thấy gã tuy chỉ vẽ một con ngỗng song lại bao hàm đủ năm màu thủy mặc tiêu, nùng, trọng, đạm, thanh (*), dung hòa êm ái, sống động mà không lộn xộn, kỹ thuật dùng mực dường như còn trên cơ họa học chính. Tư thế con ngỗng nhã nhặn thanh thoát, có cảm giác như phá giấy mà ra, so ra, bông sen thu họa học chính vẽ mới rồi chợt mất đi thần thái, trở nên khô khan dại đờ.

(*) Năm màu mực pha trong nghệ thuật tranh thủy mặc Trung Hoa cổ, chi tiết xem cuối trang.

Hơn nữa, trước khi vẽ gã không hề có bản phác nền, cứ thế thả bút hoạ ra, hiển nhiên lại thắng họa học chính thêm một nước. Có người không cầm được mở miệng trầm trồ, kêu thành tiếng rồi mới nhớ đến họa học chính, vội vàng ngậm miệng, nhưng trong mắt vẫn toát lên vẻ khâm phục.

Họa học chính cũng tiến lên xem xét, nín thinh thẫn thờ vuốt râu một lúc lâu rồi mới lườm sang Thôi Bạch, bình: “Dùng mực tạm được, nhưng thêm một con ngỗng vào đây làm không gian tranh đột ngột trở nên chật chội, mà lưu bạch (*) bên dưới thì lại quá nhiều, hỏng mất bố cục.”

(*) Một thủ pháp thường được dùng trong sáng tác nghệ thuật Trung Hoa, chỉ việc cố ý khéo léo để lại một khoảng trống trong tác phẩm, giữ làm không gian tưởng tượng.

“Phải ạ phải ạ,” Thôi Bạch tức thì hùa theo, thoải mái nhìn họa học chính, cười nói: “Tôi cũng thấy vị trí con ngỗng này đứng (*) quá cao, hạ xuống mấy phân thì vừa vặn.”

(*) Ở đây họ Thôi chơi chữ, nguyên văn: “这呆鹅所处之位过高”, chữ “呆” vừa có nghĩa là ngu ngốc, vừa có nghĩa là dừng chân/nán lại.

Nhìn vẻ mặt gã vậy, mọi người đều biết lời gã nói có ý chế nhạo họa học chính, đều có xu thế không nhịn được cười. Ngực họa học chính phập phồng dữ dội, tưởng chừng như có thể ngất xỉu bất cứ lúc nào, có lẽ do không tiện nổi giận trước mặt chúng họa học sinh nên cuối cùng chỉ phất mạnh tay áo, chỉ ra ngoài cửa, lệnh Thôi Bạch: “Ra ngoài!”

Thôi Bạch không mất lễ nghi cúi thấp người thi lễ với hoạ học chính rồi ra khỏi cửa, nét cười ung dung trên bờ môi không giảm, bước đi đến là tiêu sái tự nhiên.

Ta hơi dịch bước, dõi nhìn gã đi xa. Niềm vui mà hành vi ngông cuồng của gã đem lại không địch nổi tiếc nuối trong lòng, ta lờ mờ cảm thấy, ngày gã rời khỏi họa viện chẳng còn bao xa.

Năm màu mực pha trong nghệ thuật tranh thủy mặc Trung Hoa cổ:Tiêu (cháy khét): bỏ nước mực đã mài nhuyễn vào nghiên, để bay hơi nửa ngày, mực tiêu dùng để vẽ những phần đậm màu nổi hình nổi khối. Mực tiêu là phần đen đặc riêng biệt trong cả bức tranh, đen mà bóng sáng. Nùng (nồng đậm): độ đen của mực nùng gần với mực tiêu, nhưng trong mực nùng có pha thêm chút nước nên không tạo hiệu ứng bóng sáng như mực tiêu. Trọng (trầm đục): Mực trọng đối lập với khái niệm mực đạm. Lượng nước pha vào mực trọng nhiều hơn mực nùng nên nhạt hơn nhưng so với mực đạm thì đen hơn. Đạm (nhạt loãng): Pha thêm nhiều nước hơn vào mực, tạo thành màu xám tro thì gọi là mực đạm. Thanh (trong vắt): Màu mực ở đây chỉ còn lại vẻn vẹn chút bóng dáng xám nhạt, chuyên dùng để thể hiện những hình tượng mơ hồ như sương sớm khói chiều.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.