Spoiler Cuối cùng tôi đã đến, không có một nửa kia một trăm điểm hoàn mỹ, chỉ có hai người, mỗi người năm mươi điểm mà thôi! Khi hai người thích hợp ở bên nhau mới có thể hợp thành một trăm điểm hạnh phúc mỹ mãn. Tôi tin, tôi tin chắc rằng, tôi và Chu Nhất Minh ở bên nhau tuyệt đối đủ để hợp thành một trăm điểm hạnh phúc mỹ mãn.
1.
Sau hôm tham gia hội Hoán thảo dịp Valentine, tâm trạng của tôi vẫn rất tệ, làm cái gì cũng mất tập trung.
Có hôm sáng sớm xuống lầu ăn mì, ngồi cùng bàn là cậu bé có lon Coca để bên cạnh, tôi thần kinh thế nào lại coi Coca là giấm, cầm lên, đổ vào bát mì của mình. Có lẽ chưa từng gặp phải một “tên cướp” nào như tôi, cậu bé liền khóc thét, nói: “Coca của cháu!”.
Lúc này tôi mới định thần lại, không để đâu cho hết ngượng, rất nhiều khách khứa đến ăn sáng nhìn tôi như nhìn một đứa thần kinh, đầu óc có vấn đề.
Là một người bình thường, gần đây vì cái gì mà tôi lại biến thành một kẻ thần kinh như thế? Tôi đang chán nản! Chán nản vô cùng!
May mà sau kỳ nghỉ đông ngắn ngủi, cuối tháng Hai trường mầm non sẽ khai giảng. Khai giảng thật tốt. Sau khi khai giảng tôi sẽ có việc để làm, hằng ngày không còn thời gian rảnh rỗi mà nghĩ ngợi lung tung tới mức tâm trạng chẳng khác gì đám cỏ dại mọc um tùm.
Khai trường rất bận, mệt gần chết, đến ngày nghỉ là nằm vật xuống giường, hận không thể ngủ cho đã. Cuối tuần ngủ đến tận trưa mới tỉnh dậy vì đói, tôi định xuống bếp, nhét đầy bụng rồi lại lên giường ngủ tiếp nhưng đi qua phòng khách lại thấy bố và dì Thạch đang ngồi nói chuyện, vẻ mặt rất căng thẳng, tôi chỉ nghe loáng thoáng được một câu: “… Vẫn còn may, tất cả mọi người đều bình an vô sự trở về, chỉ có một người bị thương nhẹ”.
Tôi vừa mở tủ lạnh lấy một hộp sữa chua vừa tò mò hỏi: “Cái gì bình an vô sự trở về ạ? Ai bị thương ạ?”.
“Câu lạc bộ xe đạp gì đó của Chu Nhất Minh tổ chức leo núi, chiều hôm kia mười người đạp xe đến núi Nghi Thanh. Bốn giờ hơn thì đến chân núi, sau đó bắt đầu leo núi, kết quả trời tối không nhìn rõ bị lạc đường, cuối cùng phải gọi 110 cầu cứu. Đội cứu hộ phải tìm kiếm một ngày hai đêm, sáng nay mới đưa được hết đám người đó về”.
Sữa chua mắc trong miệng, mãi mới nuốt xuống được, tôi vẫn không dám tin. “Chu Nhất Minh cũng đi?”.
“Đương nhiên nó cũng đi, từ hôm kia điện thoại bắt đầu không liên lạc được, bố mẹ nó lo gần chết. May mà sáng nay nó có gửi tin nhắn, nói buổi trưa có thể về nhà được rồi, hai ông bà mới thở phào nhẹ nhõm”.
Ăn xong sữa chua, rửa mặt rửa mũi, chải đầu rồi bước ra khỏi cửa, tôi đi thẳng đến nhà Chu Nhất Minh. Đương nhiên là đi thăm hỏi, an ủi bố mẹ Chu Nhất Minh rồi.
Bà Chu vừa nhìn thấy tôi đã thao thao bất tuyệt kể lể: “Con xem, nó đã lớn như vậy rồi mà không chịu đi tìm bạn gái, ngày ngày chỉ gọi chiếc xe đạp là bà xã, đi chơi đàn cũng vác theo. Đã thế lại còn suýt chút nữa xảy ra chuyện không khiến người khác bớt lo. Nó lớn rồi, không thể đánh mãi được, nhiều lúc tức quá chỉ muốn quất cho nó vài cái vào mông”.
Bác gái đã cao tuổi, tức giận quá sẽ không tốt cho sức khỏe, đương nhiên tôi phải trấn an bà. Sau một hồi ra sức khuyên nhủ, tâm trạng bà đã lắng xuống, không còn tức giận nữa. Lúc này, Chu Nhất Minh, vẻ mặt rất mệt mỏi, cưỡi “bà xã” của anh ta về. Bộ quần áo trên người rách tả tơi, mặt mũi, tay chân đầy vết trầy xước, vết máu, rõ ràng là kết quả của việc chui rúc trong rừng sâu, núi thẳm.
Thấy tôi cũng ở đây, anh ta rất ngạc nhiên, cứ liếc nhìn tôi. Tôi vội vàng thanh minh: “Nghe nói anh mất tích, bố mẹ anh rất lo lắng nên em chạy sang xem hai bác thế nào”.
Nói vậy là có ý tôi đến thăm bố mẹ anh ta, không liên quan gì đến anh ta cả.
Bà Chu thấy con trai thương tích đầy mình thì lòng đau như cắt, nào còn nhớ vừa nãy đã nói muốn quất vào mông anh ta, vội vàng lấy thuốc đỏ lau vết thương cho anh ta.
Chu Nhất Minh né tránh không muốn hợp tác. “Không cần đâu mẹ, vết thương cỏn con thế này, bôi quét lòe loẹt vào làm gì, trông khó coi lắm”.
“Con là con trai, sợ gì khó coi, nhất định phải khử trùng vết thương. Nào, mau ngồi xuống, mẹ rửa cho”.
Anh ta đành lảng sang chuyện khác. “Mẹ, con đói quá, rất đói, rất đói. Mẹ đi làm cái gì cho con ăn đã, được không?”.
Bà Chu đi vào bếp bận bịu sửa soạn, ông Chu ở trên nhà hỏi han tỉ mỉ tình hình con trai hai ngày nay bị lạc đường trong núi Nghi Thanh như thế nào. Anh ta không nói cụ thể. Mặc dù sự việc đã qua rồi nhưng vẫn không muốn để bố mẹ phải sợ hãi, anh ta chỉ nói qua loa vài câu cho xong chuyện.
“Thực ra buổi hoạt động lúc đầu diễn ra rất suôn sẻ, chỉ là khi leo núi trời tối, nhất thời không cẩn thận đi nhầm hướng nên bị lạc. Lòng vòng mấy tiếng đồng hồ vẫn không tìm ra lối đi, bèn gọi 110 cầu cứu. Số vẫn còn may, lăn lộn suốt một ngày hai đêm mà mọi người đều bình an qua cơn nguy hiểm. Chỉ là đã gây rắc rối cho người dân và cảnh sát, làm bố mẹ phải lo lắng, sợ hãi. Con bảo đảm sau này tuyệt đối không để xảy ra chuyện như thế này nữa”.
Trong khi họ nói chuyện, bà Chu đã nhanh chóng nấu xong, bưng ra một bát mì thịt gà to tướng, mùi vị rất thơm. Tôi vẫn chưa ăn sáng, vừa ngửi thấy mùi thơm đã thấy đói cồn cào, bụng réo ùng ục.
Bà Chu tuy đã lớn tuổi nhưng tai vẫn rất thính, nghe thấy tiếng bụng tôi réo, liền nói: “Phiên Phi, con cũng chưa ăn cơm phải không?”.
“Vâng ạ! Anh ấy không sao rồi, vậy con về nhà ăn cơm đây”.
“Sao con không nói sớm là vẫn chưa ăn trưa, bác cứ nghĩ con ăn rồi mới sang, kết quả lại để con bụng rỗng ngồi với bác cả buổi. Hay đợi bác nấu cho con bát mì nhé!”.
“Không cần, không cần đâu ạ! Con về nhà ăn cơm được rồi”.
“Sao thế được? Bây giờ về nhà thức ăn cũng nguội cả rồi, để bác nấu cho con bát mì”.
Tôi và bà Chu cứ lôi lôi kéo kéo mãi, Chu Nhất Minh ngồi một bên im lặng nãy giờ bỗng lên tiếng: “Mẹ, không cần phải làm thêm đâu, con sẽ cho Yên Phiên Phi nửa bát cũng được. Con đói quá rồi, không nên ăn nhiều ngay, nhiều mì thế này mà ăn hết, chắc chắn sẽ bị đau dạ dày”.
Ông Chu cũng đồng tình: “Đúng đấy, quá đói hay quá no cũng đều không tốt cho dạ dày. Nhất Minh không nên ăn nhiều”.
Thế là một bát chia hai, tôi và Chu Nhất Minh mỗi người chiếm một góc bàn ngồi ăn. Bố mẹ anh ta đã đi nghỉ rồi, trong phòng khách chỉ còn lại hai đứa, lúc đầu chỉ cắm cúi ăn không nói gì, về sau anh ta cũng lên tiếng, nhưng mắt vẫn nhìn vào bát mì trước mặt: “Cám ơn em hôm nay đã sang thăm hỏi bố mẹ anh!”.
Người nào không biết cứ nghĩ anh ta đang nói chuyện với bát mì. Tôi cũng học theo, nhìn bát mì của mình, trả lời: “Không có gì, hai bác đều là những người chứng kiến em lớn lên, có chuyện đương nhiên em phải sang thăm hỏi. Còn anh, sau này cũng phải để hai cụ bớt lo một tí, không còn nhỏ nữa, vậy mà vẫn để bố mẹ phải lo lắng. Họ chỉ có mỗi mình anh là con trai, nếu anh…”.
Tôi chưa nói hết câu đã bị anh ta cắt ngang: “Được rồi, được rồi, sao em nói cứ như cô giáo dạy trẻ con thế?”.
Tôi vênh mặt nói: “Thì em vốn là giáo viên mầm non mà”.
“Nhưng anh không phải học trò của em”.
“Vậy thì sao? Nói có lý thì phải nghe, điều đó không liên quan gì đến chuyện có phải là học trò hay không. Hơn nữa, đã là bạn cũ quen biết hơn mười hai năm rồi, nói anh vài câu không được à?”.
Đã cắt đứt, không nói chuyện với Chu Nhất Minh nữa thì thôi nhưng hễ khai thông là chúng tôi lại nói chuyện với nhau như trước. Lúc này, tôi hoàn toàn không nhớ chuyện mình đã tuyên bố tuyệt giao với anh ta.
Chu Nhất Minh dường như cũng quẳng nó ra khỏi đầu rồi, không còn ương ngạnh, cố chấp nữa. “Được, em muốn nói gì thì nói đi. Nhưng bát mì của em mà không ăn thì sẽ nhũn hết đấy, mau ăn đi đã”.
Sau chuyện gặp nạn trên núi Nghi Thanh, mối quan hệ giữa tôi và Chu Nhất Minh sau sáu tháng đóng băng đã bước đầu tan được lớp vỏ băng giá.
Chúng tôi đã nối lại mối quan hệ bang giao, tình bạn coi như được khôi phục nhưng tất nhiên vẫn chưa hoàn toàn trở về trạng thái như xưa.
Từ bạn bè tiến lên một bước thành người yêu, rồi lại từ mối quan hệ yêu đương cãi cọ đến mức tuyệt giao, rồi từ tuyệt giao khôi phục lại mối quan hệ bạn bè.
Cứ lăn qua lăn lại như thế, bất luận là tôi hay anh ta có lẽ đều không biết phải xác định vai trò của mình với đối phương thế nào cho phải. Mặc dù đã ngầm hiểu rằng quay lại làm bạn bè, nhưng mối quan hệ bạn bè này không còn được tự nhiên, thân mật như trước nữa.
Chu Nhất Minh về cơ bản nếu không có việc gì thì không liên hệ với tôi, chỉ ngày lễ tết mới nhắn tin thăm hỏi. Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Cá tháng Tư, ngày Quốc tế Lao động, ngày Thanh niên[1] cũng không bao giờ bỏ qua nhưng chỉ toàn là những câu chung chung, chẳng có ý nghĩa gì.
[1] Ngày kỷ niệm phong trào Ngũ Tứ của Trung Quốc, mùng Bốn tháng Năm.
Trên QQ, mặc dù tôi đã bỏ nick của anh ta ra khỏi danh sách đen, nhưng hiếm khi thấy nick sáng, chắc là để chế độ ẩn. Haizz, thời đại internet, khoảng cách xa xôi nhất trên đời này đã không còn là khoảng cách giữa cái sống và cái chết, mà là tôi để chế độ ẩn, bạn online hay tôi online, bạn lại để ẩn.
Hôm nay, khá bất ngờ, Chu Nhất Minh chủ động chạy sang tìm tôi. Cũng chẳng vòng vo tam quốc, nói thẳng thừng rằng một người bạn của anh ta có cô con gái cuối năm nay sẽ vào mẫu giáo, muốn cho học ở trường mầm non thực nghiệm của chúng tôi, hỏi tôi có thể nghĩ cách giúp con bé được vào học không.
Tôi cười khẩy. “Em thấy lạ là tại sao tự nhiên hôm nay anh lại đến tìm em, hóa ra là “không có chuyện không lên điện Tam Bảo”. Cần em thì đến tìm, không cần thì cấm thấy mặt mũi đâu. Không giúp!”.
Anh ta lẽo nhẽo theo tôi, hi hi ha ha cười cầu hòa. “Đâu có, Bé bự, nể tình chúng ta là bạn bè bao nhiêu năm nay, anh trai đã mở miệng, chẳng lẽ em lại không giúp, đúng không?”.
Tôi quyết không bị lôi kéo. “Chúng ta có quan hệ bạn bè gì đâu! Anh là bạn trai của em hay anh trai của em mà em phải giúp anh?”.
Anh ta vẫn cười cười nói nói: “Bé bự, cái khác anh không dám nói, anh là anh trai của em tuyệt đối không vấn đề gì. Đừng quên, năm đó nếu không phải là anh trai, em đã sớm bị chết chìm trong hố phân rồi”.
Mặt tôi đỏ ửng. “Anh… anh… anh… không được nhắc đến chuyện đó!”.
2.
Phải nói những chuyện đáng xấu hổ thời thơ ấu của tôi có thể đựng đầy một sọt nhưng kể ra thì chuyện đáng xấu hổ nhất vẫn là chuyện bị rơi xuống hố phân.
Tôi không nhớ rõ dạo đó mình mấy tuổi, nhưng là một tiểu nha đầu tinh nghịch, suốt ngày giở thói ngang ngược. Có lần tôi và Chu Nhất Minh đi chơi, đi được nửa đường thì nhìn thấy một người say rượu, đi cứ lắc la lắc lư, chân nam đá chân chiêu. Trẻ con thường thích bắt chước, tôi vừa hiếu kỳ vừa thấy hứng thú nên đã học theo kiểu say rượu đó, đi từ khu nhà máy ra đến tận cánh đồng, càng đi lại càng hăng, lắc bên đông lại lắc bên tây. Chu Nhất Minh đi đằng sau luôn miệng khen tôi bắt chước rất giống. Tôi đang đắc ý, bỗng hẫng chân một cái, ngã bổ nhào về phía miệng hố, mùi hôi thối xộc lên mũi. Thôi xong, tôi bị rơi vào hố ủ phân rồi!
Cái hố phân đó khá rộng, tuy không sâu nhưng với một đứa trẻ như tôi thì có thể chìm nghỉm. Cộng thêm tôi lại rất béo nên càng bị lún sâu. Tôi càng vùng vẫy thì càng bị lún nhanh hơn, loáng cái đã chìm tới ngực, mùi hôi thối nồng nặc khiến tôi khó thở, lập tức khóc thét lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi!”.
Trong lúc hoảng loạn tôi chỉ biết gọi mẹ, Chu Nhất Minh nhảy lên phía trước, vừa nhìn thấy thế đã sợ đến mức mặt tái xanh tái mét, lập tức co cẳng chạy. “Anh đi gọi mẹ em!”.
Thấy anh ta chạy đi tôi càng khóc to, bị ngâm trong hố phân cảm giác rất sợ hãi, lại không thể trèo lên được. “Anh quay lại, không được đi!”.
Chu Nhất Minh rất có nghĩa khí quay đầu lại ngay, nhìn tôi vẻ đầy lo lắng. “Làm sao bây giờ? Anh lại không kéo nổi em”.
Không kéo nổi tôi cũng bắt anh ta kéo, anh ta mà không kéo thì tôi càng luống cuống. Chu Nhất Minh nhoài người ra phía trước hố phân, cố hết sức kéo tôi, một thôi một hồi vẫn không kéo được tôi lên, chỉ giúp tôi không bị chìm xuống sâu hơn thôi. Hố phân chẳng khác gì đầm lầy, sau khi bị ngâm trong đó hai tiếng đồng hồ, một bác nông dân đi qua nhìn thấy mới giải cứu cho tôi.
Bác nông dân vừa bịt mũi vừa kéo tôi lên, bảo tôi mau chóng về nhà tắm rửa sạch sẽ. Khắp người bốc mùi hôi thối, tôi lững thững đi về nhà, gió tạt vào người, cách mười mét vẫn còn ngửi thấy mùi hôi thối, mọi người đi qua vừa bịt mũi vừa cười. Mẹ tôi rất tức giận, có điều không muốn ra tay đánh tôi vì sợ phân bắn tung tóe lên người bà. Bà cố nuốt giận, không ra tay ngay. Sau khi lột hết quần áo, rửa ráy sạch sẽ cho tôi xong, quần áo sạch còn chưa kịp mặc bà đã bắt đầu đánh, đánh đến mức tôi gào khóc van xin cũng không tha. Ăn phải quả đắng, sau này tôi nhanh chóng học cách tự tắm, để không bị rơi vào “bàn tay ác quỷ” của mẹ nữa.
Tôi không cho Chu Nhất Minh nhắc đến chuyện tôi bị rơi xuống hố phân nhưng anh ta lại lấy chuyện đó ra để uy hiếp tôi: “Vậy rốt cuộc em có giúp không? Nếu em không giúp, anh sẽ không chịu trách nhiệm giữ bí mật đâu đấy!”.
“Hừ, anh dám! Đừng quên anh cũng có chuyện đáng xấu hổ đấy nhé! Còn nhớ chuyện lần đầu tiên anh rửa bát không?”.
Lần này đến lượt Chu Nhất Minh đỏ mặt. “Sao em vẫn còn nhớ chuyện đó?”.
Lần đầu tiên Chu Nhất Minh rửa bát là hồi khoảng bốn, năm tuổi. Khi ấy, anh ta rất có hứng thú với việc rửa bát, thực ra thích nghịch nước thì đúng hơn, ngày nào cũng đòi rửa. Mẹ anh ta đương nhiên không khiến, bố anh ta thì giảng giải đạo lý cho con trai nghe, nói anh ta còn nhỏ, rửa bát thứ nhất là không sạch, thứ hai sẽ làm bẩn hết quần áo, đợi khi nào lớn lên sẽ cho anh ta rửa. Vậy mà anh ta vẫn muốn rửa. Thế là một hôm ăn cơm trưa xong, bố anh ta đi làm, còn mẹ anh ta sang nhà hàng xóm có việc, anh ta liền tự động đi rửa bát.
Hôm đó như thường lệ, ăn xong một cái tôi liền quăng bát đũa rồi chạy sang chơi với anh ta. Ngày ấy mọi người đều sống ở căn nhà một tầng, chỉ cần có người ở nhà là cửa không bao giờ đóng. Tôi đẩy cửa bước vào và nhìn thấy anh ta. Anh ta đang đứng trên một chiếc ghế nhỏ, thân hình nhỏ bé quay lưng lại phía tôi, trần truồng, không biết đang vất vả, miệt mài làm cái gì, chỉ nghe thấy tiếng nước chảy ào ào.
Tôi thấy hiếu kỳ chạy ra đằng trước hỏi: “Anh Nhất Minh, anh đang làm gì đấy?”.
Anh ta hãnh diện nói với tôi: “Anh đang rửa bát”.
“Sao anh rửa bát lại không mặc quần áo?”.
“Bố anh bảo nếu anh mặc quần áo rửa bát sẽ làm bẩn hết quần áo nên anh đã cởi ra”.
Đấy xem xem, trẻ con ứng biến linh hoạt chưa! Khi đó tôi còn rất khâm phục anh ta, thầm nghĩ cái chiêu này tôi có thể học theo được, sau này mùa hè ra ngoài chơi tôi sẽ không mặc gì, đỡ bị mẹ đánh mắng vì tội làm bẩn quần áo. Hơn nữa, thấy Chu Nhất Minh rửa bát có vẻ rất vui, nước xối ào ào, tôi cũng muốn cởi quần áo ra để làm cùng.
Đúng lúc đó mẹ anh ta quay về, đi cùng người hàng xóm. Hai người lớn nhìn thấy cảnh một đứa trẻ đang rửa bát một cách hài hước như thế thì cười lăn cười bò, sau đó mẹ anh ta vội vàng mặc quần áo cho anh ta và nghiêm cấm sau này không được làm như thế nữa. “Càng ngày càng lớn rồi, không được tùy tiện cởi quần áo như thế nữa. Bé bự còn đang ở đây, con hở cả mông đít ra thế này mà không thấy xấu hổ à?”.
Lời nói của bà Chu khiến tôi hiểu ra, chiêu này của Chu Nhất Minh không thể học theo được, trẻ con càng ngày càng lớn, không thể tùy tiện cởi quần áo, nhất là tôi là con gái, anh ta là con trai, càng không thể cởi hết ra rồi chơi cùng nhau được.
Chúng tôi đều nắm trong tay yếu điểm của nhau, không ai dám đe dọa ai. Chu Nhất Minh “cứng” không được đành phải dịu.
“Yên đại tiểu thư giúp đỡ một chút đi mà. Anh trai cũng không có cách nào mới tìm em, người bạn chí cốt đó của anh gần đây xảy ra chút chuyện, vẫn còn phải lo lắng về việc cho con vào mẫu giáo, em nghĩ cách giải quyết giúp cho con bé vào trường nhé?”.
Tôi thành thật nói rõ ngọn ngành: “Không phải em không muốn giúp mà là không giúp được”.
Thời đại này, đăng ký vào trường mầm non đã khó, được vào học càng khó khăn hơn. Trường thực nghiệm của chúng tôi là trường được thành phố xếp hạng, không ít gia đình đổ xô vào. Nhưng mỗi năm trường chỉ có thể chiêu sinh từng ấy trẻ, cung lớn hơn cầu, số trẻ xin vào trường học vượt quá chỉ tiêu cần tuyển. Chu Nhất Minh muốn tôi giúp nhưng tôi khẳng định là giúp không nổi. Mỗi năm hiệu trưởng đều có một danh sách dài dằng dặc những người đăng ký vào trường có quan hệ dây mơ rễ má không biết từ đâu, hơn nữa tôi chỉ là một giáo viên phụ trách sinh hoạt quèn, có quyền gì mà lên tiếng.
Anh ta vẫn không bỏ cuộc. “Thật sự không có cách nào sao?”.
“Thật sự không có cách nào, trừ phi trường mầm non là do nhà em mở thì em mới lên tiếng được, còn bây giờ, chỉ có hiệu trưởng mới nói được thôi”.
Chu Nhất Minh nhíu mày, tức giận cực độ. “Mẹ kiếp, lên mẫu giáo mà cũng vất vả như thế à? Thôi được, không cần học mẫu giáo nữa, càng đỡ tốn kém”.
Chu Nhất Minh miệng nói vậy nhưng đứa bé, con chiến hữu của anh ta không thể không đi học. Hai ngày sau, anh ta lại chạy đến trường thực nghiệm, lần này không đến tìm tôi mà là tìm hiệu trưởng. Tên tiểu tử này không biết thần thông quảng đại cỡ nào mà quen được đường dây lãnh đạo nào đó trên Sở Giáo dục của thành phố, khiến hiệu trưởng vừa nhìn thấy tờ giấy giới thiệu đã gật đầu ngay.
Tôi vô cùng ngạc nhiên. “Chu Nhất Minh, anh được đấy, trực tiếp để cấp lãnh đạo ra mặt. Sao anh tìm ra được cửa đó?”.
“Ai bảo em vô dụng, anh trai đành phải nghĩ cách đi cửa khác. Anh phải nhờ đến đại đội trưởng của bọn anh đấy, may mà bạn học của em họ vợ anh ấy là con dâu của vị lãnh đạo đó, cho nên anh đã nhờ bọn họ thu xếp hộ”.
Bình thường trong đơn vị, Chu Nhất Minh quan hệ cũng không tồi, lãnh đạo và đồng nghiệp đều yêu quý anh ta. Nhưng từ trước tới giờ anh ta chưa từng nhờ cậy lãnh đạo việc gì, đây là lần đầu tiên. Anh ta là người nhiệt tình nhưng đây không phải là việc nhỏ, có thể “thuận nước dong buồm” nhờ cậy mà giúp đỡ dễ dàng được. Thời buổi bây giờ muốn xin cho con em đi nhà trẻ không thể đường hoàng mà xong được, hơn nữa lại chẳng phải con của mình, việc gì anh ta phải đi chuốc cái nợ ân tình với cấp trên vào người?
Tôi nghi ngờ hỏi thì anh ta trả lời qua quýt: “Anh trai rỗi quá không có việc gì làm nên kiếm việc làm cho vui, không được à?”.
Tôi không moi được gì từ miệng Chu Nhất Minh thì cảm thấy rất thất vọng. Trước đây anh ta không như vậy, hễ có việc gì anh ta cũng đều nói cho tôi biết. Giống như chuyện đi xem mặt thường xuyên thất bại, đáng xấu hổ như vậy mà anh ta cũng không giấu tôi, hơi một tí là gọi điện cho tôi nói “tâm hồn yếu đuối đang bị tổn thương”. Còn bây giờ, anh ta không nói với tôi bất cứ điều gì. Nhàm chán, thật là hết sức nhàm chán!
Cuối tuần hẹn Điền Tịnh đi ăn lẩu ở Little Sheep, cô ấy cũng nói chuyện Chu Nhất Minh đang giúp đỡ một chiến hữu.
“Hôm qua anh ta đến ngân hàng tìm mình, hỏi về chuyện căn hộ mua từ khoản vay thế chấp, nhất thời chưa thể trả tiền cho ngân hàng thì có bị tịch thu ngay để bán đấu giá không. Mình lấy làm lạ, anh ta không có tài khoản vay mua nhà thì quan tâm đến mấy vấn đề này làm gì. Hỏi kĩ mới biết, thì ra anh ta lo lắng cho một chiến hữu”.
Chu Nhất Minh nói, cuộc sống của vị chiến hữu đó lúc đầu cũng khá giả, sau khi xuất ngũ trở về, làm giám sát an ninh cho một siêu thị lớn giữa trung tâm thành phố, làm chưa được hai năm thì kết hôn với một cô nhân viên thu ngân trong siêu thị, năm sau sinh được một thiên kim tiểu thư. Năm ngoái họ vừa vay ngân hàng mua một căn hộ hai phòng ngủ ở Garden Village, ba người một nhà sống hòa thuận, vui vẻ. Nhưng tháng trước, anh ta đang đi trên đường thì không may bị ô tô đâm phải, tay tài xế bỏ chạy mất, không có một đồng bồi thường, chỉ có thể tự trách mình đen đủi. May là chỉ bị chấn thương nhẹ nhưng xương cột sống bị rạn. Bác sĩ nói không thể phẫu thuật vì rất nguy hiểm, tốt nhất nên nằm yên một chỗ để tự nó lành. Vì thế anh ta phải nằm yên trên giường ít nhất ba tháng mới được ngồi dậy, tiếp theo phải chữa trị thêm hai tháng nữa mới hồi phục, trong suốt thời gian đó không thể đi làm. Anh ta không đi làm thì không có thu nhập, nếu chỉ dựa vào thu nhập của vợ thì khó có thể duy trì cuộc sống. Một gia đình nhỏ, nhu cầu ăn, mặc, đi lại cùng với các loại hóa đơn, cái gì cũng đều cần đến tiền nhưng bức thiết nhất vẫn là tiền vay thế chấp mua nhà. Năm ngoái, để mua nhà họ đã dốc toàn bộ số tiền tích cóp được, ngay cả bố mẹ hai bên cũng vét sạch. Giờ anh ta nằm đấy, trong nhà không còn bao nhiêu tiền, trước mắt chỉ có thể duy trì sinh hoạt qua ngày, còn tiền vay thế chấp ngân hàng nhất thời không thể lo nổi.
“Sao hả, hoàn cảnh của anh ta như thế, nếu mấy tháng liền không trả được tiền nhà thì ngân hàng bọn cậu có nhanh chóng tịch thu để bán đấu giá không?”.
Điền Tịnh nói với anh ta, về phía ngân hàng, các khoản nợ chưa trả là vấn đề đau đầu nhất nhưng không đến mức vạn bất đắc dĩ hay chỉ đơn giản xử lý theo luật pháp là xong. Thủ tục đấu giá bất động sản rất phiền phức, thêm một việc chi bằng bớt một việc, ngân hàng vẫn hy vọng khách hàng có thể nghĩ cách để tiếp tục trả nợ.
“Chu Nhất Minh, là người nhà em mới nói cho anh biết thôi. Nói tóm lại, khất nợ vài kỳ cũng không phải là vấn đề gì lớn lắm, phía ngân hàng sẽ không lập tức thu hồi để bán đấu giá đâu. Có điều sau này, nếu bạn anh còn muốn vay vốn mua nhà nữa thì sẽ rất khó giành lại được niềm tin khi trong sổ tín dụng đã có “vết”.”
Chu Nhất Minh rất vui mừng. “Không có vấn đề gì lớn là tốt rồi, bạn anh không phải là kẻ đểu giả, đợi qua mấy tháng này, anh ấy đi làm lại được, nhất định sẽ thanh toán cho ngân hàng bọn em không thiếu một xu”.
Tôi nghe xong câu chuyện Điền Tịnh kể, cũng đem chuyện Chu Nhất Minh vì con của một người bạn đi mẫu giáo mà phải cầu cạnh người khác kể cho Điền Tịnh nghe. Cô ấy lập tức khẳng định: “Chắc chắn là cùng một người, nếu không Chu Nhất Minh hơi sức đâu quan tâm đến nhiều người như thế!”.
Tôi cũng nghĩ là cùng một người, ít nhất người bạn mà Chu Nhất Minh nói với tôi và người anh ta nói với Điền Tịnh đều có một cô con gái trạc tuổi ấy, chắc không phải là trùng hợp.
3.
Sự thật đã minh chứng phán đoán của tôi là đúng.
Chủ nhật, tôi ở nhà ngủ nướng, ngủ đến gần mười một giờ vẫn chưa muốn dậy. Bố tôi gõ cửa, gọi: “Phiên Phi, mấy giờ rồi còn chưa dậy? Mặt trời còn chưa tắt, sao con vẫn ngủ được thế?”.
“Tắt mặt trời” là câu chuyện thời thơ ấu của tôi. Từ nhỏ tôi đã thích ngủ nướng, nhưng ánh mặt trời rực rỡ chiếu vào chói mắt, khiến tôi ngủ không ngon giấc. Ngày ấy còn ít tuổi, đang mơ mơ màng màng ngủ, không biết tại sao lại chói mắt như thế, cứ nghĩ là do bật đèn, tôi liền cáu kỉnh huơ huơ tay. “Tắt đèn đi! Mau lên, tắt đèn đi!”.
Bố tôi đứng bên giường buồn cười nói: “Không tắt được, là mặt trời chiếu sáng đấy”.
Tôi nheo nheo mắt tiếp tục xua tay. “Vậy thì tắt mặt trời đi!”.
Bố tôi phì cười.
Bây giờ ngủ nướng, tôi vẫn ghét ánh sáng mặt trời làm chói mắt, nhưng dù mặt trời không tắt, tôi vẫn có cách riêng để đối phó, đó chính là đeo miếng che mắt để ngủ. Cho dù mặt trời có lên đến đỉnh đầu, tôi vẫn kê cao gối mà ngủ.
Bị bố đánh thức, tôi rất không hài lòng. “Gì thế ạ? Ngày nghỉ không để cho người ta ngủ thêm một lúc. Con không phải đi làm, bố quan tâm con ngủ đến mấy giờ làm gì?”.
“Bố không muốn quản con, mà là mẹ của Chu Nhất Minh tìm con, bảo con sang đó ngồi một lát”.
Tôi thấy khó hiểu, vội mở mắt. “Không có chuyện gì sao tự nhiên lại gọi con sang đó ngồi?”.
“Nhà bà ấy có khách đến chơi, nói là vợ và con gái của bạn Chu Nhất Minh, cô bé đó tháng Chín này sẽ vào trường mầm non thực nghiệm của bọn con học đúng không? Bà Chu muốn con sang ngồi một lát để làm quen với con bé, sau này quan tâm đến người ta một chút”.
Tôi dở khóc dở cười. Chu Nhất Minh và mẹ anh ta nhiệt tình y như nhau, vội vã giới thiệu con bé với tôi để sau này tôi quan tâm đến nó nhiều hơn. Trẻ con sau khi vào trường còn phải phân lớp, vẫn chưa xác định sẽ vào lớp nào, không phải lớp tôi thì tôi có muốn quan tâm cũng không được!”.
Khi tôi sang nhà họ Chu, bà Chu đang chuyện trò vui vẻ với khách. Bàn uống nước chất đầy mấy hộp quà, rõ ràng là quà của khách mang đến cảm ơn. Thấy tôi đến, bà Chu vội vàng kéo tôi vào giới thiệu với khách: “Mẹ của Điềm Điềm, đây là Yên Phiên Phi, cô ấy chuyên dạy lớp mẫu giáo bé ở trường mầm non thực nghiệm đấy”.
Mẹ Điềm Điềm nhiệt tình bắt tay tôi. “Cô giáo Yên, xin chào!”.
“Xin chào, xin chào!”.
Tôi vừa khách khí trả lời vừa cố tình đưa mắt nhìn phòng ngủ. Lạ thật, sao không thấy Chu Nhất Minh đâu? Khách của anh ta đến, anh ta không nên đi vắng chứ!
Mẹ của Điềm Điềm hỏi han vài câu rồi ngại ngùng chuyển ngay vào chủ đề chính: “Cô giáo Yên, nghe nói cô rất có kinh nghiệm trông trẻ lớp mẫu giáo bé, Điềm Điềm nhà chúng tôi sau này vào trường, nếu được phân vào lớp cô thì tốt quá!”.
Đây không phải là vấn đề gì lớn, chuyện phân lớp cho bọn trẻ, giữa các giáo viên với nhau, nói nhỏ một tiếng là được. Đối với tôi chỉ là chuyện “thuận nước dong buồm”, còn với người ta lại là việc luôn phải tâm niệm. Tôi liền đồng ý ngay, như vậy là thỏa mãn rồi chứ? Hơn nữa, tôi cũng đã rõ, bà Chu gọi tôi sang chủ yếu là vì việc này, làm mất mặt ai chứ không thể để mất mặt bác gái được! Bà là người đã chứng kiến tôi lớn lên, yêu thương tôi hết mực.
Mẹ của Điềm Điềm tỏ ra vui mừng luôn miệng cảm ơn, còn nói sau này nếu có thời gian mời tôi và Chu Nhất Minh đến nhà dùng cơm, đa tạ chúng tôi đã nhiệt tình giúp đỡ. Nhất là Chu Nhất Minh, cô ấy nói nếu không có Chu Nhất Minh giúp giải quyết vấn đề đi nhà trẻ của Điềm Điềm thì cô ấy lo đến chết mất.
“Cô giáo Yên, thời gian này thực sự tôi rất bận, chồng tôi bị tai nạn, rạn xương cột sống phải nằm trên giường ba tháng. Mặc dù có bà nội giúp đỡ nhưng bà cũng cao tuổi rồi, mỗi ngày sau khi tan làm là tôi lại vội vội vàng vàng chạy về nhà, bận tối mắt tối mũi”.
Nhìn xem, tôi đoán trúng phóc rồi nhé, người bạn này chính là chiến hữu đó.
“Không có gì, cô cứ về đi, dù sao hôm nay Chu Nhất Minh cũng không có nhà. À đúng rồi bác ơi, sao anh ấy lại không có nhà? Khách của anh ấy đến, lẽ ra anh ấy phải về nhà đón tiếp chứ?”.
“Nó định hôm nay về nhà ăn cơm nhưng gần đến giờ về lại gọi điện nói phải làm thêm. Gần đây Ban Quản lý đô thị của Nhất Minh nhiều việc quá, hơi một tí lại phải làm thêm”.
Mẹ Điềm Điềm cười nói: “Đàn ông ở tuổi này cố gắng phấn đấu sự nghiệp cũng là một chuyện tốt”.
“Cố gắng theo đuổi sự nghiệp nhưng chuyện gia đình mãi không có động tĩnh gì thì cũng không được. Người xưa nói “thành gia lập nghiệp”, phải yên bề gia thất rồi mới lao vào phấn đấu sự nghiệp được, Nhất Minh mãi vẫn chưa tìm được đối tượng để kết hôn, làm cha mẹ như cô chú lo chết mất thôi!”.
“Chuyện riêng tư của Nhất Minh vẫn chưa giải quyết được sao?”.
Thế là bà Chu tóm được mẹ Điềm Điềm than phiền kể khổ, con trai bà không có số đào hoa thế nào, khó tìm đối tượng ra sao, kiếm được người nào chia tay người ấy, thật khiến người ta tức chết.
Mẹ Điềm Điềm xung phong đảm nhận: “Cô à, việc này cô yên tâm, cứ giao cho cháu. Các cô gái trẻ làm trong siêu thị chỗ cháu đông lắm, nhất định cháu sẽ tìm cho Nhất Minh một người thích hợp. Anh ấy tốt bụng như thế, không thể không có ai thích được, chỉ là duyên phận chưa đến, duyên phận tới thì tự nhiên “trăng đến rằm trăng tròn” thôi cô ạ!”.
Bà Chu nghe thấy thế thì mặt mày rạng rỡ. “Phải rồi, vậy cô nhờ cả ở cháu. Nếu mai mối thành công, cô sẽ biếu cháu hẳn mười cặp móng giò”.
Ở chỗ tôi, người ta tạ lễ cho người mai mối bằng móng giò. Bà Chu mong có một ngày được mang lễ vật đó đi biếu. Tôi đứng một bên nghe mà thấy lòng chua xót. Mẹ Điềm Điềm sẽ giới thiệu đối tượng cho Chu Nhất Minh, thành thật mà nói tôi ngàn lần không muốn cô ấy ôm đồm việc này. Dù sao tôi và Chu Nhất Minh cũng từng thử yêu nhau, tuy sớm đã chia tay nhưng tôi không hề muốn anh ta tìm được “người kế nhiệm” trước tôi.
Rồi tôi lại nghĩ mẹ Điềm Điềm ôm đồm nhiều việc cũng chưa chắc có kết quả gì, Chu Nhất Minh “thấp hơn mực nước biển” như thế, khi xem mặt khó có cô gái nào để mắt đến, không chừng cô ấy sẽ tốn công vô ích thôi.
Nhưng tôi đã xem thường mẹ Điềm Điềm, cũng đánh giá quá thấp sức mạnh tổng thể của Chu Nhất Minh rồi.
Thành thực mà nói, Chu Nhất Minh ngoài chuyện hơi lùn ra thì những điều kiện khác rất được: dung mạo sáng sủa, tính cách, phẩm chất đạo đức tốt, công việc và thu nhập ổn định, điều kiện gia đình cũng không tệ, bố là kỹ sư về hưu, mẹ là nhân viên tổng đài về hưu, cả hai đều có lương hưu, không phải lo lắng gì.
Nếu là những cô gái có điều kiện tương đối một chút, có thể sẽ không chấp nhận cái dáng “thấp hơn mực nước biển” của anh ta, cho rằng mình thừa khả năng tìm được người tốt hơn. Nhưng đối với những cô gái làm ở siêu thị của mẹ Điềm Điềm thì Chu Nhất Minh đã là đối tượng lý tưởng để kết hôn rồi.
Bởi vì làm ở siêu thị không phải là một công việc ổn định, thu nhập cũng không cao. Rất nhiều cô gái đều hiểu rõ mình đang sử dụng cần câu cơm là tuổi thanh xuân của mình, nhưng tuổi trẻ rồi cũng qua đi, cần câu ấy không thể tồn tại mãi được. Đối với một cô gái, nếu dựa vào năng lực bản thân mà không có khả năng xoay chuyển được tình hình hiện tại thì chỉ có thể hy vọng vào con đường gả cho người ta mà thôi.
Ai cũng muốn mình lấy được ông chồng đại gia nhưng suy cho cùng, thời buổi bây giờ khó kiếm lắm. Thực sự chỉ muốn tìm một người có thể cùng sống những tháng ngày êm đềm, hạnh phúc, hay nghiêng về “những người đàn ông có thể lợi dụng về mặt kinh tế”. Không nghi ngờ gì nữa, Chu Nhất Minh chính là người đàn ông lý tưởng có thể lợi dụng về mặt kinh tế đó.
Cho nên mẹ Điềm Điềm tập trung tuyên truyền những ưu thế của Chu Nhất Minh, những điểm yếu chỉ tóm lược sơ qua. Các đồng nghiệp trẻ của cô ấy vừa nghe nói đã có người tỏ ý muốn xem mặt. Chu Nhất Minh lập tức trở thành chiếc bánh bao thơm phức, ba ngày đi xem mặt ba cô, cô nào cô nấy đều bày tỏ nguyện vọng muốn cùng anh ta tiến thêm một bước nữa, để xem anh ta chọn ai. Bà Chu vui mừng đến mức cười không khép được miệng, cảm giác nở mày nở mặt.
Khi nghe được tin đó, tôi cảm thấy rất khó chịu. Vận may của Chu Nhất Minh lại đến rồi, ba cô gái đang đợi anh ta lựa chọn, anh ta là hoàng đế hay thái tử chứ?
Còn nữa, tại sao anh ta luôn may mắn hơn tôi? Lần nào cũng vậy, khi tôi vẫn còn cô đơn thì anh ta đã có đối tượng rồi. Tôi không dễ gì có được đối tượng nhưng khi anh ta tan vỡ thì tôi cũng lập tức tiêu tan theo. Xét về vận may tôi không đọ được với anh ta nhưng hễ gặp vận xui là anh ta lại kéo tôi cùng xuống vực, tức chết đi được!
Hôm nay tôi cực kỳ phẫn nộ, nhìn cái gì cũng không thuận mắt, lúc ăn cơm không chê thức ăn mặn thì cũng chê canh nhạt. Bố tôi nghe không lọt tai liền nói: “Có người nấu cho mà ăn là tốt lắm rồi, chê người ta nấu không ngon thì đừng ăn nữa, có giỏi thì tự đi mà nấu!”.
Tôi lập tức vứt đôi đũa xuống, không ăn nữa, vốn không muốn ăn, nuốt không trôi vì đã đầy một bụng tức rồi.
“Có ba cô gái đang đợi Chu Nhất Minh lựa chọn. Wow, sao anh ta lại cao tay thế?!”.
Đối với chuyện Chu Nhất Minh được ưa chuộng, Điền Tịnh cũng tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, nhưng sau khi ngạc nhiên thì lại gật đầu tỏ vẻ đồng tình. “Có người để mắt tới cũng là chuyện tốt, xem ra lần này Chu Nhất Minh có số đào hoa rồi”.
Tôi lạnh lùng “hừ” một tiếng. “Cũng chẳng biết người ta thích anh ta ở điểm gì”.
“Đừng nói như thế, thực ra con người Nhất Minh rất tốt. Yên Phiên Phi à…”. Điền Tịnh ngừng lại một lát, nhìn tôi rồi nửa đùa nửa thật cười nói: “Sao mình cứ có cảm giác cậu đang ghen”.
Tôi lập tức nhảy dựng lên, đỏ mặt tía tai nói: “Ai bảo thế, mình thèm vào ghen, anh ta là cái thá gì mà mình phải ghen chứ!”.
Có lẽ tôi đã tỏ ra quá kích động khiến Điền Tịnh phát hoảng, cô ấy vội trấn an tôi: “Mình nói đùa thôi, đương nhiên cậu không thèm ghen rồi, Chu Nhất Minh là cái thá gì chứ, người thì lùn, cậu chẳng thèm để ý đâu”.
“Mình đương nhiên không thèm quan tâm đến anh ta rồi, mình sẽ tìm được một người tốt hơn anh ta gấp trăm ngàn lần!”.
Nói thì dễ, làm mới khó. Tìm gấp một người bạn trai, lại nhất định phải là người có điều kiện tốt thì khả năng thành công là rất nhỏ, chẳng khác gì đợi miếng bánh từ trên trời rơi xuống. Tôi tìm đâu ra người đàn ông như thế bây giờ? Có đốt đèn lồng tìm cũng không thấy!
Lòng đã rối như tơ vò còn gặp hạn, răng tôi tự nhiên lại đau nhức đến muốn chết, cơm cũng không ăn được. Thôi vậy, khoan hãy tìm bạn trai, nhanh chóng đi tìm bác sĩ khám răng cái đã!
Đã gặp vận đen lại càng đen, vừa ở bệnh viện khám răng đi ra, tôi lại phát hiện thấy con ngựa quý của mình không cánh mà bay. Lần này thì đúng là mất thật rồi, bởi khi nãy rõ ràng tôi dựng xe trong bãi đỗ xe, không thể có khả năng ban Quản lý đô thị dắt đi được.
Nhìn chỗ để con ngựa quý giờ trống không, tôi tức đến muốn ứa nước mắt. Mẹ kiếp, đúng là đen đủi, sao việc gì chị đây cũng không thuận lợi thế này! Lẽ ra tình trường không được như ý thì những lĩnh vực khác phải được mãn nguyện mới đúng chứ, tại sao còn bị mất xe nữa? Biết đến bao giờ mình mới được đổi vận đây?!
Giây phút đó, tôi thật sự muốn khóc thật to. Nhưng giữa đừng giữa chợ, ngựa xe như nước, kẻ qua người lại tấp nập thế này, chị đây thực sự không muốn bị mất mặt. Bị người lạ nhìn thấy thì không sao, nếu chẳng may bị phụ huynh bọn trẻ bắt gặp, lại nghĩ cô giáo Yên thần kinh có vấn đề, sau này không dám cho con vào học lớp tôi nữa thì nguy.
Vì vậy tôi chỉ có thể buồn rười rượi lê gót về nhà, bước đi mà đầu óc cứ như ở trên mây, khi sang đường còn quên cả nhìn đèn tín hiệu, suýt bị xe đâm. Chiếc xe đó sượt qua người tôi, người tài xế vừa kinh hãi vừa tức giận, hạ thấp cửa kính rồi thò đầu ra ngoài giáo huấn tôi: “Cô đi cái kiểu gì thế? Muốn hại chết người ta à?!”.
“Xin lỗi, xin lỗi!”. Tôi chỉ có thể nói lời xin lỗi, vì đúng là tôi đã sai! Sang đường không chịu nhìn đèn tín hiệu, có xảy ra chuyện gì thì cũng đều là hành vi hại mình, hại người.
Sang đường xong, tôi rẽ trái rồi đi thẳng, đi chưa được bao lâu thì một chiếc xe Mazda đi chầm chậm rồi dừng lại sát cạnh tôi, cửa sổ xe từ từ hạ xuống, một người đàn ông thò đầu ra gọi: “Yên Phiên Phi, em đi đâu đấy, để anh đưa em đi?”.
Vừa nhìn thấy xe và người tôi đã ngạc nhiên, đứng ngây ra một lúc lâu, không nói nên lời… Đó chính là Đới Thời Phi, đã lâu lắm rồi tôi không gặp, cũng không liên lạc gì với anh ta.
(mời xem tiếp trang sau)