Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 126




Bà Cát nhìn theo hướng Tạ huân tước rời đi, cười lạnh nói: “Lão hồ ly Tạ Hồng này, biết đã mang tiếng xấu nên hoàn toàn không xem mình là người Trung, mà cũng không coi mình là người Anh, không lấy lòng bên nào mà vừa có thể chiếm được lợi từ hai bên. Lòng dạ ác độc, giả điên giả ngu, xấu xa không ai bằng.”

Sở Vọng ngẩng đầu nhìn Di Nhã, cười nói: “Ngài Tạ có biết cô nói xấu ông ấy như vậy không?”

Bà Cát nói, “Dù có nói ngay trước mặt ông ta, cháu có tin ông ta vẫn cười cười cho là đang khen không?”

Tạ Trạch Ích cũng phụ họa, “Như cô út là khách khí lắm rồi.”

Bà Cát lườm anh, lại hỏi: “Cậu đã nói chuyện với cha cậu rồi hả? Đến chuyện rút tay ra khỏi thị trường vay mượn từ lúc nào cũng biết rõ.”

“Không có, tôi đoán thôi.” Tạ Trạch Ích nói, “Ông già biết tham thì thâm, nhiều năm qua đã quen với chuyện vừa thấy chuyển biến là thu tay, nên dù sóng gió bao phen vẫn tránh được.”

Mọi người đồng loạt nhìn anh.

“Mấy tháng trước ông ấy kiếm tiền tới nỗi người thân không nhận, càng không đếm xỉa gì tới tôi. Mà dì cũng biết năm nay thị trường chứng khoán Mỹ ngày một phát triển, kinh tế bên kia bờ đại dương quá dư dả, đám người kia sẽ không đếm xỉa đến chút lợi ích nhỏ ở tô giới này đâu, thế thì lấy đâu ra điều kiện tốt để bàn với ông ấy.”

Sở Vọng “ơ” một tiếng, nghiêng đầu vắt óc suy nghĩ.

Tạ Trạch Ích nghiêm túc nhìn cô.

“Gần tới tháng Giêng rồi, cậu định bao giờ mới giảng hòa với cha đây?” Bà Cát nhìn hai người, hỏi Tạ Trạch Ích: “Chẳng lẽ muốn khách khứa đến xem hai cha con nhà cậu xụ mặt à?” Rồi lại quay qua hỏi: “Rốt cuộc còn định cho nó ăn bao nhiêu quả óc chó nữa hả?”

Anh xòe tay ra: “Quả cuối cùng.”

Bà Cát bực mình, “Không thấy trong nhà có đầu bếp Quảng đông đã làm bữa sáng cho nó rồi sao, ăn của cậu làm gì nữa?”

Di Nhã cười phá lên, “Không biết Sở Vọng đã nói bao nhiêu lần là đầu bếp nhà ai cũng không nấu ngon bằng anh Zoe.”

Hai mắt Tạ Trạch Ích sáng lên, cúi đầu hỏi cô: “Thật ư?”

Sở Vọng chưa từng nói thế trước mặt chính chủ bao giờ, chột dạ dời mắt đi chỗ khác, nhìn chậu lan treo dưới bậc thang.

“Hai cha con mặt dày như nhau, không ai có tư cách mắng ai cả.” Bà Cát day huyệt thái dương, nhìn Tạ Trạch Ích rồi hỏi Sở Vọng, “Lâm Du rất xem trọng mặt mũi, nếu không phải ả tiện nhân kia xúi giục thì có lẽ ông ta cũng không dám đụng đến của hồi môn của mẹ cháu. Mấy năm qua tiêu đã hết, chắc giờ đang vay mượn khắp nơi đây… Đến lúc đó phần của cô sẽ cho cháu, số tiền này, dù người trên mức khá giả kiếm cả đời cũng không hết.”

Rốt cuộc là nhiều bao nhiêu? Các nhà khoa học cứ ngồi không ở Thượng Hải như vậy cũng không phải là cách hay.

Quyên góp ba nhà máy cho Tây Bắc, mọi người ở tô giới lại có chuyện chính để làm.

Bà Cát thấy mắt cô sáng lên muốn nói lại thôi, không nhịn được hỏi: “Không lẽ cháu muốn đem đi quyên góp cho thư viện khoa học?”

“Không quyên cho thư viện khoa học, mà là cho…” Cô dè dặt nhìn Tạ Trạch Ích.

Phát triển đất nước bằng khoa học giáo dục! Cô cũng không thiếu ăn mặc.

Bà Cát đau đầu, “Bà cô nhỏ của tôi ơi.”

Tạ Trạch Ích biết cô muốn làm gì, rất nghiêm túc hỏi, “Em muốn như vậy thật sao?”

“Vâng.”

“Muốn đến mức đó?”

Cô nghiêm túc gật đầu.

“Chỉ sợ là không đủ.” Anh cười cười, giơ tay nhéo má cô.

Anh đã ở đường vượt giới một thời gian, nên cũng biết rõ cần rót bao nhiêu tiền vào mấy tòa nhà máy ở địa khu Tây Bắc. Cúi đầu nghĩ ngợi một lúc, anh thấp giọng cam đoan, “Anh sẽ nghĩ cách.”

Sở Vọng không biết anh muốn làm gì, mở to đôi mắt đen láy nhìn anh.

Thấy hai người mắt đi mày lại không xem ai ra gì, bà Cát tức giận, “Tuệ Tế, tiễn khách!”

Tuệ Tế đi ra “mời” anh, Tạ Trạch Ích đứng lên nói, “Quân tử động khẩu, tiểu nhân động thủ, có gì thì cứ nói.”

Thấy anh né trái né phải đi ra cửa, mọi người không nén nổi bật cười.

Di Nhã cười nói: “Dì Cát à, hai người họ mới gặp nhau, dì cũng biết anh Zoe sẽ không làm chuyện gì khác người mà, việc gì phải chia cắt như vậy?”

“Cháu thì biết cái gì? Trước khi kết hôn không được gặp mặt, không những không hợp quy củ, mà còn làm mất đi không khí vui vẻ háo hức trong buổi hôn lễ.” Bà Cát nhìn cô, “Tưởng là ai cũng giống cháu, đính hôn xong là theo ngài Tưởng có đôi có cặp đi đây đi đó suốt đúng không? Cháu còn nhắc ta à, ta nói cháu đấy, trước khi kết hôn tránh xa ông ta ra.”

Di Nhã lè lưỡi.

Cô nghe thấy bà Cát vẫn dạy dỗ Di Nhã: “… Theo đuổi, tỏ tình, hẹn hò, cầu hôn, đính hôn, kết hôn, ngày kỷ niệm mỗi năm, từ đám cưới Bạc đến đám cưới Vàng*, phải cùng người đó đi đến bạc đầu, có người phụ nữ nào không hy vọng được đối xử độc nhất vô nhị? Phụ nữ là động vật rất chú trọng nghi thức, cháu không yêu cầu không có nghĩa là anh ta không được chuẩn bị cho cháu. Cháu không muốn chờ xem đàn ông sẽ tới rước cháu như thế nào à?”

(*Lần lượt là ngày kỷ niệm 25 và 50 năm ngày cưới.)

Di Nhã không khỏi chống cằm ước ao, nhưng miệng lại nói trái lương tâm: “Cần nghi thức làm gì? Chỉ cần không chà đạp khắt khe với cháu, tôn trọng bảo vệ cháu suốt đời là đủ rồi…”

Sở Vọng xuất thần nhìn theo hướng anh rời đi, vẫn không rõ Tạ Trạch Ích muốn làm gì.

Chính phủ thối nát, bóng tối xã hội ở ngay phía trước, giáo dục và công nghệ vẫn còn lạc hậu, dù có hội hoàng gia vất vả kéo viện nghiên cứu tiến về phía trước, thì vào lúc này dù là tài nguyên hay vốn liếng đều không bằng nước Mỹ những năm 1942. Ba căn cứ đang thi công đó lại không đủ vốn, phải tạm gác hoãn lại, một số nhà vật lý và toán học không đợi nổi đã nộp đơn từ chức, quay về nước tiếp tục công việc được tôn trọng và ưu đãi cũng không thua kém ở đây, dù không thể phát huy đến tận cùng nhưng vẫn tốt hơn là ngồi chờ không…

Tạ Trạch Ích không biết viện nghiên cứu cần anh thế nào.

Nhưng nếu nói điều kiện thì… Nước Mỹ đang còn ghé mắt chòng chọc, lúc này cả công nghệ lẫn kinh tế trong nước đã tăng trưởng nhanh chóng, bọn họ sẽ không xem trọng chút lợi ích tô giới không đáng gì này, chỉ cần sơ sẩy là cả viện nghiên cứu sẽ chui tọt vào túi nước Mỹ. Nên đây không phải là thời cơ tốt để bàn bạc công bằng.

Vậy bao giờ thì mới là thời cơ tốt?

Đến bao giờ mới có thể thương lượng được với họ đây?

Nếu bọn họ cũng có ải khó cản trở, đến nỗi không thể không cầu cạnh bên thứ ba thì sao?

Cô đột nhiên nhớ đến Tạ huân tước xưa nay “vừa thấy chuyển biến là thu tay”.

Tạ huân tước kiếm tiền nhiều đến mức “không nhận người thân” đúng là người sáng suốt thấy trước ánh sáng.

Trước tháng 8 năm nay là thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ điên đảo nhất.

Mà ngày 24 tháng 10 sắp tới chính là… ngày thứ Năm đen tối.

Thị trường chứng khoán New York sẽ sụp đổ, nền kinh tế thế giới lâm nguy!

Điều đó đã kích thích Đức và Nhật Bản, khiến châu Âu và châu Á trở thành cái nôi của chiến tranh… Cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai.

Lòng cô giật thót, suýt nữa đã ngã ngửa từ trên ghế. Tuệ Tế và Mật Thu lật đật đi tới đỡ cô. Vừa đứng vữa, cô lập tức chập thẳng lên đầu, bà Cát và Di Nhã tưởng cô muốn lên tầng hai nhìn Tạ Trạch Ích rời đi, nên ở dưới lầu cười thầm.

Trời lạnh, người qua lại thưa thớt. Những bức tường màu xám đen của những ngôi nhà gạch xanh, vùng lá vàng héo khô của cây ngô đồng đã điểm xuyết cho một Thượng Hải mịt mù. Những chiếc xe kéo ra ra vào vào hẻm Parker liên tục, thỉnh thoảng cuốn bay phiến lá trên đất; chuông xe điện ngân vang, lác đác thấy những cột khói từ con hẻm ở đối diện, có người đang bắc lò đốt ở trên đường phố, khói từ từ bốc lên.

Cực kỳ cô quanh…

Nhưng đây là Thượng Hải ở vùng viễn đông, không những không bị liên lụy trong nguy cơ ấy, mà nền tư bản dân tộc ở đây cũng vì thế mà bắt đầu trỗi dậy.

Nếu đây không phải là thời cơ tốt thì là lúc nào nữa?

***

Sau khi bị bà Cát đuổi ra khỏi biệt thự, Tạ Trạch Ích cũng đã vắng mặt hơn một tuần.

Trong tuần đó, thư từ viện nghiên cứu gửi đến toàn là nói về “tin tức tổ I câm lặng”. Ngoài cùng Chân Chân đi mua sắm vật dụng tùy thân ra thì cô không còn chuyện gì để làm.

Đến Tiên Thi, Vĩnh An, Tân Tân và Đại Tân chọn son môi nước hoa găng tay và giày cao gót một lượt, Di Nhã và Sở Vọng khó hiểu nói: “Không phải mấy thứ này đều đến từ Pháp sao? Tới châu Âu rồi mua không phải dễ hơn à, việc gì cứ phải một ngày ba chuyến lùng sục khắp mấy tiệm bách hóa ở Thượng Hải vậy?”

“Găng tay phối với giày, khăn quàng phối với váy, đồ trang sức phối với áo khoác… Hai người không biết tôi có bao nhiêu bộ đồ mới đâu, thực sự phối không đủ.”

Sở Vọng cười nói: “Chị đi học hay là đi thi hoa hậu thế?”

Chân Chân mếu mặt: “Ngày nào cha nhìn mặt chị là lại lau nước mắt, làm chị cũng tưởng mình một đi không về đây này.”

Di Nhã nói: “Nếu cậu thương cha thì đừng đi châu Âu nữa.”

Cuối cùng cô nàng phải khai thật: “Sáng tối ngày nào Chers cũng cầm hoa hồng đến dưới nhà chờ tôi.”

Di Nhã cười phá lên.

Sở Vọng hỏi: “Không phải chị thích anh ta sao, vì sao vẫn chưa đồng ý?”

Chân Chân nói: “Cha chỉ có một cô con gái là chị.”

Di Nhã nhướn mày.

Cô nói tiếp: “Nên sau khi học thành tài chị nhất định phải về Trung Quốc. Còn anh ta, trong nhà anh ta còn cha mẹ anh em nữa. Mấy năm sau cũng phải về Anh thôi. Quê hương của anh ta lại không phải quê nhà của chị, mà có mấy ai chịu ở lại tô giới này một mình?” Cô nàng thở dài, “Thế nhưng nơi đây lại là quê hương của chị.”

Sở Vọng im lặng.

Ngày trước cô cũng đã trải qua chuyện này rồi, đó là khi chào từ giã cha mẹ ở cửa hải quan. Lúc ấy cô ở tuổi vị thành niên chỉ ngập tràn mong chờ vào thế giới mới, mà không biết lúc cha mẹ xoay người đi ra ở cửa kiểm tra an ninh đã đau lòng rơi nước mắt.

Trong bảy tám năm sau lại chỉ ước mỗi thức dậy có bánh bao nóng hổi và cháo nạc để ăn, chứ không phải bánh sừng bò ngọt ngấy với sandwich lạnh tanh và cà phê đen, những lúc như thế cô cũng thường cuộn tròn trong chăn lau nước mắt.

Hơn ai hết, cô rất thấm thía chuyện này.

Lúc son môi và nước hoa từ trung tâm mua sắm chuyển vào biệt thự nhà họ Tiết, thì đồ cưới của cô cũng từ nhà họ Lâm lục tục đưa đến biệt thự của bà Cát.

Hai căn phòng được dọn dẹp lại để chứa những thứ này.

Lúc đồ được đưa tới biệt thự bà Cát, bà Cát cầm danh sách kiểm tra, hài lòng thì mới gạch bỏ đi, lúc này mới cho người đưa đồ vào.

Cô nằm nghiêng trên sofa, khó hiểu nghĩ: đây là gì vậy, thứ đó là gì kia, cả đây nữa?

Bà Cát ngáp dài: “Quan tâm làm gì, đều là của cháu cả, con bé giàu nhất Thượng Hải rồi.”

Cho đến khi thấy một thứ đồ phiếm xanh, giống hệt tranh chữ từng xuất hiện trong bài thi tốt nghiệp trung học của cô, cô mới không kìm được che miệng, ngăn mình không hét lên vì ngạc nhiên.

Mà người mất kiên nhẫn giống cô còn có cả Chu thị.

Khi những món đồ quý báu được người ta lấy từ trong két sắt ngân hàng đưa đến biệt thự họ Cát, rốt cuộc Chu thị cũng xé rách lớp mặt nạ cuối cùng, đứng bên ngoài cổng nhà la to uy hiếp: “Lâm Cẩn, cô đừng có đắc ý sớm. Có tin là tôi sẽ khiến mọi tai tiếng của cô và cháu gái nhà cô xuất hiện trên những tờ báo lớn nhỏ Thượng Hải này không!”

Tuệ Tế và Mật Thu kéo bà ta ra, bà Cát chỉ khinh bỉ nhìn bà ta, cười nói: “Bà có biết Lâm Cẩn tôi sống được đến ngày hôm nay là dựa vào gì không? Bà muốn trở mặt với tôi thì cứ việc, để xem Lâm Du vì bảo vệ cái bản mặt già chát đáng tiền nhất của mình mà sẽ làm gì! Bà cứ thử đi, để xem trong cái Thượng Hải không biết xấu hổ này có ai thắng được tôi.”

Sở Vọng đứng trên lầu lạnh lùng nhìn Chu thị, đột nhiên nghĩ, hẳn ngày xưa khi du học ở Nhật Bản thì bà ta cũng giống Doãn Yên hôm nay, được nhiều du học sinh theo đuổi như một bông hoa cao quý. Đáng tiếc gia cảnh sa sút, nghèo đến thảm thương, nên mới vội vàng giữ chặt Lâm Du không buông tay, nhờ có ông ta tài trợ nên mới thuận lợi tốt nghiệp.

Về sau biết trong nhà ông ta đã có vợ, nhưng lúc ấy Chu thị cũng đã mang thai. Dù chịu áp lực nặng nề, nhưng có lẽ bà ta vẫn tham lam của hồi môn kếch xù của bà Tô, Có lẽ bắt đầu từ lúc bà ta chịu cúi đầu lưu lạc đến Việt Nam, để cô nuôi dưỡng con trai con gái của bà ta, thì bà ta đã chú ý đến số tiền đó rồi.

Đáng tiếc bà ta đã tính sai, ở Pháp hưởng phúc mấy năm, đến khi về thì tới nửa cắc bạc cũng không có.

Mấy chục năm vắt óc tính toán, dốc hết tài sản của mình vào đó, quay đi ngoảnh lại hóa hư không, nếu là người khác thì cũng suy sụp thôi.

Không biết bà ta có thật lòng yêu Lâm Du hay không.

Cuối cùng Chu thị cũng sẵn sàng bất chấp, thật sự muốn đăng báo “tai tiếng kinh thiên động địa của cô và cô út”.

Đáng tiếc có vẻ chẳng ai màng đến vụ bê bối này cả, ngày hôm sau Sở Vọng dùng kính lúp tìm mãi mới thấy được mẩu tin này đăng trên một góc nhỏ của một tờ báo không tên không tuổi.

Cứ tưởng cô có thể đọc được những suy đoán dặm muối dặm mắm thế nào, nhưng nhìn đi nhìn lại cũng chỉ toàn mấy chuyện mà đến cô đã quên khuấy mất, trong đó bao gồm cả lần tranh chấp ở khách sạn Thượng Hải.

Quả thật lúc ấy có người chắp bút ghi chép lại toàn bộ cuộc nói chuyện, đáng tiếc bị cô đâm ngang nên đã giải tán trong không vui, sau chuyện đó bản ghi chép có sửa thế nào cũng rất khó coi.

Mà những người trong cuộc kia làm gì có ai muốn khoe khoang chuyện này? Danh tiếng của hai người bọn cô đâu quan trọng bằng những trụ cột trong văn đàn chứ.

Khéo có khi bản ghi chép đã bị xé nát rồi.

Duy chỉ có một tin đáng xem là chuyện tình yêu ngày xưa của bà Cát và ông Kiều.

Trong bản tin kia có tóm lược như sau: “… Tháng Chạp năm Quang Tự thứ 32, ‘vị thiếu gia kia’ từng đi thuyền xuôi nam, nói dối người nhà ngày về nước, cố ý kéo dài thêm ba ngày, một mình đến trường nữ sinh Thượng Hải nơi cô ba Lâm* đang đi học, lén lút hẹn hò…”

(*Cô ba Lâm ở đây tức chỉ bà Cát, không phải Sở Vọng.)

Sở Vọng lắc đầu, không biết ông Cát đã về trời bao nhiêu năm, ngay cả con gái của ông ấy cũng đã lập gia đình nhiều năm, ai còn quan tâm hồi trẻ bà Cát từng hẹn hò với ai.

À, có lẽ còn có bà Kiều.

Lại đọc báo tiếp, cô bất chợt nhớ đến một chuyện khác, ở một năm khác tại một nơi khác, cũng từng xảy ra chuyện giống thế này.

Không biết lúc rời khỏi đảo xa, bà Cát đã nhìn cô và Ngôn Tang với tâm trạng thế nào?

***

Sau sự vụ ồn ào của Chu thị, cô không có cơ hội đến nhà họ Lâm coi màn kịch ầm ĩ ra sao, nhưng lại may mắn được dịp nhìn thấy màn kịch xuất sắc của Doãn Yên.

Đó là đêm trước ngày Chân Chân rời khỏi Thượng Hải, bạn bè tụ tập ở quán rượu nhỏ của người Đức tổ chức tiệc chia tay cô ấy. Có cô, Di Nhã, Chers và vài ba người bạn cũ của Chân Chân, sáu bảy người gọi ba đùi heo quay to tướng cùng với mấy cốc bia thủ công, định bụng cùng cô ấy uống không say không về.

Tình cờ là trong quán rượu cũng có một nhóm khác đến, có lẽ do dự tiệc chưa chơi hết mình nên mới chuyển sang quán rượu náo nhiệt ấm áp này. Mà có lẽ ông trời biết duyên phận giữa mấy người họ vẫn chưa kết thúc, Diệp Văn Dữ cũng có mặt, ngoài ra còn bảy tám hạ sĩ quan của hội đồng khu.

Mới đầu không ai chú ý đến ai, chỉ mải mê chơi bời, lúc đám người kia đến thì Chân Chân cũng đã ngà ngà say.

Di Nhã cố ý kích Chân Chân: “Đợi tháng 2 này tôi với Sở Vọng kết hôn xong rồi cậu hẵng đi, nếu không một trong hai tụi tôi gả trước, sẽ không ai dắt được người kia lên kiệu hoa đâu.”

Chân Chân cười lớn, lúc nói chuyện suýt cắn phải lưỡi: “Thượng Hải không còn chuộng hôn lễ truyền thống nữa, trưng nghi thức Trung Hoa cũ của mấy người ra cho ai nhìn, người Anh hả?”

Di Nhã dùng tiếng Anh lớn giọng trêu lại: “Chers, anh nhìn đi, cứ hai ba câu là cậu ta lại châm chọc người Anh các anh không hiểu Trung Quốc, cậu ta đang uyển chuyển nói anh không hiểu cậu ta đấy, mà không dám nói thẳng ra.”

Vừa dứt lời, một trong mấy hạ úy bên kia nhận ra Chers, rối rít kéo đến hỏi thăm.

Chân Chân chẳng buồn nhìn ai, ngâm nga “Khúc ca lúc nửa đêm”, bảo người duy nhất biết nói tiếng Đức là Sở Vọng gọi phục vụ đến: “Chị muốn ăn xúc xích Thüringer với bắp cải tím ngâm muối!”

Trong quán dần có nhiều khách, cô vẫy tay gọi phục vụ mấy lần nhưng không được. Lúc đứng dậy đi tìm phục vụ, trùng hợp thấy Lancy, Doãn Yên và cô Ngụy mỗi người kéo một sĩ quan vào cửa.

Bên kia giới thiệu với nhau một hồi, lúc một người trong đó giới thiệu đến Diệp Văn Dữ thì nói, “Nhà anh Diệp kinh doanh ngày một phát đạt, gần như là số một ở miền nam.”

Doãn Yên nhìn Diệp Văn Dự, ánh mắt khác hoàn toàn khi nhìn người ngoài.

Có người hỏi: “Anh Diệp và cô Lâm không cần giới thiệu sao?”

Diệp Văn Dữ còn chưa mở miệng, Doãn Yên đã khoác lên vẻ điềm tĩnh gần như quyến rũ, nói bằng tiếng Trung mà ít người ngồi ở đó có thể hiểu được, “Tôi và anh Diệp từng quen nhau, chuyện kể ra cũng thú vị nhưng cũng thật đáng tiếc.”

Có người hiểu được tiếng Trung, lập tức dùng tiếng Anh trêu đùa: “Vậy chắc chắn phải phi phàm lắm!”

Doãn Yên cúi đầu, nhưng đuôi mắt cứ như có như không nhìn Diệp Văn Dữ mỉm cười, lại nói, “Anh Diệp, đã lâu không gặp, anh có khỏe không? Em vẫn thường nhớ đến anh.”

Sở Vọng dựa tường đứng trong bóng tối nhìn một hồi, thầm cười nhạt, quả đúng là vở kịch xuất sắc vẫn chưa hạ màn.

Đúng lúc này, Chân Chân ở đầu kia lại mượn men rượu ồn ào: “Tôi muốn xúc xích Thüringer và bắp cải tím ngâm muối!”

Nghe thấy âm thanh quá đỗi quen thuộc, cả Doãn Yên và Diệp Văn Dữ đồng thời ngoái đầu.

Sở Vọng mỉm cười bước ra, kéo phục vụ lại, “Một phần xúc xích Thüringer.”

Quay đầu lại, cô thấy Chân Chân giơ số “2”.

Cô mỉm cười bổ sung: “Hai phần!”

Phục vụ thân thiện gật đầu.

Mọi người ở bên kia đều nhìn sang.

Sĩ quan vừa nãy đến chào hỏi Chers còn chưa ngồi xuống đã hỏi: “Có phải đây là cô Tạ không?”

Lancy nói: “Cô Tạ kia ấy hả?”

Một người nói: “Sau hội thẩm sáu nước, mọi tờ báo lớn nhỏ đều đăng ảnh của cô ấy, làm gì có chuyện nhận sai?”

Sĩ quan ngồi bên cạnh Doãn Yên nói: “Không chắc lắm. Hay đi hỏi sếp Chers thử?”

Có không ít hạ sĩ quan nhiệt tình chưa được đào tạo chính thức về lễ nghi, nên lập tức có người chạy đến hỏi Chers, “Có phải đây là vợ của sếp Tạ không?”

Mọi người bên này nhìn Sở Vọng, gật đầu cười trêu.

Người nọ chạy về lớn tiếng tuyên bố: “Đúng là cô Tạ!”

Lập tức có người sửa lời: “Sai rồi, phải là Madam Tse.”

Sở Vọng không hiểu.

Chers cười nói: “Anh ấy không nói cho cô biết là mình về Hương Cảng nhận quân hàm sao? À, bây giờ tôi cũng phải gọi anh ấy là sếp rồi.”

Một người khác hỏi: “Miss Ngụy và miss Lâm sao thế, khó chịu trong người hay không thích uống bia?”

Lúc này Di Nhã cũng chú ý đến Diệp Văn Dữ và Doãn Yên, nhất thời nổi hứng, cố ý hỏi Chân Chân đang say: “Miss Tiết, cô không muốn trở thành cô Lawton thật hả?”

“Nếu có ngày Thượng Hải bị đánh mất, tôi cũng không thể trông cậy có người Anh chịu cùng tôi bầu bạn ở cái thành phố tối tăm không thấy mặt trời này được.” Chân Chân líu lưỡi nói tiếng Anh, nói rồi lại bỗng than khóc: “Chị cũng muốn có người hát ‘Khúc ca lúc nửa đêm’ với mình.”

Tiếng ồn trong quán rượu bỗng hạ xuống, tất cả mọi người đều nhìn sang.

Trong mắt Chers chỉ có Chân Chân. Anh nghiêm túc nhìn cô rồi bỗng thấp giọng hát một bài dân gian.

Là “Khúc ca lúc nửa đêm”.

Giọng của người Anh trầm khàn, nuốt âm trầm thấp, vô cùng quyến rũ.

Phục vụ người Đức đặt bia xuống, vỗ tay theo nhịp.

Chủ quán rượu lấy Ukulele ở trong nhà ra, vui vẻ đệm đàn cho Chers.

Trong quán rượu ấm áp nhẹ nhàng là bầu không khí cực kỳ bình dị.

Di Nhã và Sở Vọng suýt rơi nước mắt vì cảm động.

Hốc mắt Chân Chân đỏ bừng, ngẩn ngơ nhìn Chers.

Chers tiếp tục hát khẽ dù sai nhịp.

Bỗng Chân Chân òa khóc: “Nhưng không kịp nữa rồi, cùng lắm em chỉ có thể yêu anh đến thứ Sáu.”

Chers dịu dàng lau nước mắt cho cô.

Di Nhã không ngờ Chân Chân cũng thích người Anh kia đến mức ấy, chợt hối hận vì đã cố ý khích cô. Di Nhã kéo Sở Vọng, con tim thít lại.

Sở Vọng bỗng hỏi: “Thứ Sáu tới đây là ngày mấy?”

Chers nói: “Ngày 25.”

Sở Vọng lại hỏi: “Bao giờ anh Tạ về Thượng Hải?”

Bên kia có người cười đáp: “Trong mấy hôm nay thôi!”

Con tim Sở Vọng đập thình thịch, lớn tiếng đề nghị: “Nếu trước ngày 25 ký hòa ước trả lại tô giới, hội đồng khu giải tán, bãi bỏ quyền phán quyết của lãnh sự, toàn bộ quân đội của sáu nước rút lui, Thượng Hải sẽ không bị chiếm đóng, Thượng Hải vẫn là Thượng Hải của người Trung. Vậy chị có chịu chờ đến lúc đó cùng Chers đến Anh không?”

Nghe cô nói một câu không đầu không đuôi, Chân Chân đột nhiên sững sờ.

Bên kia có không ít nam nữ nghe thấy, cho rằng cô đang nói chuyện hài nên cười phá lên.

“Đợi sếp quay về thì ở tô giới này không người Anh nào có quyền quyết định lớn hơn anh ấy cả.” Chers nói to, mấy người bên kia lập tức im lặng. Chers nhìn chằm chằm Sở Vọng, nói đầy chân thành: “Tôi tin anh ấy.”

Sở Vọng cũng không biết lấy đâu ra tự tin với Tạ Trạch Ích. Lúc này nhìn Chers, cô cứ có cảm giác như anh ta đã bị Tạ Trạch Ích tẩy não.

Đầu cô rối tung, bụng nghĩ, người Anh ở tô giới điên hết rồi, chắc chắn cô cũng điên theo luôn rồi.

Chân Chân mê man đáp lời, dù kết quả cuối cùng có ra sao thì nhất định cô cũng không thiệt: “Nếu đúng là như vậy, thì chị sẽ ném hết hành lý xuống sông Hoàng Phổ.”

Di Nhã cười phì: “Thế thì đến ngày tiễn cậu đi, tôi phải dẫn theo hai thủy thủ để ứng biến thôi.”

Chers nhân cơ hội đó ôm chầm Chân Chân mà hôn.

Mọi người trong quán rượu cùng hò reo.

Diệp Văn Dữ đột nhiên đứng dậy, đi lấy áo khoác.

Doãn Yên hỏi: “Anh Diệp đi đâu thế?”

Mọi người bên này nhìn cô ta, cô ta tự biết mình lỡ lời, bình tĩnh tháo đồng hồ đeo tay ở dưới gầm bàn: “Anh làm rơi đồ này.”

“Không phải đồ của tôi.” Diệp Văn Dữ biết cô ta có ý gì nhưng vẫn lạnh lùng từ chối, sau đó nói tiếng Anh với mọi người, “Xin lỗi, vợ tôi còn đang chờ ở nhà.”

Nét mặt Doãn Yên cứng lại.

Anh ta mặc áo khoác đi thẳng ra ngoài. Lúc đi ngang qua bàn bên này, anh ta giữ nhân viên lại: “Hóa đơn của bọn họ cứ tính cho tôi.”

Rồi anh ta đẩy cửa đi vào bóng đêm, không hề ngoái đầu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.