Người Đẹp Và Quái Vật

Chương 36: Part 36




Dịch: Liêu Lạc Hà Hy

Biên: Duẩn Duẩn

Một tháng cứ thế trôi qua trong chớp mắt. Từ hôm đó trở đi, mỗi ngày sau khi thức dậy tôi đều đến phòng nhạc cụ ngóng xem chàng làm việc. Vài hôm đầu tiên, Phantom có vẻ chưa quen với việc làm việc khi có người khác bên cạnh, cứ cách vài phút chàng lại buông bút rồi quay đầu nhìn tôi. Tôi chỉ có thể cố gắng hít thở thật nhẹ nhàng, buồn rầu nằm dài trên chiếc sô pha ở đằng xa đọc sách. Có lần vì quá mệt, tôi đọc sách một hồi rồi ngủ quên luôn lúc nào không hay, bỏ qua cả bữa trưa. Cho đến lúc chạng vạng mới bị chàng đánh thức.

"Dậy đi." Phantom túm cổ tay tôi, lạnh lùng hoạnh tôi: "Ai cho phép em bỏ bữa trưa. Nếu còn lần sau thì tự giác trở về phòng của mình đi."

Nói thì nói vậy thôi, chứ sau đó mỗi khi đến giờ ăn, chàng sẽ tự động ngừng bút, lắc chuông gọi người hầu đem cơm đến tận phòng.

Dần dần chàng cũng quen với sự tồn tại của tôi, không còn cảnh lúc nào cũng quay lại canh chừng tôi, cho dù tôi có đứng bên cạnh, chàng vẫn có thể tập trung sáng tác. Những lúc rảnh rỗi, chàng cũng giảng giải cho tôi về cách chơi vài loại nhạc cụ hiếm gặp. Cũng từ đó tôi mới biết rằng đây không phải là một phòng nhạc bình thường mà là nơi cất giấu vô vàn thứ quý giá.

Ở đây có thể thấy được cây violon do Antonio Stradivari tự tay chế tạo, nghe nói ông ấy là nhà chế tạo violon vĩ đại nhất tính đến tận bây giờ. Cây violon này có thể không phải là tác phẩm ưng ý nhất của ông, nhưng chắc chắc nó là tác phẩm xa xỉ nhất của ông, bởi trên thân đàn được khảm vô số loại đá quý mắc tiền, tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh mà diệu kỳ. Ngoài ra còn thấy được tấm bản thảo bài nhạc mà Mozart viết tặng cho Aloysia, tuy khuông nhạc đã loang lổ ố vàng nhưng trên đó vẫn còn ghi lại một tình yêu mãnh liệt mà thầm kín của người nghệ sĩ thiên tài dành cho người con gái mình yêu. Tôi cũng tìm thấy vài bức thư của những nhà phê bình âm nhạc, bên trong toàn là những lời khen ngợi dành cho Hearst, ca ngợi chàng quả là nhân tài của nước Pháp, có thể viết lên những bản nhạc vừa lãng mạn lại say đắm lòng người.

Bóng ma thấy tôi đọc những bức thư đó, trên mặt chẳng biểu lộ cảm xúc vui thú gì, so với người đàn ông hồ hởi giới thiệu với tôi cách chơi những nhạc cụ ban nãy, chừng như hai người hoàn toàn khác nhau. Chàng tựa lưng vào ghế, vắt chéo chân: "Bọn họ khen ngợi Hearst là người phát triển nền âm nhạc của nước Pháp chứ không phải Erik. Chuyện đó chẳng liên quan gì đến tôi."

Nhưng hai người này chẳng phải đều là chàng hay sao?

Tôi khó hiểu nhìn chàng, không biết vì sao chàng cứ luôn miệng tách Hearst ra khỏi cuộc đời mình. Bóng ma nhắm mắt lại, chống tay lên trán, không nói thêm gì nữa.

Ngoài những thứ này, tôi còn phát hiện ra một chiếc rương bằng gỗ đã bám đầy bụi mờ. Mở nắp ra, bên trong chỉ có lặt vặt vài món đồ đã cũ, có bao thuốc lá, một tấm gương, vài cục kẹo, và lọ thuốc hít. Không ngoại lệ, trên mặt những món đồ này đều in hình chân dung của Hearst. Cho dù là Listeria danh tiếng lẫy lừng của 30 năm trước cũng chưa chắc được hoan nghênh và yêu thích nhường này. Chẳng trách khi vở "Người hai mặt" công diễn, nhìn đại vào một hàng ghế nào đó cũng có thể bắt gặp được một vài người hâm mộ bắt chước y hệt phong cách của Hearst.

Phía dưới đáy rương là một quyển vở bìa cứng, bên trong kẹp một lá thư mời của Học viện Âm nhạc Paris, viện trưởng hy vọng Hearst có thể đến đó và đảm nhiệm chức vụ Giáo sư âm nhạc của học viện.

Phải biết rằng đến cả bậc thầy dương cầm như Listeria cũng từng bị học viện này từ chối, trong khi Bóng ma không tốn một giọt mồ hôi nào cũng có thể nhận được giấy mời này. Điều này hoàn toàn chứng minh được thân phận Hearst của Bóng ma đã đạt được những thành tựu to lớn trong giới âm nhạc, thậm chí so với những gì tôi tưởng tượng còn ghê gớm hơn nhiều.

Tôi nhìn chàng bằng ánh mắt ngưỡng mộ, thế nhưng chàng chỉ ơ thờ quay đi, chẳng những không đỏ mặt như ban nãy mà còn tỏ vẻ không vui nói: "Không phải tôi đã bảo rồi sao, đây là sự vẻ vang của Hearst, em không phân biệt được tôi và hắn ư?"

Từ đầu đến cuối tôi vẫn không thể hiểu được ý của Bóng ma.

Hearst, Erik, chẳng phải là cùng một người ư?

Sau cuộc nói chuyện ấy, cho dù chàng không thể hiện rõ rệt ra bên ngoài, tôi vẫn có thể cảm nhận được tâm trạng của chàng dần tệ đi. Bóng ma không còn thường xuyên ở phòng nhạc cụ nữa, thậm chí chúng tôi đã vài ngày không gặp nhau, mà cho dù có chạm mặt, chàng cũng sẽ không nói chuyện với tôi. Tôi cảm giác Bóng ma không phải xem nhẹ sự tồn tại của tôi mà chàng chỉ đang giận dỗi tôi giống như một đứa trẻ.

Cuối cùng tôi cũng hiểu, thì ra chàng không muốn tôi coi chàng là Hearst. Nhưng cớ làm sao chứ? Chẳng lẽ hai người họ quả thực là hai người khác nhau? Tôi lập tức lắc đầu, phủ định suy đoán này ngay tắp lự. Nếu hai người họ không phải một, vậy chẳng lẽ Bóng ma chỉ là nhân vật trong truyền thuyết thôi ư.

Gượm đã, Bóng ma.

Lúc nhà hát công diễn vở "Người hai mặt", chàng đã thể hiện trước mặt mọi người hai hình ảnh khác nhau, một là Hearst, và gương mặt còn lại là... Bóng ma. Lúc đó tôi luôn cảm thấy "Người hai mặt" và "Faust" có điểm gì đó rất khớp nhau, ác quỷ trong vở kịch dường như đang mở phiên tòa xét xử ai đó, bây giờ nhớ lại, rất có thể người mà ác quỷ đem ra xét xử chính là bản thân chàng.

Gương mặt của Hearst vô cùng tuấn tú, phong thái quý tộc, lại có rất nhiều người hâm mộ, thậm chí cả bao thuốc lá rẻ tiền cũng trở nên có giá trị khi in chân dung chàng. Chàng là một huyền thoại trong giới nghệ thuật Paris, là đối tượng nhận được vô số lời ca tụng. Còn Erik chỉ là một Bóng ma ẩn mình trong bóng tối, chàng không có đôi cánh rực rỡ xinh đẹp, không thể tự do bay lượn trên bầu trời cao xanh, chỉ có thể bị người đời bè dỉu và khinh thị.

Tất cả những điều này, chỉ đơn giản là vì chàng mang một gương mặt khiến người ta khiếp sợ.

Vở opera chàng dùng thân phận Bóng ma để sáng tác lại bị kẻ tay ngang chế giễu và thóa mạ, bị những tín đồ âm nhạc của thời trước coi thường, thế mà khi chàng đeo lên chiếc mặt nạ của Hearst, lại nhận được vô số tiếng ủng hộ, tán tụng. Những tiếng hò reo khi ấy của khán giả chẳng khác gì lưỡi dao lê bén nhọn, đâm chàng đến toác máu, nhắc cho chàng biết rằng tất thảy những bất công mà chàng nhận được từ lúc đến với cõi đời này là do chàng có một gương mặt xấu xí chứ chẳng phải một nguyên nhân nào khác.

Vì vậy mà chàng mới tỏ vẻ khó chịu khi tôi lật xem những thứ liên quan đến Hearst.

Thứ mà tôi xem không phải những thứ đáng tự hào mà là nỗi sợ hãi trong sâu thẳm trái tim chàng.

Tôi không khỏi thất vọng về bản thân mình, ngoại trừ hai thân phận Bóng ma và Hearst, tôi thật sự chẳng hiểu gì về chàng. Mọi tâm tư chàng đều viết ra trong những bản nhạc này, vậy mà bây giờ tôi mới hiểu hết hàm ý của chúng.

Hôm đó, chàng nhốt tôi vào chiếc lồng sắt, lại nói với tôi trong ánh lửa bập bùng rằng chàng không phải là bóng ma, chàng có tên, tên chàng là Erik.

Như thế, nếu bỏ đi sự u tối của một bóng ma trong nhà hát, thoát khỏi sự vinh quang của Hearst, Erik... là người như thế nào?

Tôi tìm được một quyển nhật kí trong góc phòng nhạc cụ. Tò mò chuyện riêng tư của người khác không phải hành động tốt, thế nhưng người hầu nam đã nói với tôi rằng mọi thứ trong phòng nhạc này thuộc toàn quyền xử lý của tôi. Tôi vừa tò mò vừa chột dạ, song vẫn quyết định mở ra xem.

Trang đầu tiên, không có chữ gì, chỉ có một bức tranh phác họa qua loa một nhà thờ tráng lệ ở Florence. Người hầu nam từng nói, Erik sống dưới cống thoát nước của một nhà hát, từ đó học lỏm được cách phổ nhạc và ca hát.

Trang thứ hai cũng không có chữ, vẽ một con sư tử đang nằm thoi thóp trong vũng máu. Vẫn chỉ là một bức phác thảo, thế nhưng nhiều chi tiết hơn hẳn. Thật không dám tưởng tượng những chi tiết này tới từ đâu.

Trang thứ ba là một bản nhạc hết sức trôi chảy và dễ đọc. Tôi chỉ lẩm nhẩm một lần là nhớ ngay được giai điệu. Erik đặt tên cho bản nhạc này là "Chuột nhắt".

Vài trăm trang ở phía sau cũng đều như thế, hiếm khi xuất hiện những câu văn quá dài, phần nhiều là những bức phác họa và bản nhạc đơn giản. Erik đã đem tất cả những gì chàng thấy được, nghe được và cảm nhận được lồng vào trong cuốn nhật ký này. Nó hoàn toàn khác với những bản giao hưởng trang trọng mà Hearst viết ra, không hề có những giai điệu chau truốt, phức tạp, cũng không hề có những sự phối thanh ưu nhã mà hòa hợp, phong cách chính của nó là những hợp âm đơn giản lặp đi lặp lại nhưng lại có sức lay động lòng người.

Trang cuối cùng vẽ lại khung cảnh bận rộn của mọi người ở phía sau cánh gà. Mọi người đang đi lại vội vàng, chỉ có một người con gái đang khom lưng buộc lại dây giày múa. Chiếc váy thiên nga nhẹ nhàng xòe rộng, những đóa hoa tươi thắm dịu dàng bung nở trên thân váy. Nhìn thấy phía sau đầu cô gái buộc một sợi dây cột tóc bằng ngọc trai, tôi mới chợt phát hiện, cô gái này chính là tôi.

Bóng ma không hề chú thích gì lên bức tranh này, nhưng tôi vẫn có thể đọc được ngàn vạn lời mà chàng muốn nói cùng tôi.

Tôi đặt quyển nhật ký về chỗ cũ, sau đó tìm người hầu nam mượn chổi và giẻ lau, tiếp tục công cuộc lau dọn sạch sẽ phòng nhạc cụ.

Trong lúc dọn dẹp, tôi lại phát hiện thêm mấy quyển nhạc phổ và kịch bản nữa. Khác hoàn toàn với sở trưởng sáng tác các vở opera về tình yêu của Hearst, lời thoại trong những quyển kịch này dí dỏm và khôi hài, giai điệu cũng mang nét hài hước vui tươi, chỉ cần lẩm bẩm trong đầu cũng không kìm được mà bật cười thích thú. Không ngờ Bóng ma còn có một mặt hài hước như thế này. Song nghiền ngẫm một tí thì cũng chẳng lạ lùng gì, lúc trước chàng còn từng chế giễu người chỉ huy dàn nhạc thứ ba của nhà hát là kẻ điếc cơ mà, chuyện ấy đến nay vẫn được mọi người trong nhà hát truyền tai nhau.

Người đàn ông này được trời phú cho khả năng học hỏi thần sầu, từ những khúc đàn oọc theo phong cách Baroque cho đến các loại nhạc cụ dân gian của châu Phi, chàng đều có thể xử lý chúng một cách rất thành thạo. Cái danh Hearst nghe qua mới vẻ vang làm sao, nhưng thực chất chỉ thể hiện được một mặt khiêm tốn nhất của chàng.

Vài ngày đã trôi qua nhưng Bóng ma vẫn chưa quay trở về. Tuy vô cùng chán nản nhưng vẫn còn điều khiến tôi phấn chấn trong lúc này là cổ họng của tôi đã dần dần hồi phục, có thể phát ra được vài âm thanh yếu ớt. Mặc dù phải qua một khoảng thời gian nữa mới có thể khôi phục hoàn toàn, nhưng nó đã tiếp thêm cho tôi không ít hy vọng và lòng tin. Bây giờ, tôi sẽ đợi chàng quay lại mê cung dưới lòng đất, sau đó nói với chàng lời xin lỗi và giải thích cho chàng nghe hết thảy mọi hiểu lầm.

Hiềm nỗi, đợi mãi cũng chỉ có người hầu nam đến.

"Tiểu thư Giry." Anh ta mang một chiếc váy dài màu vàng xa xỉ đến, nâng lên trước mặt tôi: "Nhà hát tổ chức vũ hội mặt nạ, Tử tước Chagny, tiểu thư Christine và Madam Giry cũng tham gia. Chủ nhân nói rằng ngài ấy sẽ rất vui nếu tiểu thư đồng ý làm bạn nhảy của ngài ấy."


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.