Ẩn Sĩ

Chương 11: Hồng Hà Si Mị thượng




Bấy giờ, cậu tú Nhĩ đã theo lão đạo sĩ cả thảy gần ba tháng, đối với lão đạo cũng hiểu rõ hơn không ít. Thời gian ba tháng này, ngoại trừ việc đi về nơi môn phái lánh đời của lão, đôi thầy trò còn tranh thủ dạo một vòng vùng Hà Ninh trừ tà bắt ma, theo lão đạo nói thì đấy là hạ sơn tạo phúc cho dân chúng, nhưng cậu tú thừa biết rằng đấy chính là đi kiếm chút tiền nhang khói.

Lại nói môn phái của lão đạo sĩ vốn gọi là Thái Vi, mà lão tự vỗ ngực xưng là Thánh địa Đạo gia của cả Lĩnh Nam, nhưng cậu tú lại bĩu môi, vì đúng nơi ấy từng là Thánh đại Đạo gia thật, nhưng từ thời Thánh Tông Hồng Đức vốn dĩ nước ta độc tôn Nho giáo, nên Thái Vi cũng lùi dần vào vũ đài lịch sử.

Đến tận đời lão đạo sĩ tổng cộng qua bốn mươi hai đời, mà hơn ba mươi đời đều là độc đinh- thầy trò rau cháo nuôi nhau. Nghĩ đến đây cậu tú lại ngán ngẩm- Đạo gia vốn suy tàn, có mấy môn phái được như pháp tràng Nội Đạo Tràng trong xứ Thanh Hoa, mấy vạn tín đồ, giáo chủ lại được tôn làm Thượng Sư, còn Thái Vi thì đúng là nghèo hàn đến mức dột nát.

Vừa đi vừa suy nghĩ, bỗng nhiên cậu tú sững người, bấy lâu nay cậu đi theo lão đạo sĩ cũng không phải nằm không, đã học được một ít chân truyền của lão- mà theo lão là công phu Đạo gia truyền thời Chử Đạo Tổ tới nay, cậu khịt khịt mũi, rồi nhìn quanh quất. Tức thì lão đạo sĩ liếc sang, cười nửa miệng rất tà dị. Cậu tú hiểu ý liền nhìn xuống tay lão, thấy ngón trỏ tay phải lão áp sát vào Hợp Cốc, liền lẳng lặng nuốt những lời định nói vào lòng. Bởi vì, đây chính là ám hiệu riêng của Thái Vi, nghĩa rằng- “Xương cứng” trước mặt, không được đánh động.

(Xương cứng chính là yêu vật tu vi không tầm thường, có thể mang phép biến hóa, có sức phiên giang đảo hải, lại mang trong mình thần thông. Thường thường, môn nhân Thái Vi khi gặp yêu vật hạng này, thường thường bày trận pháp để phòng yêu vật có thể tẩu thoát).

Bấy giờ cậu tú Nhĩ cũng lẳng lặng theo đoàn người xếp hàng lên thuyền, những năm đầu Đồng Khánh nào đã có cầu Long Biên, nên người dân ven Nhĩ Hà đều phải đi lại bằng thuyền. Việc đi lại bằng tuyền đò lúc bấy giờ ở sông Nhị Hà cũng vô cùng bất tiện, mùa Thu Đông còn đỡ được phần nào, tuy có hơi lạnh nhưng cũng không tới mức nguy hiểm. Nhưng khi Hạ về, tiết Đại Thử mang theo lũ về, cả dòng Nhĩ Hà đục ngầu, sống lớn gầm thét. Bấy giờ triều đình ngoài việc phải ra sức tu chỉnh đê điều, lại càng phải khuyến cáo người dân không nên vượt sông. Nhưng hiềm nỗi "Dân dĩ thực vi thiên"- Vì tiền liều cả mạng, nên mỗi năm Nhĩ Hà thường thường luôn có tai nạn luôn luôn, ngư phủ sống quanh sông lại có quan niệm "Người rơi xuống nước lật thuyền là do Hà Bá muốn kẻ này xuống làm người hầu, cứu kẻ này là đắc tội với Hà Bá". Vậy nên số người vong mạng dưới sông thật không thể đếm xuể.

Khi cả hai bước lên con thuyền lớn để vượt sông, cậu tú cùng lão đạo sĩ không nói không rằng lùi dần về phía mạn thuyền, cả hai nhẹ nhàng không làm ai chú ý. Cậu tú Nhĩ mới thì thầm nói khẽ:

– Con thấy khi chúng ta bước lên thuyền này, tự nhiên lạnh lẽo bất thường, lại mang theo hơi lạnh vương vất mùi tử khí. Ắt hẳn có quỷ quái làm trò quỷ quái...

– Không chỉ là hơi lạnh, mà cả con thuyền này e chẳng phải thứ nên xuất hiện ở đây...

Lão đạo sĩ vẫn treo nụ cười nửa miệng trên môi mà thì thầm đáp lại, nhưng hơn ai hết trong lòng lão bất an lạ kỳ. Loại bất an này đến từ tiềm thức, tựa hồ mỗi khi trước tai họa đến, mọi loài vật đều có linh cảm- linh cảm của người tu Đạo càng mạnh mẽ.

Con thuyền nhẹ nhàng rẽ sóng vượt qua lòng sông Nhị Hà, lúc này trên thuyền đủ loại hành khách, trẻ có, già có, đàn ông có, đàn bà lại càng nhiều. Họ trò chuyện với nhau ồn ào, rôm rả đến nhức cả tai, bỗng nhiên có một thiếu phụ chun chun mũi, rồi hỏi lớn:

– Trên thuyền có mùi gì lạ quá?? Như mùi … ưm..như mùi thịt thối vậy??

Tức thì cả thuyền im bặt, như đồng tình với người thiếu phụ. Tuy nhiên, trong giây phút này, sự yên lặng thật đáng sợ, không gian tĩnh lại tựa hồ có thể nghe được âm thanh của trái tim đang đập. Người thiếu phụ cũng nhận ra vẻ bất ổn, liền dáo dác nhìn xung quanh, tức thì nhận lại hàng chục ánh mắt lạnh băng đổ dồn vào mình.

Ả sợ hãi quá, bật ngã ngay xuống lòng thuyền.

Bấy giờ một người hành nam khách đứng tuổi mới đứng dậy, trên thân hình người này bỗng trở nên trương phình ra gấp rưỡi, làn da vốn hồng hào lại trắng bợt đi như ngâm nước lâu ngày, rồi trở nên nhớp nháp, tanh tưởi. Rồi làn da như bột bông phèn gặp trời nóng, nó nhão ra, chảy xuống lòng thuyền, từng đàn dòi bọ trắng nhung nhúc tuôn ra từ lớp da hư thối ấy. 

Người thiếu phụ thét lên, bò dần xuống cuối thuyền, hiển nhiên nhận ra cuối thuyền vẫn còn hai người đàn ông bình tĩnh lẳng lặng đứng nhìn, liền liều mạng bò tới nhằm nắm lấy cọng rơm cứu mạng này.

Không gian như đặc quánh lại, bấy giờ cậu tú liền nhận ra cả con thuyền lớn ban nãy liền mất đi màu sơn sáng bóng, dần chuyển sang màu nâu xỉn, mang theo mùi mục nát sộc thẳng vào mũi, còn bấy nhiêu hành khách trên thuyền, ngoại trừ hai thầy trò cậu cùng thiếu phụ kia. Dĩ nhiên lại là một đám không phải “người”.

Thiếu phụ bấy giờ đã núp sau lưng hai thầy trò, tuy sợ hãi đến gần chết, nhưng trong tình cảnh này, tư duy con người lại càng trở nên tỉnh táo, liền hỏi vu vơ hai người:

– Chúng là thứ gì?

– Là Vong hồn táng mạng dưới sông này, hay còn gọi là Ma da!

Lão đạo sĩ cau mày trả lời, rồi lão tiện tay quơ quơ mạn thuyền vài cái, bẻ một miếng gỗ ở thành thuyền- chất gỗ vốn mủn nát niền bở ra như xốp, thoắt cái đã bị lão bẻ mất một mảng to như cái rổ rồi!

Lão vân vê miếng gỗ mục rồi thủng thỉnh nói:

– Thuyền này mục nát không phải do dầm trong sông nước, mà là do bị hút Mộc khí của gỗ nên mủn nát. Bọn mi cũng không khác, vong mạng mà Linh đài chưa cạn đã tắt, tinh khí không còn, hẳn là do Võng Lượng?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.