Bạn Cùng Bàn Nói Tôi Giống Chó Của Cậu Ấy

Chương 7: Biến cố




Sân trường nổi gió, mây đen vần vũ, âm u không thấy ánh mặt trời. Tôi ngồi nhìn chỗ trống bên cạnh mà lo lắng, không biết Tuấn Anh có bị ốm không? Cậu ấy chưa bao giờ nghỉ học cả.

Phải hai ngày sau, bắt đầu được nửa tiết học Tuấn Anh mới chậm rì rì vào lớp. Cậu ấy ném balo lên bàn sau đó ngồi nhìn tôi chằm chằm. Tôi cố thuyết phục mình là cậu ấy chỉ nhìn lên bảng mà thôi nhưng cả người lại chột dạ khó chịu. Không lẽ cậu ấy phát hiện ra tôi nói dối rồi? Cũng không đúng. Chẳng qua do tôi quan tâm đến vấn đề cảm xúc giữa những người đồng giới nên mới cố ý xem nhiều sách truyện mà thôi. Chứ tầm tuổi này chúng tôi vốn dĩ không nên quá hiểu về chuyện này. Nếu Tuấn Anh phát hiện ra thì cũng chỉ nghĩ rằng tôi ngu ngốc thiển cận mà thôi.

Nếu là bình thường tôi sẽ tự nhiên mà hỏi cậu ấy "tại sao nghỉ học? Có ốm đau ở đâu không?" Nhưng hiện tại tôi đang mang trong mình một trái tim đen sì sì, hoàn toàn tự ti,không dám mở lời. Chúng tôi không nói chuyện, vậy mà giờ ra chơi Tuấn Anh cũng không ra ngoài chơi mà ngồi tại chỗ. Cậu ấy không tránh né nhưng giữa chúng tôi lại lượn lờ bầu không khí gượng gạo quái dị.

Vì thế lúc giải lao tôi sẽ sang chỗ khác, ngồi chơi với người khác, tuy nhiên vẫn không thoát khỏi cảm giác cả người nổi gai ốc, cứ linh cảm có một đôi mày kiếm mắt sắc nhìn xoáy sâu sau gáy mình. Nhưng mỗi lần làm bộ nhìn sang cậu ấy sẽ đảo ánh mắt qua chỗ khác, lần nào cũng thế, nhiều đến mức tôi hoang mang không biết có phải tự trong lòng mình có quỷ nên sinh ra hoang tưởng hay không?

Tôi không dám hỏi tại sao cậu ấy lại lén lút nhìn mình? Chẳng lẽ cậu ấy phát hiện rồi sao? Đây là bước đầu tiên của việc kì thị trong báo thường nói?

Khoảng hơn chục ngày sau, Tuấn Anh vẫn là người mất kiên nhẫn trước. Cuối buổi học, trong khi các bạn lục đục ra về thì ở dưới ngăn bàn, cậu ấy nắm chặt lấy cổ tay tôi. Chặt đến nỗi tôi có chút đau. Tuy vậy tôi không hỏi cũng không mảy may nhúc nhích rút tay ra. Đã đến lúc tôi phải đối mặt rồi.

Mọi người đã về hết, không gian tĩnh lặng, hai chúng tôi có thể nghe được tiếng thở gấp gáp của nhau. Mỗi lần tôi cố thả nhẹ nhịp thở thì trái tim lại như muốn bạo động. Nổi trống tưng bừng. Tôi như kẻ xấu xa chuẩn bị bước lên đoạn đầu đài chờ đợi phán xử.

Nhưng mọi chuyện xảy ra hoàn toàn không như những gì tôi cật lực tưởng tượng.

Tuấn Anh từ từ buông tay tôi ra, cậu ấy nhìn tôi chăm chú, hỏi: "An biết bê đê là gì à?"

Tim tôi như muốn ngừng đập.

Tôi phải đáp lại thế nào đây? Rốt cuộc cậu ấy muốn gì? Tại sao không nói thẳng ra? Sao phải hỏi lại một câu tôi đã từng trả lời rõ ràng?

Ở dưới mặt bàn, móng tay tôi bấu chặt vào lòng bàn tay đến đau nhói.

Tôi bình tĩnh đáp: "biết."

Cậu ấy hỏi: "tại sao không nhìn Tuấn Anh?"

Tôi bối rối: "An đang dọn đồ dùng học tập mà."

"Cứ để đấy đi." Giọng cậu ấy cực kì nhẹ nhàng: "tí Tuấn Anh dọn cho."

Cậu ấy càng tỏ ra dịu dàng, tay tôi càng run rẩy dữ tợn. Tôi đang sợ hãi.

"An này!" Cậu ấy bất chợt nắm lấy tay tôi, hỏi: "sao An run dữ vậy? Sợ Tuấn Anh ăn thịt à?"

Rõ ràng là câu nói đùa nhưng khi nhìn lên tôi thấy mặt cậu ấy vô cùng nghiêm túc.

Cậu ấy nắn nhẹ lòng bàn tay tôi một cái, nói: "Tuấn Anh hỏi một câu nữa thôi. Hỏi đúng một câu rồi sẽ thả An về. Nhưng mà An đợi một chút đi. Đợi Tuấn Anh suy nghĩ xem nên hỏi câu nào có được không?"

Tôi cố gắng giữ bản thân thật bình tĩnh nhưng càng nghe cậu ấy thủ thỉ lại càng chấn động. Mỗi câu mỗi từ cứ như nặng ngàn cân chậm rãi giáng xuống lòng tôi. Vậy là có rất nhiều câu hỏi sao? Muốn hỏi gì thì hỏi nhanh đi! Hỏi hết lượt luôn một lần cũng được! Chân tay tôi nhũn ra, hết sức chịu nổi rồi. Tôi rút tay ra rồi luống cuống cất tập vào cặp sách.

Tuấn Anh vừa phụ tôi cất đồ vừa cất tiếng dịu dàng du dương: "phản ứng của An khác xa với khi Tuấn Anh tưởng tượng." Tôi giật mình cứng đơ người, cậu ấy thì tiếp tục dọn đồ: "An đang sợ hay đang hồi hộp thế? Đừng sợ! Tuấn Anh đã nghĩ rất nhiều nhưng lại không nghĩ được sẽ thế này đâu. Ngoài dự kiến nhưng mà tốt đó chứ. Tuấn Anh không còn khúc mắc, cũng đỡ phải hỏi nhiều những điều dư thừa không cần thiết."

Cậu ấy nói lòng vòng khiến tôi hoàn toàn mê man không hiểu nổi. Tôi đứng bật dậy. Cậu ấy đeo cặp lên vai cho tôi rồi cúi xuống nói: "Tuấn Anh chọn được câu hỏi rồi. An suy nghĩ cho thật kỹ hẵng trả lời nhé?"

Tôi hoảng hốt muốn bỏ chạy. Rất sợ cậu ấy sẽ hỏi "An bị bê đê à?" Hoặc "An có thích Tuấn Anh không?" Hay khủng khiếp hơn là "không ngờ An lại là loại người thích đàn ông"...

"An biết đồng tính luyến ái nghĩa là gì không?"

Tôi ngẩn ngơ. Đờ người ra một lúc mới chậm rãi gật đầu.

Tuấn Anh là người rời đi trước, trước khi ra về còn bỏ lại một câu: "Tuấn Anh cũng biết."

Tôi thừ người ra ngồi sụp xuống ghế. Rốt cuộc là sao??? Cậu ấy muốn nói gì??? Định khoe khoang kiến thức với tôi đấy à??? Tuấn Anh là thằng ngốc!!!

Sau đó Tuấn Anh trở về dáng vẻ học bá hỗn trướng thường ngày. Còn tôi chẳng còn tâm trạng đâu mà rối rắm vì ông tôi nhập viện vì ung thư. Một thời gian ngắn ngủi sau đó ông bỏ tôi mà đi mất. Người yêu thương tôi nhất đời, người tôi thương yêu nhất đời cứ vậy mà rời xa mãi mãi. Không bao giờ trở lại được nữa. Tôi hoàn toàn suy sụp. Bạn bè đến thăm đám tang rồi về. Tuấn Anh tới thăm đám tang rồi lặng lẽ ôm tôi. Tôi khóc trên vai cậu ấy suốt cả một đêm giông bão.

Sau đó tôi hoàn toàn không có tinh thần, học hành mất tập trung, người gầy rạc hẳn đi. 49 ngày của ông, tôi lên cơn sốt mê man cả ngày, đến tối thì mê sảng mộng du đi đâu mất tích, cả họ đều cuống cuồng đi tìm. Sau nghe kể lại mới biết, Diệu Hiền gọi điện kể cho Tuấn Anh, cậu ấy lo lắng nên chạy xe gắn máy vào trong này cùng cả xóm đi tìm tôi, đến khuya cũng là cậu ấy tìm thấy tôi ở bãi tha ma, bên cạnh mộ ông. Tôi hoàn toàn không nhớ được gì. Mọi người đều bàng hoàng, không ai nghĩ được người không có ý thức lại đi xa được như thế. Sư thầy nói tôi hợp tuổi với ông nội, coi chừng bị dắt đi mất. Mọi người lại bắt đầu lục đục làm lễ.

Từ nhỏ tới lớn tôi đã quá quen với cảnh này rồi nhưng Tuấn Anh thì không như vậy. Tôi mệt mỏi ngồi dựa đầu giường, cậu ấy ngồi quỳ dưới sàn gạch lạnh lẽo, đầu gục xuống đầu gối tôi, nắm chặt lấy hai tay tôi xoa xoa, liên tục năn nỉ tôi ở lại với cậu ấy, dặn tôi không được ngồi thừ người nữa, cậu ấy nói gì tôi bắt buộc phải trả lời, phải lên tiếng nói cười, không được nhìn xa xăm nữa... Thấy Tuấn Anh lo lắng tôi mỉm cười bảo cậu ấy lên giường đi ngủ đi, an ủi rằng do tôi bị sốt mê sảng vậy thôi chứ không có gì đáng ngại.

Tuấn Anh lắc đầu, bao nhiêu là tóc đâm hết vào tay tôi: "An phải hứa là không được đi nữa. Phải ở đây với Tuấn Anh."

"Ừ. Tuấn Anh đừng nghĩ linh tinh. Ông An là người muốn An phải sống tốt nhất, sao mà bắt An đi được." Tôi an ủi cậu ấy.

"An biết vậy sao còn khóc đòi đi theo ông?" Tuấn Anh cắn ngón tay tôi một cái. Bây giờ cậu ấy biết dùng lực nhẹ hơn rồi.

Tôi nghe vậy thì không biết đáp lại thế nào nữa. Đúng là tôi muốn đi theo ông thật, không phút giây nào là không muốn. Nhưng tôi đủ lớn để hiểu như thế nào là vĩnh biệt không gặp gỡ. Tôi thương ông nhưng nếu ba mẹ mất tôi cũng sẽ đau lòng như tôi hiện giờ vậy. Biết rõ là như thế nhưng tôi không thể nào tự kiểm soát cảm xúc đau lòng được. Cứ nghĩ đến chuyện người mình yêu thương không còn nữa là trái tim tôi nghẹn ngào. Phần lớn những câu chuyện tôi nói với Tuấn Anh đều là những kỉ niệm mỗi lần vào nhà ông chơi cả.

Hồi cấp 1 thì ai mà chẳng được học sinh giỏi, sự phân hoá bắt đầu là khi lên cấp 2. Mẹ sinh ra thời còn lạc hậu, lại trưởng thành trong gia đình nặng nề tư tưởng phong kiến nên mẹ yêu thương tôi khắc nghiệt hơn so với bạn bè cùng lứa. Mẹ đòi hỏi tôi rất cao, tôi lớn lên trong những trận đòn roi nên vô thức sợ hãi xu hướng bạo lực. Tiểu học nếu bị điểm 8 thì tôi sẽ bị bỏ đói cả ngày, đánh đau không thể đi nổi, còn bị nằm ở cửa chuồng heo lạnh lẽo suốt một đêm. Mẹ nói cho tôi biết sợ. Lên cấp 2 rất khó có điểm 10, mẹ không hiểu nên nghĩ tôi học tệ đi, lại đánh, ông bà nội phải huy động cả cô tôi xuống nhà can, giải thích cho mẹ hiểu thang điểm trên cấp 2 không còn như trước nữa, 8 9 điểm đã là học tốt rồi. Đó là lý do vì sao từ nhỏ tôi chỉ cắm đầu vào học và rất mê mẩn nét đẹp tri thức.

Tôi ngưỡng mộ cả sự tự do của bạn bè. Bạn tôi thường đến nhà nhau chơi, ăn dầm nằm dề, tổ chức đi khắp nơi này nơi nọ. Mỗi lần lên lớp tôi thường lén lút nghe bạn bè kể về những chuyến đi, những gì lạ lẫm, đẹp đẽ và thú vị mà các bạn gặp qua. Những ai chơi thân với tôi đều biết ba mẹ tôi khó. Dĩ nhiên là khó với mình tôi thôi còn bạn bè đến nhà đều được tiếp đón nồng nhiệt. Nhưng chỉ được ở tại chỗ, chỉ cần rủ đi đâu là thay đổi sắc mặt, cấm cửa. Nhiều khi tôi cảm thấy hơi xấu hổ. May mà bạn tôi cũng đều là những người tinh ý. Không bắt ép tôi phải giải thích hay khó xử. Nên cảm thấy dịp nào tôi không thể đi thì sẽ không rủ. Có nhiều khi tôi tụt lại phía sau mọi người là vậy. Có dạo thầy cô cũng đì rồi nói xéo sắc tôi vì tôi không tụ tập trong khi vẫn đóng góp tiền đầy đủ.

Nhưng có một may mắn. Tôi có ông nội. Ông luôn bênh vực và hay chở tôi vào nhà chơi. Thường xuyên lắm. Như cấp 1 học thứ 2, 3, 5, 6 thì ông sẽ đạp xe ra chở tôi vào trong đó chơi vào các ngày thứ 4 và ở luôn mấy ngày cuối tuần. Mẹ ngày đó cũng không thích gì đâu nhưng bố chồng nói nên không cãi được. Hồi đó nhà tôi chưa bán hàng, tôi chỉ cần ở nhà nấu cơm học hành, mẹ thường dặn tôi nếu ông tới thì nói con không muốn đi. Nhưng ông là người hiểu tôi nhất trên đời, dễ gì tôi nói mà ông bỏ qua, một hai bắt tôi soạn sách quần áo vào nhà ông học. Có khi mẹ nói tôi đang học để ông đi về, ai ngờ ông bảo "tao lên trường đón nó" thế là ngồi giữa trưa nắng đợi tôi tan trường rồi nói mẹ đã đồng ý nên hốt tôi lên gác ba ga ngồi luôn.

Ông biết tôi không được đi đâu khỏi nhà nên mỗi lần vào trong này ông luôn tạo điều kiện cho tôi đi chơi với tụi Diệu Hiền. Vì vậy nên dưới sự nuông chiều, bao che của ông thì tôi cũng được chơi thoải mái ăn nằm ở nhà Hiền suốt. Cũng biết được cảm giác tự do của các bạn cùng lớp là như thế nào. Ông là người dắt tôi sang Hiền chơi, là người cổ vũ tôi mạnh dạn, là người gửi gắm Hiền chăm sóc tôi. Biết tụi con nít thích ngủ với nhau ông còn động viên "thích thì cứ ngủ với bạn, đêm nhớ ông thì chỉ cần gọi ông là ông sang đón liền."

Đó dĩ nhiên là bí mật của ông và tôi. Ông còn uy hiếp các cô chú tôi, nếu nói ra thì cút khỏi nhà ông. Vì nếu mẹ tôi biết sẽ đánh ngay. Ông nhiều lần nói mẹ tôi "dạy con cứng tay quá, nhà người ta kiếm em bé ngoan như vậy còn không có đâu."

Ông không biết đi xe máy, nhưng ông nói tôi nhỏ như con nhái nên không nặng. Suốt những năm tôi hiểu biết cho đến khi ông mất đi, yên xe sau ông chỉ chở mình tôi. Có mấy nhà cô chú đều gần nhà tôi, nhưng ông chẳng đón đứa nào vào cả. Ông chỉ ghé qua nói đứa nào rảnh nhớ bảo bố mẹ chở vào ông chơi nhé. Ngay cả một hàng con cháu xếp thật dài ai cũng chỉ được 1 ngàn 2 ngàn, riêng tôi ông lì xì 10 ngàn đỏ chót.

Có lẽ vì nhà tôi nghèo nhất trong họ, tôi thiếu thốn, tôi học được, tôi ngoan ngoãn. Hồi bé tí tôi ngoan thật. Nhát hít mà nên người lớn sẽ thích mấy bé con như vậy thay vì mấy đứa quậy phá giống mấy thằng em họ tôi. Ai nói gì tôi cũng im re ngu si mà làm theo. Mấy lần cô chú tôi sai tôi đủ thứ bà mà phát hiện được đều vén váy cầm đòn gánh đánh mông, nói không được bắt nạt tôi. Anh họ tôi lúc nhỏ quậy lắm, dẫn tôi đi chơi khiến tôi bị khăng vụt sưng u cả đầu, bị người ta đánh cây có đinh đâm vào lưng tôi, nhưng anh dặn tôi không được khai, thì tôi tuyệt nhiên cắn răng không nói với ai. Sau tôi sốt li bì quá anh mới thành thật khai ra vậy là ông tá hoả đưa tôi đi tiêm phòng. Có đợt tôi suýt bị bắt cóc làm ông lên cơn đau tim phải nhập viện cấp cứu. Sau khoẻ rồi thì lập tức đón tôi vào trong đó ở cả năm. Ba mẹ tôi vào đón lần nào ông cũng đuổi về. Một ngày sáng đưa chiều đón, đạp xe chở tôi đi học đều đặn.

Ông thương tôi, tôi cũng quý ông nhất trên đời thì làm sao có thể một sớm một chiều nguôi ngoai cho được. Tuấn Anh lặng lẽ lau nước mắt bên má tôi. Nghe người lớn kể lại, hôm đó cậu ấy thức trắng đêm canh cho tôi yên giấc.

Sau đó tôi vực dậy quyết tâm học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của ông. Tôi phân vân giữa học sinh giỏi Toán và Văn, những năm trước tôi đều có thành tích trong môn Toán rồi nên năm nay muốn thử sức môn xã hội.

Tôi đắn đo hỏi Tuấn Anh xem con trai mà đi thi Văn có kì cục quá không? "An thấy trong danh sách đăng kí toàn là tên con gái."

Cậu ấy chậc lưỡi nói tôi yên tâm đi, văn học không phân biệt giới tính, không thấy mấy nhà thơ nhà văn trong sách đa số toàn là nam à?

Cuối cùng Tuấn Anh vẫn đăng kí ôn thi môn Toán. Cậu ấy cầm tờ giấy trên tay tôi, ngạc nhiên hỏi: "An thi Hoá sao? Trời ơi! Không thể tin được."

Tôi lo lắng cuộn chặt nắm tay, hỏi cậu ấy: "sao sao vậy? Tuấn Anh nghĩ An không làm được à? An muốn thử sức mình với cả hồi nãy nghe thầy phụ trách nói trường mình không ai chịu đăng kí môn Hoá cả nên nên..."

Tuấn Anh khoác vai tôi cùng đi về lớp, nói: "sao mà ấp úng thế? Không việc gì phải lo lắng cả. Tuấn Anh ngạc nhiên không nghĩ An chịu thi Hoá vì An nói ghét Hoá thôi. An học chắc Hoá mà lo gì. Cứ thử đi. Không được thì về đây với Tuấn Anh. Luôn dang rộng vòng tay chào đón mấy thằng thi rớt."

Tôi tức giận cong cùi chỏ thụi cho cậu ấy một phát. Đương nhiên là tôi tự tin mới dám đăng kí ôn thi, chẳng qua là trước mặt Tuấn Anh thì vẫn muốn biết cậu ấy nghĩ gì về mình mà thôi.

Tuấn Anh ôm ngực cười ha ha.

Tôi thành thật nói: "An ghét Hoá vì nhìn loằng ngoằng như mì tôm nhưng sau khi Tuấn Anh giảng thì thấy dễ hiểu, cũng thấy thích rồi mà không nói ra thôi. Cảm ơn nhé!"

Tuấn Anh cười nham nhở xua tay: "ơn huệ cái gì! Gọi anh một tiếng là được."

Tôi đạp cậu ấy một cước rồi bỏ lên trước.

"An này!" Tuấn Anh gọi.

"Chuyện gì?" Tôi trừng cậu ấy.

"An kì lạ nhỉ."

Tôi khó hiểu, hỏi lại: "kì cái gì?"

"Rõ ràng nhát hít như mèo con mà kêu ôn thi với Tuấn Anh thì không chịu."

Tôi liếc cậu ấy: "cầm chắc phần thua rồi thì thi làm gì."

"Haha còn giải nhì nữa mà. Không thì An đăng kí Toán đi, Tuấn Anh nhường cho giải nhất."

Tôi tiếp tục lườm cậu ấy. Tự tin quá mức cần thiết! Học giỏi thật đáng ghét mà!

"Tới hồi môn Văn nhiều bạn đăng kí thì lại chọn môn mà không một ai đăng kí nữa chứ. Bộ không sợ mai mốt thi huyện gặp toàn người lạ bị bắt nạt à?"

Tôi bĩu môi: "đàn ông con trai có gì phải sợ chứ."

Nhưng cuộc nói chuyện nhảm nhí ngày hôm nay cứ như có điềm vậy. Tôi thi xong thì thầy chở tôi thẳng vào bệnh viện. Cũng không phải tôi bị bắt nạt mà do người ta sơ ý chạy vội vàng chen lấn mà xô đẩy, xương tôi lại yếu nên ngã mấy bậc thềm thôi cũng gãy cả tay. May mà gãy tay trái.

Tôi được giải ba huyện, còn Tuấn Anh chắc chắn sẽ lại đoạt giải nhất toàn tỉnh cho xem. Cậu ấy về trễ hơn nên khi tới lớp thấy tôi băng bó tàn tật thì sợ hết cả hồn, mặt mày tái mét như hồn phách chuẩn bị nói lời tạm biệt thân xác luôn rồi vậy. Nhìn trạng thái thảm không nỡ nhìn, không biết tôi què hay cậu ấy mới là người què nữa. Sau đó hùng hổ bắt tôi phải khai tên họ người kia, xem học lớp nào trường nào để Tuấn Anh kêu bố chở đi tẩn cho một trận. Tôi buồn cười ngăn cản cậu ấy, phải thuyết phục mãi là do tôi đứng chắn lối đi, người ta không thấy mới vô tình đụng trúng mà thôi.

Sau đó cả tháng cậu ấy bắt đầu xoay quanh chăm tôi còn chu đáo hơn cả chăm em bé nữa. Từ việc giành chép bài đến đút tận miệng ăn, cần gì cậu ấy cũng bắt tôi ngồi tại chỗ để tự mình đi lấy, tôi không phải động tay động chân gì hết. Lộ liễu đến mức cả lớp còn trêu rằng Tuấn Anh có con trai, tập làm bố rồi. Tôi vô cùng xấu hổ, nói không biết bao nhiêu lần là tôi tự làm được hết, què tay chứ có què chân đâu, huống chi lại còn là tay trái nữa. Nhưng Tuấn Anh hoàn toàn bỏ ngoài tai, cũng mặc kệ lời trêu chọc. Cậu ấy vỗ ngực tự hào rằng đang chăm sóc người tàn tật có công với Cách Mạng khiến mọi người cười lăn cười bò.

Tuấn Anh luôn dễ dàng chạm tới trái tim tôi như thế, cục súc với mọi người nhưng lại dành ôn nhu cho mình tôi. Cậu ấy từng chút từng chút một dạy dỗ tôi biết rung động đầu đời là như thế nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.