Nhờ có kinh nghiệm đau thương lần trước nên tính nghịch ngợm của tôi dần giảm lại.
Trời sinh con nít đã có tính ham chơi, mà đồ chơi thì như cả bầu trời của nó. Nhưng ở thời điểm thiếu thốn chật vật thế này thì cho dù là phú gia công tử cũng không có đồ chơi để mà chơi. Bình thường đồ chơi của chúng tôi là vỏ đạn, cầu thủy tinh, diêm quẹt và vỏ kem đánh răng.
Ước mơ của tôi là có được một món đồ chơi nho nhỏ, tôi khát khao được người lớn mua cho, nhưng ông nội và cha mẹ đều không đồng ý. Lúc ấy bà nội tuổi cao lại bệnh nặng, suốt ngày chỉ có thể ngồi trong nhà. Tuy rằng từ trước đến nay bà đối với tôi rất tốt nhưng tôi cũng không mong bà có thể giúp tôi thực hiện nguyện vọng.
Cuối cùng cũng đến một ngày, người bà mà tôi ngày nhớ đêm mong đã biết chuyện, bà hỏi tôi muốn cái gì, tôi nói rằng mình muốn món đồ chơi trong tiệm ở góc đường. Bà nội không nói gì, nhưng bà ghi nhớ trong lòng, hôm sau liền mua cho tôi.
Tôi vuốt ve món đồ chơi, trong lòng kích động vô cùng, âm thầm thề rằng đời này nhất định phải đối xử tốt với bà nội.
Đó là một loại kích động và mừng rỡ không thể nói nên lời! Đến khi tôi trưởng thành, khi đọc “Trường hòa Sơn Hải kinh” của Lỗ Tấn mới có thể tìm lại được tâm trạng như thế.
Bà nội rất hiền lành, đối xử với tôi rất tốt, nhưng bà không cưng chiều mà biết dạy dỗ tôi, cách bà dạy tôi không giống như của cha mẹ là đánh mắng hay quản thúc nghiêm khắc.
Đối với tôi, bà nội là người có tầm ảnh hưởng rất lớn, thậm chí còn vượt qua ông nội và cha mẹ. Hình tượng của bà không giống như những người xung quanh, rất khác biệt. Mà sự khác biệt ấy thể hiện ở khí chất của bà.
Bà không chấp nhận quần áo của mình bị dính bẩn cho dù chỉ một chút, rõ ràng bà chỉ có mấy bộ quần áo thôi, nhưng lại được giặt giũ rất cẩn thận. Hằng ngày bà đều đi giày nhung thêu màu đen, đen tuyền thuần túy, không có một chút tạp sắc nào.
Bà nội bà vô cùng yêu quý một cây ngân trâm, mỗi ngày đều lau kỹ, rồi lại cài lên tóc. Lúc tóc bà còn đen, phối với ngân trâm rất hợp, đến khi tóc bà bạc trắng, cài cây trâm ấy vẫn đẹp như ngày nào.
Bà nội xuất thân đại gia khuê tú, nhưng mà thời thế thay đổi, bên trong xã hội đang có một sự chuyển biến cực lớn, bà cũng biết rõ không thể nào trở lại những năm tháng huy hoàng khi còn trẻ nữa. Bà nội là người vừa có tri thức vừa biết lễ nghĩa, tính tình ngay thẳng lương thiện, sự ôn hòa của bà làm cho người khác có một loại cảm giác không thể kháng lại. Bà đem tất cả hy vọng ký thác lên người tôi, từ nhỏ tôi đã được bà dạy dỗ nhiều tư tưởng tốt đẹp.
Lúc tôi bốn năm tuổi, tôi nhìn thấy một người đàn ông độc thân cùng thôn cứ khom lưng về trước khi đi đường, tôi cảm thấy thú vị, thế là liền học theo người nọ. Tôi còn thấy tam nha đầu ở Chu gia nói chuyện cà lăm rất buồn cười, vậy là cũng học theo nó.
Sau khi bà nội biết chuyện thì rất tức giận, nhưng bà không đánh mắng tôi mà cho tôi nhìn vào một tấm gương, lúc đó mới biết được tư thế còng lưng như vậy khó coi đến nhường nào, vẻ mặt tôi khi ấy xấu hổ vô cùng. Bà nội còn dẫn tôi đi theo sau tam nha đầu nhà Chu gia, tôi mới biết nói chuyện như vậy vô cùng mệt mỏi, nhưng đó là bẩm sinh rồi, không sửa được.
Bà nội không cần đến một câu trách mắng nào, ấy vậy mà tôi liền bỏ được hai tật xấu. Nhìn thấy tôi đã triệt để sửa tật xấu, bà mới chậm rãi nói với tôi một câu: “Ăn nói phải rõ ràng, làm người phải quang minh chính đại.”
Tôi còn chưa đến tuổi đi học, bà nội đã dạy tôi tập viết, đọc cổ văn, còn giảng cho tôi nghe một ít kiến thức về thiên văn và hội họa. Bà biết rất nhiều loại nhạc cụ Tây Dương, ví dụ như dương cầm, vĩ cầm, nhưng đều không thể mang đến đây. Bà nội đặc biệt muốn chọn thầy giáo cho tôi, tôi cũng rất muốn học, nhưng rồi lại không có cơ hội.
Bà nội mặc kệ tôi nghịch ngợm như thế nào, nhưng khi gặp bà thì quần áo nhất định phải sạch sẽ, mặt và tay không được bám bẩn, eo lưng thẳng tắp, nói chuyện rõ ràng. Bà nội không cho phép tôi nói với bà những chuyện lông gà vỏ tỏi, “Đông gia dài Lý gia ngắn, ba con mắt bốn con mắt.” Bà chỉ cho tôi nói với bà về tri thức văn học. Nói theo cách của bà nội là “Phải ra dáng đại thiếu gia.”
Một khi cha mẹ muốn đánh tôi, bà sẽ đến che chở cho tôi, nhưng bà cũng không nuông chiều cháu mình quá mức mà chỉ quan sát tôi, sau đó dùng lời lẽ dạy dỗ cho tôi hiểu đúng sai, sự thay đổi bên trong tôi cứ tiến hành một cách vô tri vô giác, dần dần biến thành bộ dáng mà bà muốn: Biết đọc sách viết chữ, có thể giúp đỡ mọi người, ăn mặc lịch sự nhưng giản dị, cử chỉ và lời nói phải khoan thai thanh nhã.
Bà nội tốt với tôi như thế đấy, yêu thương tôi như thế đấy, tuy ông nội và ba mẹ cũng yêu thương tôi, nhưng chưa thể lớn bằng tình yêu của bà, không thể vượt qua trí tuệ của bà được. Lúc ấy tôi cảm thấy, bà nội là tiểu thư khuê tú, chắc chắn sẽ không bị thời gian cướp đi đâu. Cho dù bà có rời đi thì khí chất và phẩm hạnh của bà vẫn còn tồn tại bên chúng tôi.
Nhưng mà thân thể của bà lại ngày một chuyển xấu.
Mùa đông năm 1966.
Nhà Vương Câu Đắc Nhi có thêm một em bé, trước kia vốn đã khó khăn rồi mà bây giờ lại càng thêm túng thiếu. Thời gian chúng tôi chơi đùa cùng nhau ngày càng nhiều, cũng có khi cậu ở lại nhà tôi cùng ăn cơm.
Hạnh phúc nhỏ bé dường như luôn chấm dứt rất sớm rất sớm. Lúc này nhớ đến khoảng thời gian trước kia, tôi không khỏi thở dài: Tuổi thơ luôn là những trang sách vội vàng, hơn nữa còn cuốn theo vị đắng chát và đau xót.
Cho đến cùng thì bà nội vẫn không thể gắng gượng qua mùa đông. Đêm hôm ấy, bà giống như đang an tường trong giấc ngủ, nhưng ai biết được đau bệnh đã tra tấn bà những ba năm. Càng không thể ngờ, bà cứ như vậy mà ra đi trong lặng lẽ và yên bình.
Buổi sáng hôm sau, tôi vừa thức dậy đã nghe âm thanh ô ô kỳ quái. Giống như có người đang khóc, lại giống như ai đó đang ca hát. Tôi không để ý nhiều, cứ tưởng con chó cái nào đang sinh con, liền ló đầu ra cửa sổ xem xét, chỉ thấy trong nhà bày một cái đầu ngựa và một cái đầu trâu rất lớn bằng giấy.
Tôi không khỏi kinh hô một tiếng, nhanh chóng mặc quần áo đi xuống lầu – lúc ấy tôi không biết đó là cái gì, chỉ cảm thấy nó thú vị. Tôi hô to rồi vọt vào trong sân, liền bị mẹ túm lấy, “ba ba” hai tiếng, trên mặt tôi hứng trọn hai cái bạt tai, vừa nóng vừa rát. Tôi không hiểu đã xảy ra chuyện gì, ấy thế mà quên luôn cả việc khóc nhè.
Hành động của mẹ thật kỳ lạ, còn chưa giải thích với tôi vì sao đã vội vàng đi về phòng ông bà nội. Tôi sững sờ nhìn theo mẹ, lại thấy vành mắt mẹ đã phiếm hồng. Cùng lúc đó tôi còn nhìn thấy mấy người mặc đồ đen vây quanh bên ngoài phòng bà. Khóe mắt tất cả mọi người đều đỏ lên, tiếng hát xướng giống như đang nức nở nghẹn ngào, một lát sau, lại có vài người mặc đồ đen đi từ trong phòng ra.
Trang phục của họ thật kỳ quái, vừa giống như trang phục cổ đại, lại giống như Hắc Vô Thường.
Trước đó tôi chưa bao giờ gặp qua tang lễ, bấy giờ nhìn thấy một màn này mới chợt hiểu ra – nhất định trong nhà đã xảy ra chuyện lớn rồi. Nếu không phải ông nội thì là bà nội.
Tôi tiến lên kéo một người mặc đồ đen lại hỏi: “Đã xảy ra chuyện gì thế?”
Người nọ thấy tôi, lập tức ngừng hát, nói: “Bà nội con đã… đi rồi.” Tôi cảm thấy đau lòng, như không quá đau, bởi vì tôi chưa kịp phản ứng.
Cha tôi theo một đám người mặt đồ đen, đôi chân tựa như không còn lực, ngẩn người nói: “Lão thầy bói rõ ràng đã nói có thể gắng gượng qua năm nay mà, sao bây giờ đã đi rồi…” Thì ra cha tôi vẫn đến xem thầy bói, nhưng mẹ chưa từng cãi nhau với cha vì vụ này.
Lúc này ông nội cũng đi tới, vẻ mặt ông rất bình tĩnh, cũng không rơi nước mắt, phất tay giải tán đám đông nói: “Tránh ra tránh ra, tới giờ nhập quan rồi… Đi gọi Khánh Hoa đến đây.”
Một vài người đưa cỗ quan tài tới, mở nắp quan ra, ông nội và cha mang thứ gì đó màu trắng đặt vào. Tôi đoán chắc đó là bà nội. Ông nội lại nói với cha: “Lớn như vậy rồi, không được khóc! Khóc thì có ích gì, người có trở về được không? Một lão già như ta còn không khóc, đợi đến lúc ta đi rồi, các con cũng phải không khóc…”
“Cha!” Cha tôi lớn tiếng kêu lên, “Con không khóc!”
Tôi lấy làm kỳ lạ, rõ ràng trên mặt cha còn rơi mấy giọt nước mắt. Nhìn cha khóc đến thế này, tôi không khỏi thấy mũi cay cay, cũng muốn khóc theo. Khi bà nội còn sống, bà đối xử với tôi rất rất tốt…
Tôi đang muốn đi tới xem, nhưng lại thấy không hợp với cấp bậc lễ nghĩa. Có một người mặc đồ đen dùng sức giữ lấy tôi, đè đầu tôi xuống, tôi vừa định chống cự đã nghe “xoẹt xoẹt” mấy tiếng, một nhúm tóc rơi xuống, người đó dùng lá bùa bằng giấy Tuyên bao tóc tôi lại, sau đó đặt vào quan tài. Tôi không khỏi lo lắng cho mái tóc của mình.
Mẹ tôi đã sớm không còn khóc nữa, mẹ kéo tôi vào buồng trong, thay cho tôi một bộ đồ trắng bằng vải thô. Trên eo thắt một cái đai lưng màu trắng, trên đó có gắn một đóa hoa hồng bằng giấy. Chỉ có tôi và cha là mặc quần áo màu trắng, những người khác đều mặc màu đen, tôi không biết như vậy có ý nghĩa gì.
Mẹ tôi lại dẫn tôi đến gian nhà ở hậu viện, căn phòng đó chính là nơi đặt quan tài của bà nội, bên trên có treo di ảnh của bà. Chắc là bà đã đi vào buổi tối, tất cả đồ vật cần thiết đều được chuẩn bị đầy đủ. Sau đó những người mặc đồ đen đều lui ra.
“Dập đầu.” Ông nội đứng ở chỗ khuất sáng, tôi không nhìn thấy rõ mặt ông, chỉ có thể cảm giác được sự uy nghiêm trong giọng nói của ông: “Dập đầu với bà nội con đi.”
Lúc này tôi mới nhìn đến cái đệm màu sắc rực rỡ ở phía trước quan tài, trước kia tôi đã thấy qua ở trong miếu. Trước điện thờ Phật cũng có một cái đệm như vậy, rất nhiều người dập đầu trên đó, bình thường cái đệm ấy bẩn không chịu được.
Có người đưa cho tôi ba nén hương, sau đó vỗ nhè nhẹ lên vai tôi.
Thật sự tôi không muốn dập đầu chút nào, dù sao thì trong mắt nhiều người tôi cũng là đại thiếu gia nhà địa chủ, bình thường ngoại trừ cha mẹ, không có ai quản được tôi. Theo truyền thống khi nhận bao lì xì vào ngày tết âm lịch phải dập đầu, nhưng bởi vì ông bà nội rất cưng chiều tôi nên không bắt tôi phải hành lễ.
Bởi vì tôi rất kính trọng bà nội, nên vẫn cung kính dập đầu ba cái.
Tang sự bận rộn mãi tới trưa, đến giờ cơm, trên bàn ăn có rất nhiều thịt, mọi người đều yên lặng nuốt xuống.
Cơm nước xong xuôi, tôi lại đi đến căn phòng đặt quan tài, ngồi xuống cái ghế gần đó ngơ ngác nhìn quan tài của bà. Trong phòng rất tối, nhưng không biết sao tôi không thấy sợ hãi chút nào.
Lúc này bỗng có người vỗ vai tôi, vừa quay đầu lại nhìn, thì ra là Vương Câu Đắc Nhi, dì Vương cũng đứng phía sau, vành mắt đỏ hồng nhỏ giọng nói với con trai của dì: “Con đến an ủi Khánh Hoa đi.”
Vương Câu Đắc Nhi cà lăm cả buổi mới nói ra được một câu: “Cậu không sợ sao?”
“Tớ không sợ.” Vậy mà tôi hơi nở nụ cười: “Hơn nữa tớ còn không khóc nữa này.”
“Như vậy là không đúng…” Dì Vương tựa như đang bối rối, nhìn chằm chằm vào quan tài nói: “Con nít nói vậy sao được… sao có thể không khóc.”
Chúng tôi cùng đi ra khỏi phòng, nhìn thấy A Hoa đang vẫy đuôi mừng rỡ muốn xông vào người tôi. Mấy người mặc đồ đen kia lại tới, A Hoa thấy họ liền bắt đầu sủa lớn. Lúc này A Hoa đã lớn hơn rất nhiều. Bọn họ nói: “Mau đem chó ra ngoài!”
Chúng tôi không phản ứng.
“Đem ra ngoài mau lên!” Đám người vẫn tiếp tục nói, A Hoa vẫn tiếp tục sủa. Có hai người tới bắt A Hoa, nó nhảy dựng lên hung hăng cắn tay một người trong đó rồi chạy mất. Một người khác vội lui về sau một bước, không dám tiến lên nữa.
Tôi nhìn đám người mặc đồ đen kia, đột nhiên cảm thấy cực kỳ hả giận.
Đã qua hai ngày, cuối cùng quan tài cũng được đưa đi rồi, đám người kia vẫn còn khóc như ca hát, tôi không hiểu sao họ lại có nhiều nước mắt đến thế. Trên không trung lượn lờ giấy tiền vàng mã, tôi cầm trong tay ba nén hương, trịnh trọng dập đầu ba cái.
Tôi nhận được cả một bó hương lớn, dùng cỡ nào cũng không hết nổi. Cơ mà tôi lại rất thích nhìn thứ này, đốt một nén hương, chăm chú nhìn vào làn khói vởn quanh, cảm giác tất cả trước mắt bỗng chốc trở nên trang nghiêm đến lạ.
Hôm nay tôi không biết đi đâu chơi, liền đốt một nén hương, huơ loạn trên không, miệng bắt đầu lảm nhảm. Đột nhiên một đốm lửa rơi xuống tang phục của tôi. Tôi nghĩ không ảnh hưởng gì, nhưng trong chốc lát đã sững sờ, tang phục màu trắng được may đơn giản thoáng chốc bốc cháy.
Tôi hoảng hồn, cố gắng giũ vạt áo, nhưng lửa lại càng lúc càng lớn, tôi đành phải hô to gọi người tới. Vương Câu Đắc Nhi đột nhiên lao đến, nhanh chóng đè mạnh tôi xuống mặt đất, phần bụng bị lửa cháy áp xuống mặt đất, sau khi lăn lộn vài vòng chỉ cảm thấy chỗ bụng nóng hổi, nhưng khi đứng lên lửa đã bị dập tắt rồi.
“Ôi trời ạ…” Tôi vừa nhớ lại một màn vừa rồi, thật đúng là đáng sợ quá chừng, nhất thời không biết phải làm sao để cảm ơn Vương Câu Đắc Nhi.
“Không sao rồi, cậu đừng nói cho cha mẹ biết.” Vương Câu Đắc Nhi rất rộng lượng nói.
Đương nhiên là tôi không muốn để cha mẹ biết rồi, vì thế lúc họ đi qua trước mặt, tôi liền che lại lỗ hỏng bị lửa thêu, như con chuột nhắt mà len lén bỏ trốn. “Lâm Khánh Hoa!” Mẹ đột nhiên gọi một tiếng làm lông tóc tôi dựng đứng, quay đầu lại vờ như không có chuyện gì.
“Đến đây, mẹ coi con có chuyện gì.”
Tôi trộm liếc cha một cái, cha nghe thấy mẹ nói vậy cũng buông tờ báo trong tay xuống, nghiêm khắc nhìn tôi chăm chú. Tôi biết bây giờ có chạy cũng không thoát được, liền nơm nớp lo sợ nhích qua, buông vạt áo xuống, lập tức một lỗ cháy đen hiện ra trước mắt.
Hiển nhiên lại bị ăn một trận đòn đau điếng. Mẹ tôi vừa đánh vừa khóc, nói bà nội đi rồi mà tôi còn không biết tôn trọng bà, ngay cả tang phục mà cũng làm cháy, thật sự là tạo nghiệt, cũng may bà nội là người khoan hồng độ lượng.
Ngay sau đó mẹ tôi liền mang mấy quả trứng gà đến đến nhà Vương Câu Đắc Nhi. Khỏi cần nói cũng biết chúng tôi lại thiếu nhà họ một ân tình lớn nữa rồi.
Lễ bảy ngày đầu tiên, mẹ tôi chuẩn bị một bàn ăn phong phú, nhưng lại không cho tôi đụng đến. Ngược với mong đợi của tôi, mẹ đem tôi vào ổ chăn, tôi cảm thấy thật kỳ quái. Chẳng lẽ sau khi tôi chết người khác cũng làm theo cái lễ tiết kỳ cục này sao?
Tôi không ngủ được, bèn trượt xuống giường nghe lén cha mẹ nói chuyện. Cha hạ thấp giọng nói: “Đồ vật của mẹ đều là đồ tốt, sao em lại muốn đốt?”
“Anh nói đồ hồi môn của mẹ sao?”
“Ừ, mấy vật đó… toàn là đồ cổ, sao không giữ lại chứ? Không phải anh tham tiền, nhưng người đã đi rồi, mà vật cũng đi theo không giữ lại chút gì, trong lòng anh đâu thể dễ chịu cho được.” Tôi không nhìn thấy vẻ mặt của cha, nhưng có thể cảm giác được nhất định cha đang cau mày khó chịu.
“Nhà người ta không phải cũng coi di vật như đồ gia truyền hay sao?”
“Đúng vậy, nhưng không phải đã nói lễ bảy ngày lần đầu phải đem đốt thứ gì à?”
“Hay là đi hỏi ý của cha đi.”
“Ừ, em đi đi.”
Tôi nghe thấy bước chân mẹ ra cửa, vội vàng chạy đến cửa sổ, trông thấy mẹ một đường đến phòng ông nội, qua một lúc lâu vẫn không thấy ra, tôi nghĩ có thể hai người còn đang nói chuyện, liền trèo xuống khỏi bệ cửa sổ.
Ước chừng qua nửa tiếng, tôi nghe trong phòng có động tĩnh liền lén đi xem, thấy được ông nội và cha mẹ đang đào đất trong mảnh sân nhỏ, trong tay ông nội nắm chặt một cái túi vải, tôi đoán chắc trong đó chính là đồ hồi môn của bà. Tôi không khỏi có chút sốt ruột, sáu bảy năm qua tôi đã quá quen với từng ngõ ngách trong nhà, rất nhiều chỗ là nơi để đồ vật của bà. Có đồ vật của bà nội thì cái nhà này mới có thể coi là nhà được.
“Được rồi.” Ông nội nhỏ giọng nói, đem một cái xẻng cắm trên mặt đất.
“Vâng.” Là cha nói.
Sau đó tôi tận mắt thấy di vật của bà bị vùi vào đất, dần dần bị lấp kín.
Tôi nằm trên giường, càng nhớ bà da diết. Chết là như thế nào? Có phải bà nội sẽ vĩnh viễn không trở về không? Lần gặp cuối cùng với bà là vào tuần trước, mọi người cùng nhau ăn cơm tối, sau đó từng người trở về phòng mình…
Hôm nay bà đã không còn nữa, đấy đã là một sự mất mát rồi, cớ sao di vật của bà cũng đem chôn đi? Về sau chẳng phải sẽ không được nhìn thấy dấu vết của bà lưu lại nữa hay sao?
Tối hôm đó, ban đêm tĩnh mịch vắng người, tôi vội vàng mặc quần áo, lặng lẽ ra mảnh sân vắng lặng kia. Buổi tối tháng mười hai lạnh thấu xương, tim tôi đập rộn không ngừng, toàn thân nhiệt huyết sôi trào. Trong phòng ông nội đã truyền đến tiếng ngáy, tôi nuốt nước bọt, nhìn chằm chằm vào chỗ đất chôn di vật, trong thoáng chốc tựa như cảm thấy bà nội đang đứng trước mặt, hiền hậu cười với tôi.
Tôi cắn răng, bắt đầu dùng tay đào bới. Ngón tay vì đào đất mà đau rát, móng tay cũng dính đầy bùn đất. Bàn tay bị đá vụn đâm vào, nhưng rất nhanh tôi đã đào được túi vải kia. Tôi nhẹ nhàng lấy nó ra, lục lọi đồ vật bên trong. Bàn tay nhanh chóng cảm giác được một vật lành lạnh trơn bóng, lấy ra nhìn, quả nhiên là ngân trâm của bà.
Vào những ngày lễ, bà nội sẽ ngồi trước gương trang điểm cài cái ngân trâm này lên tóc. Đây cũng là đồ vật tôi thích nhất, trong mắt tôi, nó là vật tượng trưng cho bà nội, trên đó lưu lại mùi hương quen thuộc của bà, hiền hòa và ấm áp như vậy, sao có thể để nó bị chôn vùi ở đây được chứ…
Tôi lại chôn kỹ cái túi, trong tay gắt gao nắm lấy ngân trâm trở về phòng. Tay của tôi đã bị lạnh đến không nhúc nhích nổi. Đêm nay, tôi nắm ngân trâm của bà trong tay, ngủ rất an ổn.
Đông gia dài Lý gia ngắn, ba con mắt bốn con mắt: Mình chỉ tra ra được đây là câu ẩn dụ, cũng không hiểu rõ nó ẩn dụ cho cái gì, hình như là chê trách mấy người nhiều chuyện nhảm nhí gì đấy.
Chương sau →