“Bố của em?”. Tiêu Hiểu Bạch giật mình vì câu nói ấy, tại sao mà đến bố của mình cũng không nhận ra.
“Không phải, không phải, không phải như cái vẻ của anh tưởng tượng ra đâu! Ôi trời, tôi không biết phải nói thế nào đây, rối óc quá”. Cô gái nhận ra vẻ ngạc nhiên của Tiêu Hiểu Bạch nên nhất thời rối trí, cả thân hình run lên bần bật, không biết là do hồi hộp hay do xúc động.
“Đừng xúc động quá, bình tĩnh rồi nói, suy nghĩ xong hãy nói”. Tiêu Hiểu Bạch đứng dậy rót một cốc nước nóng, đặt trước mặt cô ta.
Cô gái hay tay nắm chặt cốc nước, tựa như muốn dùng sức nóng của nước để chấn tĩnh lại cơ thể đang run, cô từ từ đặt cốc nước lên miệng, bắt đầu uống từng ngụm, từng ngụm nhỏ, ánh mắt đờ đẫn nhìn lên mặt bàn trống không. Cô uống gần hết nước trong cốc rồi mới bắt đầu kể lại chuyện của mình.
Cô gái tên là Lý Kha, học sinh nội trú của Học viện công nghệ thành phố Thiên Nam. Khi cô ở trong ký túc xá, xem truyền hình biết được tin tức trên, theo cách nói của cô, ảnh của người đàn ông đưa tin trên truyền hình đó rất giống bố cô, nhưng cô không dám xác nhận, vì từ khi cô biết nghĩ thì khuôn mặt của người cha luôn luôn ám ảnh cô giống như trong cơn ác mộng, chính vì thế cô không dám ngẩng đầu trước các bạn cùng lớp và cùng trang lứa, đó cũng là nguyên nhân chính tạo nên cho cô tính cách mặc cảm, tự ty.
Bố cô là Lý Hồng Quân, làm nghề buôn bán. Ngay từ khi cô bắt đầu biết nhớ, thì bố cô là người nhìn rất xấu, trên khuôn mặt bố có những vết bỏng rất nặng. Khi còn nhỏ, cô không nhận biết được bố xấu, nhưng từ khi vào học tiểu học, ở trường, cô đã bị chúng bạn cười nhạo vài lần là “con gái quỷ sa tăng”, cô là người rất nhạy cảm mà lòng tự tôn bị người ta chà đạp, cô trở nên mặc cảm, tự ty, cô cũng đem lòng oán hận chuyển vào ngay bố mình.
Từ đó, càng ngắm nhìn bố, cô càng thấy không thuận mắt, về sau đã đến mức cô không chuyện trò với bố nữa, mẹ cô muốn khuyên giải, nhưng cứ mỗi lần mở miệng là cô lại không ăn cơm, không nói chuyện để chống lại. Việc cứ như vậy, liên tục diễn ra gần 10 năm trời, cho tới 3 năm trước trong một lần bố ra đi buôn bán rồi mất tích luôn.
Trong những ngày sau đó, không thấy bố trở về, trong lòng cô khắc khoải, một lần sau bữa cơm, có lẽ do quỷ thần xui khiến, cô đã hỏi mẹ tại sao mặt bố đầy những vết bỏng mẹ mới kể cho cô nghe chuyện về người bố.
Trước kia bố cũng là nhà giáo như mẹ, nhưng bố là giáo viên tiểu học, mẹ thì dạy sơ trung, khi còn trẻ bố cũng là người khá đẹp trai, tuy không phải bậc tuấn tú, nhưng cũng vào hàng đẹp trai, nếu không thì người đẹp như mẹ sao có thể yêu thương bố được.
Khuôn mặt bố bị tàn phá là do một lần trường học bị hỏa hoạn, lúc đó thành phố Thiên Nam chưa phát triển như bây giờ, chỉ là một phố huyện, còn trường học là ở ngoại ô, cũng rất hoang sơ hẻo lánh. Lúc ấy, điện thiếu nghiêm trọng, mỗi ngày chỉ có vài giờ, nhất là về buổi tối cần có điện để chiếu sáng thì lại không được cấp điện.
Lớp 5 tiểu học buổi tối phải lên lớp tự học, nhưng vì thường xuyên mất điện nên học sinh phải tự mang theo nến đến lớp, nhưng có học sinh nghèo khó không mua nổi nến thì phải tự chế ra chiếc đèn dầu hỏa. Một lọ thủy tinh có chiếc nắp sắt, đục lỗ ấn vào đó một cái ống nhỏ cuộn bằng sắt tây, luồn một ít dây sợi vào làm bấc, trong lọ chứa dầu hỏa, thế là đã có một chiếc đèn dầu thô sơ.
Có ít trường hợp, đến dầu cũng không mua nổi thế là bố bỏ tiền túi của mình, mua cả thùng dầu hỏa đặt vào góc nhà sau cánh cửa lớp, không ngờ vì có thùng dầu đó nên chuỗi ác mộng đã xảy ra.
Lần ấy, dầu trong đèn của một học sinh đã gần cạn, cần phải lấy trong thùng đổ vào đèn, nhưng cậu học sinh lại sợ tốn một que diêm -- Diêm cũng cần phải tiền, 5 xu một hộp, thế là cậu ta vặn chiếc nắp lọ vẫn để nguyên bấc đèn đang cháy để đổ dầu. Kết quả thì không nói cũng rõ, một cậu bé, sức còn yếu, một tay nghiêng thùng dầu thế là cả thùng dầu đổ lênh láng ra lớp học, nắp lọ có bấc đèn đang cháy rơi xuống, lửa bùng cháy khắp lớp học. Khi đó đang là mùa đông, để giảm lạnh bọn trẻ đã đóng cửa rất chặt, một bầy trẻ nhìn thấy lửa đều sợ đờ ra, đến khi lửa bùng lên làm cháy dãy bàn ghế phía trước và thân cây cao lương phủ trên nóc chúng vẫn không biết làm gì.(Thời kỳ ấy nhà ngói đều phủ thân cây cao lương khô trên mái)
Khi lửa đã bùng cháy to, bố đang ngồi soạn bài trong phòng mình, nhìn thấy lửa cháy, đầu tiên sững lại, tiếp đó vừa gọi người chữa cháy vừa xông vào trong biển lửa, lôi từng đứa trẻ đang nấp ở dãy phía sau ra, ôm chúng vào lòng rồi lao ra ngoài. Khuôn mặt của bố bị bỏng chính là ở lần lao vào trong biển lửa ấy. May mắn nhất là bọn trẻ đều an toàn.
Cũng vì sự việc này, bố được bình là giáo viên ưu tú, khi đó còn là Phòng giáo dục huyện Thiên Nam cấp cho bố bằng khen và một khoản tiền thưởng. Năm đó bố được thêm một tháng lương ngoài tiền lương.
Nhưng đến năm thứ 2, bố phải rời bỏ ngành giáo dục vì khuôn mặt sau khi bị bỏng nặng làm người ta thực sự khó chấp nhận, các thày cô giáo thì còn dễ nói, học sinh thì toàn là trẻ con, đến học sinh khóa mới, vừa nhìn thấy bố chúng đã kêu ầm lên không chịu đi học, phụ huynh thì chẳng biết làm gì, nhà trường thì càng khó xử. Lãnh đạo trường hết sức lúng túng, bố vì việc công mới bị thương, nếu để bố thay đổi công việc thì thực quá mất tình người.
Bố nhận thấy cái khó của trường nên chủ động viết đơn xin nghỉ việc, yêu cầu rời khỏi ngành giáo dục. Sau khi bố rời khỏi trường, bắt đầu bôn ba tìm sinh kế, ban đầu chỉ buôn bán nhỏ về lương thực, sau đó vào thời kỳ cải cách mở cửa, bố liền xuống phía nam bước vào nghề buôn bán quần áo.
Tiêu Hiểu Bạch chỉ im lặng lắng nghe, câu chuyện về người cha của Lý Kha đã làm anh thực sự cảm động. Bố của Tiêu Hiểu Bạch cũng là một nhà giáo, bố anh cũng mang theo tính nhân từ và tinh thần trách nhiệm của một người cả đời dạy học, trong ký ức của anh, ở nhà thường xuyên có những bé học sinh bẩn thỉu đến ăn cơm, đó là những học sinh rất nghèo do bố đưa về.
“Có phải tôi ngốc nghếch quá không? Bất hiếu quá không? Tôi đã không biết tự hào vì có một người bố tốt như thế mà lại ghét bỏ ông, căm giận ông”. Lý Kha nói đến đây đôi mắt đã đỏ hoe.
“Lúc còn nhỏ chưa biết suy nghĩ, người nào cũng phải trải qua: phản nghịch và ngỗ ngược là những sai lầm mà ai cũng từng mắc”. Tiêu Hiểu Bạch nhìn thấy gói khăn giấy của Lý Kha đã dùng hết liền lấy trong túi ra một gói, nhè nhẹ đẩy ra cho cô.
“Cám ơn anh”. Lý Kha đón lấy túi khăn, rút ra lau nước mắt nước mũi.
“Cô đã nói xong chuyện, nhưng tôi chưa thấy nói đến có mối liên hệ gì giữa tấm ảnh và bố cô”. Tiêu Hiểu Bạch do dự chốc lát rồi nói ra nghi vấn của mình.
“Trong ký ức của tôi, lúc nào cũng thấy khuôn mặt bố tôi đầy những vết sẹo, nhưng sau ngày bố mất tích, tôi đã hỏi mẹ và được mẹ kể lại câu chuyện này, mẹ còn đưa cho tôi xem ảnh bố thời còn trẻ. Suốt đời tôi không thể quên được dáng vẻ của bố. Bố còn trẻ trông anh tuấn lắm, nụ cười rạng rỡ dưới ánh mặt trời. Không ngờ một người bố tốt như vậy lại bị con gái mình ghét bỏ đến suốt 10 năm”.
Lý Kha ngừng lời, lau nước mắt vừa tuôn ra, rất lâu mới nói tiếp: “Ảnh của bố tôi thời trẻ rất giống với tấm ảnh phát trên truyền hình, mà bố thì đã mất tích 3 năm nay, bặt vô âm tín. Tôi nghi, phát hiện của các anh chính là bố tôi. Nhưng tôi lại không dám tin và tôi cũng mong rằng người đó không phải bố tôi, cho nên tôi đã giấu mẹ lẻn đến đây, mong được biết rõ.