Oan cây thị.
Sau hai ngày đi phủ cô Tài, toàn gia chúng tôi ai về nhà nấy, gian thờ bây giờ chuyển vào phòng bà ngoại, bác cả là người chăm sóc hương hỏa trong đấy. Phòng của bà nằm dưới dãy nhà ngang, trước cửa là sân phơi thóc, qua sân sẽ đến khu vườn ăn quả. Dù là đi từ cổng vào hay từ nhà ra thì thứ đập vào mắt người ta đầu tiên là cây thị già trồng ở rìa bao lơn, sát với bể nước. Cây thị cao tới ba tầng nhà, tán rộng che quá nửa sân, cành lá xung xuê, nó là được bà trồng từ ngày đẻ bác hai. Ngày đó bà được thôn cắt thêm miếng đất trước cửa, bà tính trồng cây gì vừa ra quả vừa cho bóng mát nên mới cắm hột thị xuống.
Ngày bà mất bác cả lấy khăn tang buộc ở thân cây, trong khi những cây khác bác chỉ quệt vôi trắng. Hỏi thì bác bảo câu thị này theo bà lâu nhất, tính đến này nó cũng trồng được 45 năm rồi, so ra chẳng khác gì người nhà. Tôi không biết nếu biến cố kia không xảy ra, tán cây thị có thể che hết sân và ngọn cây sẽ cao tới đâu nữa.
Hơn 10h sáng ngày thứ ba sau 100 ngày của bà, một người đàn ông tuổi trên 50, cũng là người làng tôi, tự xưng là cụ Bê, một người đã mất cách đây 80 năm. Người đó cầm gạch, dao dựa xông qua cổng, bất chấp sự ngăn các của các bác trong nhà, một tay người đó dọa sẽ đập chết ai lao tới gần, một tay vung dao chặt xuống thân cây thị. Bố mẹ tôi cùng mấy bác ở xa được báo đến giải quyết vụ việc, nghe qua điện thoại tôi chưa hiểu rõ tình hình, lúc đến nơi mới rõ, người tự xưng là cụ Bê kia, thực chất là vừa đi gọi vong ở phủ cô Tài về.
Thân nhân của người đó có qua nói lý với chúng tôi, rằng mộ cụ bà nhà họ bị sụt mất từ lâu, nay gia đình bên đó muốn xây nhà thờ tổ nên đi gọi cụ, xin cụ chỉ chỗ mả bị vùi để đem về trùng tu lại. Người đàn ông kia là cháu bên nội của cụ Bê, ông ta được cụ nhập vào và dẫn người nhà đến đây đòi mộ. Một điều khó hiểu là người đàn ông đó khăng khăng dưới gốc cây thị này là tiểu của cụ bà bên đó, trong lúc nhà bên đấy giải thích, người đàn ông không nói không rằng cứ dùng dao băm bổ vào thân cây thị.
Lời người đàn ông đó nói ra rất gay gắt, không xem nhà chúng tôi ra gì, bất cứ ai cản ông ta đều bị dao và gạch đập thẳng tay. Tôi nhớ ông ta nói chúng tôi là hàng con cháu, ông ta thì một điều cụ Bê, hai điều cụ Bê, chỉ từng mặt các bác tôi mà chửi, dọa rằng nếu không đào cây thị này lên, cả nhà tôi sẽ bị vật chết.
Các anh chị tôi không tín như các bác, nghe ông ta nói thì tức lên, vài người vác gậy đuổi ông ta ra khỏi cổng. Nói gì thì nói, vừa qua 100 ngày bà tôi, khăn tang còn chưa gỡ xuống, ai cho phép họ kéo tới đây làm loạn. Đấy là chưa kể lời người đàn ông kia chẳng có căn cứ, muốn đào thì đào được chắc, người chết cách đây 80 năm, nếu có hồn ma thật đi chăng nữa thì giờ cũng phải sang kiếp khác rồi. Vô lý nhất là sụt đâu không sụt, lại chọn đúng cây thị già của bà tôi, đây là di vật sống giá trị nhất mà bà để lại cho toàn gia chúng tôi. Người ngoài đến chặt phá nó sau khi bà mất, tôi không biết đây là trùng hợp hay cố ý nữa.
Người đàn ông kia lời lẽ đanh đá, chua ngoa, so với bình thường thì ông ta hoàn toàn khác. Tôi biết ông ta từ trước khi biến cố xảy ra, ông ta không rượu chè, không gây gổ với hàng xóm, là người sống rất biết điều và có tiếng hiền lành. Có lẽ vì theo người nhà đến phủ cô Tài nên bị vong nhập, đầu óc như hóa điên, mà khổ nhất là lại đi gây với nhà tôi. Khi đó tôi vừa chấp nhận được suy nghĩ có cõi âm trên đời, nên ánh mắt nhìn người đàn ông kia đa phần là sợ hãi. Không chỉ có tôi mà toàn gia đều phải cân nhắc lời ông ta rất nhiều.
Nếu thực sự dưới gốc cây thị có tiểu của cụ Bê kia, nhà tôi không thể không trả lại. Nhắc tới chuyện cây thị, tôi nhớ một lần, cách lúc bấy giờ 4 năm, hồi tôi học cấp hai, tôi từng thấy trên cây thị có ma. Tối hôm đó tôi vào bà ngoại ăn cỗ, tàn cơm bọn trẻ trong nhà rủ nhau đi chơi trốn tìm. Đến lượt tôi đi tìm, đoán là sẽ có anh nào trèo lên cây thị, tôi ra bể nước, trèo lên thành bể và đu sang cây.
Trời tối mà tán thị rất dày, đèn ngoài sân không chiếu lên cao được, tôi leo thêm mấy chạc cây, liền phát hiện một bóng người đứng núp sau thân cây, cách tôi ba bốn chạc. Tôi chắc mẩn là anh họ nên tính trèo lên bắt. Đu được hai chạc thì ở trong nhà ngang có người gọi, là mẹ tôi bảo muộn rồi đi về. Lúc đó tôi còn nhìn lên chạc cây kia một cái, thấy người đó vẫn núp sau thân cây, kiểu như chưa biết tôi trèo lên vậy. Nghĩ thế nào tôi liền im lặng tụt xuống gốc thị, muốn để người đó trốn thên đấy lâu một chút.
Nhưng khi chạy đến nhà ngang, tôi đã thấy tất cả anh chị đều ở đây, không thiếu một người nào. Tôi hỏi có ai trốn trên cây thị không, mọi người bảo điên mà trèo lên cây thị buổi tối, trượt chân ngã xuống bể nước chết toi. Hồi đó tôi chỉ hơi sợ thôi, về sau không bao giờ tôi chơi cạnh cây thị khi trời tối nữa. Tôi đem chuyện đó ra kể với các bác, có người bảo tôi quáng mắt, có người lại bảo đúng là cụ Bê đấy rồi. Trong nhà tôi cũng phải đấu tranh tâm lý ác liệt, bên ngoài người đàn ông kia lại không ngừng ném đá ném gạch vào sân nhà bà tôi.
Sau cùng là nhà tôi phải thỏa hiệp với bên kia, mẹ tôi nói rằng bà ngoại vừa nằm xuống, cứ để người ta gây rối bên ngoài thì bà làm sao mà nhắm mắt được. Chuyện lại thuộc về mảng tâm linh, thực chất rất khó để giải quyết, chính quyền thôn không biết làm cách nào để can thiệp vào chuyện này. Thế là nhà tôi yêu cầu họ ký cam kết, dù cho bên dưới có tiểu hay không, mọi chi phí và giá trị của cây thị, nhà bên đó phải đứng ra hoàn trả cho nhà tôi.
Nói cho cùng thì cây thị có đáng mấy tiền đâu, chủ yếu là giá trị tinh thần của nó. Những tưởng là di sản bà tôi để lại được vĩnh viễn cho con cháu, nhưng không ngờ bà vừa nhắm mắt, cây cũng chết theo.
Hôm sau người ta cho xe cẩu và cưa máy đến, thân cây thị to bằng ba người ôm liền bị đốn hạ, cành cây bị cưa bớt và đem vứt khắp ngoài đường. Phải mất nửa này thì gốc thị mới được bật lên, rễ nó bao gần như trọn khoảng sân, người ta còn phải phá cả sân để đào rễ lên. Hơn 8h tối, cây thị chính thức khai tử. Mẹ tôi suốt ngày hôm ấy chỉ ở trong giường thờ dưới nhà ngang, khấn vái hương hồn bà. Tôi không biết mẹ nói gì với bà nhưng khi nghe kết quả của cuộc đào xới, nén nhang trên bát chợt bùng cháy dữ dội.
Dưới gốc cây thị, xung quanh bán kính 300m, đào móc tới 4m đất, hoàn toàn không thấy một mẩu xương nào. Cả khoảng sân của bà đều bị xới tung, người nhà hai bên cùng dân làng tham gia tìm kiếm, kết quả chỉ thấy độc đất là đốt. Người đàn ông kia trước đó còn lớn tiếng chửi mắng, giờ lại lăn đùng ra bất tỉnh. Nhà bên đó phải đền bù và xây sửa lại hết những tổn thất mà họ gây ra. Mẹ tôi nói rằng, dù có đền bù gấp mười lần thì cũng không thể bằng được lúc đầu. Kẻ ác tâm chắc chắn sẽ bị quả báo, cái cây sống lâu năm cũng thành người, giết nó rồi nhân quả báo ứng sẽ giáng xuống đầu chúng.
Hiện tại đã là năm năm sau ngày ấy, người đàn ông trước bị vong nhập giờ đã hóa điên. Ông ta lúc mê lúc tỉnh, đi lang thang trong làng, cũng không nhớ mình là ai, hỏi thì lúc nói là người này lúc lại bảo người khác. Thầy cúng cho biết vong nhập vào người ông ta không phải cụ Bê nào hết, vong đó là Âm binh chết đâm chết chém, chính vì vậy ông ta mới đi gây sự quấy rối.
Bản thân tôi cũng ngẫm ra câu nói của mẹ, cái cây sống lâu cũng thành người, chính cây thị già kia là một thành viên trong gia đình tôi, tự tay bà chăm bẵm cho nó phát triển. Bóng người tôi thấy hẳn không phải ma, chỉ là cái cây đấy cũng muốn đùa chơi một chút, nó hoàn toàn không có ác ý. Quả thực, nó là bị chịu oan mà chết.