Ngoài trời đang mưa, những cơn gió lạnh theo khe cửa sổ lùa vào trong nhà. Chiếc chăn mỏng đã không thể chống trọi được cái rét cắt da cắt thịt này. Kiều Anh rùng mình tỉnh dậy, không biết lúc nào gió mùa đã tràn về rồi. Trong nhà lúc này tối đen như mực, giơ tay không thấy năm ngón. Kiều Anh xuống giường bật điện. Nghe tiếng động mẹ và chị cô cũng tỉnh dậy. Cả nhà cô vội vàng lấy chăn bông và áo len ra mặc.
Mặc thêm chiếc áo len Kiều Anh thấy ấm lên chút ít, cô đi giúp chị cô lồng vỏ chăn. Đang chuẩn bị trải chăn, thì lại thấy em mèo đang nằm cuộn tròn ở dưới cuối giường, tiếng động vừa rồi cũng không ảnh hưởng đến nó. Kiều Anh bế nó lên, mới chăm sóc gần một tháng mà đã thấy trọng lượng của nó tăng đáng kể rồi. Cứ đà này ngày nó biến thành heo chắc cũng không xa. Bị bất ngờ bế lên, em mèo khó chịu uốn éo muốn rời khỏi tay cô. Kiều Anh hai tay hợp lại ôm nó vào trong lòng. Lúc này chị cô cũng trải chăn xong, Kiều Anh lập tức ôm luôn mèo con vào trong chăn. Mèo con sao có thể thuận theo, nó bắt đầu phản kháng đòi chui ra khỏi chăn nhưng đều bị đàn áp. Không trong chốc lát nó cũng nhận mệnh làm gối ôm cho cô, Kiều Anh thỏa mãn nhắm mắt ngủ tiếp.
Buổi sáng mùa đông rời giường thật là tra tấn người. Tuy chiếc chăn vừa cứng vừa nặng nhưng so với không khí lạnh lẽo bên ngoài, Kiều Anh vẫn lựa chọn nằm im trên giường. Không biết sao cô cảm giác mùa đông hiện tại lạnh hơn nhiều so với tương lai. Hay do chất lượng chăn bông nhà cô quá kém. Cô ăn vạ không dậy cuối cùng vẫn bị chị cô vô tình lôi ra khỏi chăn. Run lập cập đánh răng rửa mặt, chị cô đã đem đĩa khoai lang luộc đặt trước mặt cô. Còn chưa gặm được hai miếng em mèo đã chạy tới nhảy vào lòng cô kêu lên.
Kiếp làm sen sao có thể để hoàng thượng đói được. Kiều Anh lại hầu hạ nó ăn khoai. Cô cũng mới phát hiện em này cũng phàm ăn lắm, chay mặn đều cân được hết. Khó có thể tin được, một kẻ phàm ăn như nó mà suýt đi đời nhà ma vì đói. Cho nên nói sao thì nói, cách đối xử với động vật của nhà Hoa là có vấn đề, đáng giá để nghiền ngẫm.
Cả mèo lẫn người đều ăn uống no đủ sau, Kiều Anh mới nhớ đến mẹ cô không có ở nhà. Thật là đứa con gái bất hiếu, cô xám hối trong chốc lát rồi hỏi chị cô: "Mẹ đi đâu vậy chị?"
Chị cô đang thu dọn bàn nghe vậy trả lời: "Mẹ đi chợ bán nốt hoa quả thừa hôm qua."
Từ lần bán hàng thành công trước, gần một tháng qua, bố cô lục tục gửi hoa quả về cho mẹ cô bán. Vào ngày Rằm mồng một thì bán một hôm là hết, còn ngày thường phải mất hai hôm mới bán xong. Hôm qua là ngày thường, mẹ cô bán còn thừa gần một nửa. Kiều Anh nhìn ngoài trời, tuy không còn mưa nữa nhưng gió rét vẫn liên tục thổi tới. Cô nhíu mày nói: "Lạnh thế này cũng không có vài người đi chợ. Mà thời tiết này, người ta chỉ muốn ăn đồ nóng hổi thôi. Hoa quả sợ là không bán được, mẹ đi chỉ chịu tội."
Chị cô nghe xong cũng lo lắng không thôi. Nhưng người đều đi rồi, lo lắng thì cũng chẳng giải quyết được gì, nên làm gì vẫn làm vậy thôi. Thu dọn nhà cửa xong hai chị em dắt tay nhau đi học.
Đến trường, nhìn các bạn nhỏ ai cũng béo lên vài cân vì mặc quần áo dày, ngồi vào bàn cũng cảm thấy chật chội hẳn. Thủy bên cạnh móc trong túi ra một nắm ngô rang nhét vào túi Kiều Anh rồi nói: "Cậu ăn đi, sáng này mẹ tớ vừa mới rang."
Kiều Anh gật đầu, đưa tay vào túi cầm lấy mấy viên nhét vào miệng nhai. Đây là ngô nếp rang ăn vừa dẻo vừa thơm. Nhìn một vòng quanh lớp thấy các bạn nhỏ đều đang chia sẻ đồ ăn vặt. Cũng không phải thứ gì quý giá, toàn cây nhà lá vườn thôi.
Có áo bông yểm trợ, lớp Kiều Anh ăn cả buổi sáng cũng chưa bị cô giáo phát hiện. Đến khi tan học, dưới gầm bàn ghế đã biến thành bãi rác. Chỉ khổ thân cho bạn nhỏ nào trực nhật mà thôi. Rất may chưa tới lượt Kiều Anh trực nhật, cô không hề gánh nặng tâm lý mà ra về.
Về đến nhà, hai chị em cô bất ngờ khi thấy bố cô ở nhà. Xa cách hơn tháng, bố cô cũng thay đổi rõ rệt. Ông gầy và trắng hơn ở nhà. Thấy chị em cô về bố cô cũng rất vui mừng liên tục hỏi han chuyện hàng ngày. Chị cô là người rất kiệm lời, vậy mà hôm nay như chim sẻ vậy ríu rít không ngừng. Kiều Anh mang linh hồn của người trưởng thành, đối với tình thương của bố, cô không thể thể hiện mãnh liệt giống như chị cô được. Cô dứt khoát nhường bố cô cho chị cô. Còn bản thân đi tìm mẹ.
Mẹ cô đang ở dưới bếp thịt gà. Trụ cột gia đình trở về, thức ăn nhà cô tăng lên hẳn một cấp bậc. Hôm nay có cả canh xương và gà rang gừng hai món mặn. Trên bàn cơm Việt chưa bao giờ yên lặng cả, bố cô vừa ăn vừa kể cuộc sống của ông hơn tháng qua ở đất khách quê người. Tất nhiên là đều nói chuyện tốt, còn mặt xấu xí chỉ được kể qua những câu chuyện cười. Ví dụ như bố cô trên xe khách về quê gặp phải bọn móc túi. Bị bọn chúng sờ tới sờ lui toàn thân, ba lô đều bị họ rạch rách vài chỗ. Bố còn hài hước nói: "Không biết không tìm được gì bọn họ có tức điên không, đáng thương hôm nay ăn cắp không xem hoàng lịch gặp phải bố."
Chị cô tò mò hỏi: "Thế bố giấu tiền ở đâu?"
Bố cô cười trả lời: "Bố không có tiền, đều đổi thành hoa quả gửi về cho mẹ con bán hết rồi." Đây cũng là lý do ông tự tin lên xe mà không chút đề phòng gì. Bữa cơm kết thúc trong tiếng cười nói của cả nhà.
Ăn cơm xong bố cô mới lấy ba lô ra cho mọi người xem. Quả thật bị rách rất nhiều chỗ may đồ trong túi không bị rơi ra. Lúc này bố cô lại lấy ra một bọc quần áo trẻ em đưa cho chị em cô. Kiều Anh mở ra xem thấy bên trong có cả váy mùa hè lẫn mùa đông, áo len áo khoác đủ cả. Lại nghe bố cô nói: "Đây là quần áo cũ của con gái chị bán hoa quả cho các con. Con gái chị ấy chỉ hơn Ngọc Anh hai tuổi, bố nghĩ hai con khả năng mặc vừa lên nhận lấy."
Nghe xong bố cô nói, Kiều Anh lộp bộp ở trong lòng. Chị nào lòng tốt thế, không thân chẳng quen đột nhiên lại cho quần áo, mà quần áo này nhìn qua còn khá mới. Có khi nào, bố cô cho mẹ cô đội nón xanh không? Càng nghĩ càng thấy đây là sự thật, ai lần đầu xa nhà đi một hơi hơn một tháng không về. Lần này trở về chỉ vì lấy quần áo mùa đông, nếu không có trận rét này bố cô định đi đến ngày tháng năm nào mới về. Kiều Anh vắt hết óc nhớ lại hồi bé có tình huống này không, nhưng cô chẳng có chút ấn tượng gì. Gia đình cô đang yên bình thế này, đột nhiên nhảy đâu ra con giáp thứ mười ba. Ba mẹ con cô chỉ biết khóc một dòng sông thôi.