8.
“Vâng, anh Thanh vừa trở về sau chuyến công tác ở Thượng Hải thì đã bị em kéo qua đây…”
Khi Trần Thụy đang nói được nửa câu thì điện thoại đột nhiên vang lên.
Một giọng nói hơi trầm thấp truyền ra từ bên trong: “Vẫn ổn chứ?”
“Ổn anh ơi, anh không cần lên đâu, giờ bọn em xuống liền.”
Trần Thụy vừa nói vừa xách vali của tôi: “Đi thôi chị ơi.”
Tôi không chần chừ nữa, cầm túi xách đi theo nó ra cửa.
Hình như Giang Lăng phía sau đang gọi tên tôi, nhưng bước chân tôi vẫn không dừng lại, càng không có chuyện quay đầu lại nhìn anh.
Xe của Kiều Nhất Thanh dừng ở bên đường.
Lúc chúng tôi đi qua đó thì cậu ấy đang ngồi trong xe.
Ngón tay dài mảnh khảnh gõ nhẹ trên vô lăng, không biết đang suy nghĩ gì.
Tôi nhìn đường nét gò má cậu ấy, tự dưng hơi thất thần.
Kiều Nhất Thanh là bạn cùng lớp hồi cấp ba của tôi, chúng tôi nổi danh là học sinh xuất sắc của khóa đó.
Nhưng tính cách cậu ấy rất lạnh lùng, tôi cũng khá hướng nội, nên tuy chúng tôi ngồi cùng bàn nhưng gần như không nói được mấy câu.
Sau tốt nghiệp, tôi cứ tưởng cả đời này tôi và cậu ấy sẽ không có có giao lộ.
Vậy mà tới hai tháng trước, Trần Thụy được nhận vào thực tập ở một công ty chứng khoán. Một lần nọ tôi tới công ty để tìm nó, lúc đó mới biết Kiều Nhất Thanh là lãnh đạo trực tiếp của nó.
“Anh Nhất Thanh.” Trần Thụy đột ngột hét lên.
Người đàn ông ngồi ở ghế lái quay đầu lại, trùng hợp bắt gặp ánh mắt tôi.
Tôi lễ phép chào hỏi cậu ấy, nghĩ trong giây lát rồi mở cửa hàng ghế sau.
Ngay khi tôi chuẩn bị ngồi vào thì thấy Kiều Nhất Thanh nói: “Lên ngồi phía trước đi.”
“Say xe thì nên ngồi ghế trước.” Cậu ấy nhẹ nhàng nói.
Tôi ngây ra một lúc, nhưng cũng không hỏi cậu ấy tại sao biết tôi say xe. Tôi chỉ lặng lẽ đóng cửa sau rồi đi tới vị trí lái phụ.
Trên đường đi, không ai trong chúng tôi nói thêm câu nào.
Về tới nhà đã là hai giờ chiều.
Kiều Nhất Thanh đưa chúng tôi tới chân cầu thang rồi tự mình lái xe về công ty.
Mẹ tôi bước ra khỏi bếp với hai cái đĩa, nhìn tôi một cách lạnh lùng, sắc mặt không được tốt lắm.
Khi thấy Trần Thụy, vẻ mặt của bà lại trở nên dịu dàng hẳn: “Tranh thủ đồ ăn còn nóng, mau ăn thôi.”
Bữa cơm này diễn ra vô cùng trầm lặng.
Mẹ không thích tôi nên lần này tôi không định ở nhà lâu, đợi tìm được chỗ thích hợp thì tôi sẽ chuyển đi.
Buổi tối, mẹ tôi ngồi trên sofa và đan len.
Có thể do tuổi tác đã lớn, thị lực yếu đi, bà ấy không để ý bông len màu xám đã rơi xuống đất.
Tôi bước tới, lặng lẽ nhặt bông len, đặt lên bàn trà.
Khi tôi chuẩn bị quay trở lại phòng, từ đỉnh đầu truyền tới câu hỏi trách cứ của mẹ tôi: “Tại sao con lại chia tay với Giang Lăng?”
Tôi từ từ đứng dậy, không nói lời nào.
“Giang Lăng bảo với mẹ rồi, chỉ là đồng nghiệp nữ tặng nó một cái đồng hồ thôi mà, có cái gì đâu, con cứ dày vò nó để làm cái gì?”
Tôi không dám tin mà nhìn bà ấy, cổ họng chợt cảm thấy hơi khô.
Mọi chuyện hình như cứ luôn thế này từ trước.
Khi còn nhỏ, tôi bị bạn cùng lớp bắt nạt cố tình ngáng chân tôi. Tôi về nhà kể với mẹ, bà ấy đang xúc cơm cho em tôi, nghe xong mặt bà không có cảm xúc gì, đã thế còn dạy cho tôi một bài học.
“Mày nói với tao làm cái gì, tại sao bọn nó không bắt nạt người khác mà lại chỉ bắt nạt mày? Mày không tìm được nguyên nhân từ chính bản thân mày sao?”
Lúc đó tôi không ngờ bà ấy lại nói ra được những lời dửng dưng như vậy. Tôi chết lặng tại chỗ.
Thằng em trai nhân lúc tôi đờ người ra đã giật tóc tôi, tôi vô thức đẩy nó một cái.
Còn chưa kịp phản ứng, một cái tát dữ dội đã được giáng lên mặt tôi.
Mẹ tôi vừa dỗ dành đứa em trai đang khóc vừa nhìn chằm chằm vào tôi một cách căm hận.
Tôi chạy ra ngoài với đôi mắt đỏ hoe, tôi không nhớ rốt cuộc mình đã chạy bao lâu. Mãi cho đến khi cạn kiệt sức thì tôi mới từ từ dừng lại, sau đó vùi mặt mình vào đầu gối.
Cuối cùng vẫn là Giang Lăng tìm được tôi.
Anh ấy vỗ nhẹ từng cái vào lưng tôi, không nói tiếng nào, như thể anh ấy đang giải tỏa nỗi uất ức của tôi từng chút một.
Lúc đó tôi đã nghĩ có lẽ mẹ sẽ không bao giờ đứng về phía tôi, nhưng Giang Lăng thì có.
“Thôi được rồi, chú ý chừng mực một chút. Ngày mai nó sẽ qua đón con, con cho nó một cái bậc thang để bước xuống, bỏ qua chuyện này đi.”
Lời trách móc của mẹ đã kéo tôi trở về hiện thực.
Bà ấy liếc nhìn tôi, rồi cúi đầu xuống tiếp tục đan len:
“Cho dù không nghĩ cho bản thân thì cũng nên nghĩ cho em trai mình. Mẹ của Giang Lăng là ai chứ, có nhiều tài nguyên như vậy, tương lai của em trai con…”
Tôi không biết mình đã về phòng kiểu gì, trong phòng không có bật đèn nên tối om như mực.
Bên ngoài phòng có tiếng cãi vã dữ dội, tôi ngồi bất động ở mép giường, nhìn chằm chằm ra cửa sổ.
Không biết qua bao lâu, cửa đột nhiên bị đẩy ra.
Ai đó ôm nhẹ lấy tôi, trán áp vào vai tôi, cố gắng kìm nén sự nghẹn ngào trong màn đêm tĩnh lặng:
“Chị ơi, em xin lỗi…”
“Em không biết tại sao mẹ cứ luôn như vậy, rõ ràng chúng ta đều là con bà…”
Tôi quay lại nhìn nó.
Có những giọt nước mặt lăn dài trên khuôn mặt trông rất giống tôi này, đôi mắt nó đỏ hoe.
Trong quá khứ, tôi đã cố gắng ghét Trần Thụy, chuyển hóa sự giận dữ, không cam lòng và sự thiếu thốn tình yêu của mẹ thành nỗi thù hận dành cho Trần Thụy, như thể làm vậy thì tâm trạng tôi sẽ đỡ hơn.
Nhưng sau khi nó hiểu chuyện, nó lại đối xử với tôi rất tốt, nên đến mỗi việc ghét nó thôi mà tôi cũng không làm được.
“Em đã thuê một căn nhà, vừa ký hợp đồng xong. Ban đầu em định ở đó một mình, nhưng giờ chị cứ qua đó ở trước đi.”
Cuối cùng, tôi nghe thấy nó kiên định nói:
“Chị có tương lai của riêng chị. Em sẽ chịu trách nhiệm cho tương lai của mình, chị không cần phải vì em hay vì bất kì người nào mà làm chuyện bản thân chị không muốn.”
“Chị à, ngày mai em sẽ dẫn chị đi chuyển nhà.”
______________________________
Người dịch: Mọi người biết sao tên nữ chính là 陈楠 Trần Nam không. Tác giả bảo là lấy ý tưởng từ việc không ít gia đình ở Trung Quốc quá mong sinh con trai nên dù đẻ con gái ra, họ sẽ lấy chữ 楠 Nam (đồng âm với 男 nam) để đặt tên cho con họ.