Bạch Miên Hoa

Chương 3




Chiếc cổng của xưởng gia công bông to lớn và đường bệ quá chừng, hai cánh cổng sắt có trang trí hoa văn chạy trên những bánh xe cũng bằng sắt. Bên cạnh cổng, trên khoảnh đất trống là một tấm bảng viết rất nhiều dòng chữ thật to bằng sơn đỏ, nào là những từ chẳng liên quan gì đến chính trị như "Cấm lửa", cũng có những câu khẩu hiệu rất chính trị như "Nghiêm chỉnh đề phòng kẻ thù giai cấp phá hoại". Bên trong cổng là hai trạm bảo vệ nằm ở hai bên. Một người đàn ông gầy đét mặc bộ đồ quân nhân cũ nát đang ôm khẩu súng trường loại 79 loang lổ những vết cáu bẩn ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh cổng ngủ gà ngủ gật, thi thoảng lại trừng trừng đôi mắt sáng quắc như điện xẹt chăm chú nhìn những người qua lại trên con đường trước xưởng. Khi tôi cùng Phương Bích Ngọc đi đến bên cổng, người gác cổng vẫn ôm chặt báng súng tra hỏi chúng tôi, trong khi bị tra, hỏi tôi phát hiện ra đôi mắt lão ta nhìn một cách soi mói vào thân hình của Phương Bích Ngọc. Tôi có cám giác đôi mắt của lão ta chẳng khác nào đôi bàn tay thô lậu và bỉ ổi đang lột dần từng lớp từng lớp đến độ sạch quang quần áo trên người của Phương Bích Ngọc, còn tôi hình như trong mắt lão ta chẳng là cái thứ gì cả. Chiếc cổ của lão ta cứ ngoẹo bên này ngoẹo bên kia theo bước di chuyển của Phương Bích Ngọc. Trình độ nói tiếng phổ thông của lão khiến người nghe nổi da gà, sau này chúng tôi mới biết lão canh cổng đã nhìn phương Bích Ngọc như hổ thấy mồi này là bộ đội phục viên, là nhân viên biên chế ăn lương nhà nước, là ủy viên chi bộ xưởng gia công, tổ trưởng tổ bảo vệ xưởng, họ Tôn tên Hòa Đấu, đã có vợ nhưng vợ lão vẫn còn ở dưới quê. Tổ trưởng Tôn gầy một cách kỳ lạ nhưng đôi mắt thì gian tà vô cùng.

Bước vào cổng, dãy nhà gặp đầu tiên là nơi làm việc của bộ phận quản lý xưởng, trước cổng có treo biển hiệu. Cả tôi và Phương Bích Ngọc đều nhận ra được những chữ này nên mạnh dạn đi thẳng vào trong. Khi đối đáp với lão gác cổng, những điều phiền muộn trong lòng Phương Bích Ngọc chất chứa từ làng đến đây dường như đã tiêu tan, tinh thần trở nên thư thái, gương mặt rạng rỡ hơn, dường như cô ấy đã hoàn toàn biến thành một con người khác.

Trong phòng làm việc có sáu chiếc ghế, trên mỗi chiếc đều đã có một hoặc hai người ngồi. Sau đó chúng tôi mới biết trong số đó có hai người đần ông mập mạp đang đánh cờ với nhau, một người là xưởng trưởng, một người là bí thư. Cả hai vừa đánh cờ vừa đấu khẩu, luôn mồm kêu khổ van khó, những lời hay ho nhả ngọc phun châu móc nối vào nhau tuôn ra liên tục. Bên cạnh bàn cờ còn đặt hai chiếc điện thoại di động nặng trịch đời cũ, trông thật là oai phong.

- Đồng chí cho hỏi, ai là người quản lý phần đăng ký? - Tất nhiên đây là câu hỏi của Phương Bích Ngọc.

Tôi đã trông thấy ông chú mình đang ngồi trên một chiếc ghế đang cúi đầu tính tính toán toán gì đó, trong lòng bỗng nhiên dậy lên một niềm tự hào. Tôi cảm nhận rằng, điều kiện của mình so với Phương Bích Ngọc là hơn hẳn.

Chú tôi ngước đầu lên và đã nhận ra chúng tôi. Ông chẳng chú ý gì đến tôi mà chỉ hướng về Phương Bích Ngọc chào hỏi một cách rất nhiệt thành. Ông giới thiệu chúng tôi với xưởng trướng và bí thư, họ chỉ ừ hử lấy lệ vài lời cụt ngủn rồi tiếp tục cúi đầu đánh cờ. Tất cả những người còn lại trong phòng đều bị Phương Bích Ngọc hớp hồn, mắt nhìn ngơ ngẩn. Mặt Phương Bích Ngọc thoáng ửng đỏ. Một người đàn ông khoảng hơn bốn mươi tuổi bảo:

- Đi qua bên này để đăng ký!

Chúng tôi đưa giấy chứng nhận của đại đội sản xuất cho người đàn ông, sau này chúng tôi biết lão ta họ Sài. Nghe đâu rằng, đáng ra lão ta đã trở thành công nhân biên chế, mọi giấy tờ đều đã hoàn tất nhưng cuối cùng thì bị người ta tố cáo rằng vợ ông ta bị bệnh thần kinh! Tay thu mua Chu Minh miệng toàn nói ra những lời tục tĩu nói: Ông Sài ơi, oan uổng cho ông quá! Chuyển biên chế chính thức cho ông chứ nào phải cho bà vợ nhà ông đâu? Vợ ông bị thần kinh thì cản trở ông vào biên chế cục cứt gì? Sao lúc ấy ông lại không lên huyện mà tìm việc, biết đâu rằng chẳng tìm được một chiếc bát sắt, cả đời chẳng phải lo nghĩ gì nữa. Ông thực thà đến hóa dại, ông Sài ơi là ông Sài!

Lão Sài đưa cho chúng tôi một cuốn sổ và một cây bút chì bảo cứ theo những mục ghi trong đó mà viết. Nào là họ tên, ngày sinh, giới tính, quê quán, đảng đoàn, thành phần gia đình quan hệ xã hội... Trang trọng quá, nghiêm túc quá! Chỉ cần đứng một bên giai cấp công nhân thì mình đã khác hoàn toàn. Vì quá xúc động, quá hưng phấn, cả tôi và Phương Bích Ngọc đều cầm cây bút chì mà mấy ngón tay cứ run bắn lên, mồ hôi túa ra đầy lòng bàn tay.

- Lão Nhị à, con mã của ông đã nhảy đến đây từ lúc nào vậy? Người có thân hình to cao nói.

- Con mã của lão Nhị tôi đã nằm phục sẵn ở đây lâu rồi để chờ ông đấy! Đi đi! Đi để cho tôi xem ông còn chiêu nào cao siêu hơn không? - Người đàn ông có thân hình mập mạp nói, cầm một quân cờ trên tay đập lên đầu một quân cờ của đối phương.

- Đồng chí, tôi có cần phải ghi tuổi thật hay là tuổi mụ? Phương Bích Ngọc hỏi.

- Tuổi khai sinh của chị bao nhiêu, tuổi mụ bao nhiêu? Lão Sài hỏi.

- Tuổi thật hai hai, tuổi mụ hai ba, cầm tinh con rồng.

- Cứ ghi tuổi thật vào. - Lão Sài bảo.

Điền xong biểu mẫu, chúng tôi đưa cuốn số cho lão Sài.

Lão chỉ một thanh niên cụt tay, nói:

- Chuyện ăn uống của hai người, cứ hỏi cậu ta.

Người thanh niên này có gương mặt trắng trẻo, mặt mũi trông rất thanh tú, không hiểu vì sao lại mất một cánh tay. Người ta cười đùa ầm ĩ, riêng anh ta thì thần sắc có vẻ u uất cứ nhìn chăm chăm vào tường, ngay sau đó tôi biết tên anh ta là Tần Sơn, sau khi có ai đó thích đặt biệt danh cho người khác gọi anh ta là Thái Sơn, người ta bèn gọi anh ta là Thái Sơn. Cánh tay của anh ta bị răng cưa của máy cắt tiện đứt, cũng xem là tai nạn nghề nghiệp nên xưởng rất chiếu cố giao cho anh ta làm kế toán nhà ăn, một công việc rất đẹp, vô cùng nhẹ nhàng nhàng thu nhập chẳng tồi. Một ống tay áo được anh ta thả phất phơ, thoạt trông có vẻ khó chịu, nhưng quen dần thì chẳng còn cảm giác là thân thể anh ta thiếu đi một bộ phận nào nữa. Một cách lạnh nhạt, anh ta bảo chúng tôi rằng, chỉ cần các người đem lương thực đến nhà ăn thì ngay lập tức có thể đổi được phiếu cơm, nếu muốn có thức ăn thì cứ mang tiền đến mà mua thẻ thức ăn, một đồng đổi lấy thẻ một đồng, một hào đổi lấy thẻ một hào.

Sau mười mấy phút, những thủ tục cần thiết đã hoàn tất Một người đàn ông đầu hói từ nãy giờ đứng yên lặng xem đánh cờ bỗng nói to:

- Mao! Dẫn họ về ký túc xá!

Người hói đầu này là phó xưởng trưởng. Mao là một công nhân biên chế đang làm công việc tạp vụ ở văn phòng xưởng, mái tóc bóng mượt, mang một đôi giày vừa bóng vừa đen nhánh, lại thường cố ý vén ống tay áo lên xem đồng hồ. Thời ấy người có đồng hồ đeo tay vô cùng hiếm. Tôi không thích thằng cha có cái tên Mao Hồng Đăng thật kêu này. Đúng là một cái tên rất cách mạng.

Đúng vào lúc chúng tôi định dợm bước thì ngoài cổng có tiếng chuông xe đạp vang lên. Một người đàn ông cao lớn cười ha hả rất sảng khoái đi vào, theo sau là một cô gái có khuôn mặt lẹm đầy tàn nhang, thấp lùn. Tôi nhận ra ngay người đàn ông này vì đã gặp ông ta trên công trường thủy lợi. Đó chính là bí thư đoàn ủy công xã, có quan hệ rất mật thiết với cô Ba Lưu ở xóm tôi. Cô con gái thứ hai của cô Ba Lưu đã từng đầu ấp tay gối với ông ta. Hai người đàn ông mập mạp đang đánh cờ vội vã vứt quân cờ trên tay, đứng dậy bắt tay người đàn ông. Tiếng cười nói vang dậy. Bí thư đoàn ủy nói: Đây là em gái tôi, - rồi quay sang nói với em gái. - Đây là bí thư Kim, còn đây là xưởng trưởng Vu. Ông ta còn giới thiệu thêm mấy người nữa. Tôi cảm thấy bực mình. Bí thư Kim bảo: Mao Hồng Đăng, đi tìm mấy chiếc ghế về đây! Gã họ Mao ngay lập tức chạy ra khỏi cửa, để chúng tôi đứng phơi mặt ngay cửa ra vào. Xưởng trưởng Vu cười tít mắt hỏi cô gái: Em tên gì? Cô gái cố làm ra vẻ duyên dáng đung đưa đôi bím tóc, thỏ thẻ, nũng nịu: Tôn Hồng Hoa! Xưởng trưởng hét toáng lên: Quá hay! Tên quá hay, quá nhiều ý nghĩa. Cưỡi ngựa phải cưỡi ngựa thiên lý, thưởng thức hoa phải chọn hoa hồng! Ở nhà làm gì mà lại đến đây? Giọng Tôn Hồng Hoa nhẹ và ngọt lịm: Ở nhà em chuyên trị sâu bọ - Sâu gì? Ôi chao! Nhiều lắm, nhưng chủ yếu là sâu chuông hại bông! Xì, không phải là đeo bình phun thuốc trên lưng sao, còn bày đặt nói là trị sâu bọ. Tôi liếc nhìn Phương Bích Ngọc, vẻ mặt cô ấy hầu như chẳng biểu lộ một chút cảm xúc gì. Lúc ấy, Mao Hồng Đăng đã mang hai chiếc ghế bước vào, trông thấy chúng tôi vẫn đứng bên cửa ra vào, bèn nói:

- Hai người tự đi đi, ở dãy nhà đằng kia!

Đó là một dãy nhà ngói rất to có đến mười mấy gian phòng chia làm hai cổng, trên mỗi cổng đều có tấm bảng viết "Ký túc xá nam", "Ký túc xá nữ" bằng sơn đỏ. Chữ rất to và nguệch ngoạc như cua bò, rất có thể là bút tích của anh chàng Mao Hồng Đăng kia. Tôi đưa Phương Bích Ngọc vào ký túc xá nữ trước.

Có lẽ đây là một khu ký tức xá nữ độc nhất vô nhị trên toàn cõi Trung Quốc thời ấy. Mỗi gian rộng khoảng sáu mét, có hai dãy lán nhiều tầng dựng ép vào tường. Người ta dùng cọc gỗ đóng xuống đất và dùng nhiều thanh gỗ bắc ngang dọc lại với nhau, trên đó dùng thân cây cao lương bện lại rồi trải chiếu lau lên trên. Lán có ba tầng, tầng trên cùng đã cao đến tận xà nhà cách mặt đất đến ba mét, mỗi dãy có một chiếc thang gỗ vô cùng sơ sài để leo lên leo xuống. Giữa hai dãy lán là lối đi lồi lõm. Tôi thấy nấm mọc rất nhiều dưới nền lán, lại còn có cả mấy chiếc quần rách bẩn thỉu nữa. Nhất định những chiếc quần này là của các cô công nhân hợp đồng theo mùa vụ năm ngoái để lại.

Trong nhà đã có mấy chục cô gái, người thì bận bịu gì đó, người thì đang ngồi trầm tư. Có đẹp có xấu, nhưng quần áo thì gần như thống nhất về màu sắc và chất liệu - một loại vải thô màu lam, cá biệt mới có cô mặc áo sơ mi hoa. Đây là lần đầu tiên tôi được ngửi cái mùi do đám đông đàn bà phát tiết, chẳng lấy gì làm thơm tho cho lắm nhưng lại có sức mê hoặc. Tôi không thể phân biệt được giữa cô này và cô kia tiết ra mùi vị như thế nào, cũng giống như một con mèo đang đứng trước cả một đống cá, khó nhận được mùi tanh của từng con. Đúng rồi, trong khu ký túc xá nữ này có một mùi dễ nhận ra nhất, phổ biến nhất - mùi cá ươn.

Một cô gái gầy và đen đứng dậy chào hỏi làm quen với Phương Bích Ngọc. Tôi mang máng nhớ rằng, tôi đã từng gặp cô ta ở thôn bên cạnh, đại loại cũng là con gái hoặc con dâu của bí thư gì đó.

- Phương Bích Ngọc, chị đến rồi à? - Cô ta vô cùng phấn khởi reo lên.

- Tống Kim Ngư? - Phương Bích Ngọc bước đến nắm lấy tay cô gái. - Em cũng đến rồi à?

- Đến làm công nhân vài ngày cho đỡ nghiện thôi, - Cô gái nói. - Bố em nói mỗi tháng kiếm được hơn ba mươi đồng, nộp cho đội sản xuất một nửa, còn lại mười mấy đồng. Có tiền rồi, không cần mua gì nhiều, chỉ mua mấy mét vải hoa để may lấy cái váy mà mặc cho tử tế.

Cô gái này còn trẻ lắm, chỉ khoảng mười tám, những tai mắt mũi miệng, kể cả vóc dáng còn thể hiện nét trẻ con, chưa kịp lớn. Tôi đang mê đắm nhìn gương mặt trẻ con ấy thì bị cô ta trừng mắt gắt:

- Mày trừng mắt nhìn tao làm gì? Phải chăng mày đến đây cũng để kiếm ít tiền mua vải may váy?

Câu này nghe ra chẳng có gì đáng cười nhưng lại làm cho mấy chục cô gái cười ầm lên.

- Phương Bích Ngọc, chị ở tầng trên hay tầng dưới? - Cô ta hỏi.

- Em thì sao? - Phương Bích Ngọc hỏi lại.

- Em đang đắn đo đây. Ngủ ở tầng trên thì quá cao, bò lên bò xuống mãi e trở thành khỉ mất thôi. Khi ngủ em hay ngọ ngoạy, lỡ rơi từ trên cao xuống thì gãy lưng mất. Còn ngủ tầng dưới thì chẳng hay ho gì, lỡ có ai ở tầng trên đái dầm chảy xuống mặt mình thì sao?

- Thế thì em ngủ tầng giữa vậy, - Phương Bích Ngọc bảo.

- Được rồi, em nghe thị, ngủ tầng giữa, còn chị?

- Chị ngủ tầng trên.

Đúng lúc ấy, Mao Hồng Đăng ôm tấm vải hoa trải giường của Tôn Hồng Hoa dẫn anh em bí thư đoàn ủy đang đi về ký túc xá nữ.

- Mã Thành Công, cậu về ký túc xá mà tìm chỗ ngủ đi, tôi có thể tự lo liệu cho mình, - Phương Bích Ngọc nói với tôi, một tay xách cuộn vải trải giường, một tay bám vào những bậc ngang của chiếc thang, nhanh nhẹn trèo lên tầng trên cùng. Toàn dãy lán vang lên những tiếng kẽo cà kẽo kẹt.

Tôi trở về lán dành cho nam giới ở sát ngay bên cạnh, nhận ra bên trong cũng bố trí giống hệt như phía bên nữ, chỗ khác nhau duy nhất là bẩn thỉu hơn.

Mấy chục người đàn ông, chủ yếu là thanh niên đang vây quanh một anh chàng miệng mồm lanh lợi, trông rất nho nhã đứng đắn, sau này tôi biết tên anh ta là Lý Chí Cao, biết làm thơ, biết hát Lữ kịch - một loại kịch thuộc vùng Sơn Đông, đặc biệt hát đoạn "Lý Nhị tẩu nước mắt ngắn dài đóng cửa phòng, trước đèn dầu nghĩ chuyện đã qua mà đau xót" trong vở kịch "Lý Nhị tẩu cải giá" rất tuyệt. Anh ta đang bốc phét về chuyện Thủ tướng Chu Ân Lai giao cho huyện Cao Mật nhiệm vụ chi viện bông đến Triều Tiên như thế nào, huyện Cao Mật làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ, chuyện huyện Cao Mật được biểu dương... Nói dóc nhưng lại có bài có bản, có căn có cứ, do vậy nghe ra cũng có nhiều điều thú vị.

Tôi nghĩ, mình cũng phải ngủ trên độ cao giống như Phương Bích Ngọc, tôi bèn bò lên tầng trên cùng. Ở trên này, chỉ cần giơ tay là sờ được rui mè trên mái. Chỉ cách nhau một lớp ngói, chim sẻ đang ca hát trên đầu tôi, tôi còn có thể nghe được tiếng động từ những bước nhảy rất nhẹ của chúng. Nhưng lúc ấy tôi chẳng lãng phí thời gian vì những con chim sẻ những điều cần phải lắng nghe, phải quan sát, phải học hỏi ở cái thế giới mới rất náo nhiệt này quá nhiều, thêm nữa, tôi biết Phương Bích Ngọc chỉ cách tôi có một bức tường mười phân, trên đó đầy rẫy những lời lẽ và hình vẽ cực kỳ thô tục, dâm đãng. Rõ ràng đấy là những kiệt tác của những công nhân ngắn hạn nhiều năm trước để lại. Tôi nghe thấy tiếng cọt kẹt của chiếc lán phía bên kia bức vách, tôi biết Phương Bích Ngọc đang trải tấm đệm của mình. Tuy cách nhau một bức tường lạnh lẽo nhưng tôi vẫn cảm nhận rõ ràng hơi thở cô ấy đang mơn man trên má tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.