Hôm sau Dung trả tiền cho Hương chuyển sang phòng bệnh VIP, nơi này một ngày mở mắt dậy đã mất bảy trăm ngàn tiền phòng, so với cái giường hai trăm ngàn đông đúc người bệnh kia có thể nói là mắc hơn gấp mấy lần. Nhưng nàng thấy xứng đáng, để em ấy thấy nhiều thứ tiêu cực như vậy cũng không tốt.
Tiền lương giảng viên của Dung tổng cộng luôn cả làm vượt giờ và dạy thế luôn chỉ rơi vào số mười tám triệu một tháng, nếu ở phòng VIP một tháng mất đi tầm mười lăm triệu tiền phòng, vốn dĩ nàng phải tốn hai mươi mốt triệu nhưng mà thuê theo tháng cho nên được giảm trừ. Chỉ còn dư trong người ba triệu một tháng, chưa kể siêu âm cũng là tiền, thử máu cũng là tiền, mặc dù có bảo hiểm chịu một ít nhưng số dư ba triệu một tháng là không đủ, chưa kể còn đi lại ăn uống. Dung nghĩ nàng phải kiếm việc gì đó làm thêm.
Việc chuyển Hương sang phòng nho nhỏ riêng như ý định của Dung cho nên ba mẹ Hương cũng không góp tiền vào, mà nàng cũng biết làm sao họ có nhiêu đó tiền mà góp. Người là người của nàng nên trách nhiệm là của nàng đầu tiên, nàng không trách họ, cũng không nỡ trách họ.
Số dư còn lại Dung đều dành cho Hương, đồ ăn cũng là chuẩn bị cho em ấy ăn, có những buổi trưa nàng phải úp mì mà ăn rồi bảo rằng mình ăn ở nhà rồi, có những buổi sáng trước khi đi làm chỉ ăn mỗi ổ bánh mì không. Sống vất vả là thế nhưng Dung lại có một hi vọng lớn lao, nàng hi vọng Hương sẽ khỏe trở lại.
Hôm đó bác sĩ kêu Dung và ba mẹ của Hương để nói về bệnh tình của em ấy, tay nàng bất giác đổ mồ hôi, những khi bác sĩ nói như thế này nàng rất sợ, lần trước cũng là kêu nàng ra riêng rồi báo rằng Hương bị ung thư, nàng sợ lần này cũng là một tin tàn nhẫn như lần trước.
Bác sĩ theo thói quen hỏi: "Hai bác là cha mẹ của em Hương?"
"Đúng rồi bác sĩ, tụi tui là ba mẹ của Hương."
"Còn chị đây...?" Bác sĩ ý tứ nhìn sang Dung.
Dung chẳng nghĩ ngợi gì mà nói: "Là vợ."
"Vợ?" Bác sĩ trợn trắng mắt nghi hoặc nhìn ba Hương, chẳng nhẽ ông lại có cả hai cô vợ, một cô trạc trạc tuổi ông còn một cô thì thanh thoát như tiên nữ? Thật là một người đàn ông suиɠ sướиɠ nhất trần đời.
Bà Trân vội vã bào chữa: "Vợ của Hương, con dâu của ổng đó bác sĩ ơi."
Nghe bà Trân xác nhận mình là con dâu, còn là vợ của Hương cho nên trong lòng của Dung tràn đầy sự biết ơn, nàng biết ơn bà vì đã chấp nhận cho nàng trở thành một phần của gia đình, cũng cảm ơn bà vì không phản đối chuyện nàng ở bên cạnh Hương.
"Bây giờ để nói ngắn gọn cho hai bác hiểu thì bệnh này của em Hương cần phải ghép gan, số người xếp hàng đợi được ghép gan rất là đông, cho nên cũng rất khó để tìm được gan phù hợp cho Hương đúng lúc, đã vậy còn phải chờ đợi... Cách tốt nhất là người nhà tự xét nghiệm xem có phù hợp với em Hương không? Nếu phù hợp thì hiến tạng cho Hương."
Vì vậy nên ban nãy mới uổng công gã hỏi xem thử cô nàng đang đứng này có phải chị của Hương không, nếu là chị thì càng có cơ hội phù hợp cao, dù sao máu mủ ruột già chia sẻ cho nhau dễ hơn người ngoài. Nhưng đáng tiếc cô gái có bề ngoài thanh cao này lại là vợ của Hương, hai người chơi ô môi với nhau cũng thật đẹp đôi, ngày nào cô gái này cũng dịu dàng chăm sóc "chồng" mình, vừa ngoan ngoãn vừa lễ độ, đối xử với "chồng" mình rất tốt, có thể nói so với các cô gái không hiểu chuyện khác thì cô gái này chẳng khác gì ngọc quý.
"Mẹ với ba đồng ý cho gan cho Hương không ạ?"
Dung hỏi ý ba mẹ Hương, ba mẹ Hương cũng không tiếc gì với con gái của mình, gật đầu ngay tắp lự.
Nàng trả lời với bác sĩ: "Vậy ba người chúng tôi đều muốn xét nghiệm xem thử có phù hợp không, bác sĩ giúp chúng tôi nhé?"
"Được, nhưng mà tôi cũng nói luôn là chi phí ghép gan rất cao, gia đình chuẩn bị sẵn từ một tỷ đến một tỷ rưỡi đi, dư dả thì hai tỷ."
Hai tỷ, ngay lúc này hai tỷ là một con số rất lớn đối với Dung, nàng bây giờ tiền ăn còn không có để ăn, làm sao có được hai tỷ?
Sau khi bác sĩ xong rồi ba người cùng nhau đi ra ghế đá ngồi nói chuyện, bà Trân buồn rầu nghĩ đến số tiền hai tỷ lớn lao kia, chẳng nhẽ bà lại vì tiền mà mất con mình sao, chả nhẽ cuộc đời lại khốn nạn đến vậy sao?
"Bà ơi, về mình bán nhà đi! Mình phải cứu con, bằng mọi giá mình phải cứu con..."
"Tôi sợ không đủ quá ông ơi..."
Nói rồi bà Trân lại òa lên mà khóc, bà thương con bé mới hơn hai mươi tuổi đầu đã dính phải căn bệnh hiểm nghèo, thương con mình còn chưa thật sự ra đời đã bị loại chuyện như thế này.
"Ba mẹ đừng bán, ba mẹ lớn tuổi rồi cần có nơi đi ra đi vô, con còn nhỏ, nhà rồi sẽ kiếm lại được..." Dung cảm thấy chua xót xen lẫn trong lời nói, cho dù nàng có trở thành vô gia cư nàng cũng phải cứu cho bằng được Hương, cứu em ấy được rồi nàng có thể nắm tay em ấy cùng gầy dựng lại mọi thứ, đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn. Nàng chỉ hi vọng tiền có thể đổi lấy mạng của Hương...
"Con bán căn nhà của con, dù sao con cũng mua lại được."
Mà căn nhà nhỏ này ngày ông bà lên thành phố thường ghé sang ở nhờ, nhà rất ấm cúng, đôi chim uyên ương bọn nó sống cũng rất hòa thuận nên ông bà rất vui. Ông bà còn tưởng bọn nhỏ đã an cư lập nghiệp rồi, ai ngờ lại thành ra cớ sự.
Đôi khi bà nghĩ rằng chẳng thể nào tìm ra được một đứa con dâu ngoan như Dung, con bé yêu thương con Hương đến độ ngay cả người là mẹ như bà còn chịu thua. Có những chuyện tuy là mẹ nhưng bà làm không được, ví dụ như con gái của bà hay ói mửa, chất nôn đậm mùi khó chịu là thế nhưng Dung lại chẳng hề nhợn ói một cái nào, dọn rất nhanh. Bản thân bà khi thấy con gái mình nôn bà nhợn ói vài ba cái, đôi khi còn quá trớn mà nôn theo.
Cả đêm bà có thể ngủ thẳng giấc nhưng Dung chưa bao giờ ngủ thẳng giấc, con bé chỉ cần nghe động một cái thôi đã bật dậy, vậy nên mỗi lần Hương muốn đi vệ sinh con bé đều là người dìu Hương đi vệ sinh. Có một ngày Dung bận phải ở nhà soạn cho xong bài không canh chừng qua đêm được, sáng Hương phải ôm cái bụng đau của mình lết từng bước vào nhà vệ sinh để đi, lúc đó bà mới biết được cha mẹ thân thích cũng không bằng vợ chồng hai đứa nó, lúc này bà mới thương Dung thật sự.
Con bé chẳng biết vì sao lại dính phải con gái bà, rồi thương con gái bà đến độ ngay cả người làm mẹ như bà cũng cảm thấy áy náy. Không phải bà không biết Dung nhịn đói, nó nhịn đói đến độ người xanh xao như tàu lá chuối, mà bà biết nhịn không phải vì giảm cân hay lười ăn, con bé không còn tiền để ăn nữa rồi.
Vậy nên bà thường dúi vào tay con bé vài ba trăm, đôi khi là ổ bánh mì hay một tô cháo, bà mua gì cho chồng ăn thường mua thêm cho Dung một phần. Bà biết Dung hiểu, cũng có đôi khi bà nghĩ liệu chồng bà bị bệnh bà có đối xử với ông tốt bằng Dung đối xử với con gái bà? Bà nghĩ rằng bà không thể, bà không thể vừa làm lụng cực khổ vừa giữ gương mặt dịu dàng đó đối với chồng, vừa nhịn đói vừa giả vờ mình ổn, bà không làm được.