Sân bay Chicagô nhộn nhịp người qua lại, nơi đây có sự đoàn tụ và cả sự chia xa, tạo nên một bức tranh vô vàn sắc thái. Một chàng trai dáng người cao ráo, khuôn mặt dù bị chiếc kính đen che đi một phần nhưng vẫn không làm mất đi vẻ điển trai. Anh nhàn nhã kéo va li tới quầy soát vé, cô gái đi bên cạnh dịu dàng lên tiếng:
- Nam, lần này anh về bao giờ thì sang với người ta, người ta sẽ nhớ anh chết mất.
- Em tốt hơn hết nhanh chóng tìm cho mình một đại gia khác, không cần tốn thời gian với anh nữa, anh sẽ không quay lại Mỹ, mà cho dù có quay lại cũng sẽ không đi tìm em. - Bảo Nam lạnh nhạt lên tiếng.
- Anh này, người ta yêu anh thật lòng mà.
- Đem cái thật lòng đấy của em cho người đàn ông khác, anh sẽ cảm thấy đau đầu nếu tiếp nhận sự thật lòng của em. Thôi, không còn nhiều thời gian nữa, anh phải lên máy bay, vĩnh biệt.
Lên máy bay rồi anh mới thở dài một hơi, để cắt đuôi những cô gái như Linda thật không dễ dàng gì.
- Quý khách mau chóng ổn định chỗ ngồi, chỉ ít phút nữa thôi chuyến bay từ Chicagô nước Mỹ tới Hà Nội, Việt Nam sẽ cất cánh...
Bảo Nam thoải mái dựa lưng vào ghế, chỉ mười tám tiếng nữa thôi anh sẽ có mặt tại đất mẹ thân yêu.
******************
Hôm nay là sinh nhật tròn mười tám tuổi của Phương Ngọc. Dạo này cô mải bận rộn với ôn thi tốt nghiệp rồi còn thi đại học nên không mấy để ý đến thời gian (mình không biết nước Mỹ có học theo chương trình giống Việt Nam hay không nhưng chúng ta cứ coi là giống cả về cấp học lẫn khoảng thời gian thi đại học nhé).
Chiều nay, Phương Ngọc có một cuộc hẹn với luật sư về việc phân chia tài sản của bố cô. Thật ra thì cô không có ý tranh giành gì về phần tài sản của bố, thế nhưng chú Hiển - cấp dưới và cũng là người anh em của bố cứ thúc giục cô nhanh chóng giải quyết mọi thủ tục pháp lý có liên quan, cô không hiểu có chuyện gì mà chú ấy phải gấp gáp đến thế.
Sau một hồi nói chuyện thì cô biết rằng cô có được 15% trên tổng 42% cổ phần trong tập đoàn của bố cô. Số cố phần của mình được ông Thanh chia nhỏ ra, không để cho người trong nhà tiếp quản tập đoàn. Ông thà để cho tâm huyết nửa đời mình vào tay người ngoài để rồi nó tiếp tục phát triển còn hơn là nhìn thấy tập đoàn lụi tàn trong tay vợ và hai cô con gái út của ông. Còn Phương Ngọc vốn không có tham vọng gì trong tập đoàn, ông không muốn con gái phải đương đầu với những mánh khóe lừa lọc chốn thương trường. Vả lại, với Ngọc, ông đã có dự định khác cho cô.
Dời khỏi văn phòng luật sư, cô chẳng muốn chen chúc trên xe bus, dù sao cũng không gấp, cô chọn cách đi bộ về nhà. Chưa sinh nhật nào cô lại cảm thấy buồn chán, cô đơn như vậy. Những sinh nhật trước chỉ có hai bố con nhưng cô vẫn có cảm giác của gia đình, còn năm nay chỉ còn mình cô bơ vơ. Dọc đường đi, cô ghé vào một quán ăn bình dân, ngồi ăn ở đây cô như cảm thấy bố vẫn còn bên cạnh. Thời gian cô còn đi làm thêm ở nhà hàng, tối nào hai bố con cũng tới đây ăn, được hòa mình vào cuộc sống mưu sinh vất vả của những người dân thường. Nơi này chẳng khác xưa là mấy, vẫn chiếc bàn ấy, vẫn lối bày trí ấy chỉ riêng ghế ngồi đối diện cô nay để trống.
Dời khỏi quán ăn với bao kỉ niệm về bố, Phương Ngọc bước đi vô định dưới những tán cây vỉa hè. Miên man nghĩ về bố rồi về mẹ, từ lúc có ý thức đến giờ, cô chưa từng được nghe về mẹ. Cô cũng có hỏi bố về mẹ nhưng ông lại nói bao giờ cô lớn sẽ cho cô biết. Đối với bố, bao giờ thì cô lớn, nhưng bây giờ điều ấy chẳng còn ý nghĩa nữa, khi mà bố cô bỏ cô đi rồi, bố còn nhớ hay không lời hứa ấy.
Cứ thế, cô bị bao vây bởi những suy nghĩ hỗn độn, không biết nhanh như vậy đã về đến khu ký túc xá, đang loay hoay mở cửa phòng thì có người gọi cô:
- Xin lỗi, cô cho tôi hỏi cô là Phương Ngọc, con gái ông Thanh? - Là một chàng thanh niên, nhìn qua thì giống người của nhân viên chuyển phát.
- Vâng là tôi, anh tìm tôi có chuyện gì thế?
- Tôi là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh. Bố cô đã đặt hoa và bánh sinh nhật tại chỗ chúng tôi cách đây một tháng và yêu cầu bằng mọi cách ngày hôm nay phải chuyển những thứ này đến tay cô. - Chàng trai đưa về phía cô một bó hoa hồng - loài hoa cô thích nhất, một chiếc bánh kem và một hộp quà được trang trí rất đẹp.
Cô như không tin vào những gì tai mình nghe, mắt mình thấy, là bố cô trước khi đi xa đã tỉ mỉ chuẩn bị cho cô. Đưa đôi tay run rẩy nhận những món đồ đó từ tay chàng thanh niên, nghẹn ngào nói cám ơn, cô không biết mình đã làm thế nào để cầm bút ký vào tờ giấy xác nhận của công ty chuyển phát.
Trước mặt Phương Ngọc lúc này là bó hoa hồng đã được sấy khô, một chiếc bánh ghi dòng chữ "Chúc mừng sinh nhật con gái" và một hộp quà. Mở hộp quà ra là một bì thư và một chiếc hộp nhỏ hơn, trong chiếc hộp nhỏ ấy là hai chiếc nhẫn đôi kim cương. Mở đến chiếc phong bì, bên trong có một chiếc vé máy bay đi Hà Nội, và một lá thư:
"Con gái.
Khi con đọc thư này thì bố đã chẳng thể giữ lời hứa ở cạnh cùng thổi nến sinh nhật tuổi mười tám của con nữa. Bố biết là đường đột với con nhưng con hãy về Việt Nam đi, đấy mới là quê hương thực sự của con. Chắc chắn con chưa quên lời bố hứa cho con biết về mẹ con. Mẹ con vẫn còn sống, bà ấy vẫn ở Việt Nam đợi con về. Con sẽ hỏi bố vì sao, tất cả là lỗi của bố, bố và mẹ con yêu nhau nhưng chính bố lại không thể vượt qua được sự phản đối của gia đình để đến với mẹ con chỉ vì gia thế của bà ấy không xứng. Lúc con ra đời, bố lại nhẫn tâm mang con đi khỏi vòng tay mẹ con. Bố biết mẹ con sẽ đau khổ nhưng bố không thể để lại con mà sang Mỹ một mình, vì bố là bố của con, trong người con chảy một nửa dòng máu của bố. Hãy hiểu cho sự ích kỷ của bố. Bố bị bệnh tật dày vò là cái giá phải trả cho những tội lỗi đã gây ra. Giờ đây, nước Mỹ này chẳng còn gì níu kéo con cả, về tìm mẹ đi con, đây là địa chỉ nơi ở ngày trước của mẹ con và khi con gặp mẹ hãy thay bố nói với bà ấy rằng bố xin lỗi, xin lỗi mẹ con ngàn vạn lần.
Bó hoa ấy là bó hoa cuối cùng bố có thể tặng cho con nên bố đã sấy khô nó. Còn đôi nhẫn, đó là món quà bố dành tặng con trong ngày cưới, hãy trao nó cho chàng trai con yêu thương, bố luôn tin vào mắt nhìn người của con và mong con hạnh phúc.
Còn điều này nữa, khi còn sống bố chưa một lần nói ra: "Bố yêu con".
Bố của con"
Từng nét chữ của bố nhòa đi trước đôi mắt đẫm lệ của cô. Thì ra đây là món quà đặc biệt bố hứa tặng cô nhân sinh nhật mười tám tuổi. Cô nên vui vì cô còn mẹ hay nên buồn vì sự thật ấy đã bị chôn vùi quá lâu.
Ngồi lặng đi hàng giờ, sâu chuỗi lại tất cả những việc bố cô làm đều là chuẩn bị cho ngày hôm nay. Rằng hồi cô còn nhỏ, bố cô đã bắt cô học Tiếng Việt, ông yêu cầu rất cao với cô, trước khi bước vào chương trình học của nước Mỹ thì cô phải đọc thông viết thạo Tiếng Việt. Cô luôn không hiểu tại sao bố bắt mình học Tiếng Việt mà hai cô em gái của cô thì không. Giờ thì cô hiểu rồi, bố cô từ lâu đã nghĩ đến ngày này. Nhưng cô làm sao tiếp nhận được đây, người luôn quan tâm, yêu thương cô suốt mười tám năm qua nỡ lòng lừa dối cô, khiến cô lớn lên mà thiếu đi tình cảm của người mẹ.