Dưới Nắng Trời Châu Âu

Chương 12: Pháp: PARIS – Thỏa niềm mơ ước




TÔI CÓ MỘT NGƯỜI BẠN sau khi xem xong những bức hình tôi chụp ở Paris về đã nói với tôi rằng mơ ước lớn nhất của bạn ấy là được một lần đến với Paris, được một lần chạm tay vào tháp Eiffel, được đi trên Đại lộ Champs Elysee và được thưởng thức những món ẩm thực Pháp tuyệt vời. Lúc đó tôi đã mỉm cười. Bởi nhiều năm về trước, khi còn là cô nữ sinh ngồi dưới mái trường phổ thông trung học ở Đức và học tiếng Pháp suốt sáu bảy năm trời, tôi cũng mơ một ngày được đặt chân đến thành phố Paris phồn hoa và tráng lệ này. Những mãi đến mùa thu năm 2009, Mắm tôm mới giúp tôi thực hiện được ước mơ của mình khi cùng tôi rong ruổi giữa nắng gió Paris.

Sau này khi đã đi qua hết những con đường trong những giấc mơ của mình, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về Paris. Tôi nhớ buổi sang đầu tiên khi ăn xong bữa sáng, tôi nhất định đòi Mắm tôm dẫn ra cây cầu Mirabeau, chỉ vì năm lớp 12 trong giờ tiếng Pháp, cô giáo của chúng tôi đọc và phân tích Le Pont Mirabeau của Apollinaire. Tôi đã ấn tượng với Mirabeau từ đó, ấn tượng về một mối tình buồn, ấn tượng với cách ví von về tình yêu của tác giả để rồi nhận ra rằng  trên đời này thật ra chẳng có gì là tồn tại mãi mãi. Tất cả đều trôi đi theo dòng chảy của thời gian, chỉ có kỉ niệm là ở lại. Như là mối tình xưa đó của ông, dù đã qua rồi nhưng có một điều gì hình như vẫn sống.

Tôi nhớ cả những ngày lang thang ở Quảng trường Concorde nằm ở đầu Đại lộ Champ Élysee có cột đá Obselisque ở giữa trung tâm. Nghe nói đó là món quà mà vương quốc Ai Cập đã tặng nước Pháp vào năm 1831. Từ quảng trường này, đi qua khu vườn Tuileries là đặt chân tới Đại lộ Champ Élysée – con đường mà hơn 60 triệu người Pháp cho rằng đó là con đường đẹp nhất thế giới. Đại lộ này được bao bọc bởi một không gian xanh với những hàng cây nối dài. Cái cảm giác được ngồi trong quán cà phê nhâm nhi, ngắm nhìn dòng người qua lại tạo nên một mùa thu Paris vô cùng quyến rũ.

Tôi nhớ cảm giác trèo qua mấy trăm bậc thang để leo lên Khải hoàn môn (Arc de Triomphe). Với độ cao 111m, từ phía trên này bạn có thể ngắm những kỳ quan của Paris từ nhiều hướng. Phía Bắc là thánh đường Sacre Coeur, phía Nam là điện Panthéon, phía Đông là nhà thờ Đức Bà Paris và phía Tây là tháp Eiffel. Thật khó để diễn tả được cảm giác lâng lâng khi thả lỏng mình giữa toàn cảnh Paris và tôi nhận ra rằng nơi đây cũng có những góc nhìn xuống Paris rất đẹp chứ không nhất thiết phải xếp hàng mấy tiếng đồng hồ để trèo lên tận tháp Eiffel mới có thể chiêm ngưỡng Paris như hàng trăm bạn trẻ khác ngoài kia đang làm. Khi chúng tôi chạm đến bậc thang cuối cùng, Mắm Tôm vừa đi vừa giảng giải cho tôi về lịch sử: “Khải hoàn môn này được Napoleon quyết định xây để vinh danh quân đội, ngay dưới nơi này có một vị trí nhỏ dành để tưởng niệm một chiến sỹ vô danh người Pháp đã hy sinh trong trận chiến.”

Tôi thậm chí nhớ cả cái mùi tàu điện ngầm ở Paris trong những ngày lang thang nơi đó. Kì lạ chưa! Nếu như London có một hệ thống tàu điện ngầm lâu đời nhất và Copenhagen có hệ thống tàu điện ngầm vô cùng hiện đại thì Paris lại là nơi có hệ thống tàu điện ngầm dày đặc nhất thế giới. Khi đã ngồi trong tàu điện ngầm thì người giàu, người nghèo tất cả đều như nhau. Bạn có thể gặp một người rách rưới hoặc bạn cũng có thể “chạm trán” một doanh nhân.

Và tất nhiên, tôi nhớ cả những khu vườn Paris rực rỡ sắc màu hoa với những buổi chiều cùng Mắm Tôm đi dạo. Tôi nhớ khu vườn Tuileries, nhớ cả những chiếc ghế bên cạnh vòi phun nước mà tôi đã ngồi đó cả giờ đồng hồ, không chịu nhấc mông đứng dậy đến nỗi Mắm Tôm phải thở dài ngao ngán. Tôi nhớ cả khu vường Luxembourgh đẹp ơi là đẹp, với những hàng cây xanh thẳng lối được cắt tỉa rất công phu, với những công trình điêu khắc nằm rải rác, với những vườn hoa đủ màu xanh đỏ tím vàng, thế mà trong buổi sáng sớm tinh mơ khi lang thang trong đó, tôi chỉ toàn nhìn thấy những cô gái, những cậu trai nằm trên thảm cỏ đọc sách, ôn bài. Tôi như thấy mình đang sống lại tuổi 15 thuở nào, nhớ lại những câu thơ mình từng viết trong mùa thu cũ cho một người bạn đặc biệt học cùng lớp năm xưa:

“Có phải vì anh

Hay là vì em

Mà tình yêu thành dang dở

Hay lỗi tại mùa thu

Đưa chúng mình xa cách?”

Từ Khải hoàn môn, chúng tôi đi theo con đường dẫn về tháp Eiffel. Trên đường đi, tôi hỏi Mắm Tôm: “ Đố anh biết tại sao tháp lại có tên là Eiffel?” Anh chàng nhìn tôi rồi buông một câu mà không buồn suy nghĩ: “Anh không biết!”. Thế là tôi lai thao thao: “Này nhé, tháp Eiffel được lấy tên từ người kỹ sư Gustave Eiffel bởi ông là người đã phát minh ra ý tưởng này, nhưng người biến ý tưởng này thành hiện thực lại là một người khác. Dẫu vậy người ta vẫn biết ơn người đã sáng lập ra công trình này và đặt luôn tên ông thành tên tháp.” Mắm Tôm sau khi nghe tôi “thuyết trình” xong quay sang tôi hỏi: “Em đọc khi nào và đọc ở đâu thế?”  “Hi hi, đọc trên tàu hôm qua khi anh ngủ và đọc trong cuốn sách du lịch anh mua đấy.”

Khi đặt chân mình bên cạnh tháp, lòng tôi mang một cảm giác rất bồi hồi. Xung quanh là khách du lịch với đủ mọi màu da, những đôi tình nhân tay trong tay lặng lẽ trao nhau những nụ hôn nồng ấm. Tôi chọn cho mình một góc khuất, đứng ở đó và nguyện cầu cho mình, cho tất cả những người trên thế gian này sẽ yêu và được yêu. Vì suy cho cùng thì, như Trịnh Công Sơn nói “cuộc sống không thể thiếu tình yêu”, vì đó là thứ làm cho ta hạnh phúc nhất mà cũng đau khổ nhất. Bất chợt tôi nhớ tới mối tình mong manh như gió thoảng đã qua của mình để rồi nhận ra rằng hình như mình vẫn còn đang giữ một tình yêu không có thực.

Dòng cảm xúc trôi theo những bước chân đưa tôi tớ Notre Dame, ánh nắng chiếu vàng óng hắt lên tháp đôi. Trong khi Mắm Tôm mải mê chụp ảnh, tôi chăm chú đứng nhìn dòng người qua lại, các lớp người từ trẻ đến già, từ Á đến Âu nô đùa, thư giãn, ngắm nhìn các trò thú vị trên cầu. Trẻ em thì cho chim ăn, những đàn bồ câu bay phấp phới giữa bầu trời. Tự nhiên tôi nhớ tới tuổi thơ của mình, nhớ tới tuổi thơ của những em nhỏ ở miền quê lam lũ. Có lẽ, ước mơ của chúng chẳng phải là một lần đặt chân đến Paris để cho bồ cầu ăn đâu, ước mơ của chúng giản dị và bình thường lắm: Thoát khỏi đói nghèo thôi! Tôi kể cho Mắm Tôm nghe điều đó, anh quay sang nhìn tôi bảo: “Em lạ thật, đi chơi thì tận hưởng đi, sao cứ nghĩ về những điều đó. Thương chúng thì làm điều gì đó sau này cho chúng chứ không phải nghĩ tới chúng bây giờ.” Tôi lủi thủi bước sau anh rồi “gạ” anh về quận 13 ăn phở. Nghe nói ở đó nổi tiếng với ẩm thức Việt Nam. Là một người yêu nước  Việt Nam và cũng đã từng đến Việt Nam vài lần, rồi phải long với Phở và Bún Chả nên khi nghe tôi đề nghị đi ăn tối ở quận 13, anh chàng hưởng ứng nhiệt liệt và mời tôi luôn bữa tối hôm đó. Chúng tôi đáp tàu điện ngầm tới nơi mà người Paris hay gọi là “phường Châu Á” và ghé vào một quán ăn với tấm biển là nhà hàng Việt Nam, nhưng lại không hề có một người Việt nào. Mỗi đứa gọi một tô phở với vài ba miếng thịt và mấy lọn rau thơm. Khi người phục vụ đặt tô phở lên trước mặt mà tôi vẫn chẳng thấy mùi thơm bốc lên như hồi còn được ăn ở Việt Nam. Nhưng vì đói nên cả hai vẫn cắm cúi ăn, ăn xong anh chàng phàn nàn về đồ ăn ở đây, nào là anh đã ăn phở ở nhiều nơi nhưng không nơi nào có thể sánh bằng phở vỉa hè ở Việt Nam. Tôi cũng thất vọng không kém gì anh, có lẽ tôi quá ảo tưởng khi phải đòi hỏi rằng cái quận 13 danh tiếng ở Paris ấy phải thật hoàn hảo với những món ăn đậm chất Việt Nam và sự sạch sẽ trong nhà hàng ở Pháp. Tôi hỏi đùa Mắm Tôm rằng nếu một dịp nào đó trở lại Paris, anh có ghé lại quận 13 để ăn một tô phở Việt Nam nữa không, anh tủm tỉm cười thay cho câu trả lời và tôi hiểu sự im lặng đó nói lên điều gì.

Ngày cuối cùng ở lại Paris, chúng tôi tới thánh đường Sacré Coure nằm trên đồi Montmartre. Phải leo lên mấy trăm bậc thang tôi mới lên được phía trên này, những con đường dốc trải dài, những ngôi nhà cổ kính đẹp như tranh. Sacré Coure là nhà thờ Thiên Chúa giáo nổi tiếng ở Paris với cấu trúc rất đẹp và công bằng mà nói, nơi đây chính là trái tim của Paris. Tôi yêu những giờ phút ngồi trên những bậc thang hay những thảm cỏ nhắm mắt và đắm chìm trong những giai điệu của những người nhạc sỹ vô danh bên đường phố hay đơn giản là lang thang đi xem những nghệ sỹ vẽ tranh đường phố ở Quảng trường Tertre nằm ngay sau Sacré Coure. Chiều tàn chúng tôi dành thời gian ngắm nhìn Paris ở một góc khác, nơi không có chỗ cho sự sành điệu nữa mà là những mảnh đời trái ngược khiến tôi thẫn thờ và trở nên suy tư hơn. 

Tôi rời Paris vào một chiều nắng đẹp với bao ý nghĩ ngổn ngang. Cuối cùng thì tôi cũng đã thực hiện đượ ước mơ được đặt chân tới kinh thành ánh sang một lần. Trong đầu tôi hiện ra câu hỏi của Mắm Tôm khi chúng tôi cùng đi dạo, anh đã hỏi tôi rằng: “Nếu được lựa chọn, em có muốn sống ở Paris không?” Tôi đã đăm chiêu rất lâu rồi bảo đùa anh: “ Vứt em ở đâu em cũng sống được mà.” Ừ, thì đúng là như thế nhưng nếu phải chọn để sống cuối đời, có lẽ tôi sẽ không chọn Paris. Bởi tôi không thích những ngày dài đi đâu cũng phải chui vào tàu điện ngầm, có những đoạn bạn có thể chiếm ba, bốn ghế cho riêng mình, có những đoạn người chen chúc nhau đến nỗi bạn không thể cựa hay nhúc nhích thêm một bước nào được nữa. Tôi không thích lắm cái hối hả triền miên và quá nhiều mảnh đời trái ngược nhau ấy. Khác với Berlin hay những thủ đô khác của Châu Âu, sự giàu nghèo ở Paris được phân chia một cách rõ rệt. Tôi đã từng lạc vào khu phố giàu có với những chiếc đồng hồ giá hàng trăm nghìn euro để rồi tần ngần vì mình… nghèo kiết xác mà cứ lân la tới đó. Nhưng rồi khi lạc vào khu phố nghèo, nơi mà mỗi chủ nhật người ta bán đó second hand dưới gầm cầu, thậm chí một cái áo rách hay một cái thắt lưng đã ngả màu cũng được đem ra để… bán đấu giá, để rồi lúc đó tôi chợt nhận ra rằng mình đang là một con người giàu có.

Ở Paris, mọi thứ đều có thể, người giàu sống được thì người nghèo cũng bám trụ được. Cơ hội làm giàu và được dấn thân ở thủ đô kiều diễm này khá cao, nhưng nếu bạn chỉ là một người bình thường hay nghèo khổ bạn cũng có thể tồn tại được. Đối với nhiều người, tồn tại là được sống. Thế là đủ. Nhưng đối với tôi thì khác! Ừ thì là sống, nhưng sống như thế nào mới là điều quan trọng. Tôi sợ một cuộc sống bon chen, đắt đỏ và cũng không đành lòng nhìn những người vô gia cư nghèo khổ mà ở bất cứ ngõ ngách nảo ở Paris mà mình cũng có thể nhìn thấy. Nhưng tôi vẫn thích trở lại Paris, được thả mình trong những khu vườn, được đứng trên những cây cầu bắc qua dòng sông Seine hiền hòa để cảm nhận được sự yên bình toát ra trong tâm hồn nhỏ bé. Nhiều người bảo tôi yêu văn thơ nên tâm hồn lúc nào cũng treo ngược ở trên mây. Biết làm sao được, miễn biết chân mình đang chạm ở dưới đất là được mà, có phải không Paris?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.