Bí Mật Xuyên Qua

Chương 2: Kế hoạch sinh tồn




Hiện tại, Hoàng Thùy đang ở trong nhà của hai vợ chồng già thôn Phan gia dưỡng thương. Hai vợ chồng có một con trai và một con gái, con trai vừa nhận chức ở nha môn trấn Thanh Khê, con gái cũng vừa gả cho nhà phú quý ở trên trấn cách đây không lâu. Lúc còn trẻ chịu cực, chịu khổ nuôi nấng con cái giờ cũng được báo đáp, mua nhà dọn cửa ở trên trấn rồi mời hai người lên hưởng phúc. Đang lúc chuẩn bị đi thì gặp phải Hoàng Thùy, vì thương tiếc cô gái còn trẻ mà mất trí nhớ không chốn dung thân, nên hai người họ đành phải nán lại vài ngày, chăm sóc vết thương, cũng dạy cô làm sao để sống tốt. Căn nhà cũ kỹ của họ không đáng giá bao nhiêu nên cũng tặng lại cho Hoàng Thùy, trước khi đi còn đưa cô lên gặp trưởng thôn, nhờ họ chiếu cố.

Hoàng Thùy rất biết ơn hai vợ chồng già, lấy một ít bạc có trong người đưa họ nhưng đều bị từ chối.

“Chúng ta làm một ít chuyện tích đức để sau này cuộc sống có thể suôn sẻ trôi qua, trước đây cũng vậy nên bây giờ mới được hưởng phúc con cháu. Cô nương còn trẻ mà không có nơi nương tựa, còn bị mất trí nhớ thì cuộc sống sau này rất khó khăn. Có chút bạc thì hãy giữ lại mà trang trải cuộc sống.”

Người ta đã nói vậy nên Hoàng Thùy đành rối rít cảm tạ, dù sao ở thời đại này một cô gái trẻ rất khó sống tốt nếu không có chỗ để về, cũng đừng nói đến việc tìm ra bí mật, điều tra cái chết của cô giống mình y hệt kia. Nghĩ đến cô gái kia mà cô không nhịn được thở dài vài cái, đúng là cô gái xấu số đến đáng thương.

Hai bức thư mà cô gái kia để lại là một bức hưu thư và một bức giải bày trước khi chết. Cô gái này tên là Hoàng Thúy, gia đình cũng là thế gia vọng tộc nhưng hết thời, cuộc sống trong phủ lại hết sức khó khăn, lý do là vì Hoàng Thúy là con của Hoàng Thế Toàn cùng với người vợ trước, mẹ cô sau khi sinh xong cô thì bỏ trốn theo người đàn ông khác. Sự có mặt trên đời của Hoàng Thúy khiến Hoàng Thế Toàn và gia tộc cảm thấy thật sự rất mất mặt, nên đối đãi với cô không bằng một nô nữ.

Mới đây, vì gia tộc càng ngày càng sa sút đi xuống, Hoàng Thế Toàn liền đem cô gả cho một tên thích nam, không thích nữ để giúp gia tộc có thể đứng vững thêm mấy ngày. Nhưng vừa qua cửa thì Hoàng Thúy bị người ta ám kế, đổ oan cho tội hạ độc giết phu. Tên thích nam không thích nữ kia vì lúc trước nợ nhân tình của nhà Hoàng Thúy nên giữ cho cô một mạng, rồi ném một bức hưu thư để cô rời đi.

Nhà Hoàng Thúy không thể chứa chấp một người mang danh giết chồng còn bị hưu, liền đuổi cô ra khỏi nhà, gạch tên khỏi gia phả, tuyên bố từ nay trong gia tộc không có một người tên là Hoàng Thúy.

Trong thư có nói Hoàng Thúy sẽ thắt cổ tự tử, chết làm ma sẽ đeo bám cả nhà họ Hoàng cùng với tên nam không ra nam kia. Nhưng khi Hoàng Thùy kiểm tra xác của cô ta thì không thấy vết thắt ở cổ, nhìn chung nguyên nhân dẫn đến tử vong là do rơi từ vách núi cao xuống khiến vỡ sọ mà chết. Khuôn mặt chết rồi nhưng vẫn hiện vẻ sợ hãi của Hoàng Thúy khiến Hoàng Thùy nhớ mãi. Chuyện này đúng là có quá nhiều điểm đáng ngờ.

Hoàng Thùy nghĩ đến việc mình và cô gái Hoàng Thùy giống nhau y hệt, tên chỉ khác nhau ở cái dấu, điều này chắc chắn không thể nào trùng hợp. Bây giờ nếu cô đem khuôn mặt này ra ngoài làm việc e là không thể, bị người biết mặt không nói, còn gặp kẻ xấu đã hãm hại Hoàng Thúy mới đáng sợ, mạng mình chắc chắn sẽ giữ không lâu.

Hoàng Thùy quyết định theo hai vợ chồng Phan bà bà lên trấn mua ít quần áo và khăn che mặt để hóa trang. Lúc cô ra ngoài đội nón, đeo kính râm, bịt khẩu trang khiến hai vợ chồng già hết hồn. Nghĩ đến việc mang thế này ra ngoài còn bị người chú ý hơn thì bỏ mấy thứ kia ở nhà. Nhờ Phan bà bà chỉ mình cách búi tóc giống một phụ nhân, sau đó mượn bà cái khăn rồi bịt hết cả mặt mũi lại. Hoàng Thùy giải thích là không muốn người xấu dòm ngó nhan sắc xinh đẹp của mình. Hai vợ chồng già liền tin tưởng.

Hoàng Thùy lên trấn thì đem theo tờ ngân phiếu một trăm lượng, sáu thỏi bạc cùng một ít bạc vụn. Theo như Phan bà bà nói thì mình thuộc người giàu có trong thôn rồi. Hơn sáu lượng bạc cô có trong tay có thể mua sắm, ăn cơm gạo trắng, thịt cá đầy đủ trong vòng nửa năm.

May là Hoàng Thùy chỉ đưa sáu lượng cho Phan bà bà xem, nếu đem ba trăm lượng ra chắc bà sẽ sợ chết khiếp. Một năm con bà cũng chỉ kiếm được hai mươi lượng bạc bổng lộc.

Đến trấn trên, vì sợ Hoàng Thùy mới đến sẽ lạc đường, Phan bà bà dẫn cô đi vòng vòng một hồi, giúp cô trả giá mua đồ mới biết được mình quả thực rất giàu có. 

Hoàng Thùy mua cho mình một xấp vải bố sẫm màu tính cả tiền công may là hai mươi văn, một sấp màu sáng vải đẹp hơn chút thì ba mươi văn, một sấp làm nam trang ba mươi văn, một sấp vải đẹp nhất, đắt nhất giá đến một trăm văn tiền. Vì mua nhiều, còn mướn làm công nên Hoàng Thùy được chủ cửa hàng tặng thêm hai tấm vải trùm đầu hai màu. Tuy vậy, khi Phan bà bà thấy cô đem tiền ra trả thì đau lòng thay. Đúng là cô gái trẻ chưa biết cơm gạo manh áo khó kiếm như thế nào. 

Sau khi mua xong mọi thứ cần thiết, Hoàng Thùy hẹn tuần sau lên trấn lấy quần áo sẽ gặp lại Phan bà bà. Lúc lên xe trâu về nhà thì mặt trời sắp lặn. Xe trâu rung lắc căn bản không làm đứt suy nghĩ của Hoàng Thùy, cô đang nhẩm tính xem hôm nay mua hết những gì. 

Riêng quần áo tiêu tốn hết một trăm tám mươi văn, gạo mua mười đấu hết một trăm văn, số gạo này mình cô có thể ăn hết một tháng, thịt thì mua năm cân cả nạc và mỡ, hết một trăm năm mươi văn, vạt rau ở nhà Phan bà bà vẫn để lại nên cô không cần mua. Ngoài ra, Hoàng Thùy còn mua một ít gia vị, nhưng ở đây người ta chỉ ăn muối, đường với một ít hương quế. Muối ba bao nhỏ hết chín văn, hai bao đường hai mươi văn, còn hương quế đến năm mươi văn một bao, gia vị còn đắt hơn gạo thịt, quần áo. Tốn hơn bốn trăm văn tiền.

Ngoài đồ ăn thức uống, Hoàng Thùy còn vào cửa hàng văn phòng phẩm mua một ít giấy, bút lông, mực nghiên các loại, cùng một ít mỹ phẩm và tăm xỉa răng. Không phải cô mua về để rèn chữ, làm đẹp các kiểu đâu, những thứ này mua về để hóa trang khi đi ra ngoài. Hoàng Thùy không muốn vì cái mặt mà hại cái thân. Nhưng mấy món này thật sự rất đắt đỏ, tổng cộng tiêu tốn hơn một lượng bạc, thêm bốn trăm văn tiền lương thực, hôm nay Hoàng Thùy đã tiêu gần một lượng năm trăm văn tiền.

Về đến nhà, nhân lúc trời còn sáng, Hoàng Thùy lấy quyển sổ con và bút bi trong balo ra lên kế hoạch cho cuộc sống sau này.

Nếu muốn điều tra về cái chết của Hoàng Thúy thì Hoàng Thùy phải có quyền, lúc đó mới trộn lẫn vào được đám văn võ bá quan đó để biết thêm tin tức mà điều tra. Nhưng muốn có quyền thì phải có tiền, cô phải kiếm được thật nhiều tiền, lấy tiền để mua quyền. Có điều, khi có nhiều tiền thì lúc đó sẽ có nhiều người dòm ngó, bản thân yếu ớt thì chắc chắn sẽ trở thành miếng thịt trên tay bọn sói đói kia. Nên Hoàng Thùy bắt buộc phải mạnh và luyện tập kỹ năng sinh tồn cho tốt.

Phan thôn này là một thôn cực kỳ nghèo nàn. Người dân trồng lương thực để bán và đổi để trang trải cuộc sống, ngoài ra còn nuôi một ít gà vịt, nhà nào khấm khá một chút thì nuôi heo. Cá thì người dân bắt ở sông hoặc ở đồng, có một số nam phu khỏe mạnh thì lên rừng săn bắn để đổi lấy tiền. 

Hiện tại, Hoàng Thùy có có hơn ba trăm lượng bạc, số tiền này cô tính để làm vốn kinh doanh. Hoàng Thùy không giống các nhân vật chính xuyên qua có thể làm ruộng, nên cô chỉ có thể động não làm ăn buôn bán. Nhưng trước đó cô muốn rèn luyện bản thân đã, ít nhất khi làm chuyện buôn bán không sợ người ta đem đi đánh chết, hoặc khi có tiền thì bị người cướp mất. Hoàng Thùy còn muốn đột nhập vào nhà người ta, đưa dao kề cổ bắt đối phương làm việc cho mình cơ, cảm giác làm kẻ thần bí đứng sau lưng này rất thú vị. Dù sao luật pháp ở cổ đại rất lỏng lẻo, còn không có camera quan sát, có chút chuyện cũng sẽ không báo quan.

Hoàng Thùy cảm thấy mình là một đồng chí cảnh sát quá mức vô lại và thất đức.

Bắt đầu từ hôm nay, Phan thôn xuất hiện thêm một thôn dân gọi là Hoàng Thùy, là một cô nương bị hưu, luôn dùng khăn bịt kín mặt. Theo như người ta biết và cũng đã từng chứng kiến thì lý do Thùy cô nương phải dùng vải che là vì có một vết sẹo dài trên mặt rất dọa người. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.