Bóng Hình Của Gió

Chương 20




NURIA MONFORT SỐNG ĐƠN ĐỘC TRONG BÓNG TỐI. Một lối đi hẹp dẫn đến phòng ăn và cũng là bếp, là thư viện kiêm cả phòng làm việc. Đang đi, tôi nhận thấy một phòng ngủ khiêm nhường, không có cửa sổ. Chỉ có vậy, nếu không tính một phòng tắm nhò không vòi hoa sen hay bồn, chúng toát ra đủ thứ mùi, từ mùi nấu ăn ở quầy bar bên dưới đến mùi hôi thối ẩm mốc của đường ống dẫn và thoát nước có từ hồi đầu thế kỷ. Toàn căn hộ chìm trong một màu ảm đạm thường hằng, như một khối đen mọc lên giữa những bức tường sờn tróc. Có mùi thuốc lá, sự lạnh lẽo và vắng vẻ. Nuria Monfort quan sát tôi trong khi tôi vờ như không để ý đến điều kiện tồi tàn của căn

“Tôi xuống dưới phố vì trong nhà hầu như không

có ánh sáng,” chị nói. “Chồng tôi đã hứa tặng tôi một cái đèn đọc sách khi anh ấy quay về.”

“Chồng chị đi xa à?”

“Miquel đang ở tù.”

“Tôi xin lỗi, tôi không biết...”

“Cậu biết đâu được. Tôi không xấu hổ khi cho cậu hay, vì anh ấy nào phải tội phạm. Lần gần đây nhất họ bắt anh ấy vì tội anh tin tờ rơi cho nghiệp đoàn công chân luyện kim. Đã hai năm rồi. Hàng xóm vẫn nghĩ anh ấy đi du lịch bên Mỹ. Cha tôi cũng không biết, và tôi không muốn ông ấy biết.”

“Chị đừng lo. Tôi sẽ không kể cho ông ấy đâu,” tôi nói.

Một hồi yên ắng căng thẳng bao lấy chúng tôi, và tôi mường tượng chị đang phân vân liệu tôi có phải là thám tử do Isaac cử đến không.

“Phải một mình trông nom căn nhà chắc vất vả lắm,” tôi ngốc nghếch nói, chỉ để lấp khoảng trống.

“Không dễ dàng gì. Tôi kiếm tiền nhờ công việc dịch thuật, sức mình bao nhiêu ráng kiếm bấy nhiêu, nhưng với một người chồng đang ở tù thì chẳng thấm vào đâu. Mấy tay luật sư hút cạn máu tôi, giờ thì tôi đang nợ ngập đầu. Nghề dịch thu nhập thấp chả kém gì viết lách.”

Chị nhìn tôi như đang đợi một câu trả lời. Tôi chỉ cười lặng lẽ. "Chị dịch sách sao?”

“Tôi không dịch sách nữa. Giờ tôi bắt đầu dịch đơn từ, hợp đồng, giấy tờ hải quan, thu nhập khá hơn. Dịch sách văn chương thì cậu chỉ kiếm được tiền công rẻ mạt thôi, mặc dù có cao hơn chút đỉnh so với viết văn, sự thật là vậy. Ban quản lý tòa nhà đã mấy lần cố tống khứ tôi ra khỏi đây. Việc tôi không đủ tiền trả chi phí bảo dưỡng chỉ đứng hàng chót trong các mối bận tâm của họ. Cậu cứ tưởng tượng đi, một phụ nữ biết ngoại ngữ và mặc quần dài... Không ít hàng xóm đã cáo buộc tôi đang kinh doanh nhà thố. Tôi thực quá may mă...”

Tôi hy vọng bóng tối che dấu được khuôn mặt ửng đỏ của mình.

“Tôi rất tiếc. Tôi không biết sao lại kể cho cậu nghe chuyện này. Tôi đang làm cậu xấu hổ.”

“Là lỗi của tôi. Tôi đã hỏi.”

Chị cười lo lắng. Xung quanh chị dường như có một hào quang cháy bừng của nỗi cô đơn.

“Cậu làm tôi nhớ đến Julián,” đột nhiên chị nói. "Cái cách cậu nhìn, và cử chỉ của cậu. Anh ấy từng làm giống như cậu bây giờ vậy. Anh ấy cứ nhìn ta chằm chằm mà không nói gì, ta không biết anh ấy nghĩ gì, và vì thế, như một kẻ ngốc, ta sẽ kể cho anh ấy nghe những điều đáng lẽ ra nên giữ trong lòng... Cậu có muốn uống chút gì không? Một tách cà phê nhé?”

“Không càm ơn chị. Tôi không muốn phiền chị.”

“Không phiền gì đâu. Tôi cũng đang định pha cho mình một tách.”

Có gì đó bảo tôi rằng bữa trưa của chị chỉ là tách cà phê mà thôi. Tôi từ chối lần nữa và nhìn chị bước về góc phòng ăn nơi có một chiếc ấm điện nhỏ.

“Cậu cứ tự nhiên nhé,” chị nói, lưng vẫn quay về phía tôi.

Tôi nhìn quang và tự hỏi làm thế nào. Phòng của Nuria Monfort gồm một chiếc bàn chiếm hẳn góc gần ban công, một máy đánh chữ hiệu Underwood với cái đèn dầu bên cạnh, và một giá sách đầy từ diển và giáo trình. Không có ảnh gia đình, nhưng bức tường cạnh bàn phủ đầy bưu thiếp, tất cả đều là những tấm ảnh chụp một chiếc cầu tôi nhớ đã thấy đâu đó nhưng không thể xác định nổi – có lẽ ở Paris hoặc Rome. Phía dưới đó là chiếc bàn bày biện gọn gàng và ngăn nắp đến độ hầu như ám ảnh. Những cây bút chì được vót nhọn và xếp ngay ngắn. Giấy tờ và bìa kẹp được sắp đặt ba hàng cân đối. Khi quay lại, tôi nhận ra Nuria Monfort đang đứng ở lối vào hành lang nhìn chằm tôi. Chị nhìn tôi lặng lẽ, như cách người ta nhìn người lạ trên phố hay trên tàu điện ngầm. Chị châm một điếu thuốc và đứng yên, khuôn mặt bị những vòng xoáy khói thuốc che phủ. Bỗng dưng tôi nghĩ, Nuria Monfort toát lên vẻ quyến rũ chết người dù bản thân chị không biết, như những phụ nữ trong phim làm Fermín sững sờ khi họ hiện ra từ đám sương mờ ở nhà ga Berlin, bao phủ trong quầng sáng siêu thực, kiểu mỹ nhân phát ngán với diện mạo của chính mình.

“Cũng không có gì nhiều để kể,” chị bắt đầu. “Tôi gặp Julián cách đây hơn hai mươi năm, ở Paris. Lúc ấy tôi đang làm việc cho Cabestany, một nhà xuất bản. Ông Cabestany mua quyền xuất bản các tiểu thuyết của Julián với giá bèo bọt. Lúc đầu tôi làm việc ở phòng kế toán, nhưng khi ông Cabestany biết tôi nói được tiếng Pháp, tiếng Ý và một chút tiếng Đức, ông chuyển tôi sang bộ phận bản quyền, và tôi trở thành thư ký riêng của ông ấy. Một trong các việc của tôi là trả lời thư của tác giả và nhà xuất bản nước ngoài mà công ty chúng tôi có làm ăn, và tôi đã tiếp xúc với Julián Carax như vậy.”

“Cha của chị bảo hai người là bạn thân.”

“Có lẽ cha tôi cũng bảo rằng chúng tôi hú hí với nhau hay gì đó như vậy, đúng không? Theo ông ấy, tôi chạy theo bất cứ người đàn ông nào, như con điếm động đực vậy.”

Sự bộc trực của người phụ nữ và kiểu cách lạnh lùng của chị khiến tôi cứng họng. Phải mất một lúc lâu tôi mới đưa ra một câu trả lời thỏa đáng. Lúc đó, Nuria Monfort đang tự mỉm cười với mình và lắc đầu.

“Đừng để ý đến lời ông ấy. Cha tôi có ý nghĩ như vậy kể từ khi tôi đi Paris, vào năm 1933, để giải quyết vài vấn đề giữa ông Cabestany và nhà Gallimard. Tôi đã sống một tuần ở thành phố đó, tại căn hộ của Julián vì lý do đơn giản rằng ông Cabestany muốn tiết kiệm chi phí khách sạn. Thật lãng mạn, như cậu có thể thấy. Cho đến lúc ấy, mối quan hệ của tôi với Julián Carax hoàn toàn qua thư từ, thường là liên quan đến bản quyền, bản thảo hoặc vấn đề biên tập. Những gì tôi biết về anh ấy, hoặc tưởng tượng về anh ấy, là từ đọc bản thảo anh ấy gửi mà ra.”

“Ông ấy có kể cho chị nghe điều gì về cuộc sống ở Paris không?”

“Không. Julián không thích nói gì về cuốn sách của anh ấy hay về bản thân. Tôi không nghĩ anh ấy hạnh phúc ở Paris. Mặc dù anh ấy tạo ấn tượng rằng anh là một trong sô người không thể hạnh phúc ở bất kỳ nơi đâu. Quả thật, tôi không bao giờ hiểu rõ anh ấy. Anh ấy không bao giờ để cho người khác hiểu. Anh ấy là người rất kín đáo, đôi khi dường như anh không còn quan tâm đến thế giới hay con người nữa. Ông Cabestany nghĩ anh ấy nhút nhát và có lẽ hơi điên, nhưng tôi có cảm tưởng Julián sống trong quá khứ, giam mình trong những ký ức. Julián sống trong chính bản thân mình, sống vì những cuốn sách của anh ấy và sống trong chúng – một nhà tù dễ chịu do anh ấy tự tạo ra.”

“Chị nói như thể chị đang ghen tị với ông ấy.”

“Có những ngục tù còn tồi tệ hơn cả nhà tù những con chữ, Daniel ạ.”

Tôi gật đầu, không dám chắc mình hiểu ý của chị.

“Julián có bao giờ kể về những ký ức đó không, về những năm tháng ở Barcelona ấy?”

“Rất ít. Trong tuần tôi lưu lại Paris, anh ấy kể cho tôi chút ít về gia đình. Mẹ anh ấy là người Pháp, giáo viên dạy nhạc. Cha anh ấy có một cửa hàng mũ hoặc gì đấy. Tôi biết ông ta rất sùng đạo và rất nghiêm khắc.”

“Julián có giải thích về mối quan hệ của ông ấy với ông bố không?”

“Không, họ không hợp nhau. Có chuyện gì đó xảy ra đã lâu. Thực ra, lý do Julián đi Paris là để tránh bị ông bố đưa vào quân đội. Mẹ anh ấy đã hứa đưa anh ấy đi càng xa người đàn ông đó càng tốt, còn hơn là để điều đó xảy ra.”

“Dù gì ông ấy cũng là cha.”

Nuria Monfort mỉm cười. Đúng hơn là nét thoáng cười và đôi mắt chị ánh lên vẻ mệt mỏi và buồn.

“Dù có là cha đi nữa thì cũng chưa bao giờ ông ấy cư xử như một người cha, và Julián chưa bao giờ xem ông ấy là cha mình. Có lần anh ấy thú nhận với tôi là trước khi kết hôn mẹ anh ấy có quan hệ với một người lạ, danh tính người ấy bà không bao giờ tiết lộ. Người đàn ông ấy mới là cha đẻ của Julián

“Nghe giống phần mở đầu Bóng hình của gió. Chị có nghĩ ông ấy nói thật không?”

Nuria Monfort gật đầu. "Julián kể anh ấy đã lớn lên trong cảnh phải chứng kiến ông bán mũ – anh gọi ông ta như thế – lăng mạ và đánh đập mẹ anh ấy như thế nào. Rồi ông ta vào phòng Julián, bảo anh ấy là đứa con tội lỗi, rằng anh thừa hưởng tính cách yếu đuối và hèn hạ của bà mẹ, và sẽ chịu đau khổ suốt đời, một cuộc đời thất bại cho dù anh ấy có cố gắng nhường nào...”

“Ông ấy có oán hận gì ông bố không?”

“Thời gian là phương thuốc tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ cảm thấy Julián ghét ông ta. Có lẽ như vậy tốt hơn. Tôi có ấn tượng rằng anh ấy đã mất hết lòng kính trọng đối với ông làm mũ vì những cảnh tượng kia. Julián nói về mọi thứ như thể chuyện đó chẳng quan trọng, chừng như nó là một phần của quá khứ mà anh bỏ lại đằng sau, nhưng những điều này không bao giờ bị lãng quên. Những lời khiến trái tim của một đứa trẻ bị đầu độc, cho dù là do ác tâm hay ngu dốt, chúng vẫn lưu lại trong ký ức, và sớm hay muộn chúng sẽ thiêu trụi tâm hồn đứa trẻ.”

Tôi tự hỏi có phải chị đang nói dựa trên trải nghiệm của bản thân không, và trong tôi hiện ra hình ảnh cậu bạn Tomás Aguilar đang kiên cường gánh chịu những công kích của người cha kiêu căng.

“Julián bao nhiêu tuổi lúc bị ông bố bắt đầu đối xử như vậy?”

“Khoảng tám hay mười tuổi...”

Tôi thở dài.

“Ngay khi anh ấy đủ tuổi vào quân đội, bà mẹ mang anh ấy đến Paris. Chắc là họ không chào từ biệt nhau. Ông bán mũ không bao giờ chấp nhận rằng gia đình đã bỏ rơi ông.”

“Chị có bao giờ nghe Julián nói về một cô gái tên Penélope?”

“Penélope ư? Tôi không nghĩ vậy. Tôi không nhơ

“Đó là bạn gái của ông ấy, từ lúc ông ấy còn sống ở Barcelona.”

Tôi lấy tấm ảnh chụp Carax và Penélope Aldaya ra đưa cho chị. Tôi để ý nụ cười sáng bừng khuôn mặt chị thế nào khi chị trông thấy Julián Carax thời niên thiếu. Nỗi bùi ngùi nuối tiếc khiến chị héo hon.

“Trông anh ấy thật trẻ... Đây có phải là Penélope mà cậu nói?”

Tôi gật đầu.

“Rất ưa nhìn. Julián luôn khiến cho những phụ nữ đẹp vây quanh anh ấy."

Như chị, tôi nghĩ. "Chị có biết anh ấy có nhiều...?”

Lại nụ cười ấy dành cho tôi. "Bạn gái ư? Người tình ư? Tôi không biết. Nói thật, tôi chưa bao giờ nghe anh ấy kể về bất kỳ phụ nữ nào trong đời anh ấy. Một lần, để chọc tức anh ấy, tôi đã hỏi. Hẳn cậu biết anh ấy kiếm sống nhờ chơi dương cầm ở quán khách. Tôi đã hỏi anh ấy có bị cám dỗ không, khi xung quanh là những phụ nữ quyến rũ và dể dãi. Anh ấy không cho câu nói đùa đó là hay ho. Anh ấy đáp rằng anh không có quyền yêu bất cứ ai, rằng anh đáng bị cô độc.”

“Ông ấy có nói tại sao không?”

“Julián không bao giờ nói tại sao.”

“Dù vậy thì rốt cuộc, ngay trước khi trở về Barcelona năm 1936, Julián Carax sắp kết hôn.”

“Đó là người ta nói vậy.”

“Chị nghi ngờ sao?”

Chị nhún vai tỏ vẻ hoài nghi. "Như tôi nói đấy, trong suốt bao năm chúng tôi quen biết nhau, Julián không bao giờ nhắc đến một người phụ nữ cụ thể nào, người anh ấy định kết hôn thì lại càng không. Chuyện kết hôn mãi sau này tôi mới biết. Neuval, nhà xuất bản gần nhất của Carax, đã cho Cabestany biết rằng vị hôn thê là một phụ nữ hơn Julián hai mươi tuổi,góa phụ giàu có đang ốm yếu. Theo Neuval, bà ta ít nhiều đã nâng đỡ anh ấy trong nhiều năm. Các bác sĩ bảo bà còn sống chừng sáu tháng, nhiều nhất là một năm. Neuval nói bà ta muốn kết hôn với Julián để anh ấy có thể thừa kế tài sản.”

“Nhưng lễ cưới không bao giờ xảy ra."

“Nếu từng có một kế hoạch như vậy, hoặc một góa phụ như vậy.”

“Như tôi được biết, Carax dính vào một vụ đấu súng, vào rạng đông ngày ông ấy dự định kết hôn. Chị có biết cuộc đấu súng đó với ai, hay tại sao không?”

“Neuval cho rằng ai đó liên quan đến góa phụ kia. Một người họ hàng xa tham lam, không muốn thấy di sản của bà ta rơi vào tay kẻ ất ơ nào đó. Neuval xuất bản chủ yếu những tiểu thuyết kinh dị rẻ tiền, nên tôi nghĩ thể loại sách đó đã nhiễm vào đầu ông ta.”

“Theo tôi thấy thì chị không tin lắm chuyện đám cưới và vụ đấu súng.”

“Không. Tôi không bao giờ tin.”

“Vậy chị nghĩ đã có chuyện gì? Tại sao Carax quay về Barcelona?”

Chị cười buồn. "Mười bảy năm qua tôi vẫn tự hỏi mình câu này.”

Nuria Monfort châm điếu khác. Chị mời tôi. Tôi thôi thúc muốn nhận, nhưng đã từ chối.

“Hẳn chị phải có giả thiết nào chứ?” tôi gợi ý.

“Tôi chỉ biết rằng vào mùa hè năm 1936, không lâu sau khi chiến tranh bùng nổ, một nhân viên nhà xác thành phố đã gọi điện cho công ty chúng tôi thông báo họ nhận được xác của Julián ba ngày trước. Người ta thấy xác anh ấy trên một con phố nhỏ ở Raval, áo quần rách bươm và bị một viên đạn xuyên qua tim. Anh ấy mang trên mình một cuốn sách, cuốn Bóng hình của gió, và hộ chiếu. Dấu trên hộ chiếu cho thấy anh ấy rời biên giới Pháp một tháng trước. Trong khoảng thời gian đó anh ấy ở đâu, không ai biết. Cảnh sát đã liên lạc với cha anh ấy, nhưng ông ta từ chối nhận trách nhiệm với caxác, và bảo rằng ông ta không có con trai. Sau hai ngày không có ai nhận xác, anh ấy được chôn trong khu mộ chung ở nghĩa trang Montjuïc. Thậm chí tôi còn không thể mang hoa đến viếng anh ấy, vì không ai có thể cho tôi biết anh ấy được chôn ở đâu. Chính nhân viên nhà xác – người đã giữ cuốn sách trong áo khoác của Julián đã có ý gọi điện cho nhà xuất bản Cabestany mấy ngày sau. Vậy nên tôi mới biết chuyện xảy ra. Tôi không thể hiểu nổi. Nếu Julián còn ai đó ở Barcelona mà anh có thể nhờ vả, thì đó chính là tôi, hoặc nếu khẩn thiết lắm thì ông Cabestany. Chúng tôi là những bạn bè duy nhất của anh ấy, nhưng anh ấy không bao giờ cho chúng tôi biết anh ấy trở về. Chúng tôi chỉ biết tin anh ấy quay lại Barcelona khi anh ấy đã chết...”

“Chị có tìm được gì khác sau khi biết tin ông ấy chết không?”

“Không. Lúc ấy là những tháng đầu tiên chiến tranh, Julián không phải là trường hợp duy nhất biến mất không để lại dấu vết. Không ai nói gì về chuyện đó nữa, nhưng có rất nhiều nấm mồ vô dnah, giống như mộ Julián. Tìm hiểu chuyện đó khác nào đi đâm đầu vào tường. Được ông Cabestany trợ giúp, lúc ấy ông đang ốm rất nặng, tôi đã khiếu nại lên cảnh sát và dùng mọi phương cách có thể. Điều duy nhất tôi nhận được là một chuyến viếng thăm của một tay thanh tra trẻ, một kẻ kiêu căng, độc ác, hắn bảo tôi là tốt hơn không nên hỏi gì nữa và nên cố hết sức mình để có thái độ tích cực hơn, bởi vì đất nước này đương lúc chiến tranh và đầy những lầm than. Hắn đã nói vậy. Tên hắn là Fumero, tôi chỉ nhớ được vậy. Dường như bây giờ hắn là một nhân vật khá quan trọng. Báo chí thường nói đến hắn. Có lẽ cậu cũng đã nghe nói.”

Tôi muốt ực. “Chỉ lờ mờ thôi.”

“Tôi không nghe tin gì nữa về Julián cho đến khi có người tìm đến các nhà xuất bản muốn mua toàn bộ các tiểu thuyết của Carax còn tồn trong kho."

“Laín Coubert.”

Nuria Monfort gật đầu.

“Chị có biết người đàn ông đó là ai không?”

“Mơ hồ lắm, tôi không chắc. Vào tháng Ba năm 1936 – tôi nhớ ngày đó bởi lúc ấy chúng tôi chuẩn bị cho in cuốn Bóng hình của gió – co người gọi điện đến nhà xuất bản hỏi địa chỉ anh ấy. Anh ta tự nhận là bạn cũ và muốn thăm Julián ở Paris. Muốn dành cho anh ấy một bất ngờ. Người ta chuyển máy cho tôi, và tôi bảo không được phép đưa thông tin. “

“Ông ta xưng tên không?”

“Jorge gì đấy.”

“Jorge Aldaya?”

“Có lẽ vậy. Julián đã hơn một lần nhắc đến tên anh ta. Tôi nghĩ họ học chung ở trường San Gabriel, và đôi khi Julián nhắc đến anh ta như thể đó là người bạn thân nhất.”

“Chị có biết Jorge Aldaya là anh trai cùa Penélope?”

Nuria Monfort chau mày. Trông chị có vẻ lo lắng.

“Chị có cho Aldaya điạ chỉ của Julían ở Paris không?”

“Không. Anh ta khiến tôi thấy khó chịu.”

“Ông ta đã nói gì?”

“Anh ta cười giễu tôi, bảo rằng anh ta sẽ tìm cách khác, rồi ngắt máy.”

Dường như có điều gì đang dày vò chị. Tôi bắt đầu băn khoăn không biết cuộc trò chuyện này sẽ đi đến đâu. "Nhưng chị lại nghe tin về ông ta, đúng không?”

Chị gật đầu lo lắng. “Như tôi đã kể, không lâu sau khi Julián biến mất, người đó xuất hiện tại công ty Cabestany. Lúc ấy ông Cabestany không còn làm việc nữa, con trai cả của ông ấy đảm trách mọi việc. Người khách, kẻ Laín Cuubert ấy, muốn mua toàn bộ tiểu thuyết còn lại của Julián. Tôi nghĩ tất cả chỉ là một trò đùa nhạt nhẽo. Laín Coubert là một nhân vật trong Bóng hình của gió.”

“Ác quỷ.”

Nuria Monfort lại gật đầu.

“Chi đã tận mắt thấy Laín Coubert chưa?”

Chị lắc đầu và châm điếu thuốc thứ ba. “Không. Nhưng tôi nghe trộm được một phần cuộc đối thoại với người con trai trong văn phòng ông Cabestany.”

Chị bỏ lửng câu nói, như e sợ kết thúc nó hoặc không dám chắc làm sao để kết thúc. Điếu thuốc rung rung trên ngón tay chị.

“Giọng nói của anh ta,” chị nói. “Đó chính là giọng nói của người đã gọi điện tự xưng là Jorge Aldaya. Con trai ông Cabestany, một tên đần độn kiêu căng, đã cố đòi nhiều tiền hơn. Coubert – hay cho dù là ai đi nữa - nói anh ta phải cân nhắc thêm. Tối hôm đó, nhà kho của Cabestany ở Pueblo Nuevo bốc cháy, và sách của Julián thảy bị cháy theo.”

"Ngoại trừ những cuốn chị đã giữ được và giấu ở Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên.”

“Đúng vậy.”

“Chị có biết tại sao có kẻ lại muốn đốt hết sách của Julián Carax không?”

“Tại sao sách bị đốt ư? Do ngu ngốc, do kiêu ngạo, do thù ghét,... Chúa mới biết được...”

“Sao chị nghĩ vậy?” tôi nài hỏi.

“Julián sống trong những cuốn sách của anh ấy. Cái thi thể trong nhà xác kia chỉ là một phần của anh ấy mà thôi. Linh hồn của anh ấy nằm trong những câu chuyện của anh. Đã có lần tôi hỏi ai là nguồn cảm hứng cho anh ấy sáng tạo các nhân vật, anh ấy trả lời rằng không ai cà. Rằng tất cả các nhân vật đều chính là bản thân anh ấy.”

“Nếu có ai muốn hủy diệt ông ấy thì hẳn phải hủy cả những cuốn sách lẫn các nhân vật kia nữa, có phải vậy không?”

Nụ cười chán chường quay trở lại, một nụ cười thất bại và mệt mỏi. "Cậu làm tôi nhớ đến Julián,” chị nói. "Trước khi anh ấy mất hết niềm tin.”

“Niềm tin của ông ấy vào điều gì

“Vào tất cả.”

Trong ánh mờ ảo, chị bước đến nắm tay tôi. Chị vuốt lòng bàn tay tôi, lặng lẽ, chừng như muốn đọc những đường chỉ tay. Tay tôi run rẩy khi chạm vào. Tôi thấy mình đang lần theo hình dáng cơ thể chị đằng sau lớp áo cũ. Tôi những muốn chạm vào chị và cảm nhận nhịp tim nóng buốt lưới làn da chị. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau, và tôi dám chắc chị biết tôi đang nghĩ gì. Tôi cảm nhận chị đang cô đơn hơn bao giờ hết. Tôi ngước mắt lên bắt gặp ánh mắt thanh bình, rộng mở của chị.

“Julián chết trong cô độc, tin rằng sẽ không có ai nhớ đến anh ấy hay những cuốn sách của anh ấy nữa, rằng cuộc đời anh ấy chẳng có ý nghĩa gì,” chị nói. “Anh ấy hẳn đã muốn biết rằng có ai đó muốn giữ cho anh sống, có ai đó vẫn nhớ đến anh. Anh ấy từng nói chúng ta tồn tại chừng nào vẫn còn người nhớ đến.”

Tôi khao khét nhức nhối được hôn người phụ nữ đó, một ham muốn tôi chưa bao giờ có trước đây, ngay cả khi nhớ về hình ảnh của Clara Barceló. Chị đọc được ý nghĩ của tôi.

“Muộn rồi đấy, Daniel,” chị lẩm bẩm.

Một phần trong tôi muốn ở lại, muốn đắm mình trong sự gần gũi lạ lùng này, muốn nghe chị nói lần nữa rằng cử chỉ và sự trầm lặng của tôi khiến chị nhớ đến Julián Carax.

“Vâng," tôi lí nhí.

Chị gật đầu nhưng không nói gì, rồi tiễn tôi ra cửa. Hành lang dường như dài vô tận. Chị mở cửa, và tôi bước ra chiếu nghỉ cầu thang.

“Nếu cậu gặp cha tôi, nhắn với ông rằng tôi vẫn khỏe. Hãy nói dối ông ấy.”

Tôi thì thầm chào tạm biệt chị, cảm ơn chị đã dành thời gian, và lịch thiệp chìa tay ra. Nuria Monfort lờ đi cử chỉ trịnh trọng ấy. Chị đặt tay lên cánh tay rôi, cúi về phía trước, hôn lên má tôi. Chúng tôi nhìn nhau đăm đăm, và lần này tôi gần như run rẩy tìm đôi môi chị. Cơ hồ đôi môi ấy hơi mở ra, và những ngón tay chị khẽ chạm vào tôi. Vào khoảnh khắc cuối, Nuria Monfort dira xa và nhìn xuống.

“ Tốt nhất cậu nên về đi, Daniel,” chị thì thầm.

Tôi nghĩ chị sắp bật khóc, nhưng trước khi tôi kịp nói gì, chị đã đóng cửa. Tôi bị bỏ lại bên đầu cầu thang, cảm thấy sự hiện diện của chị phía bên kia cánh cửa, đang bất động, và tự hỏi đã có chuyện gì xảy ra. Phía bên kia chiếu nghỉ, lỗ nhỏ trên cửa nhà hàng xóm nhấp nháy. Tôi vẫy tay chào chị rồi lao xuống phía cầu thang. Khi bước xuống đường, tôi vẫn cảm thấy khuôn mặt Nuria Monfort, giọng nói chị, cả mùi của chị tận sâu thẳm trong tâm hồn mình. Tôi mang theo dấu vết đôi môi chị, hơi thở chị trên da thịt mình khi qua những con phố đầy rẫy những người vô diện đang chạy trốn khỏi các văn phòng và cửa hiệu. Khi rẽ sang phố Canuda, một cơn gió lạnh xuyên qua những ồn ào hối hả mà phả vào người tôi. Tôi hồ hởi đón nhận làn hơi lạnh trên mặt và bước thẳng về phía trường đại học. Sau khi qua Ramblas, tôi tiến thẳng xuống đường Tallers rồi biến mất vào lối đi hẹp tối tăm, cảm giác như tôi vẫn đang mắc kẹt trong căn phòng âm u kia, nơi tôi hình dung Nuria Monfort giờ đang ngồi một mình, lặng lẽ xếp những cây bút chì, những cặp tài liệu của chị, những ký ức của chị, đôi mắt chị đẫm lệ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.