Hứa Cùng Em Phù Sinh Nhược Mộng

Chương 74




– Sau đó thì sao?- Trình Mộ Sinh ngồi trước bàn một tay chống cằm, trước mặt anh bày một bàn đồ ăn đều là “giá vé” anh đổi cho câu chuyện này.

Chuyện xưa dài như vậy, Lâm Tịnh Vân kể từ buổi trưa đến lúc mặt trời lặn, anh càng nghe càng say mê.

– Về sau bà của cô sao lại đến Pháp? Còn ông La đâu?

– Ở thời đại đó, không phải kết thúc câu chuyện nào cũng có hậu- Lâm Tịnh Vân hớp miếng trà, thở dài.

Ngẫm lại, cũng từng có thời gian mấy năm bình lặng.

Sau ba bốn năm Lâm Niệm Sinh ra đời, cha mẹ và cậu mợ đều sống cùng nhau ở trong tòa nhà lớn của ông ngoại tại Nam Kinh. Năm sau, mợ liền sinh cho cậu thêm một em gái[1], lấy tên là Hoàn An, căn nhà dù rộng lớn nhưng lại rất náo nhiệt.

[1] Ở Trung Quốc, anh em họ ai lớn tuổi hơn thì làm anh chị, không phân theo vai vế thứ bậc.

Cha cậu rõ ràng thích em Hoàn hơn, có lần Lâm Niệm Sinh vô tình nghe thấy cha nói với mẹ:

– Sinh thêm cho anh đứa con gái được không? Giống Hoàn Nhi đó.

– Niệm Nhi thì có gì không tốt?- Mẹ cậu hỏi lại.

– Niệm Nhi tốt mà, chỉ là giống anh quá, lì lợm. Anh thích con gái, mặt mũi giống em- Lúc cha cậu nói câu này, lúm đồng tiền trên mặt đều sắp chảy ra mật.

Lâm Niệm Sinh vì thế mà lo lắng đề phòng mất cả tháng, sợ sau này cha cậu mà có con gái sẽ thông đồng với mẹ cậu vứt cậu đi. Cho nên thời gian đó cậu đặc biệt ngoan ngoãn, ngay cả cậu Khải cũng nói với mẹ:

– Chúa lì nhà em đổi tính rồi kìa.

Sau đó chẳng biết thế nào mà quên béng chuyện này, cậu không nhớ rõ lắm, hình như là cha cậu đã tự tay làm cho cậu một con ngựa tre.

Lâm Niệm Sinh có rất nhiều đồ chơi, đều là đồ chơi mới nhất mà cậu mợ và cô Hồng mua trong cửa hàng bách hóa. Cha cậu thì rất hiếm khi mua đồ chơi, thỉnh thoảng đòi quá sẽ tự tay làm cho cậu. Trong ký ức của Lâm Niệm Sinh, cha cậu làm rối bóng là gỏi nhất.

Khi còn bé, cậu có một bộ rối bóng hình người, là cả nhà ba người cậu, làm cực đẹp. Đáng tiếc khi cả nhà dọn sang Pháp, bộ rối hình người đó cũng bị thất lạc.

Năm 1937, Lâm Niệm Sinh lên bốn, Nhật Bản phát động trận Thượng Hải lần thứ hai. Cha cậu vốn mai danh ẩn tích đã cầm đầu tàn quân Hồng Gia quay về Thượng Hải, kết hợp cùng Lộ quân số 19 tham gia chống Nhật, cô Hồng cũng giấu mọi người đi theo tòng quân. Từ đó trở đi, cậu liền không còn gặp cha và cô Hồng nữa.

Sau khi cha cậu đi, đêm nào mẹ cậu cũng đòi ngủ cùng cậu.

Cậu nhớ bóng lưng mẹ ngồi cả đêm nhìn chằm chằm một cái hộp màu đen, cái hộp đó hình như là vô tuyến điện, nhưng đa phần đều chỉ phát ra tiếng rè rè.

Có một lần, mẹ cậu gục xuống bàn ngủ thiếp đi, đột nhiên nghe thấy có người gọi tên mẹ:

– Nhược Mộng…

Mẹ giật mình, còn bế cậu khỏi giường, ngồi trước hộp đen:

– Em đây, em đây! Niệm Sinh, gọi cha đi con.

Lúc ấy cậu mơ màng ngủ, dụi mắt nhìn quanh, nào có bóng dáng của cha.

– Nhớ… anh ở… Thượng Hải, mọi sự… bình an, đừng lo lắng- Bên trong hộp đen truyền ra tiếng đứt quãng, nhỏ như tiếng muỗi kêu, xuyên qua vô tuyến điện đổi giọng, nghe vào thật lạ lẫm- Có nhớ em đã đồng ý cho anh… ba nguyện vọng không? Nguyện vọng cuối cùng… bất kể xảy ra chuyện gì, phải sống.

Mẹ cậu nước mắt đầm đìa, ôm hộp vô tuyến khóc lóc:

– Bình an trở về, anh nhất định phải bình an trở về!

Bên kia chỉ còn tiếng rè rè, không có người đáp lại.

Thi thể cô Hồng được trả về vào một buổi sáng sớm mà không hề có điềm báo trước, trên cáng cứu thương đắp một tấm vải rách, cổ tay xám đen lộ ra ngoài, lúc tay cậu Khải run run xốc tấm vải lên, mẹ cậu lấy tay che mắt cậu. Mặc dù như thế, cậu cũng kịp nhìn thấy một chút.

Trong trí nhớ của Lâm Niệm Sinh, cô Hồng là người rất thích xinh đẹp, cho nên nhất thời không liên kết được gương mặt người nằm trên cáng với cô Hồng lại với nhau.

Hậu sự của cô Hồng do một tay cậu Khải lo liệu. Cô Hồng không có con, mợ Viện để em Hoàn An đốt giấy để tang quỳ ở linh đường dập đầu trả lễ.

Từ đó về sau, tòa nhà vốn náo nhiệt nay yên tĩnh hẳn.

Sắp đến tết Trung Thu, là dịp đoàn viên sum họp. Bởi vì tang sự của cô Hồng, Lâm gia không tổ chức lớn, tất cả mọi người chỉ tụ họp lại dùng cơm.

Trên bàn, mọi người bàn luận chuyện mà cậu nghe không hiểu, bầu không khí khá nghiêm túc. Lâm Niệm Sinh nô đùa với Hoàn An ú nu trong lòng mợ, Hoàn An bật cười khanh khách, tăng thêm sinh khí cho bữa cơm.

Thi thoảng mẹ cậu sẽ múc một muỗng trứng hấp đút cho cậu ăn, không tham gia tranh luận trên bàn.

– Cha nhận được tin, bên Thượng Hải tình hình nguy cấp. Quân đội quốc gia đã hao tổn hơn hai trăm ngàn lính tinh nhuệ- Nghe ông ngoại nói, tay cầm thìa của mẹ run một chút, Lâm Niệm Sinh tò mò nhìn mẹ- Một khi Thượng Hải thất thủ, quân Nhật sẽ tiến quân thần tốc đến Nam Kinh. Bây giờ toàn bộ thành Nam Kinh lâm nguy, người người bất an, đi được đều đi cả. Cha lấy được vài vé máy bay đi Pháp, Trọng Cảnh, con đưa Viện Viện và em gái con cùng bọn trẻ qua đó trước đi.

– Vậy còn cha?

– Ủy viên trưởng còn chưa hạ lệnh bỏ thành, sao cha có thể rút lui? Cha cũng sống từng tuổi này rồi, sống chết có số, các con đừng quá để tâm. Nếu chính phủ rút lui, cha tự nhiên sẽ sang đó tìm chúng con.

– Con không đi- Cuối cùng mẹ cậu cũng lên tiếng- Con muốn ở lại chờ Phù Sinh trở về.

– Nhược Mộng, đừng bướng nữa. Con không biết thủ đoạn quân Nhật có bao nhiêu tàn bạo à, bên Thượng Hải đã trở thành thành phố chết, chúng nó đánh giết hết rồi!- Ông ngoại nổi giận.

– Con mà đi, anh ấy quay về sẽ không tìm thấy nhà nữa- Lâm Niệm Sinh để ý thấy dù giọng mẹ nghẹn ngào, nhưng lưng lại ưỡn thẳng, hệt như đang kháng cự điều gì, cậu lờ mờ hiểu, không chỉ là với ông ngoại.

– Thập Lý Dương Trường là một vùng đất bằng phẳng, không có chỗ để phòng thủ, giống như một cái lò nung, ném máu thịt vào trong đó, nháy mắt liền nóng chảy. Phù Sinh đã bao lâu không có tin tức về rồi?- Cậu Khải hỏi.

Mẹ cậu mím môi không đáp, giống như cậu Khải đã hỏi câu gì đó rất xúc phạm, bữa cơm này cuối cùng tan rã không vui.

Đêm ấy, giữa khuya tỉnh giấc Lâm Niệm Sinh phát hiện thấy mẹ không có bên cạnh, tự cậu bò xuống giường, mang giày chạy ra cửa tìm mẹ. Cậu trông thấy mẹ đứng ở cổng biệt viện, dường như đang nói chuyện với ai đó, còn ôm bóng đen kia.

Trên áo choàng của La Phù Sinh dính đầy phong sương, chạy suốt đêm khiến toàn thân anh lạnh ngắt, ôm chặt thế nào cũng không nóng lên. Đầu Lâm Nhược Mộng tựa vào ngực anh, hít vào xoang mũi toàn là mùi gió lạnh cùng mùi máu tươi thoang thoảng:

– Sao anh về rồi? Đánh xong rồi à?

– Hôm nay là Trung thu, anh nhớ em quá- La Phù Sinh giọng ấm ách, như đang bị cảm.

– Còn đi nữa không?- Tay Lâm Nhược Mộng siết chặt hơn.

– Lập tức đi ngay- La Phù Sinh vén lại mớ tóc lòa xòa, hôn lên trán cô- Ngoan, dẫn Niệm Sinh sang Pháp trước.

– Không! Em muốn chờ anh đánh thắng trận quay về rồi cùng đi.

– Anh hứa, anh nhất định sẽ sang đó tìm mẹ con em- La Phù Sinh tì cằm lên đỉnh đầu cô, mở áo choàng túm ôm cô vào lòng- Anh hứa với em, tuyệt đối không nuốt lời.

Bóng đen kia biến mất hồi lâu, mẹ cậu vẫn đứng ở cửa nhìn theo.

Về sau, bất luận mẹ nói với ông ngoại và cậu Khải thế nào về cuộc gặp gỡ đêm đó với cha, đều không có ai tin. Ai cũng nghĩ mẹ nhớ thương thành bệnh, tự huyễn hoặc mình. Chiến sự tiền tuyến căng thẳng, cha cậu làm sao lại kịp về thăm nhà.

Mẹ cậu không nghe lời ông ngoại, kiên trì ở lại Nam Kinh chờ cha. Cả nhà cậu Khải đi rồi, cả tòa nhà lớn vắng đi rất nhiều người, yên tĩnh hệt như cỗ quan tài, chỉ thi thoảng nghe thấy tiếng ho khan của ông ngoại.

Mà chiến tranh lại tàn khốc ở chỗ, đạn pháo súng ống sẽ không vì có người đang chờ anh quay về mà tránh anh.

Lúc La Phù Sinh ngã xuống, trong túi áo ở ngực có tấm ảnh, nữ tướng hiên ngang giơ cây thương, trên mặt cô dính vệt máu, hệt như đang khóc ra máu.

– Say nằm sa trường vua chớ cười, xưa nay chinh chiến mấy ai trở về. Ha ha ha, La Phù Sinh, cuối cùng tôi không hề thua anh!- Quân trưởng Lộ quân số 19 Hứa Tinh Trình bắn nốt băng đạn cuối cùng, bị quân Nhật bao vây, trong tiếng súng máy bắn phá, ngã xuống cách đó khoảng trăm mét.

Tháng 11, phía Thượng Hải tuyên bố rút quân: “Chiến sĩ các nơi, nghe theo lời gọi chính nghĩa cứu đất nước đang lâm nguy, mạng sống mong manh, ở tiền tuyến lấy xương máu dựng thành chiến hào, liều chết không lui, trận địa hóa thành tro tàn, lòng quân vẫn vững như sắt đá, anh dũng xông vào trận địa địch, lấy cái chết tỏ rõ tinh thần độc lập dân tộc, đặt nền móng vững chắc để Trung Hoa phục hưng.”

Lâm đ*o Sơn sai nhiều người đi nghe ngóng tung tích của La Phù Sinh, cuối cùng chỉ mang về có tấm ảnh dính máu người.

Gần như đồng thời, quân Nhật đánh vào Nam Kinh, trắng trợn cướp bóc đốt giết. Chính phủ Nam Kinh không chống cự, rút khỏi thành Nam Kinh.

Lâm Nhược Mộng không nói gì thêm, dẫn theo Lâm Niệm Sinh cùng cha bay sang Pháp, cả đời chưa đặt chân về quê hương lần nào nữa.

Trình Mộ Sinh nghe xong kết cục, day dứt mãi:

– Khi núi sông vỡ nát quả thực không chứa nổi tình cảm nam nữ, tôi rất khâm phục ông bà cô.

– Nhưng bà tôi luôn rất hận ông tôi, bà cho rằng ông không hết lòng tuân thủ lời hứa.

Người phục vụ già vẫn luôn đứng một bên im lặng lắng nghe toàn bộ câu chuyện lên tiếng:

– Ông ấy có.

– Hở?- Lâm Tịnh Vân nhìn ông khó hiểu.

– Ông ấy có giữ lời hứa của mình- Người phục vụ già lấy thẻ tên của mình trong túi áo ra, trên tấm thẻ có khắc “Tần Quả”, ông chính là cậu bé mắc bệnh tim năm đó ở cô nhi viện, Quả Quả.

Cho dù Lâm gia có dời nhà về Nam Kinh, vợ chồng La Phù Sinh vẫn luôn một mực quyên góp cho cô nhi viện, còn cố tình để lại một khoản tiền lớn để Quả Quả chữa bệnh.

Thượng Hải thất thủ, Tần Quả chạy nạn khắp nơi, về sau ông gặp La Phù Sinh ở Nam Kinh. Khi đó ông đang chuyển hàng đi ngang qua, nhìn thấy La Phù Sinh chống gậy đứng trước một tòa nhà bỏ hoang.

Tòa nhà hoang phế vì người đã bỏ đi, không ai biết La Phù Sinh, cũng không ai biết ông mới từ địa ngục trở về.

La Phù Sinh ở Nam Kinh đợi đến năm 1945, đợi đến khi đất nước hoàn toàn hòa bình, ông và Tần Quả cùng nhau trở về Thượng Hải, mua một tòa nhà đặt tên là Mộng Viên, mãi cho đến lúc già yếu chết đi, La Phù Sinh vẫn luôn ở Mộng Viên chờ đợi cả một đời.

– Lão già quái gở ở Mộng Viên kia chính là ông La?!- Trình Mộ Sinh không lạ gì ông ấy, thỉnh thoảng ông ấy đến tiệm gọi một gói bánh bao. Sau này vì bệnh nặng không ăn được, cũng đặt một gói chỉ để ngửi.

Năm tháng qua đi, có chút hương vị lại nhớ mãi không quên.

– Bà cô còn khỏe chứ?- Bác Tần hỏi Lâm Tịnh Vân.

– Bà qua đời hồi năm ngoái, trước khi chết, bà hi vọng cháu trở về thăm lại quê hương.

- … Ông ấy cũng qua đời năm ngoái- Sắc mặt bác Tần buồn bã, không khỏi cảm thán vận mệnh trêu đùa- Cũng tốt, cuối cùng họ cũng đoàn viên rồi.

Bác Tần tháo tấm ảnh trên tường xuống, mở khung hình lấy tờ giấy ố vàng ở mặt sau ra đưa cho Lâm Tịnh Vân.

Lâm Tịnh Vẫn mở tờ giấy ra, trên đó có viết một câu bằng bút lông, bút lực mạnh mẽ, nhưng nét bút thê lương.

“Thân này đã hiến đền tổ quốc, không thể ước nguyện cùng em. Hẹn em kiếp sau ta thề ước.”

Hết


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.