(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq"); Sáng sớm hôm sau người đưa sữa lại giao sữa, anh Vũ con lại ôm hai chai sữa vào nhà, đều đặn như mọi ngày. Thấy Vũ Huy Kim đứng trước cửa phòng ngủ như định đi vào, anh Vũ con vội đặt chai sữa xuống bàn rồi túm áo Vũ Huy Kim, bảo: “Ba ơi đừng gọi anh dậy.”
Vũ Huy Kim nói khẽ: “Giáo viên chủ nhiệm lớp anh con đang ý kiến với ba chuyện anh con trốn giờ tự học sáng đây, thằng nhỏ này còn bênh anh nữa.”
Anh Vũ con xoa xoa mấy ngón tay, lẩm bẩm đáp: “Ba biết anh không thích ngồi giờ tự học sáng mà.”
Tính bắt ảnh làm gì trong lúc người ta ê a gạo bài?
Vũ Huy Kim khựng lại rồi ngồi xổm xuống, xoa tay đứa con nhỏ, anh ta nói như giỡn: “Người sống trên đời có bao nhiêu điều không thích hả con, chẳng lẽ không thích mà không làm?”
Anh Vũ con nghiêm túc đáp: “Chưa cần phải làm thì mình không làm, ba đừng gọi anh dậy.”
Tự dưng thấy cũng vui, Vũ Huy Kim vỗ vỗ đầu thằng nhỏ, bảo: “Ừ biết rồi, thưa anh Vũ con.”
Tính ra ‘nóc nhà’ ở nhà họ Vũ này chính là anh Vũ con.
Thằng bé đánh răng rửa mặt xong mới vào phòng ngủ gọi anh nó dậy. Như mọi ngày, nó nhét tờ danh sách vào tay anh nó. Danh sách này là hôm qua bạn cùng lớp đưa cho Vũ Thành Vãn ghi một hàng dài những món cần nhờ cậu mua. Thường mỗi người đều ăn cố định một món, anh Vũ con xem hai lần là thuộc. Cũng có khi có người muốn đổi khẩu vị nên vẫn cần ghi danh sách mỗi ngày. Thật ra lúc đầu không có danh sách, nhưng về sau anh Vũ con thấy càng ngày anh nó càng cầm về lắm mẩu giấy nhắn nên nó chủ động bảo ghi thành một tờ thôi.
Như thế là không sợ sót món, đầy đủ, rất tuyệt vời.
Trên đường Vũ Thành Vãn đợi một đèn đỏ nên đến lớp muộn hai phút. Lũ học sinh ùa tới vây cậu như đàn sói đói, chúng đứng luôn ở dãy bàn cuối chia đồ ăn. Trần Tụy vẫn ngồi tại chỗ, hình như nó chẳng xuống nhà ăn bao giờ, mà cũng không ai để ý đến nó. Có đứa chen vào dẫm lên chân Trần Tụy nhưng chẳng thèm xin lỗi, chỉ liếc nó một cái rồi xách túi về bàn mình.
Trần Tụy bị chen lấn thành ra thừa thãi, cậu cũng ngại không dám lôi túi bánh khô trong ngăn bàn ra. Vũ Thành Vãn đặt túi thức ăn xuống mặt bàn Tiển Binh, Tiển Binh lúc này chắc đang ở nhà ăn chưa lên.
Mãi đến khi đám đông chia đồ ăn xong đi hết Trần Tụy mới thò tay vào sờ túi trong ngăn bàn, đúng lúc Vũ Thành Vãn nhìn qua, nó giật mình khựng lại, mắt tròn xoe như chơi ú òa một-hai-ba. Cặp mắt đen mà sáng, đơn thuần như một con thú nhỏ. Vũ Thành Vãn đưa cho Trần Tụy một quả trứng luộc.
Trứng này là anh Vũ con nhét vào túi cậu, bảo là để kết bạn với bạn mới chuyển đến.
Bấy giờ Trần Tụy mới thấy trong túi ngực áo đồng phục màu trắng của Vũ Thành Vãn có cài một chiếc bút máy, nắp bút bằng nhôm ánh ánh sáng trước ngực cậu. Đây là lần đầu tiên Trần Tụy thấy người tuổi này cài bút trên túi áo mà không hề có vẻ ông cụ non, cũng không có gì kỳ lạ, trông cứ tự nhiên vậy, không để ý có khi không nhận ra. Cậu cảm thấy Vũ Thành Vãn cái gì cũng tốt, cây bút cài rất gọn, hơi cong cong, hợp với bộ đồng phục.
Vũ Thành Vãn bị Trần Tụy nhìn một hồi lâu, gần đây nhất chỉ có con chó con trong hẻm nhìn cậu lâu như vậy. Cậu cầm quả trứng luộc lên, làm bộ định cụng vào trán Trần Tụy. Trần Tụy lập tức nhắm chặt hai mắt, hàng mi dày hơi run run.
Sao cứ phải nhắm tịt mắt như người ta định đánh mình thế? Vũ Thành Vãn bóc trứng hộ nó, động tác bóc trứng coi cũng rất điệu nghệ, tiếc là Trần Tụy nhắm mắt nên không được thấy.
Cậu đặt quả trứng đã bóc một nửa vào tay Trần Tụy rồi trở về chỗ ngồi, bạn trong lớp cũng đang lục tục vào.
Trần Tụy kinh ngạc nắm quả trứng trong tay, cậu rất muốn quay đầu lại nhưng sợ bị nạt nên chỉ dám lén lút liếc liếc về sau nhìn Vũ Thành Vãn.
Vũ Thành Vãn ngước lên từ cuốn sách, vừa hay cho Trần Tụy thấy cặp mắt một mí, hôm qua rõ ràng là hai mí mà nhỉ. Một mí cũng đẹp, một mí cũng đẹp, Trần Tụy thầm nhẩm hai lần câu ấy, nhẩm xong lại thấy mình kỳ kỳ, tự dưng nghĩ vớ vẩn.
Tiển Binh đi ăn lên là bắt đầu than vãn: “Nguy to nguy to rồi, cuối tuần nghỉ, tuần này phải thi tháng rồi.”
Thế là trong lớp bắt đầu vang lên tiếng rền rĩ, lại thi nữa à? Lúc chia lớp đã thi một lần, mới chia xong không bao lâu lại thi nữa!
Mấy đứa thành tích xếp chót bắt đầu tụm lại với nhau, bàn tính chuyện lẻn vào văn phòng trộm đề thi. Trần Tụy nghe thấy thì giật mình, ngơ ngác nhìn nhìn tụi nó rồi bị một đứa dứ nắm đấm lên dọa. Cậu vội vàng gục mặt xuống, làm bộ không nghe thấy gì cả, tim cậu đập bình bịch bình bịch.
Vũ Thành Vãn thấy Tiển Binh quay xuống, giở giọng lưu manh bảo: “Tao ngồi sau mày mày cho tao chép nhá.”
Cậu không đáp, người Trần Tụy cứng đơ như đang tò mò hóng chuyện nhưng không dám quay đầu lại, sợ lại ‘mạo phạm’ ai.
Tiển Binh thình lình đạp ghế Trần Tụy một phát, Trần Tụy sợ rúm ró, lại nghe nó làu bàu: “Thi xong lại họp phụ huynh, chán thật.”
Lúc này Vũ Thành Vãn chìa tờ giấy trước mặt nó, lối chữ cứng cáp, ghi rằng: Tao khoanh đề cho mày, mày tự giải. Đừng trút giận vào nó.
Tiển Binh nheo mắt, cười hì hì bảo: “Ơn cứu mạng này thiếp xin…”
Vũ Thành Vãn giơ tay ý bảo nó nín giùm.
Một hôm sau nữa là thi, thi xong được nghỉ luôn. Tiển Binh tin tưởng Vũ Thành Vãn thật, khoanh đề của Vũ Thành Vãn thật ra là cậu thu gọn phạm vi ôn rồi cho Tiển Binh học gạo. Lúc đi thi coi như mèo mù đụng chuột chết, trúng được câu nào thì trúng. Dù sao với thành tích của Tiển Binh mà tự dưng thi được điểm cao quá nghe cũng ảo, có khi lại bị thầy cô nghi là gian lận.
Trần Tụy còn căng thẳng hơn Tiển Binh, điểm của cậu vốn không cao, thật sự là không cao, lần nào đến kỳ thi cũng vắt giò lên cổ. Tiển Binh cần cố gắng, cậu còn phải cố gấp mấy lần Tiển Binh, cậu ôm sách giáo khoa nhắm mắt gạo bài, chỉ thiếu điều lắc lắc đầu theo nhịp đọc. Lần nào thấy cậu như thế Tiển Binh cũng phì cười rồi đắc ý chỉ mấy câu thơ cậu đang học và bảo lệch tủ rồi, không thi cái này đâu. Cậu tròn mắt ngạc nhiên, chưa thi sao đã biết thi cái gì?
Đến khi thi Trần Tụy mới biết Tiển Binh nói đúng.
Mà Tiển Binh nhận đề xong sướng quá cười toe toét đến mức thầy giám thị phải tới nhắc nhở nó nếu giấu tài liệu thì nộp ra ngay, để thầy bắt gặp thì không còn gì để nói đâu.
Tiển Binh cứ vênh vang làm thầy giám thị đứng cạnh canh chừng nó mất mười phút.
Thi xong mọi người dọn đồ chuẩn bị về nhà, Vũ Thành Vãn ở lại đến cuối cùng để chờ cha cậu. Kỳ này Vũ Huy Kim cũng đi trông thi, thu bài xong còn thủ tục niêm phong nên đương nhiên sẽ về trễ hơn học sinh.
Vũ Thành Vãn đứng trước cửa văn phòng, cậu gõ một cái Vũ Huy Kim thấy là cậu thì bảo: “Con về trước đi, qua chợ mua con cá nhé. Hôm nay mẹ đi công tác về, nhà mình ăn cá.”
Vũ Thành Vãn gật đầu, xuống nhà xe lấy xe đạp. Trên đường có nhiều học sinh đi thành tốp, cậu đạp xe, hình như thấy có bóng lưng ai giống Trần Tụy.
Dáng Trần Tụy không khó nhận ra, lúc nào cũng liêu xiêu, ống tay áo hoặc ống quần luôn có vết bẩn, kiểu vết bẩn cũ không được giặt ngay nên hằn vào vải. Hình như gia cảnh nó không tốt lắm, Vũ Thành Vãn đạp xe chậm lại, nhìn cái cặp sách phồng căng nó đeo trên vai, cậu nghĩ thầm nghỉ có ba ngày nó mang nhiều sách về nhà vậy để học ư?
Trần Tụy đi rất nhanh, không biết định bắt xe ở đoạn nào. Đến chỗ rẽ Vũ Thành Vãn cũng không để ý đến nó nữa.
Trần Tụy phải lên một chiếc xe buýt đi suốt tuyến, ngồi một lèo đến trạm gần nhà nhất thì xuống xe. Từ đó cậu đi bộ trên bờ ruộng dài vô tận, đường đất lầm lầm bụi, cậu mà không đi nhanh khéo về đến nhà không còn cơm ăn. Hậu quả của việc đi nhanh là đôi giày vải bị lấm bẩn hết.
Cậu vẫn đi loại giày nhà tự làm, thứ giày này không hề thời thượng, thật ra là trông rất quê mùa nhưng lại êm chân. Lần nào Trần Tụy cũng tự nhủ như thế, giày đi mua đều cứng lắm, mài trầy hết chân.
Thế kỷ mới, một thời đại mới đến, có người càng ngày càng sung túc, cũng có những người thợ thủ công càng ngày càng nghèo khó.
Người cha làm thợ đan lát của Trần Tụy lúc này không kiếm được bao nhiêu tiền, nghề thủ công năng suất thấp lại không thể bán giá quá cao, không bon chen được với máy móc nên cứ mỗi ngày mỗi nghèo hơn. Trần Tụy không thích đi học, cậu chỉ muốn đan rổ trúc theo cha rồi cũng gánh lên chợ phiên bán. Cha cậu không đồng ý còn cầm giày đập cậu, bảo cậu thối chí, cạn nghĩ. Nốt ruồi lệ dưới khóe mắt Trần Tụy hình như chính là khóc quá mà thành, cũng có thể là sinh ra đã có nó, cậu chẳng để ý. Lớn lên mới nhận ra dưới mắt mình có nốt ruồi.
Người ta bảo đó là nốt ruồi hứng lệ, người có nốt ruồi lệ trời sinh hay khóc. Trần Tụy thầm nghĩ rằng đâu phải, cậu chỉ khóc mỗi hồi đòi nghỉ học thôi, sau này chẳng bao giờ cậu khóc.
(function(w,q){w[q]=w[q]||[];w[q].push(["_mgc.load"])})(window,"_mgq");