Thời gian đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất của tôi, nhưng tôi cũng thật may mắn khi Khánh đã luôn ở bên cạnh an ủi, nếu không chắc tôi cũng đã phát điên hoặc trầm cảm đến chết. Điều đó làm tôi rất biết ơn cậu ấy.
Và cũng kể từ sự việc đó, sức khoẻ của bà càng lúc càng yếu, tôi sợ lắm, sợ một ngày bà sẽ bỏ tôi mà đi theo bố mẹ.
Bây giờ tôi cũng đã mười lăm tuổi, sự việc khi xưa của bố mẹ vẫn là một mối bận tâm lớn trong lòng của tôi. Hằng ngày, tôi vẫn thường lén vào rừng nhưng lại chẳng có gì, mỗi tối cũng phóng mắt từ cửa sổ nhà mình để nhìn vào khu rừng phía đối diện để kiếm tìm đôi mắt đỏ ấy nhưng tuyệt nhiên nó không xuất hiện nữa.
Ngày qua ngày, lại một mùa đông lạnh giá nữa lại đến. Những việc phía trước sẽ là gì tôi không biết, nhưng tôi chắc chắn sẽ phải tìm ra ‘Nó’ là ai hay ‘Nó’ là thứ gì để trả thù cho bố mẹ.
Mùa đông năm nay rét căm căm, tuyết rơi lại dày đặc như năm năm trước. Tôi không thấy việc này có gì lạ nên vẫn tiếp tục sinh hoạt như mọi khi mà không biết những việc năm xưa sắp tới đây sẽ trở lại và… còn kinh khủng hơn nữa.
Thức dậy vào sáng sớm, nhìn ra ngoài trời tuyết đã phủ đầy thì tôi lật đật nhảy phóc xuống giường rồi chạy lại phía lò sưởi. Tôi ném mấy thanh củi tôi đặt sẵn từ tối hôm qua vào trong lò, điều đó làm gian nhà của tôi ấm áp hơn. Tôi ngồi tận hưởng ngọn lửa ấm đang nổ lép bép thì từ đâu, giọng bà tôi quát:
“Mang dép vào nhanh lên, muốn bệnh lắm đúng không?”
Tôi nhìn về phía bà rồi cười hì hì: “Dạ, con mang ngay đây mà.”
Nói xong thì tôi chạy tót về phía giường rồi mang đôi dép bằng len của bà may cho. Dép của bà may cho lúc nào cũng ấm, mang vào vừa đỡ lạnh lại còn êm chân. Tôi đi làm vệ sinh cá nhân xong rồi vào bếp giúp bà dọn thức ăn ra bàn. Sau khi ăn sáng xong thì tôi dọn bát đũa lại chỗ rửa bát rồi nói:
“Bà để đấy, khi nào con giặt đồ xong rồi con rửa cho nhé.”.
========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Mùa Xuân Trong Đôi Mắt Tôi
2. Đại Sư Linh Châu
3. Năm Tháng Yêu Thương
4. Tôi Mắc Bệnh Chỉ Có Thể Nói Sự Thật
=====================================
“Thôi, trời lạnh thế này mà giặt cái gì?”
Tôi không trả lời mà đi thẳng vào nhà tắm lấy chậu đồ dơ ra, sau đó mặc cái áo ấm xong đi xuống dưới con suối.
Bước đi cẩn thận trên mấy bậc thang, tôi hít hà bầu không khí lạnh khiến tôi phần nào cảm thấy sảng khoái hơn. Xuống đến chỗ bãi sỏi giờ đây đã bị lấp đầy bởi tuyết thì tôi từng bước bước về phía con suối.
Đến nơi, tôi đặt cái ghế gỗ xuống mặt tuyết rồi ngồi lên, tay thử vụt vào nước rồi vội rụt lên vì nước lạnh quá, buốt cả tay tôi. Chậc lưỡi mấy cái, định bụng không giặt nữa thì nghe tiếng gọi í ới của trẻ con từ đằng xa:
“Chị An! Chị An ơi!”
Nhìn về phía đó, tôi nhận ra đó là đám nhóc trong thôn thì vui vẻ vẫy tay nói lớn: “Ơi, chị đây, có chuyện gì thế?”
Mấy đứa nhỏ chạy nhanh về phía tôi, đến nơi tụi nhỏ thở hồng hộc còn gương mặt thì đỏ bừng lên vì lạnh. Con bé Liên – đứa nhỏ chín tuổi cầm đầu đám nhóc trong thôn hào hứng nói: “Chị An, hôm nay vào rừng đi! Em muốn đi!”
Tôi ngạc nhiên, nhìn gương mặt háo hức của từng đứa rồi nhìn vào cánh rừng – nơi mà bố mẹ tôi đã mất mạng thì vội từ chối: “Không được, em… còn nhớ luật thôn không hả Liên? Cả mấy đứa nữa!”
Gương mặt háo hức của mấy đứa nhỏ biến mất khi nghe hết câu của tôi, con bé Liên phụng phịu: “Em nhớ, em nhớ mà! Nhưng mà đó chỉ là những câu chuyện để hù doạ con nít thôi! Em không sợ đâu.”
Tôi thở hắt ra, lắc đầu ngán ngẩm. Lũ nhỏ này giống hệt tôi lúc nhỏ, chẳng khác một tí. Nếu lũ nhỏ này biết những chuyện đã xảy ra vào năm năm trước thì liệu bọn chúng có thấy sợ mà không vào không? Nhưng nghĩ đi thì cũng phải lại, chuyện của bố mẹ tôi không nên kể ra, nghĩ vậy nên tôi nghiêm nghị nhìn từng đứa, nói:
“Chị nói không là không, nếu các em không nghe lời, chị sẽ méc lại với ông Bách và cả bố mẹ của các em đấy!”
Mấy đứa nghe tôi lớn tiếng thì xịu mặt xuống đầy thất vọng, con bé Liên nhăn nhó không vừa lòng nhưng cũng gật gù: “Dạ… em biết rồi, vậy tụi em đi chơi đây.”
Thấy mấy đứa nghe lời, tôi cười mỉm rồi gật đầu thì tụi nhỏ cũng chạy đi. Khi đám nhóc đã đi khuất thì tôi nhìn xuống chậu quần áo rồi quyết tâm sẽ giặt luôn. Dù sao thì quần áo cũng không nhiều, chỉ có hai bộ là của tôi với bà.
Tôi cầm cái quần màu nâu đã bạc màu của bà vụt xuống nước thật nhanh rồi chà xát cũng thật nhanh rồi rút tay lên vắt sạch nước rồi vứt vào một góc của chậu. Lí do tôi chỉ giặt qua loa như thế là vì mùa đông quần áo không dễ dơ và hôi vì trời lạnh, không có cơ hội để mồ hôi chảy nên chỉ cần giặt vậy đủ rồi.
Tôi lại đưa tay, định chạm vào cái áo thì đột nhiên cái chậu bị giật ra sau. Giật mình, tôi quay ra sau xem có chuyện gì thì giật mình khi thấy một gương mặt điển trai đang nhìn mình thì giật thót một cái. Người đó thấy biểu hiện của tôi như vậy thì cười, nói bằng chất giọng ấm ấm:
“Sao thế? Sao mà như gặp quỷ vậy?”
Định thần lại tôi ném một cục tuyết vào mặt người đó, người đó kêu lên một tiếng rồi phủi tuyết ra khỏi mặt, ánh mắt khó hiểu nhìn tôi. Người đó chẳng ai khác là Khánh, bạn thân hay cũng thường được mọi người trong thôn nói là thanh mai trúc mã của tôi.
“Giật mình đó nha, sau này mày đừng có hù kiểu vậy nữa.”
Khánh cười, cốc đầu tôi một cái. Tôi chưa kịp đánh lại thì cậu ấy đã nói: “Mày ném tuyết tao… Mà mày nghĩ sao mà giữa trời tuyết thế này lại đi giặt quần áo ở đây vậy? Sao không giặt trong nhà ấy?”
Giật lại chậu quần áo, không trả lời mà tôi cầm cái áo của mình lên, lườm Khánh một cái, tôi đáp: “Vì mày xứng đáng! Còn nữa, tao giặt quần áo là vì tao siêng đó, với lại tuyết thì sao…”
Nói đến tuyết thì tự dưng tôi lại nhớ về hình ảnh máu của chú Dũng chảy loang ra nền tuyết trắng, nghĩ vậy nên tôi tự dưng thấy ớn lạnh. Khánh thấy tôi như vậy thì thở dài, sau đó cầm lên cái áo trong chậu, nói: “Thế thì tao giặt tiếp mày cái này, giặt xong lên nhà ông Bách với tao đi.”
“Để làm gì?” Tôi nhìn Khánh, tay vẫn đang vò cái áo rồi vắt ráo nước xong để vào chậu rồi cầm cái quần của mình lên, tiếp tục giặt.
Khánh cũng giặt xong, cậu ấy vắt ráo nước rồi để vào chậu, nói: “Má lạnh thế mà mày cũng chịu được hay thật đấy! À mà còn việc lên nhà ông Bách tao cũng không biết, hình như là giúp gì đó.”
Tôi gật đầu rồi bê chậu quần áo được giặt xong mang vào nhà, phơi lên chỗ gần lò sưởi, tôi nói:
“Bà ơi, con đi lên nhà ông Bách với thằng Khánh nha.”
“Ừ, đi đi.” Bà tôi từ trong phòng nói vọng ra.
Thế là hai đứa tôi dắt díu nhau đến đi lên nhà ông Bách. Ở con đường nhỏ của thôn, tôi có bắt gặp hình ảnh những gia đình đang quây quần cùng nhau bên lò sưởi thì sống mũi có hơi cay cay. Phải chăng, nếu sự việc năm năm trước không xảy ra thì có phải tôi cũng được như họ hay không?
Chắc thấy tôi cứ nhìn chằm chằm vào mấy ngôi nhà thì Khánh nói: “Đừng nhìn nữa và đi cẩn thận vào, không lại ngã bây giờ con ngốc.”
Nhìn Khánh, thấy cậu ấy vẫn đang nhìn phía trước thì tôi nhớ lại khoảng thời gian khi bố mẹ tôi mất, chính Khánh là người luôn bên cạnh dỗ dành tôi, vì thế mà tôi có thể tiếp tục sống và tiếp tục nở nụ cười như hiện tại. Tôi mỉm cười nhìn Khánh, dường như cảm nhận được cái nhìn của tôi thì Khánh nhìn xuống, thấy tôi cười thì cốc đầu tôi một cái.
Tôi chỉ kêu đau một tiếng nhưng không đánh trả, tôi xoa xoa chỗ đau rồi nói nhỏ: “Cảm ơn nha…”
Khánh không trả lời mà im lặng tiếp tục đi.
Ở thôn tôi thì mọi người xây nhà cặp vào núi, vì thế nên thôn tôi được chia làm bốn “tầng”. Tầng trệt là bãi sõi dẫn ra con suối. Tầng một là tầng có nhà tôi, tầng hai là chỗ có trường học (Nhưng hiện tại là mùa đông nên bọn tôi được nghỉ.) và tầng ba là tầng cao nhất, tầng có nhà của trưởng thôn.
Bọn tôi đã đi đến tầng ba, đi thêm một lúc thì căn nhà rộng lớn với hàng cây gai hiện ra trước mắt bọn tôi, đó là nhà của ông Bách, chỉ cần lên thêm năm bậc thang nữa là chúng tôi đến nơi.
Khi hai đứa tôi vừa đặt chân lên bậc thang cuối cùng, tôi đã nghe tiếng gọi: “Khánh, An đến rồi đấy à? Lại đây.”
Tôi nhận ra đó là tiếng gọi của ông Bách, ông ấy đang ngồi uống trà ở bàn đá trong sân, mỉm cười phúc hậu. Hai đứa tôi vào trong, sau đó tôi khoanh tay chào: “Con chào ông.”
“Ừ ừ.” Ông Bách cười ồ ồ, sau đó nhìn một lượt tôi và Khánh nói: “Hai đứa bọn bây càng lớn càng đẹp ra nhỉ?”
Nghe được khen, tôi ngại ngùng. Khánh thì nhìn tôi, nén tiếng cười. Lúc này ông Bách nói tiếp: “Thật ra hôm nay ta gọi Khánh lên đây là muốn nhờ nó gạt hộ đống tuyết kia đi, ta già rồi nên không tự làm được, nào ngờ có cả An nữa.”
Hoá ra là nhờ việc này. Mà ông Bách già á?Thật ra ông ấy chỉ mới ngoài sáu mươi, nhìn vẫn còn khoẻ khoắn chán. Mà kệ đi, người ông ấy nhờ là Khánh cơ mà. Tôi len lén nhìn Khánh, thấy mặt cậu ấy ẩn hiện nét bất mãn, tôi thấy buồn cười lắm nhưng phải nhịn. Nhưng sau đó tôi lại cười khẩy, tôi vỗ lưng Khánh, tự hào nói to:
“Ô thế ạ? Vậy ông nhờ đúng người rồi đó,
Khánh nó khoẻ lắm nên mấy việc này chẳng là gì đâu Khánh nhỉ?”
Khánh lườm tôi, sau đó thở hắt ra đầy bất lực: “Dạ…”
Cậu ấy trả lời xong thì đi lại góc hàng rào lấy cây cào tuyết rồi bắt đầu công việc. Vì tôi là con gái nên ông Bách kêu tôi ngồi uống trà với ông nên tôi khá rảnh. Tôi ngửi mùi trà thơm nhẹ rồi uống một ngụm. Tôi không quen uống trà nên thấy nó đắng lắm, khi tôi vừa đặt cái ly xuống thì có một người ngã dúi dụi xuống tuyết.
Khánh đỡ người đó dậy, khi nhìn gương mặt của người đó thì tôi biết đây là anh Lân, anh trai của Liên. Tôi và ông Bách đi lại gần. Lúc vừa đến thì anh Lân ngẩng mặt lên, gương mặt anh ấy tái mét, khoé mắt ửng đỏ, lắp bắp: “Ông Bách, con Liên nó… nó bị lạc trong… trong rừng rồi!”
Hết chương 3.