Anh Ngôn Tang thân thương,
Cho phép em mạo muội lấy xưng hô như thế mở đầu thư lần cuối cùng.
Có lẽ anh sẽ không tin, nhưng em muốn nói với anh rằng em quý anh còn nhiều hơn những gì anh tưởng tượng, và tình cảm này cũng đã tồn tại từ rất nhiều năm trước rồi; lâu hơn cả thời gian anh em mình quen biết nhau, hơn cả thời gian từ khi em ra đời đến nay… Ngày đầu tiên em biết anh là khi em cũng mười một tuổi.
Em của lúc đó không biết tình yêu là gì. Tình cờ một hôm mở ra tập hồi ký ghi lại mối tình giữa anh và một cô gái, câu đầu tiên trên trang bìa viết: “… Năm mười lăm tuổi, cha quay về Bắc Bình. Nửa tháng sau tức tháng 2, ông nội nhận được thư từ bạn tốt, mời ông dẫn theo con trai và cháu trai đến nhà cũ ở Thiệu Hưng gặp hai cô con gái nhà họ Lâm. Cha biết ý ông nội. Tư Ngôn Tang lúc ấy còn trẻ, tiếp nhận nền giáo dục nước ngoài nhiều năm, dù biết mình có vợ chưa cưới ở trong nước nhưng chưa bao giờ và cũng chưa có ý định muốn yêu. Khi cùng người nhà chờ trong thư phòng nhà họ Lâm, Tư Ngôn Tang vẫn khá dửng dưng, chào hỏi mọi người một cách thờ ơ. Đúng lúc này cửa mở ra, một cô bé ngây thơ mặc áo tím quần dài đi vào. Cô bé tết bím tóc đuôi sam, tròng mắt sáng long lanh...”
Từ đó, anh và cô ấy bắt đầu câu chuyện yêu hận đan xen xuyên suốt nửa đời. Bốn năm xa cách muôn trùng chỉ gửi tâm tư qua những bức thư, lại bốn năm cùng nắm tay du lịch, đi qua hơn mười quốc gia, hơn ba mươi thành phố ở đại lục Âu Á… Cô ấy có vô số người theo đuổi song chưa bao giờ để mắt đến ai. Mà anh cũng cực kỳ chói lóa, thậm chí có người chuyện chết vì anh, nhưng anh cũng chưa bao giờ động lòng. Anh yêu cô ấy, yêu cả sự hư vinh tùy hứng của cô ấy, và cô ấy cũng thấu hiểu tình cảm đậm sâu của anh, không bỏ mặc anh chỉ vì anh không hòa nhập với phong cách văn đàn trong nước, cho dù phải lênh đênh nơi xứ lạ vì điều đó, cô ấy cũng chẳng oán trách anh nửa câu. Bởi vì hai người là một đôi trời sinh, nên trăm bức thư tình kia mới có thể khiến vô số người rung động.
Em nghĩ, mười hai năm đó chắc chắn là mười hai năm anh hạnh phúc nhất… mãi cho đến năm Dân Quốc thứ 22, trong thời gian đang theo học tại Đại học Trung-Pháp, anh đã bị buộc thôi học khi tham gia các cuộc biểu tình chống phát xít, để rồi cuối cùng bị mất đi nguồn thu nhập duy nhất của mình. Cô ấy và đứa con trai bốn tuổi duy nhất của hai người đang trên đường trốn khỏi Pháp xin tị nạn, chỉ vì suy dinh dưỡng lâu dài nên đứa con đã chết yểu… Nếu nghèo tới nỗi không thể giữ được tính mạng thì còn theo đuổi thơ ca giấc mơ làm gì? Từ hôm ấy trở đi, cô ấy không màng hiểu anh nữa, lý tưởng chung của cả hai dần trở thành lý tưởng của riêng anh. Anh đang khổ sở thì cô ấy chỉ trích anh, mắng anh là “ngụy quân tử” giả tạo, ngay cả mỹ học anh theo đuổi suốt đời cũng bị cô ấy xem là thứ vớ vẩn.
Anh có thể mặc kệ cả thế giới không hiểu mình, nhưng không chịu nổi khi cô ấy làm thế, vì anh đã sớm coi cô ấy là tất cả. Nhưng vợ anh không còn yêu anh nữa, không để ý đến anh nữa; cô ấy so sánh anh với những người từng theo đuổi mình năm xưa, thậm chí còn tìm mấy văn nhân từng chế giễu anh làm chứng, ép anh ký tên vào giấy ly hôn. Lúc đó anh đã 31 tuổi, ở trước mặt cô ấy và mọi người, anh lôi chiếc chìa khóa vàng từ trong ngực ra, vừa dịu dàng vừa xấu hổ cười nói: “Mọi người có biết không? Chiếc khóa vàng này, là năm đó khi quyết định hôn ước, mẹ tôi đã giao vào trong tay bà Lâm.” Vừa dứt lời thì anh bật khóc như một đứa trẻ…
Hôn nhân của anh và cô ấy chỉ là hữu danh vô thực. Cuối cùng cô ấy không ly hôn với anh, nhưng rồi vẫn rời xa anh —— dẫn cô con gái nhỏ duy nhất của hai người rời đi, ngã vào vòng tay một người đàn ông khác.
Cọng rơm cứu mạng duy nhất của anh lại trở thành một kích trí mạng.
Vẫn có người thích anh, nhưng trong mắt anh không còn ai khác; sau mấy độ uất ức mà phải vào bệnh viện tâm thần.
Thật ra có những người không đáng để anh phải nhớ nhung cả đời như thế; rồi anh sẽ gặp được một người phụ nữ luôn ở bên anh những lúc anh cô đơn.
Người ấy sẽ lần theo dấu chân anh suốt đời, yêu anh hơn cả sinh mệnh, và anh chính là toàn bộ thế giới của cô ấy.
Cô ấy học tiếng Trung vì anh, hát bài Brown Sugar mà anh thích nhất, ngày ngày ngồi trước giường bệnh của anh đọc chữ anh viết, đồ lại chữ của anh, thậm chí còn viết truyện viết thơ vì anh.
Cô ấy là người hiểu chữ viết của anh nhất, và cũng là người hiểu anh nhất, hiểu tất cả về anh và đất nước của anh, đến nỗi quên luôn bản thân từng sống ở Áo, cha mẹ đều là người Do Thái; yêu anh tới nỗi quên tên họ mình mà chỉ biết đi theo bước chân anh.
Cô ấy đã từ bỏ cuộc sống tốt nhất của mình vì anh. Sau khi anh rời khỏi bệnh viện, không quan tâm đến thân phận người Do Thái, một thân một mình cô ấy đi theo anh từ The Hague đến Moscow, mấy lần bị cơ quan mật vụ của Đức Quốc Xã đưa vào trại tập trung. Trong hồi ký của cô ấy từng ghi chép một đoạn: “Tôi tự nhủ nhất định phải sống, phải sống! Quyết không thể bị bọn họ phát hiện… Tôikhông thể chết được. Nếu tôi chết rồi, liệu rằng ai sẽ chăm sóc anh đây?”
Anh nhìn đi, cô ấy đã cố gắng sống trên cõi đời này như vậy, thế mà câu trả lời của anh cho tình yêu si mê dài đến mười năm kia lại là tự sát.
Cô ấy đã mất đi mục tiêu để sống, nhưng thế mà vẫn vì anh sống đến thế kỷ 21. Dùng thời gian 20 năm đi qua từng lục địa anh đã đến, cả một đời không có danh phận, bị người người chỉ trích, mất đến nửa năm để thu thập và chỉnh sửa bản thảo của anh, những lúc rảnh rỗi lại dùng bút tích của anh mô tả lại anh, để những lời anh nói được lưu lại trên những tấm hình đen trắng…
Cuốn tiểu thuyết anh viết cho người Do Thái bị Đức quốc xã khủng bố cuối cùng cũng đã giành giải thưởng Nobel, mà lúc đó cô ấy cũng đã già rồi – cả một đời cô ấy chẳng hề lấy ai. Khi đó cô ấy đã đối diện với cả thế giới vì anh, mỉm cười giải thích cho anh: “Nếu anh ấy còn sống, có lẽ sẽ còn đau khổ hơn là chết đi. Nhưng tôi phải sống. Vì tôi biết một ngày nào đó thế giới này sẽ hiểu anh ấy. Tôi tin chắc ngày này sớm muộn gì cũng sẽ đến, bởi vậy mới sống đến tận hôm nay.”
Cô ấy là người hiểu anh nhất trên thế giới này, dù anh có trẻ trung điển trai hay không, dù anh có phong độ sa sút thế nào. Chỉ có cô ấy mới giành được anh, vì có anh nên cô ấy mới chẳng xá gì.
Em đã nói cho anh biết cái tên đó rồi anh Ngôn Tang ạ. Nếu như có ngày anh nghe thấy cái tên ấy, xin anh nhất định, nhất định phải ngoảnh đầu nhìn cô ấy… Có như vậy thì câu chuyện mới không xảy ra theo chiều hướng ấy nữa.
Còn em ư?
Ở thế hệ sau không biết có bao nhiêu cô gái say mê những bức thư tình của anh, muốn có được một tình yêu kinh thiên động địa cùng anh trong thời loạn thế.
Có lẽ em từng là một trong số đó.
Cô gái nào trên cõi đời này may mắn ba đời thế nào mới có thể khiến anh yêu đến đắm say?
Thế nên lúc em tỉnh lại, phát hiện mình chính là cô bé tóc thắt bím đó, rồi lúc em bước vào căn phòng đó, gặp anh của năm 15 tuổi, khi ấy em đã nghĩ, nếu người anh lấy không phải cô ấy mà là em, thì liệu cuối cùng có thể cứu được cả hai chăng?
Nhìn thấy anh nheo mắt cười với mình lúc đó, em tự nhủ, có lẽ mình làm được.
Cũng bởi thế mà em chấp nhận rời khỏi nhà cũ ở Thiệu Hưng, đến Hương Cảng học tập.
Em mất rất nhiều thời gian mới thư từ được với anh. Dần dần cũng học cách kiếm tiền, em cũng từng nghĩ đến việc làm một phú bà bình thường, ở bên anh đến hết đời này, binh tới tướng đỡ nước tới đất ngăn, nếu ai chỉ trích anh thì em sẽ dùng tiền đánh chết họ, không cho bọn họ hó hé một chữ “không” nào với anh nữa; tặng anh toàn bộ những gì em có, đó là thứ tốt nhất trên thế giới này, đủ để đồng hành với anh qua chặng đường vất vả.
Nhưng đến một ngày, cuối cùng em đã hiểu mình không phải là bạn đời phù hợp với anh.
Có lẽ em cũng không khác nhiều so với người vợ cũ của anh: anh không có được câu trả lời mong muốn từ chỗ em, em cũng không thể vượt qua vạn dặm vì anh, càng không đáng để anh mạo hiểm.
Em chỉ là một trong số hàng ngàn cô gái ngưỡng mộ tài năng của anh. Có lẽ em cũng giống như bọn họ, một ngàn năm sau vẫn sẽ yêu lớp vỏ dù không hoàn hảo của anh, song lại không dễ dàng chấp nhận cuộc sống khốn khó ngày sau với anh, càng không có sức lực để an ủi bầu bạn cùng anh, hiểu rõ và tôn trọng anh; thậm chí sau khi anh rời đi, có lẽ cũng chẳng biết phải thu thập các tác phẩm của anh.
Với người ngoài thì đó chỉ là chuyện đơn giản, nhưng em lại không làm được. Em sắp có sự nghiệp của mình, không thể nào xem anh là vị thần duy nhất trên đời này như trước được nữa.
Thậm chí, vì sự nghiệp và thân phận của mình, em không thể không chôn vùi sự tài hoa và lý tưởng của anh.
Em không rõ so với câu chuyện trước đó, thì câu chuyện này sẽ tốt hơn hay tệ hơn đây.
Có lẽ em không chỉ không thể tác thành cho anh, mà trái lại còn gia tăng đau đớn cho anh.
Anh Ngôn Tang thân thương, xin anh phải hứa với em, dẫu sau này có ra sao thì cũng đừng bao giờ suy sụp như thế.
Anh Ngôn Tang thân thương, xin hãy quý trọng bản thân nhiều hơn. Sống nhờ hậu thế, chưa chắc đã muốn người khác hiểu mình. Có thể làm điều mình thích thì dù cô đơn cũng vẫn thoải mái.
Anh Ngôn Tang thân thương, một ngày nào đó trong tương lai, em sẽ gửi lại mọi bức thư trong tay cho em. Nhưng cho phép em được ích kỷ… cất giữ vài điều bé nhỏ liên quan đến anh cùng những phong thư có chữ ký của anh, chỉ vì em quá mến mộ anh, còn nhiều hơn những gì anh nghĩ, lâu hơn cả thời gian anh em mình quen biết nhau, hơn cả thời gian từ khi em ra đời đến nay.
Em chỉ là một người qua đường bé nhỏ không đáng kể trong cuộc sống của anh, đối với em, khoảnh khắc bước vào căn phòng đó, được thấy anh mỉm cười là điều quý giá lắm rồi.
Em vẫn luôn nghĩ, những điều đó có liên quan gì tới tình yêu không?
Nhưng rồi lại em nghĩ đến cây kem trên sông Spree, chuyến xe điện đến Sanssouci vào cuối tuần, nghĩ đến những con ma men cùng bầu rượu rum ở bến tàu Marseille, nghĩ đến Letan, nghĩ đến nước Hà Lan, xe điện và “Đại Đô Thị”, nghĩ đến nam thanh nữ tú dưới ánh đèn đỏ, nghĩ đến hải đảo mưa to như thác cùng máy điện thoại làm bằng đồng lúc nửa đêm, chú gấu bông ướt sũng mà anh biết, cùng với chiếc chìa khóa vàng bé nhỏ mà anh không biết… Đây chính là câu chuyện bất hủ mà người ngoài không cách nào hay biết, chỉ thuộc về một mình Lâm Sở Vọng và anh vào mùa hè 1927 năm đó, anh Ngôn Tang ạ.
Kính thư
Chúc anh bình an
Ngày 3 tháng 5 năm Kỷ Tỵ
Sở Vọng