Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea

Chương 7: Nhiệm Vụ vẫy Gọi




Một buổi chiều tháng Mười se lạnh, Anne ngả người trên ghế thở dài. Cái bàn trước mặt cô chất đầy sách giáo khoa và sách bài tập, nhưng tập giấy chi chít chữ chẳng có liên quan gì đến việc học hành hay dạy học của cô.

“Có chuyện gì vậy?” Gilbert hỏi, anh vừa bước qua cánh cửa bếp để ngỏ và kịp nghe tiếng thở dài của cô.

Anne đỏ mặt, dúi tập giấy xuống dưới vài ba bài luận ở trường.

“Chẳng có gì ghê gớm lắm đâu. Tớ chỉ thử viết ra một vài suy nghĩ của mình theo lời khuyên của giáo sư Hamilton, nhưng chẳng tài nào viết cho ra hồn. Những suy nghĩ ấy thật cứng nhắc và ngớ ngẩn khi viết ra trên giấy trắng mực đen. Trí tưởng tượng chẳng khác gì cái bóng... ta không thể giam hãm được chúng, chúng lúc nào cũng tinh nghịch và hay thay đổi. Nhưng có lẽ một ngày nào đó tớ sẽ nắm được bí quyết nếu chịu cố gắng không ngừng. Tớ không có mấy thời gian rảnh rỗi, cậu biết đấy. Khi chấm xong bài tập và bài luận của học sinh, tớ chẳng còn muốn viết thêm bất cứ điều gì cả.”

“Cậu dạy học rất cừ, Anne ạ. Đứa trẻ nào cũng mến cậu,” Gilbert nói và ngồi xuống bậc thềm đá.

“Không, không phải tất cả. Anthony Pye đã không và sẽ không thích tớ. Tệ hơn nữa là nó chẳng hề tôn trọng tớ... không một chút nào. Nó cứ khinh thường tớ, và tớ phải thú nhận với cậu là điều đó làm tớ cảm thấy tồi tệ quá chừng. Không phải vì nó là đứa hư... nó chỉ tinh nghịch chút thôi, không tệ hơn đám nhóc còn lại bao nhiêu. Nó hiếm khi cãi lời tớ, nhưng nó làm theo lời tớ với vẻ chịu đựng một cách khinh miệt, cứ như là tớ không đáng để nó tranh cãi vậy... Hành vi của nó ảnh hưởng xấu đến những đứa học trò khác. Tớ đã thử đủ cách để thu phục nó nhưng tớ bắt đầu cảm thấy bất lực. Tớ muốn nó mến tớ, vì nó là một cậu bé con dễ thương, dẫu thuộc họ nhà Pye, và tớ có thể yêu thương nó nếu nó để cho tớ làm vậy.”

“Có lẽ là do những lời gièm pha nó nghe được ở nhà chăng?”

“Không chỉ có vậy. Anthony là một cậu bé độc lập và có chính kiến. Trước đây nó toàn đi học thầy giáo và nó cho rằng cô giáo là đồ vô dụng, ừ, chúng ta sẽ xem xem lòng kiên nhẫn và tình thương có tác dụng gì. Tớ thích các thách thức và dạy học là một công việc rất lý thú. Paul Irving đã đền bù cho mọi thiếu sót của những học sinh khác. Cậu ấy dễ thương cực kỳ, Gilbert ạ, và còn là một thiên tài nữa. Tớ tin rằng thế giới sẽ ngả mũ trước cậu bé một ngày nào đó,” Anne kết luận với giọng chắc như đinh đóng cột.

“Tớ cũng thích dạy học,” Gilbert nói. “Trước tiên là bởi nó giúp rèn luyện bản thân. Anne biết không, trong những tuần dạy đám trẻ con ở White Sands, tớhọc được nhiều thứ hơn suốt thời gian đi học. Tớ và đám học trò khá hợp nhau. Dân vùng Newbridge thích Jane lắm, tớ nghe nói vậy; và White Sands cũng khá là hài lòng với anh chàng công chức khiêm tốn này... ngoại trừ ông Andrew Spencer. Tớ gặp bà Peter Blewett trên đường về nhà tối qua, và ấy nói rằng bà ấy thấy mình có nghĩa vụ phải cho tớ biết ông Spencer không đồng ý với cách dạy học của tớ.”

“Cậu có để ý là,” Anne trầm ngâm, “khi có ai nói họ có nghĩa vụ phải nói với cậu điều gì đó, cậu nên chuẩn bị sẵn phải nghe những điều chẳng lọt tai không? Tại sao họ không nghĩ rằng họ có nghĩa vụ phải nói cho cậu nghe những lời khen người khác dành cho cậu? Hôm qua bà H. B. Donnell lại đến trường nói với tớ rằng bà ta nghĩ mình có nghĩa vụ thông báo cho tớ biết bà Harmon Andrews không đồng ý với việc tớ đọc truyện cố tích cho đám học trò nghe, và ông Rogerson cho rằng Prillie học môn toán chưa được tiến bộ cho lắm. Nếu Prillie chịu bớt đi số thời gian liếc mắt đưa tình với bọn con trai qua trang vở thì có lẽ cô nàng sẽ khá hơn. Tớ tin chắc là Jack Gillis gài toán cho cô nàng, dẫu tớ chưa bao giờ bắt quả tang được.”

“Cậu có thuyết phục được cậu con trai đầy triển vọng của bà Donnell chịu quay về với cái tên cao đẹp của mình không?”

“Được rồi,” Anne phá lên cười, “nhưng cũng khá là khó khăn đấy. Đầu tiên khi tớ gọi nó là 'St. Clair' nó chẳng thèm để ý gì cho tới khi tớ lặp lại hai ba lần; và khi đám bạn trai huých huých thì nó mới ngầng đầu lên với vẻ tổn thương cứ như tớ gọi nó là Joen hay Charlie gì đó nên nó không hiểu tớ muốn gọi nó. Thế là một chiều nọ tớ giữ nó lại sau giờ học và nói chuyện thân mật với nó. Tớ nói rằng mẹ nó muốn tớ gọi nó là st. Clair và tớ không thể làm trái ý bà. Nó hiểu khi tớ giải thích rõ ràng... nó là một cậu bé hết sức biết điều... và nó bảo tớ có thể gọi nó là St. Clair, nhưng nó sẽ 'đập bẹp dí' bất cứ thằng nhóc nào dám gọi nó như vậy. Đương nhiên, tớ phải trách móc nó một chút vì dám dùng từ thô lỗ như vậy. Kể từ đó, tớ gọi nó là St. Clair, đám con trai gọi nó là Jake và mọi chuyện lại xuôi chèo mát mái. Nó kể với tớ rằng nó muốn làm thợ mộc nhưng bà Donnell bảo tớ phải dạy sao cho nó trở thành giáo sư đại học mới được.”

Nhắc tới đại học làm Gilbert chợt nghĩ sang chuyện khác và bọn họ bắt đầu thảo luận về những kế hoạch và nguyện vọng tương lai... nghiêm túc, phấn khởi và đầy hy vọng theo cách mà tuổi trẻ vẫn thường hay trò chuyện, khi tương lai là con đường chưa từng khai phá tràn đầy những triển vọng tuyệt vời.

Gilbert cuối cùng cũng quyết định rằng anh muốn trở thành bác sĩ.

“Đó là một nghề rất có ý nghĩa,” anh hào hứng. “Ai chẳng phải đấu tranh với điều gì đó trong cuộc đời... chẳng phải con người từng được định nghĩa như là một loài động vật đấu tranh hay sao?... và tớ muốn đấu tranh với dịch bệnh, đau đớn và sự thiếu hiểu biết... chúng đều gắn liền với nhau. Tớ muốn đóng góp cho thế giới bằng một công việc nghiêm túc thực sự, Anne ạ... thêm một chút vào khối lượng kiến thức nhân loại mà bao nhiêu người đi trước đã tích lũy từ xưa đến nay. Những bậc tiền bối đã để lại rất nhiều thứ cho tớ, và tớ muốn tỏ lòng biết ơn bằng cách làm điều gì đó cho thế hệ tương lai. Tớ cho rằng đó là con đường duy nhất để chúng ta hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với giống loài.”

“Tớ thì muốn làm cho cuộc đời thêm phần tươi đẹp,” Anne mơ màng. “Tớ không hẳn là muốn làm cho người ta hiểu biết nhiều hơn... dẫu tớ biết rằng đó quả thật là khát vọng cao quý nhất... nhưng tớ muốn giúp họ vui vẻ hơn... có chút niềm vui hay những suy nghĩ thú vị mà họ không tài nào có được nếu tớ chưa từng tồn tại.”

“Tớ nghĩ ngày nào cậu cũng làm được điều đó cả,” Gilbert nói vẻ thán phục.

Và anh nói đúng. Anne bẩm sinh đã là một đứa con của ánh sáng. Và khi cô bước qua cuộc đời của ai, gieo rắc một nụ cười hay một câu nói tựa như tia nắng mặt trời, chủ nhân của cuộc đời ấy sẽ cảm thấy ít nhất trong thời điểm hiện tại thì đời thật đáng yêu và tràn đầy hy vọng.

Cuối cùng Gilbert cũng nuối tiếc đứng dậy.

“À, tớ phải chạy lên nhà MacPhersons. Moody Spurgeon từ Queen về nhà từ hôm nay đến Chủ nhật, và cậu ta đem cho tớ một quyển sách mà Giáo sư Boyd cho tớ mượn.”

“Còn tớ thì phải pha trà sẵn cho bác Marilla. Bác ấy đi thăm cô Keith hồi trưa và sắp về nhà rồi.”

Khi bà Marilla về nhà thì Anne đã chuẩn bị trà nước sẵn sàng; ngọn lửa lách tách tươi vui, một bình cắm đầy dương xỉ tái đi vì sương giá cùng lá phong đỏ thẫm trang trí trên bàn, mùi thơm mê người của bánh mì nướng và thịt nguội ngập tràn trong không khí. Nhưng bà Marilla ngồi sụp xuống ghế trong tiếng thở dài.

“Mắt làm bác khó chịu sao? Đầu bác có nhức không?” Anne lo lắng.

“Không. Ta chỉ mệt mỏi... và lo lắng. Về chuyện Mary và đám trẻ ấy mà... Sức khỏe của Mary đã kém nhiều... cô ta chắc chẳng chống chọi thêm được bao lâu nữa. Còn về hai đứa sinh đôi, ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng.”

“Chẳng phải cậu của chúng đã liên lạc rồi sao?”

“Ừ, Mary nhận được một lá thư của anh ta. Anh ta làm trong một trại gỗ và 'phiêu bạt' ở ngoài, chẳng biết thế là nghĩa gì nữa. Dù sao anh ta cũng nói không thể nhận nuôi mấy đứa trẻ cho đến mùa xuân. Anh ta định sẽ lập gia đình lúc ấy và sẽ có nhà cửa đàng hoàng để đón chúng về; nhưng anh ta bảo Mary phải nhờ hàng xóm trông chừng giùm đám trẻ suốt mùa đông. Cô ta nói mình không thể nhờ vả ai được. Mary không hợp với cư dân ở Đông Grafton, đó là sự thật. Tóm lại, Anne à, ta chắc là Mary muốn ta nuôi đám trẻ... cô ta không nói ra miệng nhưng tỏ vẻ như vậy.”

“Ôi!” Anne vỗ tay hào hứng và vui sướng. “Và đương nhiên bác sẽ làm vậy mà, phải không bác Marilla?”

“Ta chưa quyết định mà,” bà Marilla gắt. “Ta không nhắm mắt nhắm mũi quyết định như cháu, Anne à. Họ hàng cũng khá là xa đấy. Hơn nữa chăm sóc hai đứa nhóc sáu tuổi chẳng phải dễ dàng gì, lại còn là song sinh nữa chứ.”

Bà Marilla nghĩ rằng những đứa trẻ sinh đôi thì tệ gấp đôi so với những đứa trẻ sinh một.

“Song sinh cũng rất thú vị mà... ít nhất thì một cặp cũng rất vui,” Anne nói. “Chỉ khi có hai hay ba cặp một lúc thì mới bắt đầu buồn tẻ thôi. Với lại cháu nghĩ rằng có ai đó ở nhà thì bác sẽ vui hơn khi cháu đi dạy học.

“Ta chẳng thấy có gì thú vị cả... nhiều lo lắng và bực bội hơn thì có; phải nói là như vậy. Nếu chúng cỡ tuổi cháu hồi ta nhận nuôi thì không đến nỗi mạo hiểm. Ta không ngại con bé Dora... nó có vẻ ngoan và trầm tính. Nhưng tên nhóc Davy đó thì đúng là phải tốn công tốn sức đây.”

Anne rất yêu trẻ con, và trái tim cô bắt đầu thương hại cặp song sinh nhà Keith. Những ký ức về tuổi thơ bị hắt hủi vẫn còn rất sống động trong lòng cô. Cô biết điểm yếu duy nhất của bà Marilla là bà luôn tận tâm làm điều bà cho rằng là trách nhiệm của mình, và Anne khéo léo hướng lý lẽ của mình theo hướng đó.

“Nếu Dave là một cậu bé hư hỏng thì càng phải giáo dục nó đến nơi đến chốn, phải không hả bác Marilla? Nếu chúng ta không làm thì ai làm đây, hơn nữa chẳng biết đám nhóc phải sống trong môi trường thế nào. Giả dụ như gia đình Sprott láng giềng của cô Keith nhận nuôi chúng đi. Bà Lynde nói Henry Sprott là người đàn ông báng bổ Chúa trời nhất từng tồn tại, và bác không thể tin bất cứ lời nào của đám con ông ta. Để hai đứa song sinh học những tật xấu như thế thì thật khủng khiếp, phải không ạ? Hay giả sử chúng sống với nhà Wiggins. Bà Lynde nói rằng ông Wiggins bán bất cứ thứ gì trong nhà có thể bán được và cho cả gia đình ăn uống kham khổ. Chắc bác không muốn họ hàng mình phải chịu đói, dẫu là họ hàng rất xa, phải không? Theo ý cháu, bác Marilla ạ, chúng ta có trách nhiệm nhận nuôi đám trẻ.”

“Chắc phải vậy thôi,” bà Marilla ủ rũ đồng ý. “Có lẽ ta sẽ nói với Mary là ta nhận nuôi bọn chúng. Cháu đừng tỏ vẻ vui sướng thế, Anne ạ. Cháu phải làm thêm rất nhiều việc đấy. Giờ ta chẳng khâu vá được gì nữa, do vậy cháu phải phụ trách việc may mặc và sửa chữa quần áo cho đám trẻ. Mà cháu thì đâu có thích khâu vá.”

“Cháu căm ghét ấy chứ,” Anne bình tĩnh nói, “nhưng nếu bác sẵn sàng nhận nuôi bọn trẻ vì tinh thần trách nhiệm thì đương nhiên cháu cũng có thể khâu vá cho bọn chúng vì tinh thần trách nhiệm. Nói chung thì bắt buộc phải làm chuyện mình không thích cũng tốt... chỉ là đừng nhiều quá thôi.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.