Chuyện này nghe thấy không đáng tin.
Tôi gọi điện thoại lại cho mẹ, hỏi: “Năm đó mẹ tốn tiền để nó thi đậu biên chế, lại bán nhà cho nó mua nhà. Giờ nói di dân là di dân? Mẹ không hề biết tiếng Anh.”
Mẹ không kiên nhẫn nghe tôi nói: “Được rồi, con cứ nhận tiền là được.”
Sống 27 năm, lần đầu tiên tôi cảm thấy mẹ thiên vị mình.
“Mẹ đang nghĩ gì vậy? Từ nhỏ tới lớn mẹ đều cưng chiều em, không thương con, tại sao lại đưa con tiền?”
Mẹ tôi thở dài. “Sao con có nhiều vấn đề vậy? Làm cha mẹ đều xử sự công bằng. Con cái đứa nào yếu thì thương hơn, đứa nào mạnh thì ít thương. Có vậy thì mọi người như nhau, gia đình mới hài hòa. Khi còn nhỏ, sức khỏe con tốt hơn em, học hành giỏi hơn, vì thế thương em hơn một chút. Bây giờ em tốt hơn con, thì chăm sóc con một ít.”
Tôi đã nghĩ đến vô số nguyên nhân vì sao em gái được ưu ái hơn tôi. Có thể vì nó nhỏ tuổi, có thể vì nó giống cha mẹ hơn, cũng có thể là nó sinh ra vào giờ may mắn.
Nhưng tôi nghĩ đến nát đầu cũng không ra, hóa ra là “không sợ chia ít, chỉ sợ chia không đều.”
Đây là logic kỳ quái gì?!
Như thể hai người đứng cạnh hàng rào nhìn ra ngoài, một người cao, nhìn được, một người thấp, nhìn không được.
Cách làm của người bình thường là đưa cho người thấp một hòn đá kê chân. Nhưng mẹ tôi, không chỉ cho hòn đá, bà còn muốn chặt chân người cao.
Tôi cúp máy, nhìn Thôi Ngộ bên cạnh.
Vẻ mặt anh cho thấy anh cũng như tôi bây giờ, chết lặng.
“Bà ấy nói cũng không hẳn là thật. Chắc em cũng hiểu, rất nhiều chuyện sau khi nói ra nguyên nhân, thật ra cũng không phải là nguyên nhân thực sự.”
Còn nguyên nhân thật là gì, đã không còn quan trọng nữa.
Tôi có cuộc sống riêng mình cần phấn đấu.
Hứa Hân Duyệt kết hôn cũng được, di dân cũng được, tôi lười bận tâm. Mặc kệ nó đi.
Đúng lúc hết hạn thuê nhà, tôi và Thôi Ngộ thẳng thắn nói số dư tài khoản của nhau, chúng tôi có thể hợp sức mua ngôi nhà không tệ lắm. Chúng tôi bận rộn mua nhà, trang hoàng, sắm sửa đồ đạc, hoàn toàn vứt chuyện ở quê ra sau đầu.
Không lâu sau khi chuyển nhà, em họ gửi tôi một thư mời điện tử. “Duyệt Duyệt sắp tổ chức hôn lễ, đã định ngày rồi, thứ bảy tuần sau.”
Nhận thiệp mời của em gái ruột từ người họ hàng, đúng là chuyện kỳ lạ. Nhưng nhìn trong ảnh, em tôi cười rất hạnh phúc. Cân nhắc nếu sau này tôi kết hôn, chắc chắn Hứa Hân Duyệt không gửi tiền mừng, vì vậy tôi cũng không định đưa tiền mừng cưới cho nó.
Nhưng Thôi Ngộ lại nheo nheo mắt nhìn. “Người đàn ông này nhìn rất quen.”
Tôi mở ảnh ra nhìn lại, “Chồng nó làm giáo viên ở huyện em, sao anh quen được?”
Thôi Ngộ lại khẳng định. “Nếu là giáo viên nước ngoài thì chắc chắn không sai.”
Một năm trước, Thôi Ngộ tiếp nhận một nữ bệnh nhân trẻ. Lúc thăm khám phát hiện người cô ấy đầy vết bầm tím nên anh đã báo cảnh sát.
Kết luận là bạo lực gia đình.
Bệnh nhân là nhân viên một trường tư thục ở Thượng Hải, cô ấy nói bạn trai là đồng nghiệp của mình. Có lẽ vì sự việc đó nên gã đàn ông này không làm việc được ở Thượng Hải nên đi nơi khác làm việc?
Tôi và Thôi Ngộ nhìn nhau, cảm thấy bất an. Bạo lực gia đình chỉ khác biệt ở chỗ “không” hoặc “vô số lần”. Ai dám đảm bảo người này thói quen khó bỏ, hay là lãng tử quay đầu?
Thôi Ngộ cau mày, “Anh nghĩ, nếu có nghi ngờ này thì tốt nhất nên báo với gia đình hoãn đám cưới lại… Tuy rằng em với họ có mâu thuẫn nhưng dù sao đây cũng là chuyện cả đời.”
Sao tôi lại không biết chuyện quan trọng. Nhưng dựa trên mối quan hệ giữa tôi với Hứa Hân Duyệt, nói với nó chỉ sợ không cảm kích mà nguợc lại cho rằng tôi ghen ghét. Vất vả lắm cuộc sống mới ổn định, sẽ lại bị quấy rầy.
Do dự mấy ngày, cuối cùng tôi vẫn quyết định báo với hai người.
Thực sự buông bỏ không phải là tiếp tục hận một người. Mà là đối xử như một người xa lạ.
Nếu tôi và Hứa Hân Duyệt là người xưa nay không quen biết, tôi vẫn cảnh báo nó. Dù sao thì bất kỳ ai có lương tâm cũng sẽ căm ghét kẻ ỷ mạnh hiếp yếu.
Tôi gửi thông tin chi tiết việc này cho mẹ tôi, đồng thời đính kèm ảnh biên nhận vụ án năm đó Thôi Ngộ chụp lại. Tôi chắc rằng mẹ xem sẽ hiểu vì bà gửi lại một icon bối rối.
Tuy nhiên, ngoài dự đoán là hôn lễ diễn ra như dự kiến. Thậm chí Hứa Hân Duyệt còn đổi ảnh đại diện wechat thành ảnh giấy đăng ký kết hôn tình cảm của mình.
Tại sao Hứa Hân Duyệt bỏ qua quá khứ bạo lực của chồng, cương quyết kết hôn? Thật sự là não tàn yêu đương sao?
Tôi không kiềm được gọi hỏi mẹ, rốt cuộc là sao lại thế. “Con đã nói với mẹ người đàn ông mà Hứa Hân Duyệt cưới có khuynh hướng bạo lực, sao nó vẫn cưới? Nó không tin con có thể tự mình điều tra mà!”
Mẹ tôi thản nhiên: “Đó là ý của Duyệt Duyệt, con bé nói chuyện kết hôn đã thông báo mọi người, sao có thể từ hôn? Rất mất mặt!”
“Sao mẹ không khuyên nó?”
“Mẹ nghĩ, ly hôn vẫn tốt hơn là không gả được cho ai. Chưa kể, người đàn ông kia cũng thay đổi tốt hơn không phải sao? Hiện giờ nó đối xử với Duyệt Duyệt rất tốt, sẽ không có vấn đề gì…”
Hồ đồ. Nhỏ hồ đồ, lớn cũng hồ đồ. Việc đến nước này, nói nhiều vô ích. Tôi im lặng cúp điện thoại, dựa vào vai Thôi Ngộ.
Anh vuốt gọn mái tóc tôi. “Giải quyết xong chưa?”
“Không xong, nhưng em lười nghĩ nữa.”
Anh xoa vai tôi trấn an: “Vậy đừng nghĩ nữa, mỗi người có số mệnh của mình, em đã không thẹn với lòng.”
Lúc này, chúng tôi đang ngồi trên sân thượng ngôi nhà mới của chúng tôi. Mấy hôm nay, chúng tôi liên tục mời bạn bè đến mừng tân gia.
Có người hỏi chúng tôi khi nào làm hôn lễ. Tôi và Thôi Ngộ đã quyết định đi du lịch kết hôn.
Người đó ngạc nhiên, “Không cần người nhà chứng kiến sao?”
Chúng tôi siết chặt tay nhau, nhìn nhau cười. “Không cần thiết.”
Chạng vạng, những đám mây dày đặc che khuất mặt trời. Những tia sáng mặt trời không biết làm thế nào tìm thấy những khe hở, len lỏi chui ra, rắc lên một đường sáng vàng.
Vạn vật đều có vết nứt.
Nhưng cũng là nơi ánh sáng chiếu vào.
Tôi thì thầm: ‘Thôi Ngộ, em rất may mắn gặp được anh.”
Thôi Ngộ cong môi. “Những người may mắn có thêm anh.”
Khoảnh khắc này rất yên bình.
Tôi cảm thấy mình có thể ôm Thôi Ngộ đến thiên hoang địa lão.
“Nếu chúng ta có con, chúng ta chỉ sinh một đứa, dành tất cả tình yêu cho nó, được không?”
Thôi Ngộ cười véo nhẹ mặt tôi. “Anh tin Thiến Thiến là người mẹ tốt nhất thế gian.”
Đúng vậy.
Tôi sẽ nỗ lực đảm nhận trách nhiệm làm người mẹ tốt. Ít nhất, tôi sẽ không để những gì xảy ra với mình tái diễn trên người con tôi.
- -- Từ nhỏ đến lớn, tôi ganh ghét Hứa Hân Duyệt được yêu chiều hơn tôi.
Nhưng được một người mẹ hồ đồ nuông chiều thì có phải là điều tốt?
Trẻ con là trang giấy trắng, cha mẹ mới là bút vẽ. Họ vẽ thành dáng vẻ thế nào, con trẻ sẽ biến thành thế ấy.
Vì không cảm nhận được gia đình ấm áp, tôi phải rời quê hương, một mình phấn đấu. Là tôi chịu đủ uất ức mà tạo nên tôi hôm nay.
Còn Hứa Hân Duyệt, nửa đời người ngâm mình trong mật, nên kiêu ngạo, vô tri, không phân rõ trắng đen phải trái, vì cha mẹ yêu chiều mà bịt mắt nó đi.
Có nhân thì sẽ có quả.
Tuy tôi và Hứa Hân Duyệt không có sự công bằng trước mặt cha mẹ, nhưng cuộc đời là một đường đua dài.
Mà luật chơi của nó áp dụng công bằng cho tất cả mọi người.
- --Hết--