Bùa Yêu

Chương 12: Bùa báo ứng (5)




Báo ứng? Thị Hoa nghe thầy cường nói mà hai mắt trợn tròn, còn chưa hỏi ra nhẽ thì người đã đi mất, thái độ giận dữ và trống rỗng đó, cô ta chưa từng thấy ai như vậy trước đây. Việc của thầy cúng là giải hạn cho gia chủ, chứ đâu phải là nguyền rủa gia chủ, nói cô ta chịu báo ứng là có ý gì? Thị Hoa đuổi theo đến cửa thì không thấy người đâu, trong lòng bực tức thầm chửi một tiếng, cũng chẳng biết tài phép ra sao mà dám mạnh mồm như thế, nghĩ mình to bằng ông trời hay gì? Hoặc là muốn làm tiền, gần đây nhiều người bị lừa kiểu này lắm, phán thì rõ kinh, xong ra vẻ cao tay nhưng thực chất chỉ là muốn vòi tiền. Đã thế cô ta cũng không cần, ngoài kia thiếu gì thầy cúng, muốn làm mình làm mẩy thì đi chỗ khác!

Thị Hoa trở vào nhà, thấy chồng hỏi thầy cúng vừa ở đây đã đi rồi sao, cô ta hừ lạnh một cái, nói là người đó thấy khó nên bỏ rồi, phong thủy trong phòng có hơi rắc rối nên hôm nào phải tìm thầy khác xem lại. Chồng Thị Hoa chậc lưỡi, nói hay là không cần đặt bàn thờ nữa, nhà chung cư thờ cúng làm gì, cô ta lập tức gắt, đã nói thì phải làm, không được gì thì cũng yên lòng, chứ dạo này lắm chuyện nóng ruột lắm. Lúc đó đứa con trai của Thị Hoa với tay muốn theo cô ta, sẵn bực trong người, cô ta đẩy con về phía chồng, không thèm bế nó, còn hỏi nó đã nói gì với thầy cúng vừa xong. Mặt đứa trẻ buồn xo, nó phụng phịu không đáp, Thị Hoa nghi ngờ, về sau cô ta tiếp xúc rất dè chừng với nó.

Hai ngày sau Thị Hoa tìm được một thầy cúng mới, người này nhà ở Bắc Ninh, hành nghề cũng trên dưới chục năm, xem tướng giải hạn rất tài, tuy nhà không mở điện nhưng thường đi hầu ở các chùa chiền lớn, tiếng tăm cũng gọi là đảm bảo. Thầy cúng hẹn chiều nay sẽ qua xem nhà Thị Hoa, dặn cô ta mở hết các cửa chính cửa sổ, tắt hết đèn đóm, đúng giờ mùi thì thầy sẽ đến nơi. Quả nhiên đồng hồ vừa điểm hai giờ thì ngoài cửa nhà có tiếng gõ cóc cóc, Thị Hoa lập tức ra đón người, trông ông thầy cúng này khí chất có xịn hơn thầy cường, hơn nữa đồ nghề đem theo cũng rất ra dáng một người trong nghề.

Không cần nói nhiều, ông ta đếm số cửa trong nhà, bốn cửa chính, ba cửa sổ, nhẩm tính một chút, đột nhiên thốt lên:

- Tam phụ hướng đông tứ thông hướng bắc, không có hạn! – lại nhìn quanh trong nhà, nhíu mày tiếp – nhưng sắc tối bất thường, ngoài sáng, trong sáng, riêng giữa nhà tối, tứ diện tựu về một điểm, nói theo tâm linh thì thông thường tứ diện sẽ chạy thẳng theo sống nhà, bao bọc lấy căn nhà, tựu lại như vậy tức là nhà này đã bị phá trận, dù là vô tình hay cố ý thì trong nhà ắt sẽ có vong trú ngụ.

Thầy cúng nói một mạch không để ai chen vào, so với người lần trước thì phong thái dứt khoát hơn, trừ những cái rườm rà đi thì chốt lại là nhà này có vong ám, cũng không đợi vợ chồng Thị Hoa kịp phản ứng, ông ta đã hỏi tiếp:

- Dựa theo bát tự của cô, thì tháng trước là tháng xung, trong nhà có người bị tai nạn phải không?

- Vâng, tôi bị ngã xe hôm mùng năm – Thị Hoa đáp.

- Đã giải hạn chưa?

- Rồi ạ.

- Lấy gì giải?

- Lấy... là sao thưa thầy? – Thị Hoa khó hiểu hỏi lại.

- Hạn là cái gì? Hạn là tai ương nghiệp chướng mà cô gặp phải, không giải đi thì cô thiệt, mà muốn giải thì cô phải đánh đổi, tiền chỉ là lệ phí giải hạn thôi, thế sau khi giải hạn cô mất cái gì?

Thị Hoa nghĩ ngay tới Văn Phi. Sau khi làm lễ thì cô ta và hắn liền chia tay, cũng chẳng rõ lý do là gì, giờ nghe thầy cúng giải thích mới thấy đúng là có chuyện như thế thật. Nhưng mà cô ta không thể nói mình đổi tình để giải hạn được, ngập ngừng giây lát mới đáp:

- Mất việc...tôi đã bị đuổi việc ở spa...

- Không đúng – thầy cúng bỗng ngắt lời cô ta, khiến cho cô ta biến sắc – cô vẫn chưa giải được hết hạn, tại vì thứ mà cô đánh đối vẫn còn dây dưa với cô.

Dây dưa cái gì? Thị Hoa chột dạ, Văn Phi với cô ta đã cắt đứt liên lạc rồi, còn dây dưa gì nữa? Cái thai! Lòng chợt lạnh băng, cô ta nhớ ra là mình từng có thai với hắn, vậy thì đúng rồi, ông thầy cúng này quả nhiên tài giỏi. Tim Thị Hoa đập dồn dập, cô ta run giọng hỏi:

- Vậy thì phải làm sao thưa thầy?

Thầy cúng bấm độn, hai con mắt đảo qua đảo lại, trông có vẻ đang tính toán gắt gao lắm, ông ta gật gù một lúc mới đáp:

- Hạn thì không lớn, nhưng kéo theo một vong nữa, mà còn là vong nhi, cô đã làm gì vậy?

Thị Hoa bị hỏi thì cứng họng, vốn dĩ không nghĩ đến thầy cúng sẽ có loại điều tra như vậy, cô ta hoang mang nhìn sang chồng mình, thấy anh ấy nhíu mày, thầm than không ổn, lập tức chối:

- Tôi không biết!

Thầy cúng ấy vậy mà không quan tâm lời cô ta, chỉ chăm chú xem xét căn phòng, sau một hồi tra hỏi, ông ta nói với hai vợ chồng Thị Hoa rằng:

- Cô chuẩn bị những thứ này cho tôi, bắt đầu từ mai đúng giờ dậu tôi sẽ đến làm lễ, liên tiếp mười ngày, mỗi ngày nửa canh, đảm bảo nhốt được vong, đuổi được hạn – thầy cúng vừa nói vừa đưa ra một tờ giấy, trên đó viết chi chít những chữ và số, trong những thứ cần mua, Thị Hoa đọc thấy có một con búp bê.

Hôm sau anh Nam đưa con trai sang nhà ông bà nội gửi, một phần vì đứa trẻ không cần thiết phải tham gia vào quá trình làm lễ, phần khác vì đã rõ trong nhà có thứ không sạch sẽ, trẻ con yếu bóng vía sợ là sẽ bị ảnh hưởng, vẫn nên để nó tránh đi thì tốt hơn. Chiều hôm đó thầy cúng tới làm lễ đúng giờ, Thị Hoa đã chuẩn bị một chiếc bàn gập nhỏ, trên đặt một lon gạo muối đầy có chóp, nhang đèn, hoa quả, và một con búp bê. Thầy cúng lấy ra từ trong túi một chiếc khánh đồng, một tập giấy đỏ, nghiên mực bút lông, và một đài âm dương. Rất nhanh thầy gõ vào cái khánh nghe coong một tiếng ngân dài, xong thắp một nén nhang cắm vào lon gạo muối, miệng lầm rầm khấn, tay viết xuống giấy đỏ hí hoáy, cứ dừng bút là thầy lại gõ vào khánh, liên tiếp như thế, cho đến khi nhang cháy hết. Thầy cúng buông bút, cầm đài âm dương lên vái ba vái rồi tung hai đồng xu vào đĩa, ông ta nhìn kết quả hồi lâu, tay bấm độn, cuối cùng lại vái ba vái rồi cầm tập giấy đỏ đã viết, quay lại nói với Thị Hoa:

- Đây là những tội trạng mà cô mắc phải, hạn của cô đều từ tội mà ra, tôi kêu cầu để các ngài chỉ cho đấy, mau lạy tạ rồi ra kia đốt đi.

Thị Hoa răm rắp làm theo, trong lúc đó thầy cúng thu dọn đồ đạc, dặn dò ngày mai cứ như thế tiến hành, dứt lời liền nhanh chóng rời đi. Lúc cất đồ cúng, Thị Hoa cầm con búp bê lên, không hiểu sao cô ta cảm thấy nó ấm ấm, nhưng cảm giác ấy không đủ để cô ta nghi ngờ, để nó lên kệ tivi rồi cô ta cũng không quan tâm đến nữa. Ngày thứ hai thầy cúng đem đến một mảnh nhiễu điều, một cái bình nhỏ, ba cái vòng bạc và đài âm dương. Lần này ông ta đeo vòng vào cổ và hai tay con búp bê, trùm mảnh nhiễu điều lên đầu nó, sau mới thắp hương và đọc bài khấn. Thẻ nhang cháy hết thì bài khấn cũng kết thúc, ông ta cầm đài âm dương lên vái ba vái rồi tung hai đồng xu vào đĩa, xem kết quả xong lại vái ba vái, cuối cùng là lắc lắc cái bình nhỏ rồi đổ nước vào lon muối gạo. Thầy cúng đưa lon muối gạo tới cho Thị Hoa, nói:

- Cô đổ một lượng muối và một lượng gạo ra đĩa, để cùng với con búp bê, còn lại đem vãi ra bốn phía xung quanh nhà, mai chuẩn bị lon gạo muối mới.

Thị Hoa làm y như lời thầy cúng, nhiễu điều và vòng bạc ông thầy thu về, cô ta sau đó lại đem con búp bê để lên kệ tivi như cũ, thêm đĩa muối gạo bên cạnh. Đêm hôm đó đang ngủ, hai vợ chồng bị tiếng lạo xạo ngoài phòng khách làm cho tỉnh giấc, anh Nam phải dậy đi quanh nhà xem có chuột bọ gì cắn phá hay không, nhưng tuyệt nhiên không có. Tiếng lạo xạo cả đêm không ngừng, cứ đều đều nghe gai hết cả người, tới mức nhắm mắt mà Thị Hoa cũng mơ thấy, mình đang đi trên đường, dưới chân trần là đá sỏi, mỗi bước giẫm lên cạnh đá đều đau rát, nhưng cô ta không thể dừng lại, sau lưng dường như có mối nguy đang đuổi riết, cảm giác kinh hãi tột độ. Sáng hôm sau cô ta bừng tỉnh vì một cơn chuột rút, đau tới chảy nước mắt, đến lúc cơn đau qua đi Thị Hoa cũng quên tiệt mất giấc mơ đêm qua như thế nào, nhớ lại cái gì cũng rỗng không cả.

Ngày tiếp theo thầy cúng không bày vẽ thêm gì khác, chỉ đưa cho hai vợ chồng Thị Hoa mỗi người một tập giấy, là kinh siêu độ để đọc cùng với thầy khi làm lễ. Ba ngày liên tục đều như vậy, thầy tới thắp hương, khấn vái một lượt xong bắt đầu đọc kinh, đọc hết ba mươi phút thì nhang tàn, trước khi rời đi thầy chỉ bảo từ giờ bữa cơm trong gia đình sẽ có thêm một bộ bát đũa, mọi người cứ dọn ra ăn bình thường, không phải kiêng kị gì cả. Gia đình Thị Hoa từ hôm làm lễ đã phải tách đứa con nhỏ ra, nhưng cô ta lúc bấy giờ bỗng cảm thấy trong nhà như có thêm ai đó, ban ngày thì đồ đạc tự nhiên xô lệch, đống đồ chơi của con trai để trong góc cứ vương vãi mỗi nơi một món, đặc biệt là những tiếng động lạ cứ thỉnh thoảng lại phát ra từ phòng khách.

Còn ban đêm, cảm giác đó lại rõ rệt hơn hẳn, giống như sau lưng luôn có người nhìn về phía mình, Thị Hoa chột dạ không biết bao nhiêu lần, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai xung quanh. Đỉnh điểm một đêm, cô ta ngồi trong phòng ngủ gọi videocall cho người bạn, đang nói chuyện vui vẻ, bỗng người bạn kia hỏi, đó là con trai cô ta phải không? Thị Hoa lấy làm khó hiểu, người bạn kia chỉ ra phía sau cô ta, bảo nó đang ngồi ở cạnh bàn hay gì đó. Thị Hoa giật phắt người lại, phía sau tất nhiên không có ai, nhưng trước đó mắt cô ta đã kịp bắt được một thứ, rất nhanh, giống như là bóng ảnh của một đứa trẻ ở cạnh bàn.

Nói cô ta sợ thì có sợ, nhưng đó chỉ là cảm giác ngày đầu tiên, hai ngày sau, kỳ lạ thay Thị Hoa dần dần quen với những hiện tượng bất thường trong nhà. Khác với trước đây, cô ta không giật mình, càng không tìm mọi cách xua đuổi thứ kia đi, Thị Hoa nhận ra giữa mình và nó tồn tại một cảm giác quen thuộc mơ hồ, vì mỗi ngày cô ta đều đọc kinh siêu độ nên áp lực trong lòng cũng từ từ giảm bớt, thay vào đó là sự giác ngộ. Vong nhi kia đối với Thị Hoa không hề có ác ý, nó chỉ quanh quẩn bên cạnh một cách kiên nhẫn, chính thầy cúng đã nói, vong nhi không có dấu hiệu quấy phá, mục đích của nó khi ở trong nhà này có thể là vì chưa hoàn thành chấp niệm lúc sống. Chỉ là vong nhi này đối với con trai của cô ta lại không hòa hợp được, thầy cúng không nói rõ nhưng đã có ý ám chỉ nguyên nhân sâu xa có thể nằm ở Thị Hoa.

Sau ba ngày cầu siêu, thầy cúng lại dùng ba ngày tiếp theo để trấn yểm khắp căn nhà, ông ta đem bùa chú dán bốn phương tám hướng, đem cọc đóng lên cửa, đem nước vẩy xuống sàn, hành động quyết liệt khác hẳn so với những lần trước. Nhìn mỗi lần thầy cúng ra tay, lời nói ầm ầm như gió bão, không phải khấn lầm rầm mà giống như những câu khẩu quyết trừ tà, hô phong hoán vũ liền ba ngày, tới cả sắc mặt của mỗi người đều thay đổi. Thầy cúng mặt đỏ mắt trắng, giống như thiên lôi nhập, anh Nam nghẹn họng trân trối, đây là lần đầu tiên anh ấy thấy người ta làm phép dữ dội như vậy, riêng Thị Hoa thì mặt cắt không còn giọt máu.

Không hiểu sao cô ta lại nóng lòng sốt ruột quá, đêm ngủ trằn trọc không yên giấc. Thị Hoa bị tiếng thầy cúng làm cho ám ảnh, mỗi lần ông ta hô lên là một lần cô ta giật thót, đêm về nhắm mắt liền nhớ đến khuôn mặt dữ tợn đó, giống như thầy cúng nhắm vào cô ta mà trợn trắng mắt, nghiến răng làm phép, nếu trừ tà mà khiến người sợ hãi, vậy là người đó bị ma làm phải không? Cô ta tính ngủ không được, nửa đêm bật dậy đi loanh quanh trong nhà, lòng cứ nặng trĩu không cách nào tháo xuống được. Đến đêm thứ hai, Thị Hoa ngồi ở phòng khách, đầu óc vẫn ong ong tiếng gõ khánh lúc chiều, đang vỗ đầu thì nghe có tiếng động rất khẽ bên cạnh, cô ta bất giác nhìn, thì hóa ra là con búp bê vừa rơi từ trên kệ tivi xuống đất.

Thị Hoa nhặt con búp bê lên, không nghĩ tới nó lại nặng như vậy, từ hôm cầu siêu tới nay trọng lượng của nó hình như có thay đổi, cô ta phải cầm hai tay mới đỡ được nó lên. Từ hôm mua về đến giờ Thị Hoa không để ý, hôm nay vô tình nhìn vào mặt con búp bê mới thấy, nó khá xinh đẹp. Mắt mũi miệng rất tinh xảo, còn biết nhắm mắt mở mắt linh hoạt, cô ta ngắm nghía nó hồi lâu, tự thấy ưng ý, kích thước cũng vừa vặn một cái ôm, thế là cô ta ôm nó đi ngủ. Ấy vậy mà từ đêm hôm đó Thị Hoa lại ngủ được bình thường, không mộng mị, cảm giác yên tâm này có phần giống với những khi ôm đứa con trai vào lòng, vừa ấm áp vừa êm dịu.

Rất nhanh đã đến ngày thứ chín làm lễ, hôm đó thầy cúng bắt đặt bàn ở ngoài trời, gọi là cúng trung thiên, có thịt sống, gạo muối và vàng mã, khác một cái là ông ta không xin đài âm dương như trước, vợ chồng Thị Hoa đợi thầy làm lễ xong thì đem gạo muối ra đường vãi, vãng mã cũng đốt đi, coi như các bước chuẩn bị tới đây là hoàn tất. Quá trình từ trấn yểm nhà cửa, siêu độ vong nhi, đến cúng bái thánh thần thiên địa đều đã ổn thỏa, việc cuối cùng mới đến giải hạn cho gia chủ, thầy cúng sẽ giải quyết nốt vào ngày thứ mười, ông ta dặn Thị Hoa mua một mâm lễ gồm hoa quả chè thuốc, hai hình nhân giấy, thêm một cái chậu nhôm để đốt vía nữa, đặc biệt khuyên hai vợ chồng không được ra khỏi nhà từ giờ Tỵ tới hết giờ Ngọ, ở trong nhà thì không được đốt lửa, đây là thời điểm tâm linh nhạy cảm, chỉ cần sơ suất đều sẽ gây họa.

Đêm hôm đó, lúc làm lễ xong Thị Hoa nhớ là đã đem con búp bê vào phòng ngủ, nhưng tới khi ra phòng khách ngồi cô ta lại thấy nó ở ghế salon, nghĩ là mình quên chưa cất đi, cô ta lại một lần nữa cầm nó đặt vào giường, tới một lát sau đi từ sân phơi quần áo vào, cô ta bỗng thấy nó nằm trên sàn nhà, cách cửa ra sân phơi vài bước chân. Thị Hoa thấy lạ nên hỏi chồng có đem con búp bê đi lung tung không, anh ấy lắc đầu, cô ta liền tự hỏi, có khi nào là nó đang đi theo mình? Bất giác Thị Hoa nhìn con búp bê trong tay, hai con mắt nó tròn vo, một giây sau cô ta liền quên đi ý nghĩ vừa rồi, lại ôm ấp nó mà không nghi ngờ gì nữa. Nửa đêm, Thị Hoa bị đánh thức bởi cái cựa mình rất khẽ trong vòng tay, cô ta mở mắt nhìn, thấy con búp bê cũng đang ngửa mặt nhìn mình. Bóng tối nhập nhoạng khiến cô ta mơ hồ không rõ, hoặc là vẫn còn chưa tỉnh ngủ khiến cô ta lẫn lộn, như bình thường Thị Hoa vội ôm nó sát vào lòng, tay vỗ về, nói:

- Ngoan, ngủ đi con.

Thẳng tới chiều ngày hôm sau, thầy cúng đến làm lễ giải hạn, ông ta đem theo một con dao và một cây sinh tiền, sau khi khấn vái, thầy cúng đọc tên từng người trong nhà, lần lượt hai vợ chồng phải quỳ gối đội mâm bồng cho thầy làm lễ. Sau mỗi lượt thầy đều dùng con dao cắt vào lá sớ kẹp vào hình nhân rồi đốt trong chậu nhôm, Thị Hoa và chồng phải bước qua chậu ba lần, mỗi bước là một lần thầy cúng lắc cây sinh tiền, tiếng lách xách đều đều vang ra khắp nhà. Tới lượt cuối cùng của đứa con trai Thị Hoa, thầy cúng cầm con búp bê lên, rút một mảnh vải quấn quanh người nó, đem lá sớ kẹp vào người người nó, ông ta không đốt đi mà cứ để nguyên như vậy rồi lắc cây sinh tiền.

Không hiểu sao lúc đó Thị Hoa lại thấy bồn chồn, cô ta nhìn tay ông thầy cúng buộc con búp bê, linh cảm rất xấu, giống như sắp mất đi cái gì thân thiết lắm. Tới khi buổi lễ hoàn thành, thầy cúng bảo gia chủ đốt hình nhân đi, đem tro đổ thật xa, để bao nhiêu cái hạn theo đó không biết đường về quấy nhiễu nữa. Riêng con búp bê thì thầy cúng thu lại, nói rằng vong nhi kia đã được giam vào trong con búp bê này, người khác sẽ không biết cái xử lý, ông ta đem theo để tiện mà tùy cơ ứng biến. Còn về việc Thị Hoa muốn đặt bàn thờ trong nhà này, thầy cúng cho cô ta một hướng, gọi là hướng đón quý nhân, thờ cúng rất được lộc. Tiền công mười ngày qua tính ra cũng không cao, sau khi thanh toán xong ông ta lập tức rời đi. Lời của ông thầy đó không cách nào kiểm chứng được, hai vợ chồng đành miễn cưỡng tin theo, tới tối thì qua nhà bà nội đón đứa con trai về.

Thằng bé vừa vào nhà, nó đột nhiên chạy khắp các phòng, nhìn thì tưởng là lâu không được về nên nó hào hứng xem nhà, nhưng lát sau lại thấy đứa trẻ ngơ ngác đứng hỏi:

- Em bé đâu rồi mẹ?

Thị Hoa ban đầu còn ngạc nhiên, sau liền hiểu ra là nó đang tìm vong nhi kia, cô ta nắm vai con trai mình, gấp gáp hỏi:

- Con có thấy nó nữa không?

- Không thấy – đứa trẻ mếu máo đáp – đi mất rồi...

Thị Hoa nghe mà trong lòng sướng râm ran, cô ta bật cười thành tiếng, nghiến răng nói:

- Thoát rồi, thật sự thoát được rồi...

Cười sằng sặc như hóa điên, đến nỗi anh chồng từ ngoài đã nghe thấy tiếng hiha quái dị, mở cửa bước vào liền thấy cảnh mẹ cười con khóc inh ỏi, anh vội vã ôm lấy đứa trẻ dỗ dành, trong lòng bực bội mới quát vợ một tiếng. Lúc bấy giờ cô ta bỗng ngẩn người, vẻ hả hê lập tức biến mất, thay vào đó, Thị Hoa chỉ nhàn nhạt nhìn chồng, ánh mắt dừng lại trên khuôn mặt đứa con trai, một khắc tiếp theo cô ta tiến đến ôm lấy đứa trẻ, ngọt ngào vỗ về nó. Đêm hôm ấy Thị Hoa ôm con ngủ, đồng hồ điểm hai giờ sáng anh chồng đang say giấc thì thấy giường có động, mắt nhắm mắt mở nhìn sang đã không thấy vợ đâu, cửa phòng khép hờ, tưởng là vợ dậy uống nước, nhưng đợi mãi không thấy cô ta vào, dù rất buồn ngủ nhưng anh vẫn phải lật đật dậy đi xem có chuyện gì.

Ra phòng khách liền thấy Thị Hoa đang lúi húi quanh kệ tivi, đèn đóm không bật, cứ đứng trong khoảng tối om om làm gì không rõ. Anh chồng gọi một tiếng, cô ta dừng tay, đoạn hỏi sao đêm hôm không ngủ lại ra đây đứng, điệu bộ khả nghi có phải muốn giấu diếm cái gì không? Thị Hoa lừ lừ đi từ trong bóng tối ra, khiến cho anh chồng hoảng hồn là, hai mắt cô ta vẫn nhắm chặt, đôi cánh tay buông thõng, chân không nhấc khỏi đất, cứ thế cô ta trở về phòng lên giường nằm như trước. Anh chồng mãi sau mới nhận ra, cô ta là bị mộng du, người mộng du sẽ không nghe không thấy gì xung quanh, nhưng chỉ cần có ai gọi thì sẽ hoặc tỉnh dậy hoặc lại vào giường ngủ tiếp bình thường.

Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần, mấy đêm sau Thị Hoa đều đi lại quanh nhà như vậy, có hôm cô ta ra phòng bếp, có hôm thì tìm cách ra sân phơi, thậm chí còn đập cửa ầm ầm nhưng sáng hôm sau hỏi thì lại chối, cô ta nói không biết gì hết, đêm nào cũng ngủ ngon, có thấy gì lạ đâu. Chồng Thị Hoa trong lòng nghi hoặc nên có để ý, lúc đó liền nhận ra, Thị Hoa ban ngày cũng không được bình thường. Ngồi chơi với con chỉ được một chốc một lát là cô ta bắt đầu cáu gắt, rất nhiều lần anh bắt gặp vợ lầm bầm nói những điều rất cay độc, cái gì mà đứa trẻ này là của nợ, sinh ra chỉ để làm khổ cô ta. Cô ta cũng càng ngày càng trở lên lầm lì, không còn cười nói một cách bình thường với mọi người như trước, đặc biệt mỗi khi cô ta cười, hai hàm răng lại nghiến vào nhau ken két, ánh mắt thì gườm gườm, trông rất hằn học.

Cho tới một đêm, Thị Hoa không còn ôm con ngủ nữa, cô ta nằm một mình ở phòng bên, hai mắt mở thao láo nhìn đồng hồ nhảy số. Tới hơn một giờ sáng, cô ta liền ngồi dậy đi ra khỏi phòng, chỉ ở quanh cái kệ tivi thôi, không thể ở đâu khác, cô ta vừa lẩm bẩm vừa lần mò tìm kiếm. Bỗng phía sau có giọng nói vang lên:

- Em tìm gì vậy?

Anh Nam đã đứng đó tự bao giờ, vừa nói vừa với tay bật đèn, ánh sáng đột ngột khiến cô ta chói mắt, đáp lại lời anh, Thị Hoa chỉ im lặng. Anh cảm thấy mất kiên nhẫn, từ lúc anh bay về đây cô ta luôn làm những chuyện mê tín hết sức kì quái, nửa đêm lại lén lút lục lọi khắp nhà, có phải cô ta bị ma làm rồi không? Nghĩ rồi anh đi qua phía vợ mình, tới chỗ kệ tivi nhìn thử một lượt, bỗng Thị Hoa túm lấy cánh tay anh, run giọng nói:

- Mất rồi...

- Mất cái gì? – trên kệ đồ đạc bị xáo trộn, lại nghe vợ nói đến mất đồ, anh chồng cũng chột dạ hỏi.

- Con em, không thấy nó đâu nữa.

Thị Hoa mặt trắng bệch, nhìn chồng không chớp mắt, biểu cảm có phần chân thật. Ngược lại anh Nam giống như bị chọc điên, lập tức gạt tay cô ta, gắt lên:

- Nó đang ngủ trong phòng kia thôi, mất đi đâu mà mất!

Nghe chồng quát, cô ta liền lập cập chạy vào phòng, thấy đứa con trai đang ngủ thiêm thiếp trên giường, Thị Hoa đờ đẫn ôm lấy nó, miệng lẩm bẩm câu gì nghe không rõ. Sau đó, Thị Hoa bắt đầu lẫn lộn, trước chỉ có ban đêm, lâu dần thì cả ban ngày cô ta cũng đi tìm con, mặc dù đứa trẻ ở ngay trước mặt, cô ta lại coi như không thấy. Cũng từ đó Thị Hoa không còn ra khỏi nhà nữa, cô ta luôn lo sợ sẽ có người lẻn vào lúc cô ta không có nhà, để bắt con cô ta đi. Anh Nam đoán vợ mình bị ảnh hưởng thần kinh nên nhiều lần khuyên cô ta đi khám bệnh, Thị Hoa đâm ra dè chừng với chồng, trong đầu hình thành một suy nghĩ tiêu cực, Thị Hoa nghi chính chồng mình là người giấu con cô ta. Thậm chí cô ta còn không tin lời nói của chồng, nhiều lần nghi ngờ đứa trẻ xuất hiện trong nhà không phải là con mình, mọi thứ đều trở lên thù địch dưới con mắt của Thị Hoa.

Đứa con trong suy nghĩ của Thị Hoa, lúc thì rất rõ ràng, lúc lại mơ hồ, cô ta chỉ nhớ là lần cuối thấy nó trên kệ tivi, nó còn nói cười với cô ta, gọi cô ta là mẹ, lúc nào cũng lẽo đẽo theo cô ta như hình với bóng. Tuy vẫn có lúc cô ta tỉnh táo, hành động bình thường, nhưng mỗi ngày qua đi, gianh giới giữa thực và ảo lại thêm mong manh hơn. Thị Hoa dần xa rời thực tại, cô ta mải miết kiếm tìm hình bóng đứa trẻ mà cô ta coi như sinh mạng, bằng trực giác nhạy cảm của một người mẹ, cô ta không tin vào bất cứ điều gì, dù nó diễn ra trước mắt thì đối với Thị Hoa tất cả đều giả dối.

Mấy ngày nay cô ta bắt đầu tưởng tượng ra tiếng con gọi mình, ban đầu thì yếu ớt như tiếng mèo kêu, nhưng từ hôm qua cô ta đã nghe được tròn vành rõ chữ. Thị Hoa càng thêm tin tưởng đứa trẻ mà cô ta tìm kiếm đang ở gần đây, ngay trong căn nhà này, nó là bị chính người chồng tệ bạc tách khỏi cô ta. Anh Nam càng ép cô ta đi khám bệnh, cô ta bên ngoài thì tỏ ra là mình ổn, không để lộ những nghi ngờ trong lòng, nhưng hễ không có anh, cô ta liền lục tung căn nhà lên để tìm. Rốt cục thì hôm nay cô ta cũng đã nghe được tiếng của nó phát ra ở đâu, trong cái bình gốm men rạn, cô ta ghé tai vào miệng bình, liền nghe thấy những tiếng uu như tiếng trẻ con khóc, Thị Hoa vô thức ôm lấy cái bình đó mà vỗ về.

Chiều tối chồng cô ta đi từ bên nhà nội về, vào nhà liền thấy vợ mình ôm cái bình gốm đong đưa, hỏi gì cô ta cũng không nói, vừa định chạm vào cái bình kia, Thị Hoa liền giật nảy người, cô ta gào lên:

- Tôi cấm anh lại đây! Anh lại định cướp con tôi phải không? Anh cút đi!!!

Nói rồi Thị Hoa ôm cái bình giật lùi về phía sau, thấy có cánh cửa mở, cô ta chạy vào trong tính đóng cửa lại, nhưng anh Nam nhanh hơn đã chặn được cửa. Trước tình thế giằng co đó, Thị Hoa liều mình lao ra ban công, bên ngoài trời tối mờ mờ, trong đầu cô ta chỉ có một suy nghĩ duy nhất là thoát khỏi chồng, nghe tiếng anh hét lên mà cô ta càng cuống, chân cứ thế bước lên bước lên mãi, bỗng nhiên hẫng một cái, khi giật mình nhìn thì chỉ thấy khoảng không nhòe nhoẹt trước mặt. Thị Hoa không biết mình vừa trèo ra khỏi lan can, chân toan bước tiếp thì phía trước đã hết đường, một bước rơi thẳng từ tầng 31 xuống, trong tay vẫn ôm chặt cái bình gốm men rạn, trước khi vỡ nát toàn thân, cô ta chỉ kịp rú lên một tiếng kinh hãi.

Chồng Thị Hoa bị cảnh tượng đó làm cho suy sụp, một giây trước anh không nghĩ vợ mình lại có ý định điên rồ ấy, cô ta như vậy là tự vẫn? Lúc bám vào lan can nhìn xuống, anh chỉ thấy một khoảng đỏ không ngừng loang rộng, xác Thị Hoa chỉ giống như một hình zic zắc trăng trắng, rất nhanh vọng lên những tiếng la hét thất thanh. Bên dưới đám đông vừa nghe choang một tiếng, quay lại đã thấy một xác người nằm dán xuống nền đất, xương khớp vặn vẹo, toàn thân chảy máu, xung quanh cái xác có rất nhiều mảnh sứ vỡ, tất cả đều bị va đập làm cho nát vụn. Giữa lúc nhốn nháo, một người từ đâu tiến đến gần cái xác, không chút sợ hãi cởi áo đắp cho người chết, đồng thời âm thầm cầm từ đống vụn sứ ra một vật, sau đó trà trộn vào đám đông đi mất.

Cảnh sát ngay lập tức có mặt tại hiện trường, qua điều tra xác minh không phát hiện nạn nhân có dấu hiệu bị tấn công, kết hợp với lời khai của thân nhân có mặt trước thời điểm nạn nhân tử vong, bước đầu kết luận cái chết của nạn nhân có yếu tố tâm thần. Bác sĩ phân tích, nạn nhân rất có thể đã mắc chứng trầm cảm, nguyên nhân tạm thời được xác định là do sảy thai cách đây không lâu, người nhà phát hiện giấy khám thai được giấu trong tủ cá nhân của nạn nhân, những biểu hiện bất thường như hay nói sảng, trầm uất, cáu gắt đều bắt đầu sau thời điểm đó. Trầm cảm sau sảy thai là một chứng bệnh rấn nan giải, nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh nhân sẽ có những suy nghĩ và hành động gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, trong trường hợp này là tự sát.

Về mặt khoa học thì như vậy, nhưng theo tâm linh mà nói, Thị Hoa chết vì cô ta bị trúng một thứ bùa rất hiểm độc. Dấu vết duy nhất chính là chiếc túi được giấu trong cái bình gốm men rạn đã vỡ nát tại hiện trường, tiếc là đã có người tới thu lại vật đó, khiến cho bí mật về cái chết của Thị Hoa vĩnh viễn chôn vùi. Cô Đồng Linh mở túi lấy ra mảnh giấy bên trong, bốn chữ viết bằng máu không chút sứt mẻ:

"ma do tâm sinh".

Nhân tiện xin được giải thích rằng, báo ứng của Thị Hoa không phải là cái chết, cô ta xen vào duyên phận của người khác, dựa vào tội trạng mà phải chịu hình phạt tương ứng, đó chính là cái thai ngoài ý muốn kia. Báo ứng vốn thuận theo tự nhiên, cái thai đó là kết quả của chuỗi sai lầm trong quá khứ, nó sẽ khiến cô ta đánh mất tất cả ở hiện tại. Nhưng ông trời không đơn giản như vậy, muốn cô ta chịu thử thách lớn hơn, chính là cho cô ta lựa chọn hoặc là giữ hoặc là bỏ đứa trẻ. Nếu như cô ta chấp nhận giữ nó, đồng nghĩa với việc mất tất cả, vậy báo ứng sẽ dừng lại, còn nếu cô ta bỏ nó, vậy nghiệp sẽ tăng thêm một bậc, tội càng thêm tội.

Lại nói sinh linh trong bụng cô ta, nhờ tác dụng của lá bùa mà có thể nghe thấu được những suy nghĩ của mẹ nó. Linh hồn của nó tồn tại song song với bào thai, có tư duy và nhận thức độc lập, vì thế nó có thể gặp và gây chuyện với con trai của Thị Hoa, nhưng cô ta lại chỉ thấy được nó qua giấc mơ. Cho tới khi cô ta sảy thai. Trường hợp này thoạt nhìn là bất khả kháng, nhưng sâu xa bên trong, Thị Hoa luôn muốn bỏ cái thai đi, tới khi không thể bỏ, cô ta chỉ nghĩ làm sao để bản thân được toàn vẹn nhất. Nếu cô ta nghĩ cho đứa trẻ trong bụng, sẽ không có chuyện cô ta quan hệ với chồng một cách thô bạo như vậy. Nên nhớ sinh linh này có nhận thức, việc mẹ một mực chối bỏ nó, khiến cho nó mất đi mục đích sống, tới cùng thì đứa trẻ cũng tự chọn cho mình sự giải thoát, đó cũng chính là lần đầu tiên Thị Hoa nhìn thấy đứa trẻ đứng ở cửa phòng ngủ.

Nhưng ông trời cũng rất công bằng, việc sảy thai đúng ra là ngoài ý muốn, sinh linh kia vì chấp niệm quá lớn mà không thể siêu thoát, Thị Hoa đáng ra nên thành khẩn cầu nguyện cho nó, song cô ta tới một chút ăn năn cũng không có, thậm chí còn nguyền rủa đứa con đáng thương ấy. Là vì đứa trẻ nặng tình, ông trời thương xót nó nên năm lần bảy lượt tạo cơ hội cho Thị Hoa nhận con, nhưng than ôi, lòng dạ người mẹ như lang sói, nhất nhất muốn dồn con mình vào đường cùng. Thị Hoa tìm thầy kiếm thợ cốt là để tiêu trừ vong nhi đeo bám mình, không ngờ tâm ma của cô ta quá lớn, chính nó đã sinh ra một loại vọng tưởng, khiến cô ta chấp mê bất hối, mỗi lúc một lún sâu, đường cùng là do cô ta tự đâm đầu vào, tới chết mới tỉnh ngộ thì đã quá muộn.

Thị Hoa không phải chết do báo ứng, cô ta chết do tâm ma của bản thân. Thiết nghĩ những người làm cha làm mẹ, đừng vì hứng thú nhất thời mà tạo ra một sinh linh, rồi lại nhẫn tâm dập tắt mầm sống ấy, như vậy là rất bất công với chúng. Nếu không thể giữ lại, thì ít nhất hãy cho chúng một danh phận, được làm con, được nhận cha nhận mẹ, trước khi chúng tan biến trong cõi vô thường này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.