Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa

Chương 17




Xin Fedin tha lỗi cho tôi về chuyện tôi viết về cách làm việc của ông. Nhưng tôi nghĩ rằng cách làm việc của mỗi nhà văn, nhất là những nhà văn bậc thầy như Fedin, đều thú vị và có ích không riêng đối với các nhà văn, mà với hết thảy những ai yêu văn học.

Chúng tôi ở trong một ngôi nhà nhỏ ngay bên cạnh bờ biển vùng Gagry. Ngôi nhà giống như những "meblirashki" trước cách mạng, một thứ nhà ổ chuột không hơn không kém.

Khi có bão, nó run cầm cập trước những cơn gió và những ngọn sóng đập vào bờ. Nó kêu cọt kẹt, nó kêu răng rắc, tưởng chừng nó sẽ sụp xuống ngay đấy. Những cánh cửa không còn ổ khóa mỗi lần có gió lùa là tự động mở ra, chậm chạp và dọa nạt. Thế rồi chúng dừng lại, bất động trong vài giây, và sau khi đã suy nghĩ, bất thình lình đóng sầm lại và gây ra một tiếng động mạnh đến nỗi vữa trên trần rơi lả tả.

Hết thảy những con chó lang thang ở Tân Gagry và Cựu Gagry đều ngủ ở ngay bên dưới sân trời ngôi nhà này. Đôi khi, lợi dụng người trong nhà đi vắng, chúng chui vào phòng, nằm trên giường và ngáy yên lành.

Bước vào phòng mình anh phải coi chừng, bất kể tính nết của con chó đã chiếm giường anh là thế nào. Con nào biết điều và nhút nhát thì đã vội nhảy ra, kêu ăng ẳng tuyệt vọng, rồi chuồn thẳng. Nếu anh giẫm phải chân nó thì nó có thể đớp ngay cho anh một miếng vì sợ hãi.

Gặp phải con càn rỡ và giàu kinh nghiệm, nó sẽ cứ nằm nguyên trên giường mà nhìn anh bằng đôi mắt căm hờn, rồi bắt đầu gầm gừ đáng sợ đến nỗi anh buộc lòng phải gọi hàng xóm đến giúp.

Cửa sổ buồng Fedin trông ra sân trời ngay trên mặt biển. Trong những ngày biển động, người ta xếp tất cả ghế mây ngoài sân trời lại thành đống bên cạnh cửa sổ để khỏi bị nước biển hắt vào. Lũ chó ngồi suốt buổi trên đống ghế ấy và nhìn xuống Fedin đang lúi húi viết. Chúng rền rĩ vì muốn được vào trong căn phòng ấm cúng, có đèn sáng của ông.

Lúc đầu Fedin phàn nàn rằng lũ chó làm ông rùng mình. Cứ vừa rời bản thảo ra mà suy nghĩ một tí, nhìn ra cửa sổ là thấy hàng chục con mắt rực lửa căm hờn của chúng bám chặt lấy ông. Cái đó thậm chí làm cho ông cảm thấy ngượng ngùng, như thể ông có lỗi vì được sống ở nơi ấm áp và làm một công việc rõ ràng vô tích sự là ngoáy bút trên mặt giấy.

Tất nhiên, lối xử sự ấy của lũ chó cũng có cản trở Fedin làm việc thật, nhưng riết rồi ông cũng quen và thôi không để ý đến chúng nữa.

Đa số nhà văn thường viết về sáng, số ít viết ban ngày và một số rất ít viết đêm.

Fedin có thể làm việc và thường làm việc vào bất cứ giờ nào. Chỉ thỉnh thoảng ông mới rời công việc để nghỉ ngơi đôi chút.

Ông viết đêm trong tiếng ồn không bao giờ ngừng của biển. Cái tiếng động quen thuộc ấy không những không cản trở mà còn giúp cho Fedin viết tốt. Ngược lại, chính cái yên lặng mới làm phiền ông.

Một hôm, giữa đêm khuya Fedin dựng tôi dậy và nói bằng giọng xúc động:

- Này anh, biển im lặng. Ta đi ra sân trời nghe đi.

Hình như cả cái im ắng sâu thẳm của thế giới ngưng đọng trên bờ biển. Chúng tôi lặng đi, cố đón bắt trong bóng tối dù chỉ một tiếng sóng vỗ nhẹ, nhưng chẳng nghe thấy gì hết ngoài tiếng vo vo khe khẽ nơi tai. Đó là máu của chúng tôi đang reo đấy. Trong bóng tối trên cao, cũng một thứ bóng tối của cả và thế giới, những ngôi sao sáng mờ mờ. Đã quen với tiếng ồn không dứt của biển, cái yên lặng ấy đè nặng lên chúng tôi. Đêm hôm đó Fedin bỏ không làm việc.

Tất cả những gì tôi kể trên là câu chuyện về cái hoàn cảnh không quen thuộc đối với Fedin, trong hoàn cảnh ấy ông đã buộc phải làm việc. Tôi nghĩ rằng cái đơn giản và cái luộm thuộm của cuộc sống đã nhắc ông đến tuổi trẻ, khi chúng tôi có thể viết ở trên bệ cửa sổ, dưới ánh sáng của một ngọn đèn dầu không chao trong một căn phòng mà mực viết đóng băng vì giá lạnh, tóm lại, trong bất cứ điều kiện nào.

Vô tình quan sát cách làm việc của Fedin, tôi được biết rằng ông chỉ ngồi xuống để viết khi nào đã nghĩ thật chín chương sách ông sắp viết, chỉnh lý nó thật cẩn thận, làm cho nó phong phú thêm bằng những suy nghĩ sâu sắc và những hồi ức, cho tới khi nó thành hình trong tri thức một cách hoàn toàn, từng câu một.

Trước khi viết, Fedin bao giờ cũng quan sát rất kỹ cái mà ông sẽ viết, ngắm nghía nó dưới đủ mọi góc độ và chỉ viết những gì ông nhìn được rõ, hơn nữa, viết trong mối liên quan trọn vẹn với toàn bộ tác phẩm.

Khối óc sáng suốt, cứng rắn và con mắt nghiêm khắc của Fedin không bao giờ chịu bằng lòng với cái bấp bênh của chủ đề và cách thể hiện. Theo ông, văn phải được làm đi làm lại cho đến khi không có một lỗi và phải được tôi luyện cho đến lúc rắn như kim cương.

Suốt đời ông, Flaubert sống trong cuộc chạy đuổi khốn khổ khốn nạn rượt theo cái hoàn mỹ của bút pháp. Trong cuộc đi tìm cái trong sáng cho văn xuôi, ông không sao dừng lại được. Trong một số trường hợp, việc sửa chữa bản thảo đối với ông chẳng còn là con đường hoàn thiện văn ông, mà chỉ là làm để mà làm. Ông không còn biết đánh giá nữa, ông mệt mỏi, tuyệt vọng và rõ ràng ông đã làm cho tác phẩm của ông khô héo, mất sức sống hay là như Gogol từng nói: "Vẽ, vẽ, vẽ mãi thành vẽ vời vớ vẩn".

Fedin biết lúc nào nên dừng lại trong thời gian gọt giũa tác phẩm. Nhà phê bình trong người ông không bao giờ biết mệt, nhưng không đè bẹp nhà văn.

Trong con người Flaubert biểu lộ ở mức độ cao một thuộc tính của nhà văn mà những nhà lý luận văn học gọi là "nhân vật hóa". Nói một cách giản dị hơn, nó là cái tài nhập thân vào nhân vật với một sức mạnh đến nỗi chính nhà văn cảm nghiệm mãnh liệt mọi việc xảy ra với nhân vật (mà xảy ra theo ý muốn của nhà văn).

Ai cũng biết khi mô tả cái chết vì thuốc độc của Emma Bovary, Flaubert cảm thấy đủ mọi triệu chứng ngộ độc và ông đã phải chạy đi tìm thầy thuốc.

Flaubert là một người đau khổ. Ông viết chậm đến nỗi phải tuyệt vọng kêu lên: "Đáng phải vả vào mặt mình vì cái lối làm việc rề rề như thế?".

Ông sống ở Croitre, trên bờ sông Seine, gần tỉnhRouen. Cửa sổ phòng làm việc của ông trông ra sông.

Suốt đêm, một ngọn đèn chụp xanh cháy sáng trong căn phòng đầy những đồ vật lạ mắt của Flaubert. Flaubert làm việc về đêm. Ngọn đèn chỉ tắt khi trời bắt đầu sáng.

Ngọn đèn lúc nào cũng cháy sáng như một ngọn hải đăng. Thực vậy, trong những đêm tối trời, cửa sổ phòng Flaubert đã trở thành ngọn hải đăng cho dân chài sông Seine và cho cả những thuyền trưởng của những con tàu biển đi ngược dòng từ cửa Le Havre vào Rouen.

Những viên thuyền trưởng biết rằng ở khúc sông này muốn khỏi đi chệch luồng thì phải "nhắm hướng cửa sổ nhà ông Flaubert".

Thỉnh thoảng họ trông thấy một người đàn ông vạm vỡ trong chiếc áo choàng phương Đông sặc sỡ. Người đó đi đến bên cửa sổ, gục đầu vào thành cửa và nhìn ra sông Seine. Đó là điệu bộ của một người mệt mỏi đến rã rời. Nhưng vị tất những người thủy thủ kia biết được rằng người đứng sau cửa lại là một nhà văn vĩ đại của nước Pháp, một người khổ sở vì cuộc vật lộn để đạt tới sự hoàn mỹ văn xuôi, cái "thể lỏng đáng nguyền rủa nhất định không chấp nhận một hình thức cố định nào".

Đối với Balzac, mọi nhân vật của ông đều là những con người sống và là những người thân thuộc của ông. Lúc thì ông hầm hè gọi họ là quân khốn nạn và đồ ngốc, lúc thì cười tủm tỉm, hài lòng vỗ vai họ, lúc thì vụng về an ủi họ trong cơn hoạn nạn.

Trong con người Balzac lòng tin ở sự sống thật của các nhân vật của mình và ở sự thật không ai chối cãi được rằng ông đang viết về họ, thật là kỳ quặc. Có thể chứng minh điều đó bằng một câu chuyện lý thú trong đời ông.

Trong một truyện ngắn của Balzac có một cô tu kín trẻ tuổi (tôi không nhớ tên cô, nhưng ta cứ gọi tạm cô là cô Jeanne). Bà Nhất coi nhà tu cử cô Jeanne ngoan đạo kia đi Paris để làm một số công chuyện cho tu viện. Cuộc sống hào nhoáng, ngược xuôi, lóa mắt của thủ đô làm cho cô sửng sốt, bàng hoàng. Trong ánh sáng của những ngọn đèn loa đốt bằng hơi, cô đứng hàng giờ ngắm nghía những đồ vật sang trọng chưa từng thấy bày trong tủ kính các cửa hàng. Cô nhìn thấy những người đàn bà mặc áo váy mỏng tang và thơm phức. Những bộ quần áo ấy như lột trần thân thể của những người đẹp kia, làm nổi bật toàn bộ vẻ kiều diễm của những cái lưng thon, những cặp đùi cao, những đôi vú nhỏ và nhọn.

Cô được nghe những lời tỏ tình đường mật lạ lùng, những câu bóng gió, giọng nói ngọt ngào của những người đàn ông. Cô trẻ và đẹp. Người ta theo cô ở ngoài phố. Tim cô đập rộn ràng. Cái hôn đầu ép buộc trong bóng cây tiêu huyền mộc dày đặc ở một vườn hoa nọ làm cho cô choáng váng như nghe một tiếng sấm và làm cô mất hết lý trí.

Cô ở lại Paris. Tiền nhà tu giao cho, cô tiêu hết để được biến thành một cô gái Paris đầy quyến rũ.

Một tháng sau cuộc đời ném cô ra vỉa hè.

Trong truyện ngắn Balzac có nhắc đến tên một trong những tu viện có thật thời đó.

Sách của Balzac đến tay bà Nhất của tu viện đó. Trong nhà tu lại cũng có một cô Jeanne trẻ tuổi. Bà Nhất gọi cô lại và hỏi bằng giọng dọa nạt:

- Con có biết ông Balzac đã viết những gì về con không? Ông ta làm nhục con đấy, con ạ! Ông ta bôi nhọ danh dự dòng tu ta! Ông ta là kẻ vu khống, là kẻ báng bổ Chúa. Con đọc đi!

Cô gái đọc hết truyện ngắn và khóc nức nở.

- Ngay lập tức! - bà Nhất nói hét lên - Con thu xếp ngay lập tức, rồi đi Paris tìm cho bằng được cái ông Balzac ấy, bắt ông ta phải cao rao cho cả nước Pháp này biết rằng những điều ông ta viết là vu khống, rằng ông ta đã bôi nhọ phẩm giá một người con gái trong sạch chưa từng đặt chân đến Paris bao giờ. Ông ta đã nhục mạ nhà tu và hết thảy giới tu hành chúng ta. Ông ta phải ăn năn vì tội lỗi điên rồ của mình. Con phải làm như thế cho bằng được. Nếu không thì đừng có vác mặt về đây nữa.

Jeanne đi Paris. Nàng tìm được Balzac và chật vật lắm mới được ông tiếp.

Balzac mặc chiếc áo choàng cũ, ngồi thở hổn hển như người mắc bệnh suyễn. Khói thuốc mù mịt trong phòng. Trên bàn ngổn ngang từng đống giấy viết vội vã.

Balzac cau mày. Ông không có thời giờ - ông đã tính trước cho đời mình ít nhất năm mươi cuốn tiểu thuyết. Nhưng mắt Balzac sáng lên, long lanh. Ông chăm chăm nhìn Jeanne.

Cô gái cúi xuống, đỏ mặt lên và kêu tên Chúa. Rồi cô kể cho Balzac nghe câu chuyện xảy ra ở tu viện và yêu cầu ông hãy xóa cho cô vết nhơ nhục nhã, mà không hiểu vì lẽ gì mơxiơ Balzac đã bôi lên tiết hạnh và sự thánh thiện của cô.

Rõ ràng Balzac không hiểu cái cô tu sĩ đẹp và hiền dịu này muốn gì ở ông.

- Cái vết nhơ nhục nhã nào kia, hả cô? - ông hỏi - Tất cả những điều tôi viết bao giờ cũng là sự thật thiêng liêng.

Jeanne nhắc lại lời yêu cầu và nói thêm:

- Thưa ông Balzac, xin ông hãy thương lấy kẻ mọn này. Nếu ông không bằng lòng giúp em thì em thật chẳng còn biết làm thế nào.

Balzac đứng phắt dậy. Mắt ông long lên vì tức giận.

- Sao? - ông hét lên - Cô không biết làm thế nào ư? Tôi đã viết hết sức rõ ràng những chuyện xảy ra với cô! Hết sức rõ ràng! Cô còn nghi ngờ gì nữa?

- Chẳng lẽ ông muốn nói rằng em sẽ ở lại Paris? - cô gái hỏi.

- Phải! - Balzac hét lên - Phải! Mẹ kiếp!

- Và ông muốn em sẽ...

- Không! Mẹ kiếp! - Balzac lại hét lên. - Tôi chỉ muốn cô trút bỏ cái bộ quần áo đen lùng thùng này đi. Tôi muốn tấm thân đang độ xuân xanh, tuyệt mỹ như một viên ngọc quý của cô được biết thế nào là niềm vui và tình yêu. Đi đi, cô. Đi đi! Nhưng đừng có ra vỉa hè!

Balzac nắm lấy tay Jeanne và kéo ra cửa...

- Tôi đã viết tất cả trong truyện rồi mà - ông nói - Cô đi đi! Cô rất đáng yêu, nhưng vì cô tôi đã mất đứt ba trang tác phẩm rồi đấy. Mà là tác phẩm thế nào, cô có biết không?

Jeanne không thể quay về tu viện vì ông Balzac đã không xóa cho cô cái vết nhơ nhục nhã. Cô ở lại Paris. Nghe nói một năm sau người ta gặp cô trong đám thanh niên tại quán rượu sinh viên "Kiện Hàng Bạc". Cô vui tươi, duyên dáng và hạnh phúc.

Có bao nhiêu nhà văn thì có bấy nhiêu thói quen làm việc.

Trong ngôi nhà gỗ gần Ryazan mà tôi đã có nói tới trên kia, tôi tìm được những bức thư của nhà khắc gỗ nổi tiếng Jordan gửi cho nhà khắc gỗ Pozhalostin (tôi cũng đã nói đến những bức thư đó).

Trong một bức thư, Jordan viết rằng ông đã bỏ ra hai năm trời để khắc phiên bản một trong những bức họa Ý. Suốt thời gian làm việc ông cứ đi quanh chiếc bàn kê bản khắc và để lại một vệt mòn rất rõ trên sàn gạch.

Jordan viết:

"Tôi mệt. Nhưng tôi dù sao cũng vẫn còn đi lại, còn cử động. Chứ Gogol quen viết đứng bên chiếc bàn mặt nghiêng thì còn mệt đến thế nào! Đó mới thật là một người đau khổ vì công việc của mình".

Lev Tolstoy chỉ làm việc về sáng. Ông nói rằng trong mỗi nhà văn có một nhà phê bình riêng. Nhà phê bình ấy về buổi sáng bao giờ cũng nghiêm khắc hơn cả. Ban đêm hắn ta ngủ, thành thử ban đêm nhà văn được thả lỏng hoàn toàn, anh ta làm việc không bị ai dọa nạt và vì lẽ đó mà anh ta viết rất nhiều cái thừa thãi và tầm bậy. Tolstoy lấy Rousseau và Dickens là những người chỉ làm việc về sáng ra dẫn chứng rằng vì Đostoevsky và Byron thích làm việc đêm mà tài năng của hai ông bị tổn hại.

Gánh nặng trong việc viết văn của Đostoevsky tất nhiên không phải chỉ riêng ở chỗ ông làm việc đêm và trong khi làm việc lại uống trà luôn miệng. Cái đó, xét cho cùng, chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đến chất lượng công việc của ông.

Gánh nặng ấy chính là ở chỗ Đostoevsky không sao thoát khỏi cảnh túng thiếu và công nợ, vì thế ông buộc lòng phải viết rất nhiều và lúc nào cũng vội vã.

Khi thời gian đã gấp lắm ông mới ngồi vào bàn viết. Không một tác phẩm nào của ông được viết một cách bình tĩnh, với tất cả tâm lực. Ông làm nhầu nát những cuốn tiểu thuyết của mình (không phải tính theo số lượng những trang đã viết mà theo cái chiều rộng của câu chuyện). Vì thế những tác phẩm của Dosroevsky bao giờ cũng ở dưới mức mà ông có thể đạt được, và tồi hơn so với dự định của ông. "Mơ ước về một cuốn tiểu thuyết thú hơn nhiều so với việc viết nó ra", Đostoevsky nói như vậy.

Ông bao giờ cũng muốn kéo dài thời gian chung sống với cuốn tiểu thuyết viết dở, luôn luôn thay đổi nó và làm cho nó phong phú thêm. Vì thế ông cố hết sức kéo dài việc viết - chả là mỗi ngày, mỗi giờ đều có thể xuất hiện một ý mới mà tất nhiên không ai có thể viết trước được vào tiểu thuyết.

Công nợ buộc ông phải làm như thế, mặc dầu ông vẫn ý thức được rằng cuốn tiểu thuyết của ông còn chưa chín khi ông ngồi vào bàn viết. Biết bao ý nghĩ, hình tượng, chi tiết phí hoài chỉ vì chúng đến quá muộn trong đầu nhà văn, khi tác phẩm hoặc đã xong hoặc theo ý ông đã hỏng hẳn, không cách nào sửa chữa nổi.

Đostoevsky nói về mình:

"Vì nghèo túng tôi buộc phải làm việc vội vã, tôi viết để kiếm tiền, do đó nhất định tôi phải làm hỏng tác phẩm".

Lúc còn trẻ, Chekhov có thể viết ngay trên bệ cửa sổ trong một căn phòng chật hẹp và ồn ào ở Moskva. Truyện ngắn "Người Thợ Săn" ông viết trong buồng tắm. Nhưng cùng với năm tháng, cung cách làm việc dễ dàng ấy cũng mất đi.

Lermontov sáng tác thơ trên bất cứ vật gì. Hình như những bài thơ ấy hình thành tức khắc trong não bộ ông, ca hát trong tâm hồn ông, để rồi ông chỉ có việc vội vã ghi chúng lại, không cần sửa nữa.

Chỉ cần trước mặt có một chồng giấy sạch sẽ và đẹp, thế là Aleksey Tolstoy đã có thể viết được.

Ông thú thực rằng khi ngồi vào bàn, ông thường chưa biết mình sẽ viết gì. Trong đầu ông lúc ấy mới chỉ có một tình tiết đẹp đẽ. Từ tình tiết ấy sáng tác của ông bắt đầu và dần dà nó kéo ra cả một câu chuyện như kéo một sợi chỉ thần.

Ạ Tolstoy gọi trạng thái lao động, hay cảm hứng, là "bốc", theo cách của ông. "Nếu đã "bốc" - ông nói - thì viết được nhanh lắm. Nếu không, tôi phải vứt đấy cái đã".

Tất nhiên Ạ Tolstoy là một người có tài sáng tác tức thời ở mức độ cao. Tay ông không chạy theo kịp ý nghĩ của ông.

Chắc chắn là hết thảy các nhà văn đều biết cái trạng thái tuyệt diệu trong lúc làm việc, khi một ý mới hoặc một cảnh mới bất thần hiện ra, như thể chúng từ trong đáy sâu của tâm thức bật mạnh ra ngoài, tựa những tia chớp. Nếu không ghi lại ngay lúc ấy, chúng có thể biến mất không để lại dấu vết gì, như cách chúng đã hiện ra.

Trong chúng có ánh sáng, có sự rung động, nhưng chúng mong manh như những giấc mơ. Những giấc mơ mà chúng ta chỉ nhớ trong khoảng khắc khi vừa tỉnh dậy và lại quên ngay. Sau đó dù chúng ta có tự dằn vặt cố nhớ lại đến mấy, chúng ta không bao giờ nhớ lại được. Những giấy vở ấy chỉ còn để lại một cảm giác về một cái gì khác thường bí ẩn, một cái gì "huyền diệu" như cách nói của Gogol.

Cần phải ghi cho kịp. Chỉ trù trừ một chút là ý nghĩ kia vừa lóe lên đã biến mất.

Có lẽ vì thế mà nhiều nhà văn không thể viết trên những tờ giấy nhỏ, những băng giấy, như các nhà báo thường làm. Chớ có rời tay khỏi giấy quá nhiều, bởi vì chỉ dừng lại một chút thôi, một khoảng khắc rất nhỏ thôi, thì cái đó cũng có thể nguy hại rồi. Rõ ràng hoạt động của ý thức diễn ra đến độ hoang đường.

Nhà thơ Pháp Béranger có thể viết những bài ca của ông trong những tiệm cà phê rẻ tiền. Cả Ehrenburg, theo chỗ tôi biết, cũng thích viết trong những tiệm cà phê.

Điều đó dễ hiểu. Bởi vì không có sự cô độc nào tốt hơn là ở giữa đám đông náo nhiệt, tất nhiên, nếu như không ai trực tiếp kéo anh ra khỏi suy tư và không xâm phạm đến sự tập trung tư tưởng của anh.

Andersen thích nghĩ ra những truyện thần tiên của ông ở trong rừng. Ông có một cặp mắt rất tốt, gần như là một cái kính hiển vi. Vì thế ông có thể ngắm nghía một miếng vỏ cây hay một chiếc lá thông già và thấy ở trong đó những chi tiết như qua một máy phóng đại, từ những chi tiết ấy có thể dựng nên những câu chuyện cổ tích một cách dễ dàng.

Nói chung hết thảy mọi vật trong rừng - mỗi gốc cây cụt, mỗi con kiến càng hung hung đỏ đang tha một con ruồi con với đôi cánh xanh tí xíu trong suốt như tha một nàng công chúa diễm kiều bị bắt cóc - tất cả những cái đó đều có thể biến thành truyện thần tiên.

Tôi không muốn nói đến kinh nghiệm văn học của bản thân. Cái đó chưa chắc đã cung cấp thêm điều gì quan trọng vào những cái mà tôi đã nói trên kia. Nhưng dù sao tôi cũng thấy cần nói vài lời.

Nếu chúng ta muốn cho nền văn học nước ta đạt tới đỉnh cao nhất của sự phồn vinh thì chúng ta cần phải hiểu rằng hình thức hoạt động xã hội hữu ích nhất của nhà văn chính là công việc sáng tác của họ. Công việc âm thầm của nhà văn trước khi cuốn sách ra đời sẽ biến thành của chung nhân loại sau khi sách đã được in.

Cần phải giữ gìn thời gian, sức lực và tài năng của nhà văn, chứ không nên đổi chúng lấy những công việc tất tả ngược xuôi, mất sức ngoài lề văn học và những cuộc họp.

Trong khi làm việc, nhà văn cần có sự yên tĩnh và không phải lo lắng. Nếu như có chuyện gì bực mình, cho dù nó chưa tới, thì tốt nhất là đừng viết. Bút sẽ rời khỏi tay hoặc dưới ngòi bút chỉ bò ra những dòng chữ cực nhọc và trống rỗng.

Trong đời tôi đã có vài lần tôi được viết thoải mái, tập trung tư tưởng và không hấp tấp.

Một lần, vào mùa đông, tôi đáp chuyến tàu thủy vắng tanh từ Batum đến Ôđessa. Biển xám, lạnh và yên tĩnh. Bờ biển ngập trong bóng tối màu tro. Những đám mây đen nặng nề nằm dài trên những dãy núi xa như đang chìm trong giấc ngủ mê mệt.

Tôi viết trong một buồng ngủ trên tàu, thỉnh thoảng lại đứng dậy, đến gần cửa húp-lô và nhìn về phía bờ. Những cỗ máy cực mạnh khe khẽ hát trong cái bụng bằng sắt của con tàu. Không ai có thể lôi tôi ra khỏi những ý nghĩ mà tôi yêu mến. Tôi không nghĩ đến gì khác, hoàn toàn không nghĩ đến gì khác, ngoài truyện ngắn mà tôi đang viết. Tôi cảm thấy điều đó như một hạnh phúc vô cùng to lớn. Biển khơi che chở cho tôi khỏi bị bất cứ cái gì quấy rối.

Ý thức về xê dịch trong không gian, sự chờ đợi mơ hồ những hải cảng mà tôi sẽ rẽ vào, và rất có thể, những cuộc gặp gỡ nhẹ nhàng và ngắn ngủi, giúp cho tôi làm việc rất nhiều.

Và tôi cũng còn nhớ cái trạng thái làm việc sao mà dễ dàng trên gác xép một ngôi nhà gỗ vào mùa thu trong cảnh cô độc và tiếng nổ lép bép của ngọn nến.

Đêm tháng chín tối trời và lặng gió bao bọc lấy tôi và cũng như biển, nó che chở tôi khỏi mọi quấy rối.

Giải thích vì sao thì khó, nhưng cái ý thức rằng bên kia bức tường, khu vườn quê cũ kỹ đang rụng lá suốt đêm, vẫn giúp cho tôi viết rất nhiều. Tôi nghĩ về khu vườn như nghĩ về một sinh vật. Nó im lặng và nhẫn nại đợi đến lúc tôi ra giếng lấy nước cho ấm trà khi trời khuya. Có lẽ nó sẽ dễ dàng chịu đựng cái đêm dài bất tận kia hơn, khi nghe tiếng gàu đập lanh canh vào thành giếng và bước chân người.

Nhưng dù sao thì cảm giác về khu vườn cô quạnh và những cánh rừng lạnh lẽo kéo dài suốt từ cổng làng ra xa hàng chục cây số, về những ao hồ trong rừng, nơi mà trong một đêm như thế này tất nhiên không thể có và không có lấy một bóng người mà chỉ có những vì sao soi bóng trên mặt nước như chúng đã soi bóng hàng trăm, hàng nghìn năm về trước - cái cảm giác ấy đã giúp tôi. Tôi dám nói rằng trong những buổi tối mùa thu như thế tôi thực là hạnh phúc.

Khi nào có một cái gì thú vị, vui sướng, thân yêu đang chờ đợi ta, dù cho nó là một cái gì vặt vãnh như cuộc đi câu dưới những cây liễu đen trên một lòng sông cạn ở xa, lúc đó mà viết thì rất tốt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.