Án Mạng &Amp;Amp;Amp;Amp;Quot;Chuột Chín Đầu&Amp;Amp;Amp;Amp;Quot;

Chương 6: Chuột Chín Đầu và Thủy Thần Giáo




Ngày 6 tháng 11, Tống Bỉnh Quân ở lại văn phòng tổ chuyên án. Ba người Mục Dung Hán, Từ Tử Sơn và Hồ Chân Lực thì đến Vu Hồ tìm ông Mã để điều tra.

Ông Mã tên thật là Mã Cử Vận, người dân tộc Hồi. Ông cố của ông Mã nguyên là quan quân cấp thấp của quân đội Tây Bắc nhà Thanh. Về sau tòng quân đến Vu Hồ trú đóng, trong lúc tác chiến thì bị thương tàn phế, sau này lĩnh tiền trợ cấp xong thì cưới vợ an cư ngay tại địa phương, từ đó về sau đều sống đời đời ở Vu Hồ. Nhà họ Mã và nhà họ Ấn ở Trấn Giang có quan hệ thân thích, cô của Mã Cử Vận là Mã Tú Mai gả vào nhà họ Ấn, làm vợ lẻ cho quan viên lục phẩm là cụ Ấn.

Cụ Ấn xưa kia rất yêu bà, mấy năm sau bà Ấn bệnh nặng qua đời bèn nâng bà lên làm vợ cả. Nhưng Mã Tú Mai phận bạc, dường như không có số làm quan phu nhân nên mới một năm đã đổ bệnh qua đời. Nhà họ Ấn trọng tình nghĩa, dù Mã Tú Mai đã qua đời nhưng vẫn giữ quan hệ với nhà họ Mã, hai nhà cũng thường xuyên qua lại.

Kể từ sau khi ông cố của Mã Cử Vận rời khỏi quân đội thì bắt đầu làm ăn. Vu Hồ nằm gần Trường Giang, lại là phúc địa Giang Nam, bản thân ông ta cũng có chút quan hệ với quân đội nên chuyên bán quân lương là chính. Làm qua hai đời, đến khi ông nội của Mã Cử Vận già đi thì họ đã là một trong những phú hào ở địa phương. Nhưng đến đời cha của Mã Cử Vận là Mã Chi Qúy thì gia đạo dần suy sụp. Đến đời Mã Cử Vận thì mới đỡ hơn phần nào. Lúc này Mã Cử Vận đã dẹp cửa hàng bán lương thực ba đời, đổi thành buôn bán ngũ kim (kim khí). Lần gặp mặt đầy nguy hiểm của ông ta và Chuột Chín Đầu chính là lúc ông ta mang theo cả khoản tiền đến Thượng Hải nhập hàng.

Một ngày cuối xuân khi kháng chiến vừa nổ ra, Mã Cử Vận nhận được một bức điện báo khẩn cấp từ Thượng Hải, báo rằng chuyến hàng ngũ kim ông ta đặt từ Anh Quốc đã về đến nơi, bảo ông ta mau đến nhận hàng.

Bọn họ vốn đã ký hợp đồng và đặt cọc trước, cung hàng hẳn là sẽ không thành vấn đề, nhưng tình hình khi đó vô cùng căng thẳng. Chính phủ quốc dân đã bắt đầu xây dựng phòng ngự quy mô lớn thật kín kẽ từ Thượng Hải đến Nam Kinh, cần một lượng lớn linh kiện kim loại. Trong tình huống này, quân đội có thể dùng danh nghĩa “trưng dụng” để chở hết lô hàng ngũ kim vừa tới kho đi, tiền bạc đương nhiên sẽ trả theo giá thị trường. Nhưng như vậy thì chữ tín của chủ buôn và các khách hàng lại có vấn đề. Nên bên đó mới đánh điện báo gấp, giục Mã Cử Vận mau đến nhận hàng.

Trước đó Mã Cử Vận không ngờ sẽ có chuyện thế này, nên đã gửi tiền hàng trước đó vào trong tiền trang để lấy lãi suất ngắn hạn, nay đành phải vay mượn khắp nơi cho đủ số. Cuối cùng, khi ông ta cầm đủ tiền trong tay thì đã là 6 giờ tối. Lúc đó con đường nhanh nhất để đi từ Vu Hồ đến Thượng Hải là đường thủy men theo Trường Giang. 8 giờ đêm đó có tàu chở khách của công ty Anh Thương Di hòa từ Hán Khẩu dừng lại ở Vu Hồ. Mã Cử Vận chỉ có thể lên tàu này để đến Thượng Hải thật nhanh. Bến tàu thủy nằm ở Trường Giang phía bắc Trường Giang, mà khi đó ông ta còn đang ngồi trong nhà lão địa chủ Trương Lão Tài ở cửa khẩu Dụ Khê, cách bờ bắc Trường Giang và Vu Hồ hơn 10 km.

Cửa khẩu Dụ Khê nay đã là cảng than đá nổi tiếng của Trung Quốc, là một con đường trong khu Cưu Giang thuộc thành phố Vu Hồ. Lúc ấy nó cũng là một làng chài nhỏ. Mã Cử Vận muốn qua sông và đến bến tàu kịp giờ, đi tàu hơi nước hay gì đó thì đừng mơ tới nữa rồi, phương tiện giao thông duy nhất ở đây chính là thuyền gỗ. Trương Lão Tài lập tức sai hai đứa ở trong nhà lấy chiếc thuyền riêng của ông ta ở bến tàu ra, dựng mái chèo, nhanh chóng đưa ông Mã đến Vu Hồ.

Ông Mã vừa lên thuyền đã móc hai đồng bạc ra đưa cho hai đứa ở rồi nói: “Nhờ cả vào hai vị!”

Hai đứa ở kia được nhận tiền đương nhiên sẽ dốc sức làm. Thuyền đến Trường Giang thì trời đã tối hẳn. Đang chèo thì đột nhiên có một tiếng huýt sáo kéo dài vang lên trên mặt sông. Hai đứa ở vừa nghe thì giật mình tuột tay, hai mái chèo rơi ra khỏi lỗ, thuyền không ai chèo lại bị nước sông đánh cho lắc lư. Khi gắn mái chèo lại vào trong lỗ thì lại có hai chiếc thuyền thuôn dài trờ tới, một trái một phải kẹp lấy thuyền gỗ của Mã Cử Vận. Đối phương có tổng cộng bốn người, tay cầm pạc-hoọc, lưng đeo mã tấu, bên hông còn có dao găm, tiếng nói và ánh sáng đèn pin cùng tới một lượt: “Ba đứa chúng mày có nghe nói tới Chuột Chín Đầu chưa?”

Hai đứa ở vừa nghe tiếng huýt sáo đặc biệt kia thì cũng biết là gặp phải người nọ, lập tức run rẩy đáp: “Nghe tiếng huýt sáo kia thì cũng biết là anh Chín giá lâm...”

Đèn pin chiếu tới trên mặt Mã Cử Vận: “Mày thì sao?”

Mã Cử Vận chưa từng gặp phải chuyện như thế này bao giờ nên sợ đến mất hết cả hồn vìa, nhắm tịt mắt lại lắp bắp nói gì đó mà chính ông ta cũng không rõ.

Một tiếng hắng giọng ra hiệu, một thủy tặc rút mã tấu trên lưng ra gác lên cổ Mã Cử Vận. Đèn pin chiếu ngược ra sau: “Mày mở to mắt ra nhìn bố đây này!”

Mã Cử Vận đành phải mở mắt ra. Cũng chính ánh nhìn này khiến ông mãi mãi nhớ kỹ gương mặt của Chuột Chín Đầu. 12 năm sau, ngày thứ ba sau khi Trấn Giang vừa giải phóng thì ông ta lập tức nhận ra Chuột Chín Đầu.

Lần gặp nạn trên Trường Giang lần này, một nghìn đại dương Mã Cử Vận vay từ chỗ Trương Lão Tài đều bị cướp hết, chỗ tiền này có thể mua được mười sáu nghìn cân gạo hoặc một nghìn mét vải phin ở Vu Hồ lúc bấy giờ. Không có tiền thì đương nhiên không thể lấy chỗ hàng ngũ kim kia về, do thất hẹn nên ngay cả tiền đặt cọc cũng mất trắng, có thể nói là tổn thất nặng nề.

Nếu Mã Cử Vận đã căm thù Chuột Chín Đầu đến tận xương tủy thì tại sao cuối xuân năm 1949 phát hiện đối phương ở Trấn Giang thì không lập tức báo án? Mã Cử Vận giải thích rằng ngày hôm đó Chuột Chín Đầu mặc một bộ Tôn Trung Sơn màu lam khá mới, trong tay cầm cặp hồ sơ, nhìn bộ dạng chẳng khác gì “công chức nhà nước”. Mà ba người đàn ông ngồi cùng hắn ở quán ăn khi đó có hai người mặc quân phục của giải phóng quân, mang phù hiệu quân quản. Trong tình hình thế này thì ông ta nào dám làm bừa?

Mục Dung Hán cảm thấy lời giải thích này cũng khá có lý. Ông chủ Mã luôn sống ở khu quốc thống, chưa từng tiếp xúc với đảng cộng sản, chắc cũng chưa từng nghe điều gì tốt đẹp về đảng cộng sản, đại khái cũng sẽ hoài nghi về mấy lời hứa hẹn có viết trong thông báo vào thành phố mà đội quân quản đã dán. Ông ta cũng không dám tùy tiện ra mặt tố giác Chuột Chín Đầu, thậm chí ông ta không dám chắc khi mình nhận ra Chuột Chín Đầu thì đối phương có nhận ra mình hay không. Nên với kinh nghiệm xã hội của mình, ông ta chỉ có thể rời khỏi Trấn Giang để quay về Vu Hồ, việc tố giác thì nhờ Khưu Hạ Phong làm. Thực tế ông ta cũng chẳng ôm chút hy vọng gì về việc tố giác, nên trong thời gian này cũng chưa từng liên lạc với Khưu Hạ Phong.

Như vậy, sau khi Mã Cử Vận bị cướp thì có nghe ngóng tin tức cụ thể về Chuột Chín Đầu hay không? Ông chủ Mã nói là có tìm hiểu, nghe đâu người này là thủy tặc hoạt động mạnh trên Trường Giang, cướp bóc cưỡng hiếp không chuyện ác nào không làm. Nhưng vài năm sau đột nhiên lại không nghe thấy tin tức gì về kẻ này.

Mục Dung Hán, Từ Tử Sơn và Hồ Chân Lực trao đổi với nhau, cho rằng tuy Chuột Chín Đầu đã bị giết, nhưng vì điều tra rõ nguyên nhân nên vẫn cần tìm hiểu chi tiết về hắn. Vu Hồ lại là khu vực hoạt động của Chuột Chín Đầu, đúng lúc tiện bề điều tra.

Trong lúc tìm đọc tư liệu tội phạm hình sự theo nhóm, đoàn thể mê tín phản động thời kỳ dân quốc do cục công an thành phố Vu Hồ cung cấp thì phát hiện một vài chuyện về Chuột Chín Đầu.

Chuột Chín Đầu tên thật là Dụ Sĩ Côn, tự là Chi Dung. Sinh ra trong một gia đình giáo viên tư thục thuộc huyện Phồn Xương, phủ Thái Bình, quan bố chính An Huy. Dưới gối cha hắn là Dụ Minh Đạo có năm cô con gái và một thằng con trai độc nhất, từ nhỏ đã được cưng chìu, cả nhà nhịn ăn nhịn mặc cho hắn được đi học. Về sau Dụ Sĩ Côn thi đỗ vào học đường sư phạm sơ cấp của Vu Hồ, sau khi tốt nghiệp trở thành một thầy giáo tiểu học ở nông thôn thì làm nghề giống với cha mình, nhưng hắn là giáo viên trong biên chế của cục giáo dục huyện.

Năm 21 tuổi, Dụ Sĩ Côn lấy Chử Hiểu Linh, con gái của thương nhân Chử Thạc Thạch trong huyện làm vợ.

Chử Thạc Thạch là dượng của Dụ Sĩ Côn, vợ của ông ta là dì ruột của Dụ Sĩ Côn. Chử Hiểu Linh lớn hơn Dụ Sĩ Côn 1 tuổi, hai người là chị em họ. Lúc đó còn chưa có luật họ hàng gần trong vòng ba đời không được kết hôn, nên đôi chị em họ này đã nên duyên chồng vợ.

Bi kịch cuộc đời của Dụ Sĩ Côn cũng là do cuộc hôn nhân này. Dượng kiêm cha vợ của hắn là Chử Thạc Thạch xuất thân binh nghiệp, trước kia từng làm doanh trưởng trong bộ đội quân phiệt Đoàn Kỳ Thụy, sau khi bị thương xuất ngũ thì vè quê làm ăn. Trong quân đội cũ không lập hồ sơ quân nhân, nếu như lập hồ sơ và điền chi tiết thì có hơn hai mươi ngày Chử Thạc Thạch không thể tìm được người làm chứng cho mình. Trong một lần chấp hành nhiệm vụ, ông ta bị một đám thổ phỉ Hoản Nam bắt vào trong núi. Sau khi đám thổ phỉ lấy được tin tức từ miệng ông ta thì thuận lợi gây án. Sau đó đám thổ phỉ lại thả ông ta ra, lại cho ông ta một vài đồng bạc tỏ vẻ từ nay về sau mọi người sẽ là bạn với nhau.

Sau khi quay về bộ đội Chử Thạc Thạch mới biết, vì ông ta cung cấp tin tức nên bộ đội bị cướp và thiêu hủy một kho hàng, tổn thất nặng nề. Quân nhân bảo vệ kho hàng cũng chết hết 11 người, trong đó có em trai và em vợ của ông.

Mấy năm sau, Chử Thạc Thạch xuất ngũ về quê. Đám cướp kia căn bản không biết trong 11 quân nhân bị bọn chúng giết chết năm đó có người thân của Chử Thạc Thạch. Do từng tỏ vẻ sau này mọi người sẽ là bạn, nghe nói Chử doanh trưởng về quê làm ăn nên vài tên cầm đầu chuẩn bị quà cáp, đặc biệt chạy tới Phồn Xương chào hỏi.

Chử Thạc Thạch gặp mặt bọn họ, miệng cười như lòng lại nổi lửa. Một mặt ông ta nhiệt tình tiếp đãi, mặt khác lại phái tâm phúc bỏ độc vào đồ ăn thức uống của đám người kia. Kết quả đêm đó trên đường quay về sơn trại, do độc tính phát tác nên năm tên cầm đầu lũ cướp và bảy tên theo hầu đều lăn ra chết giữa đường. Đám cướp không có ai cầm đầu, chẳng bao lâu đã giải tán.

Chớp mắt đã 12 năm trôi qua, con trai của một trong năm tên cầm đầu bị Chử Thạc Thạch hạ độc chết đã trưởng thành, lại tụ tập một đám người vũ trang lại. Qua bao phen điều tra, gã cũng biết đại khái về nguyên nhân cái chết của cha mình năm đó nên quyết định sẽ trả thù.

Đêm giao thừa sau khi Dụ Sĩ Côn lấy con gái của lão Chử một năm, hai nhà ngồi lại cùng nhau đón năm mới. Đêm đó đám giặc cướp đột nhiên xông vào, 21 mạng người già trẻ của hai nhà Dụ, Chử đêm đó đều chết sạch. Dụ Sĩ Côn mạng lớn, phi đám cướp kia đến thì đúng lúc hắn đang ra cửa sau đi tiểu, nghe thấy tiếng động thì lập tức bỏ chạy nên mới giữ được cái mạng.

Dụ Sĩ Côn hiểu là mình không thể ở lại quê được nửa. Đám cướp đều chú trọng nhổ cỏ tận gốc, nếu như hắn tiếp tục ở lại làm giáo viên thì không biết có sống được đến lúc khai giảng hay không. Hơn nữa hắn còn phải báo thù cho hai nhà Dụ, Chử. Từ đó về sau, cái tên Dụ Sĩ Côn đã biến mất. Không bao lâu sau, vùng sông nước giao giới An Huy và Giang Tô ở Trường Giang lại xuất hiện một đám thủy tặc tự xưng là Thủy Thần giáo, Chuột Chín Đầu là biệt danh của một trong những kẻ cầm đầu.

Trong tư liệu có một tờ lệnh truy nã do đội hiến binh của quân Nhật ở Vu Hồ thời kỳ Nhật Ngụy tuyên bố, trong 12 đối tượng truy nã, Dụ Sĩ Côn đứng đầu, cũng kèm theo hình. Trải qua đối chiếu thì giống hệt với ảnh chụp Hoàng Kế Sĩ. Nên có thể kết luận, Hoàng Kế Sĩ chính là Dụ Sĩ Côn, cũng chính là thủy tặc Chuột Chín Đầu.

Cuối tư liệu còn nói, sau năm dân quốc 30, trên giang hồ không còn tin tức gì của Chuột Chín Đầu nữa, Thủy Thần giáo cũng mai danh ẩn tích. Nghe nói là do nội chiến nên đã giải thể. Điều tra viên chú ý tới hai chữ “nội chiến”, chẳng lẽ là vì nội chiến của Thủy Thần giáo nên Chuột Chín Đầu bất đắc dĩ đành phải rời khỏi Trấn Giang? Muốn làm rõ nghi vấn này thì phải tiếp tục điều tra.

Vậy phải điều tra như thế nào? Sau khi thương lượng một phen, Mục Dung Hán cho rằng có một con đường tắt có thể đi, ấy chính là điều tra manh mối về Thủy Thần giáo từ những kẻ đang bị giam giữ. Tra ra Thủy Thần giáo thì có thể biết được đại khái vì sao lúc trước Chuột Chín Đầu lại thay tên đổi họ rời khỏi Trấn Giang.

Mục Dung Hán ra mặt tiếp xúc với cục công an thành phố Vu Hồ, xin giúp đỡ tiến hành điều tra về việc này. Cảnh sát Vu Hồ vì muốn giúp các đồng chí Trấn Giang nhanh chóng hoàn thành sứ mệnh điều tra nên bí thư cục thành phố đã đặc biệt gửi một phần văn bản thông báo cho chính bảo, trị an (hàm hình trinh) của cục thành phố, và phân cục, yêu cầu tất cả đơn vị cung cấp thông tin xem trong số các phạm nhân đang bị giam giữ có thành viên của Thủy Thần giáo hay không. Cùng ngày hôm đó đã có phản hồi. Điều tra viên của đội hình sự cục thành phố là Lão Lục nói trong tay anh ta có một tên nghi phạm tên Lưu Ý có liên quan đến vụ án, từng làm lâu la của Thủy Thần giáo.

Ngày 7 tháng 11, điều tra viên đến trại tạm giam thẩm vấn Lưu Ý. Thấy tờ lệnh truy nã của đội hiến binh quân Nhật kia, Lưu Ý lập tức nhận ra Chuột Chín Đầu.

Gã khai với điều tra viên rằng năm đó Chuột Chín Đầu vì báo thù nhà nên tham gia quân đội đảng quốc dân. Hai năm sau lại đào ngũ, chạy trốn cùng bảy tên anh em cùng là quân nhân, mang theo rất nhiều vũ khí và đạn dược bộ đội. Dựa vào những thứ này, hắn ta kéo một nhóm lâu la có vũ trang, lập cờ hiệu Chuột Chín Đầu. Nhưng hình như hắn ta cũng không thể trả được thù, bởi vì đám cướp đã giết chết hai nhà cha mẹ và cha vợ của hắn ta đã giải thể vì nội chiến. Nhưng đã đến nước này thì Chuột Chín Đầu cũng không thể quay đầu lại được nữa.

Sau khi kháng chiến diễn ra, đám quân vũ trang của Chuột Chín Đầu còn đánh một trận với quân Nhật, tổn thất nặng nề. Bất đắc dĩ, đám Chuột Chín Đầu phải gia nhập Thủy Thần giáo tập thể, trở thành một trong năm kẻ cầm đầu, ngồi ghế thứ tư. Vài năm sau, Chuột Chín Đầu đột nhiên mất tích, Thủy Thần giáo nói hắn ta là phần tử phản giáo, còn phát lệnh truy sát giang hồ. Nhưng mãi cho tới khi Thủy Thần giáo giải thể thì cũng không nghe tin có đuổi giết được hay chưa.

Đã điều tra rõ ràng chân tướng về Chuột Chín Đầu, nhưng tổ chuyên án vẫn không thể nào hiểu được: Thủy Thần giáo đã giải thể, lẽ ra việc đuổi giết tên “phản giáo” Dụ Sĩ Côn đã kết thúc mới đúng, tại sao hắn ta vẫn bị người giết ở Trấn Giang?

Hình cảnh Từ Tử Sơn của tổ chuyên án năm nay đã năm mươi có lẻ, làm việc nhiều ngày liên tục, lần này đến Vu Hồ lại bị nhiễm phong hàn, vừa về Trấn Giang đã phát sốt. Thế mà Từ Tử Sơn vẫn không nói không rằng, kiên trì tiếp tục tham gia phân tích và hội ý về vụ án, sau khi bị Mục Dung Hán phát hiện thì lập tức đưa vào bệnh viện.

Mục Dung Hán hiểu ra, mình và Tiểu Tống còn trẻ khỏe, có thể làm việc ngày đêm như thế. Nhưng hai vị lão hình cảnh Từ, Hồ thì lại không thể, nên lập tức lệnh cho Hồ Chân Lực về nhà nghỉ ngơi hai hôm rồi hãy đi làm lại sau.

Lại nghĩ tới chuyện Tống Bỉnh Quân đang yêu đương, cũng phải thông cảm nên cho cậu ta nghỉ một hôm. Chính anh thì ở lại văn phòng sửa sang lại tài liệu thu hoạch được từ chuyến đi đến Vu Hồ lần này.

Mục Dung Hán chỉ là tay mơ trong công tác hình trinh, anh chưa bao giờ tham gia hoạt động điều tra hình sự, cũng chưa từng tham gia lớp huấn luyện ngắn hạn về nghiệp vụ công an do sở công an bên cơ quan hành chính Tô Nam tổ chức như Tống Bỉnh Quân. Nên thật ra bản thân Mục Dung Hán cũng không biết phải chỉnh hồ sơ tài liệu thế nào. Nhưng chuyện này cũng không làm khó được người nhanh trí như anh. Nếu không biết làm thì cứ xem Tiểu Tống làm là hiểu, cứ làm theo thì chắc sẽ không sai.

Nào ngờ trong lúc xem xét lại hồ sơ do Tống Bỉnh Quân chỉnh lý trong mấy ngày ở lại văn phòng, trong đầu anh đột nhiên nảy ra một ý!

Sau khi phá được vụ án đốt xác trong từ đường nhà họ Hoàng ở Hoàng gia trang, ăn mày Tiền Bảo Sơn và người sai sử là Cẩu Hưng Tri lập tức bị bắt giữ. Kết quả điều tra của tổ chuyên án lúc đó chính là hai tên Tiền, Cẩu không liên quan gì đến vụ án mạng ở ngõ Tiên Hà, nên đã giao cả hai cho ban trị an ở phân cục xử lý. Nhưng vì việc này là do tổ chuyên án điều tra nên tất cả tài liệu vẫn đưa vào hồ sơ bản án.

Công việc của Tống Bỉnh Quân trong mấy ngày ở lại văn phòng chính là đánh số tài liệu liên quan lại rồi đóng thành tập, sau đó để vào túi hồ sơ. Bây giờ Mục Dung Hán muốn xem cách chỉnh lý tài liệu thì phải lấy những tài liệu mà Tiểu Tống đã chỉnh lý trước đó ra đọc lại, trong đó có một chi tiết đã thu hút sự chú ý của anh.

Sau khi Cẩu Hưng Tri vượt ngục bó trốn, đầu tiên là tới Tô Châu, sau đó lại đi Vu Hồ, trở thành quản lý phòng thu chi của hiệu trúc Hòa Thuận. Điều khiến Mục Dung Hán chú ý chính là địa danh Vu Hồ này. Chuột Chín Đầu Dụ Sĩ Côn ở huyện Phồn Xương, tiếp giáp với Vu Hồ. Sau khi gia nhập Thủy Thần giáo thì lại hoạt động ở khu Trường Giang lấy Vu Hồ làm trung tâm, đội hiến binh viết lệnh truy nã cướp cũng là thành phố Vu Hồ. Cuối cùng Chuột Chín Đầu cũng biến mất ở Vu Hồ. Mà người sai sử ăn mày Tiền Bảo Sơn đốt hai cái xác là Cẩu Hưng Tri cũng từng ở Vu Hồ hai năm. Địa danh Vu Hồ này đã xuất hiện quá nhiều lần trong vụ án, Mục Dung Hán thầm nghĩ sao lại trùng hợp như vậy.

Tiếp theo anh lại lấy hai phần ghi lời khai của Tiền Bảo Sơn và Cẩu Hưng Tri ra đọc thật kỹ, lại phát hiện thêm một điểm đáng ngờ: Tiền Bảo Sơn đốt hai cái xác của Hoàng Kế Sĩ (Dụ Sĩ Côn) và Hoàng Kim Xuân trong hai đêm liên tiếp, nhưng lại dùng nhiên liệu đốt khác nhau. Lúc đốt thi thể của Hoàng Kế Sĩ thì dùng xăng, hôm sau đốt thi thể của Hoàng Kim Xuân lại dùng dầu hỏa. Bình chứa cũng khác nhau, hôm trước đựng xăng thì dùng bình rượu đục Lão Tam Thôn, hôm sau đựng dầu hỏa thì lại dùng một cái siêu quân dụng cũ.

Thế thì lại có vấn đề. Theo như hai người Tiền, Cẩu đã nói, trước kia bọn họ đều cho rằng thi thể bị đốt hôm đầu chính là của Hoàng Kim Xuân. Nếu như đây là thật thì hôm đầu tiên dùng xăng để đốt không hề sai, bởi vì dùng xăng đốt tốt hơn dầu hỏa rất nhiều. Vấn đề là bình đựng xăng lại có vấn đề. Mọi người đều biết xăng dễ bay hơi, nếu đã có hai lựa chọn là bình rượu và siêu quân dụng thì tại sao không dùng siêu quân dụng có tác dụng chống bốc hơi tốt hơn?

Lúc này, Tống Bỉnh Quân đột nhiên tới phân cục. Cậu chàng biết rõ công việc đang bận rộn, được nghỉ nửa ngày đi gặp người yêu tâm sự đã thấy đủ lắm rồi, trong lòng vẫn lo về công việc nên mới chạy tới. Sau khi nghe Mục Dung Hán nói về điểm đáng nghi vừa phát hiện thì cũng thấy rất có lý, sau đó cầm bản ghi chép lại xem thật kỹ rồi nói: “Xem ra cần phải làm rõ chuyện Tiền Bảo Sơn và Cẩu Hưng Tri không nói về nguồn gốc của bình rượu và cái siêu này rồi.”

Sau khi ban trị an của phân cục tiếp nhận vụ án đốt thi thể của Tiền Bảo Sơn và Cẩu Hưng Tri xong thì vẫn chưa thống nhất xem nên xử lý thế nào, cả hai vẫn bị nhốt trong trại tạm giam của phân cục. Chiều hôm đó, Mục Dung Hán và Tống Bỉnh Quân đến trại tạm giam, chia ra tiến hành điều tra cả hai người. Cẩu Hưng Tri giải thích rằng trưa 24 tháng 10, hắn ta đến Hoàng gia trang xem thử, phát hiện Tiền Bảo Sơn đốt sai thi thể, trong lòng căm tức nên quyết định buổi tối sẽ ra tay lần nữa. Lúc về thành phố có đi ngang qua cửa hàng đồ cũ Tường Mậu ở kế miếu Quan Đế nên tiện tay mua cái siêu cũ này, sau khi ra ngoài lại mua đầy một bình dầu hỏa ở tiệm tạp hóa Trần mù gần đó.

Mục Dung Hán và Cẩu Hưng Tri lập tức tiến hành điều tra xác minh những gì Cẩu Hưng Tri đã nói. Đây chính là lần điều tra nhẹ nhàng và hữu hiệu nhất của họ kể từ khi bắt đầu điều tra vụ án này đến nay.

Từ phân cục đường Đại Tây đến cửa Nam thì phải đi ngang qua tiệm tạp hóa Trần mù trước, sau đó mới đến cửa hàng đồ cũ Tường Mậu. Mục Dung Hán và Tống Bỉnh Quân cũng không biết chuyện này, khi đạp xe chạy ngang qua tiệm tạp hóa Trần mù mới phát hiện điểm này.

Đây là một cửa hàng nhỏ chỉ có một mặt tiền, bán các loại nhu yếu phẩm dùng hàng ngày, cũng bán cả dầu hỏa. Hai người đang định đi vào hỏi thăm thì phát hiện trên tường có dán một tờ thông báo: Cửa tiệm dừng buôn bán ba ngày, bắt đầu từ ngày 26 sẽ bán lại bình thường, xin lỗi quý khách hàng. Ngày dán là 23 tháng 10.

Mục Dung Hán và Tống Bỉnh Quân nhìn nhau, không cần nói cũng hiểu: Thi thể Chuột Chín Đầu bị đốt vào tối ngày 23, Cẩu Hưng Tri đến Hoàng gia trang xem xét là ngày 24, hôm đó tiệm tạp hóa Trần mù đóng cửa thì sao Cẩu Hưng Tri cầm siêu quân dụng tới đây mua dầu hỏa được? Chẳng lẽ hắn nhớ nhầm ngày à?

Hai điều tra viên đi vào quầy hỏi thăm ông chủ Trần mù (là biệt danh chứ không phải mù thật). Trần mù lắc đầu đáp rằng chưa từng gặp khách nào cầm siêu quân dụng đến đong dầu hỏa, siêu chứa được dầu hỏa đều là siêu tốt, ai lại dùng siêu tốt ngon lành để đựng dầu hỏa chứ?

Năm đó người dân còn khá nghèo, đừng nói là siêu quân dụng, dù là một chai bia cũng không nỡ vứt. Dù không dùng tới thì cũng có thể bán ve chai đổi lấy vài đồng bạc cắc. Nên nếu có người cầm một cái siêu quân dụng đi mua dầu hỏa, đừng nói là chuyện vài hôm trước, dù là cách mấy năm thì ông ta chắc chắn cũng sẽ không quên.

Khi được hỏi có phải ngày 24 cửa tiệm đóng cửa hay không thì đối phương cũng gật đầu xác nhận.

Cả hai lại đến cửa hàng đồ cũ Tường Mậu để tìm hiểu về việc bán siêu. Người ta báo rằng đúng là có, nhưng đó là chuyện xảy ra vào bảy tám ngày sau đại điển khai quốc. Bộ đội xử lý ra 30 cái siêu cũ nên bán giá rẻ cho họ, bạn họ cũng tăng 20% rồi bán ra. Dù có đẩy giá lên thì vẫn rẻ, hơn nữa trên thị trường căn bản không có bán nên hôm đó chỉ mới đưa ra hơn 1 giờ là đã bán sạch.

Trong lời khai của Cẩu Hưng Tri có vấn đề rất lớn. Sau khi quay về phân cục, Mục Dung Hán lập tức chạy đến ban trị an báo tin rằng trước tiên cứ tạm giam hai người Tiền Bảo Sơn và Cẩu Hưng Tri đừng xử lý, cũng không cần phải thẩm vấn, cứ giam trước rồi tính sau.

Sau đó Mục Dung Hán không thể không gọi Hồ Chân Lực đang được nghỉ đến phân cục, ba người ăn cơm trưa xong thì đến bệnh viện thăm Từ Tử Sơn. Lúc này Từ Tử Sơn đã hạ sốt, thấy vẻ mặt của ba người thì biết ngay là có tình huống mới nên bảo: “Có cần tôi xuất viện hay không.”

Mục Dung Hán mới nói: “Anh cứ nằm viện theo dõi thêm một ngày đi, nhưng chúng tôi có chuyện này muốn nghe ý kiến của hình cảnh lâu năm như anh.”

Tiếp theo, bốn người mở một buổi phân tích hội ý ngắn gọn trong một căn phòng trống của bệnh viện, trải qua bàn bạc, cũng định ra phương hướng làm việc tiếp theo – tiến hành điều tra những người mà Cẩu Hưng Tri qua lại sau khi quay về Trấn Giang.

Điều tra viên tiến hành hơn hai ngày, cuối cùng sàn lọc ra được 3 người có qua lại khá thân thiết với Cẩu Hưng Tri từ hơn 30 đối tượng: Quản Bảo Căn, Thích Tân Hán, Trang Hành Nhất.

Ba người này đều là bạn cũ của Cẩu Hưng Tri. Quản Bảo Căn từng cùng làm cảnh sát Ngụy với Cẩu Hưng Tri, hiện đang buôn bán nhỏ. Thích Tân Hán là người kiểm phiếu ở bến tàu, là thành viên của “Nhất Quán đạo*”. Trang Hành Nhất từng làm thành viên Thanh bang, sau này do vi phạm bang quy nên bị trục xuất, hiện đang mở một tiệm làm thùng gỗ.

Trước khi Trấn Giang và Vu Hồ giải phóng thì ba người Quản, Thích, Trang đã quen biết và thường cùng nhau đến Vu Hồ gặp Cẩu Hưng Tri. Sau khi hai vùng giải phóng thì thi thoảng cũng có thư từ qua lại và chia nhau đến Vu Hồ. Tháng 8, sau khi Cẩu Hưng Tri quay về Trấn Giang định cư thì bốn người từng nhiều lần lui tới, hay tụ tập ăn uống, có khi còn thâu đêm suốt sáng.

Mục Dung Hán báo cáo tình huống điều tra lên cho lãnh đạo cục thành phố, lãnh đạo lập tức phái chuyên gia bí mật điều tra về hoạt động của ba người đó trong đêm xảy ra án mạng ở ngõ Tiên Hà. Phát hiện, Quản Bảo Căn, Thích Tân Hán và Trang Hành Nhất có thời gian gây án. Nên tổ chuyên án quyết định hành động.

Đêm ngày 12 tháng 11, Quản Bảo Căn, Thích Tân Hán và Trang Hành Nhất bị bắt. Tổ chuyên án chia ra tiến hành thẩm vấn ba người này và Cẩu Hưng Tri đã bị bắt gia, rốt cuộc cũng tra ra một manh mối về án mạng ngõ Tiên Hà.

Thật ra hiệu trúc Hòa Thuận ở Vu Hồ chính là cứ điểm bí mật của Thủy Thần giáo ở thành phố Vu Hồ, ông chủ Kỷ Thắng Tăng chính là một trong những kẻ cầm đầu đứng sau màn. Sở dĩ Chuột Chín Đầu Dụ Sĩ Côn trở thành kẻ “phản giao” là do hắn đã cưỡng hiếp cô con gái sắp xuất giá của ông chủ Kỷ khi đến thành phố Vu Hồ làm việc và ngủ lại hiệu trúc Hòa Thuận. Xảy ra chuyện thế này, hôn sự đương nhiên bị hủy, ba tháng sau con gái của Kỷ đã nhảy cầu tự vẫn. Kỷ Thắng Tăng đương nhiên nổi giận, sau khi thông báo chuyện này cho vài người cầm đầu khác trong Thủy Thần giáo thì nhất trí sẽ xử lý Chuột Chín Đầu. Nào ngờ còn chưa kịp ra tay thì Chuột Chín Đầu đã mất tích. Theo điều lệ của Thủy Thần giáo, đi mà không nói cũng xem như phản giáo, nên tiện đà phát lệnh truy sát.

Lệnh truy sát phát ra suốt hai năm vẫn không tìm được Chuột Chín Đầu, Thủy Thần giáo lại vì nội chiến mà giải thế. Nhưng Kỷ Thắng Tăng vẫn muốn trả thù cho con gái nên lợi dụng tai mắt Thủy Thần giáo mà mình quản lý trước đó để tìm kiếm mah mối về Chuột Chín Đầu.

Năm 1947 Kỷ Thắng Tăng thuê Chuột Chín Đầu đến làm phòng thu chi ở hiệu trúc thì vẫn chưa biết Chuột Chín Đầu đang ẩn nấp ở Trấn Giang. Mãi cho đến cuối năm 1948 thì ông ta mới biết tin Chuột Chín Đầu đang làm việc ở bến tàu tại Trấn Giang, nhưng cụ thể làm gì, đang dùng tên gì, sống ở đâu thì ông ta không rõ lắm. Kỷ Thắng Tăng lại nhớ đến chuyện quản lý phòng thu chi của mình là Chuột Chín Đầu cũng là người Trấn Giang, trước kia từng làm cảnh sát, quen mặt và hay qua lại với đủ hạng người nên mới giao sứ mệnh điều tra cho Cẩu Hưng Tri.

Kỷ Thắng Tăng đã cưới nhiều vợ, nhưng chỉ sinh được một cô con gái nên đương nhiên cưng còn hơn trứng mỏng. Chỉ cần có thể trả thù cho con gái, ông ta tình nguyện bỏ ra toàn bộ tài sản của mình. Mấy năm trước đó, vì điều tra tin tức về Chuột Chín Đầu mà ông ta đã tốn rất nhiều tiền, còn nợ rất nhiều ân tình, bây giờ khó khăn lắm mới tìm được manh mối, đương nhiên phải quyết xác minh cho bằng được. Tiền căn hậu quả của chuyện này Cẩu Hưng Tri đều biết rõ, hắn ta tỏ vẻ mình có vài người bạn đáng tin có thể nhờ vả ở Trấn Giang, tìm hiểu rõ ràng về tình hình của Chuột Chín Đầu chắc chắn không thành vấn đề.

Lúc ấy Vu Hồ và Trấn Giang vẫn chưa giải phóng, Kỷ Thắng Tăng biết rõ Cẩu Hưng Tri không tiện quay về Trấn Giang nên bảo hắn ta viết thư cho bạn ở Trấn Giang, nhờ họ tới Vu Hồ bàn bạc.

Quản Bảo Căn, Thích Tân Hán và Trang Hành Nhất bèn đến Vu Hồ. Đối với bọn họ thì tìm kiếm hành tung của một Chuột Chín Đầu đã có phương hướng đại khái chỉ là chuyện nhỏ. Kỷ Thắng Tăng cũng không nói nhiều, lập tức lấy sáu lượng vàng ròng ra chia cho mỗi người hai lượng. Ba người Quản Bảo Căn, Thích Tân Hán và Trang Hành Nhất quay về Trấn Giang, chẳng tốn bao nhiêu công sức đã điều tra rõ ràng về Chuột Chín Đầu.

Lúc này Kỷ Thắng Tăng bắt đầu cân nhắc xem nên xử lý Chuột Chín Đầu kiểu gì. Tuy ông ta là người cầm đầu đứng sau Thủy Thần giáo, tham gia vào nhiều vụ án máu tanh, nhưng dù sao cũng chỉ là một thương nhân hai tay trói gà không chặt, hơn nữa tuổi cũng quá lục tuần, nên chỉ có thể thuê người làm. Lúc này giải phóng quân đã đến Trường Giang, Vu Hồ và Trấn Giang rất hỗn loạn, dù có thuê được sát thủ thì e là cũng không thể đến Trấn Giang được, một khi bị quân của đảng quốc dân hoài nghi là “gián điệp của lũ cướp” thì khó mà giữ mạng. Cũng là đạo lý đó, nếu như thuê ba người Quản Bảo Căn, Thích Tân Hán và Trang Hành Nhất làm chuyện lấy mạng người thế này thì cũng phải gọi họ tới Vu Hồ gặp mặt bàn bạc. Đi đường có an toàn hay không cũng là vấn đề. Vậy nên chỉ có thể tạm thời gác chuyện này qua một bên.

Sau chiến dịch vượt sông, Vu Hồ và Trấn Giang đều giải phóng, trị an xã hội cũng dần ổn định lại. Kỷ Thắng Tăng cân nhắc vài phen, quyết định giao việc xử lý Chuột Chín Đầu cho Cẩu Hưng Tri phụ trách, để hắn liên lạc với ba người Quản, Thích, Trang. Lúc bàn việc này với Cẩu Hưng Tri thì hắn ta tỏ vẻ phải “cân nhắc” một phen. Ban đầu ông chủ Kỷ cho rằng Cẩu Hưng Tri muốn cân nhắc vấn đề an toàn, chuyện này thì có thể thông cảm, nên im lặng chờ kết quả suy nghĩ của hắn. Nào ngờ đã qua hai tháng, hiệu trúc cũng đóng cửa rồi mà Cẩu Hưng Tri lại chưa nghĩ xong.

Cuối cùng Kỷ Thắng Tăng cũng hiểu là Cẩu Hưng Tri đang chờ mình ra giá. Ông ta mời Cẩu Hưng Tri uống rượu, nói mình già rồi nên hồ đồ, có thực mới vực được đạo, sao Kỷ mỗ có thể quên mất chuyện này cơ chứ?

Ông ta bảo Cẩu Hưng Tri cho một cái giá, Cẩu Hưng Tri lại nói dù sao cũng là đi giết người, hắn ta không thể tự mình làm được, phải để cho ba người Quản Bảo Căn, Thích Tân Hán và Trang Hành Nhất đi làm. Nên còn phải bàn bạc với ba người anh em này rồi mới ra giá được.

Lúc này Cẩu Hưng Tri đã làm xong thủ tục chuyển hộ khẩu về Trấn Giang, không có lý do gì để tiếp tục ở lại Vu Hồ nữa, bằng không sẽ khiến cảnh sát ở Vu Hồ chú ý. Nên hắn ta quyết định quay về Trấn Giang trước rồi lại tính tiếp.

Sau đó, hai bên gửi thư qua lại và gặp mặt đôi lần, Kỷ Thắng Tăng cũng đến Trấn Giang. Cuối cùng quyết định thù lao là hai mươi lượng vàng và thêm 2 triệu đồng làm kinh phí hoạt động.

Kế hoạch mưu sát do Cẩu Hưng Tri định ra, ba người Quản Bảo Căn, Thích Tân Hán và Trang Hành Nhất phụ trách chấp hành.

Cẩu Hưng Tri cũng vì việc này mà đặc biệt đến Vu Hồ một chuyến để Kỷ Thắng Tăng quyết định cuối cùng.

Sau này nghĩ lại Cẩu Hưng Tri mới hối hận vì chuyến đi lần đó, bởi vì hắn ta không ngờ Kỷ Thắng Tăng nổi tiếng sợ vợ lại nghe theo lời vợ mình, thêm ba lượng vàng làm tiền thù lao, yêu cầu phải đốt thi thể của Chuột Chín Đầu để báo thù rửa hận. Lúc ấy Cẩu Hưng Tri chỉ nghĩ “Chẳng phải chỉ là phóng hỏa thôi à, người cũng giết quách rồi thì đốt xác cũng có sao đâu?” thế là lại đồng ý.

Nhưng dù sao Cẩu Hưng Tri cũng từng làm cảnh sát Ngụy, biết đôi chút về điều tra. Lỡ như khi đốt thi thể mà bị phát hiện thì hắn ta cần một lý do để biện hộ, thế là hắn ta lập tức nhớ tới kẻ thù Hoàng Kim Xuân của mình. Lúc vừa về Trấn Giang thì hắn ta đã nghe ngóng tình huống của Hoàng Kim Xuân, biết rõ lão già này bệnh nặng sắp chết nên mới tính kế lão ta, chờ Hoàng Kim Xuân vừa tắt thở thì Quản Bảo Căn, Thích Tân Hán và Trang Hành Nhất sẽ lập tức ra tay. Về chuyện đốt thi thể thì hắn vốn định để ba người, Quản, Thích, Trang đi làm. Nhưng bọn họ lại sợ xúi quẩy nên không chịu, Cẩu Hưng Tri đành phải nhờ ăn mày Tiền Bảo Sơn. Nào ngờ cảnh sát lại phát hiện ra sơ hở của bọn họ từ vụ đốt thi thể này!

Tổ chuyên án lập tức đến Vu Hồ bắt Kỷ Thắng Tăng và vợ của ông ta là Đào Liên Châu về quy án.

Ngày 10 tháng 2 năm 1950, quân quản thành phố Trấn Giang cho ra phán quyết về vụ án này: Bốn người Kỷ Thắng Tăng, Cẩu Hưng Tri, Quản Bảo Căn, Trang Hành Nhất bị phán xử tử hình, lập tức chấp hành. Thích Tân Hán, Đào Liên Châu và Tiền Bảo Sơn từng người nhận mức án từ ba năm đến hai mươi năm.

___

*Một giáo phái tôn giáo cứu rỗi của Trung Quốc, xuất hiện từ cuối thế kỷ 19.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.