Thật là thần kỳ mới mấy ngày hôm trước cô còn tơ tưởng đến mấy em mèo Tây. Thế mà hôm nay, cô lại bắt gặp được một em. Cô đưa tay chạm vào bộ lông, giống như Thủy nói rất mềm mại. Kiều Anh ngẩng đầu nhìn xung quanh lớp học, bây giờ chưa đến bảy giờ cô giáo chưa lên lớp. Các bạn nhỏ đang nói chuyện nhao nhao không ai chú ý đến chỗ cô. Tay cô nhanh nhẹn xách em mèo ra khỏi cặp sách. Hoa lúc này kinh hô lên định đưa tay ra đoạt lại. Kiều Anh tay uốn éo tránh đi tay Hoa, xách em mèo lên xoay qua xoay lại kiểm tra. Sau một hồi quan sát, Kiều Anh đem em mèo trả lại cho Hoa kết luận: "Mèo lai."
Tuy cô chưa nuôi mèo lai bao giờ, nhưng ít ra cô cũng là người nuôi mèo Tây mấy năm. Nhìn qua thì giống mèo Tây nhưng nhìn kỹ vẫn là có sự khác biệt như đôi mắt và màu lông. Cô cũng không kỳ thị gì mèo lai, mà ngược còn rất hài lòng. Mèo lai có ngoại hình tương tự như mèo Tây lại có sự thông minh nghịch ngợm của mèo ta. Quan trọng nữa là, không kén ăn, chăm sóc không cần tinh tế như mèo Tây. Em mèo này sinh ra như để dành cho cô vậy.
Hoa không phục kết luận của Kiều Anh. Cái gì mèo lai, nghe qua đã cảm thấy hạ giá rồi. Hoa phản bác nói: "Đây là mèo Tây thuần chủng, cậu chưa bao giờ nhìn thấy đừng ăn nói lung tung."
"Cậu về hỏi lại nơi mua mèo ấy. Chắc cậu bị lừa rồi." Kiều Anh thành thật kiến nghị. Hoa lần này không nói gì, chú mèo này là cô xin từ chỗ anh họ. Nghe nói là bạn học cùng cho, nguồn gốc cụ thể anh họ cũng không rõ lắm.
Thấy Hoa không trả lời Kiều Anh lại nói tiếp: "Mèo này khó chăm sóc hơn mèo ta, không cẩn thận là nó ngỏm củ tỏi như chơi. Cậu có thể suy xét bán nó cho tớ."
Đáp lại Kiều Anh là một tiếng hừ của Hoa: "Cậu cố ý bêu xấu con mèo của tớ chứ gì. Mục đích là để mua lại nó đúng không? Tớ sẽ không bán nó cho cậu đâu." Nói xong bế mèo con lên cho vào trong cặp sách.
Kiều Anh nhún vai không sao cả. Hoa lại không phải người quyết định có bán hay không. Kiều Anh vuốt cằm suy nghĩ nên lấy đâu ra tiền để mua mèo.
Vì vậy, tan học về Kiều Anh rất ân cần hỏi mẹ cô thời gian bán hoa quả. Mẹ cô cũng không giấu giếm trả lời: "Chủ nhật tuần này, hôm đấy vào ngày mồng một mọi người sẽ mua hoa quả về để thắp hương."
Kiều Anh trố mắt ngạc nhiên, cô chưa bán hoa quả bao giờ, cứ nghĩ bán ngày nào cũng được đâu. Ở hiện đại, chỉ cần có tiền ngày nào mua hoa quả đều được. Hiện tại thu nhập của người dân thấp, hoa quả không phải mặt hàng thiết yếu nên được xếp sau những thứ khác. Nhưng ngày Rằm và mồng một lại khác, người dân thời nào đều vậy. Họ mua hoa quả về thờ cúng tổ tiên, đây cũng là nét truyền thống lâu đời của người Việt. Chọn ngày này mở hàng đúng là một sự lựa chọn sáng suốt.
Chủ nhật rất nhanh đã tới, Kiều Anh ăn mặc áo khoác kín mít ngồi đằng sau xe cùng mẹ cô xuất phát lên chợ Huyện. Tại sao lại là Kiều Anh đi chợ cùng mà không phải chị cô. Vấn đề này Kiều Anh tự luyến cho rằng mẹ cô coi cô là linh vật may mắn. Có cô đi cùng mọi việc sẽ đại cát đại lợi không chừng.
Hai mẹ con cô đến chợ Huyện trời vẫn còn tối. May mắn còn có nhiều người qua lại cũng đỡ sợ. Mẹ con cô không vào chợ mà đến khoảng đất trống bên cạnh. Nơi đó là bến xe khách quê cô. Nói bến xe cho sang chứ nơi đây trống vắng hoang sơ ngoài hai bóng điện với tấm biển không còn gì cả. Tuy điều kiện chẳng ra gì nhưng khách hàng lại rất đông. Kiều Anh liếc mắt nhìn bên đường, người đứng kẻ ngồi nói chuyện ồn ào. Đây đều là người đến chờ xe để đi Hà Nội. Mẹ cô kéo cô ra một góc yên tĩnh hơn ngồi chờ. Cũng không biết chờ bao lâu, chiếc xe khách cũng từ xa chạy lại. Kiều Anh đứng dậy xoa mấy nốt bị muỗi đốt trên mặt, không biết lạnh thế này mà sao nhiều muỗi vậy.
Xe khách về bến phải nghỉ ngơi hai mươi phút mới tiếp tục chạy. Những người chờ xe không nóng nảy đều chỉ đứng nhìn không tiến lại gần.
Mẹ con cô phải đợi người trong xe xuống hết mới đi đến chỗ bác tài xế lấy hàng. Bác tài xế rất sảng khoái kéo hai thùng hàng từ trong xe ra giao cho mẹ cô. Mẹ cô hỏi giá cả rồi thanh toán tiền cho họ. Bác tài xế còn nhiệt tình giúp mẹ cô đặt hai thùng hàng lên xe đạp. Hai thùng hàng còn khá nặng, mẹ cô phải khó khăn lắm mới điều khiển được xe đi về phía trước. Kiều Anh đi phía sau giữ chặt thùng hàng không cho nó đổ xuống.
Trong chợ không cho phép xe đạp ra vào, Kiều Anh không biết quy định này ai đặt ra nhưng mọi người vẫn chấp hành là được. May mắn trời vẫn chưa sáng không có mấy người qua lại, mẹ con cô lách luật chở hàng vào trong chợ. Mẹ cô như làm trộm vậy, vội vàng dỡ hàng xuống đất, dặn dò cô ở lại trông rồi nhanh như chớp chạy đi gửi xe. Kiều Anh ngồi xuống quan sát hai thùng hàng. Bố cô rất cẩn thận dùng bao ni lông quấn chặt xung quanh thùng. Kiều Anh thử dùng tay gỡ nhưng thất bại, bố cô buộc rất chặt. Đợi năm phút sau mẹ cô lại thở hồng hộc chạy vào. Bà từ trong túi đồ lấy ra một cái kéo bắt đầu cắt. Thùng hàng được lột ra từng tầng, cuối cùng lộ ra nó nhan sắc vốn có. Mẹ cô mở ra thấy bên trong những quả táo được bọc bằng lưới xốp, xếp hàng ngay ngắn. Lúc này mẹ cô lại lấy ra tấm vải nhựa trải lên mặt đất, rồi với tay vào trong túi moi đồ vật ra. Một chiếc đèn pin, một cái cân, một sấp túi ni lông. Kiều Anh nhanh nhẹn cầm chiếc đèn pin soi vào thùng để xem chất lượng hàng ra sao. Cô nhẹ nhàng tháo túi lưới xốp ra khỏi quả. Rồi cầm lên soi kỹ, chỉ thấy quả táo to bằng nắm tay người lớn, toàn thân đỏ rực xoay một vòng không có vết sâu cắn nào. Kiều Anh nhận định táo này loại một. Cô nhanh tay đặt quả táo xuống lắp thùng hàng rồi lại cúi xuống nhặt quả tiếp theo. Lúc này mẹ cô cũng mở được thùng hàng còn lại, bên trong là những quả cam vàng rực.
Lần này nhà cô bán hai loại quả phổ biến người dân hay mua là táo và cam. Xem qua một lượt hai thùng hàng Kiều Anh đề nghị mẹ cô phân ba loại để bán. Đây là việc không nằm trong kế hoạch nên phải hỏi ý kiến bà. Mẹ cô vẫn không hiểu lắm cô nói gì. Kiều Anh đành phải giải thích rõ ràng: "Người mua hay chọn hàng, nếu như đều là giá như ở nhà bố mẹ bàn bạc thì đến khi người ta chọn hết quả đẹp, quả xấu và dập ai mua. Con chọn ra ba loại, loại một đắt nhất là những quả trông ngon và đẹp nhất. Còn loại hai là những quả chín không đều, nhỏ hoặc bị sâu gặm một chút. Còn lại loại thứ ba là quả dập sẽ bán rẻ nhất." Mẹ cô nghe hiểu nhưng bà vẫn do dự nói: "Giá bán tính thế nào?". Trước lúc đi, cả nhà bà thống nhất bán theo giá chung ở chợ, giờ thay đổi bà mù tịt. Theo giá chung nhà cô sẽ lãi một nghìn đồng một cân, Kiều Anh vuốt cằm nói: "Loại một tăng lên năm trăm đồng, loại hai giữ nguyên, loại ba bán rẻ hơn năm trăm đồng. Mẹ thấy thế nào?"
Mẹ cô nghe xong gật đầu đồng ý. Hai mẹ con vùi đầu vào lọc hàng. Mười phút sau, sáu đống hàng được bày nghiêm chỉnh. Hai mẹ con cô cân sơ qua thấy loại một còn chiếm đa số. Còn lại là loại hai, loại ba chỉ có vài cân.
Làm xong hết thảy, thì chợ Huyện bắt đầu lục tục có người đến. Hai mẹ con cô đến sớm chiếm được chỗ bán hàng tốt, Kiều Anh lại nhiệt tình giao hàng. Chẳng mấy chốc người hai mẹ con cô đã bị vây quay đầy người hỏi mua. Mẹ con cô nhất nhất giải đáp, loại ba trực tiếp bị bỏ qua. Loại một bị hỏi nhiều nhưng mua ít, loại hai đắt hàng nhất rất nhanh cháy hàng. Mẹ cô nhìn hai đống loại một sốt ruột, muốn đổi lại giá nhưng bị Kiều Anh ngăn lại cô nói: "Bán hàng phải có nguyên tắc mẹ. Giờ mẹ đổi lại giá thì những người mua trước họ làm sao bây giờ. Họ vẫn chưa ra khỏi chợ đâu." Mẹ cô lúc này mới thôi.
Cuối cùng ngay cả hàng loại ba đều bán sạch mà loại một vẫn còn hơn một nửa. Kiều Anh đỡ trán cô phạm sai lầm. Người dân quê, chỉ cần có thể ăn được vẻ bề ngoài có quan trọng gì đâu. Mắt thấy người thưa dần hai mẹ con cô đành giảm giá bán. Kiều Anh vừa thông báo hạ giá, người xung quanh đều quay lại. Không đến mười lăm phút đã bán hết, mà vẫn còn người chạy đến hỏi mua. Hai mẹ con nhìn nhau cười bất đắc dĩ.
Tuy có nhiều khúc triết trong quá trình bán hàng nhưng tổng thể vẫn là thành công. Mẹ cô vui vẻ thu dọn đồ chuẩn bị ra về. Bà đang nóng lòng muốn biết hôm nay kiếm được bao nhiêu tiền