[Dịch]Hoàng Đình

Quyển 2-Chương 13 :  Nhìn con sóng phản chiếu thế gian




Lão già nhìn qua lớn tuổi hơn người thanh niên thanh tú kia đến vài lần, thế nhưng vẫn gọi y là đại ca, nghe có chút quái dị. Có điều, chuyện thế này lại vô cùng bình thường trong giới tu hành. Người thanh niên thanh tú này vốn là một người đọc sách chốn nhân gian, chỉ chuyên đọc kinh thư thánh hiền Nho gia. Sau trong nhà y gặp đại biến, bản thân gặp cơ duyên xảo hợp mà bước lên con đường tu hành. Y đã đi vào rất nhiều sơn môn, bái lạy rất nhiều thầy, cuối cùng chiếm núi Đông Lăng xưng vương, kết bạn với đám yêu.

- Với linh bảo này, nếu không phải trả giá quá lớn mà có thể đoạt được thì ai không động tâm chứ? Ngươi chỉ cần chú ý khu động Cửu Cung Bát Quái trận là được. Nếu nàng ta phá được trận, thì ngươi cứ để nàng ta tùy ý rời đi. Nếu không, sao chúng ta có thể để mặc hai kiện linh bảo biến mất trong màn mưa gió kia được?

Tuy vẻ ngoài y có chút thanh tú, nhìn không có điểm nổi trội, nhưng sau khi xuất hiện ở nơi này có thể khiến người khác gọi là đại ca, hẳn phải có điều đặc biệt. Lão Mạc không trả lời, chỉ biến mất trong màn mưa gió. Sau một lúc, năm người nơi đây, chỉ còn lại hai người đứng đó.

Thư sinh này tên là Trương Chính Lăng, từng tìm hiểu vô số tiên sơn, học vô số thuật pháp, thế nhưng chỉ có bốn người đứng cùng y mới biết được thần thông chân chính tạo thành một thân bản lĩnh của y. Thần thông này có tên là Khu Thần Cản Sơn (Xua thần đi săn)

Bên cạnh Trương Chính Lăng lúc này là một vị thần. Có điều lại là thần linh bị người ta phá mất thần vực nhưng may mắn gặp cơ duyên nên không chết, trở thành một vị thần linh tự do. Khi gã gặp Trương Chính Lăng thì bị y thuyết phục, cùng kết bè với ba người khác trong núi Đông Lăng làm thành đạo tràng tu hành, cùng xưng là Đông Lăng ngũ thánh.

Mưa gió vẫn như thế. Không biết từ khi nào lại có thêm hơi nước dày đặc trong màn mưa, cho dù người tu hành cũng không nhìn thấy rõ được. Chỉ là những kẻ này đều đang đặt toàn bộ chú ý lên đèn Lưu Ly Định Thần và Quảng Hàn kiếm của Nhan Lạc Nương, cho nên nhất thời không chú ý tới.

***

Thế gian này, chung quy cũng không thoát khỏi một chữ “Duyên”.

Duyên đến, nước lửa có thể tương dung. Duyên diệt, hồn phách có thể chia lìa.

Vạn vật, chung quy cũng không thoát khỏi hai từ “Thời Vận”.

Thời đến, như được cả trời đất trợ lực. Hết thời, anh hùng cũng không thể tự do.

Trần Cảnh không có lý giải sâu đối với cơ duyên và thời vận. Hoặc có thể nói hắn căn bản chưa từng nghĩ tới vấn đề này. Bởi những thứ đó qua sâu xa, khó có thể nắm bắt được. Mà hiện tại, hắn đã như quên lãng hết mọi thứ. Hắn bắt đầu lại ngồi trước cửa miếu Hà Bá, thế nhưng trong mắt Hồng đại hiệp thì hắn như một đám khói mỏng, không có lấy chút tư tưởng hay chút ít sinh mệnh. Nhưng cảm giác lại hoàn toàn khác với lần hắn ngồi giảng đạo trước miếu trước kia. Lúc đó Trần Cảnh cũng là âm thần, nhưng Hồng đại hiệp lại biết rõ Hà Bá gia đang ở đó, là một dạng như mắt nhìn thấy, lòng cảm giác được.

Hiện tại thì không phải, mắt nhìn thấy, nhưng trong lòng nó lại bảo nơi đó không có gì cả, chỉ có không khí mà thôi. Đó là loại ảo giác cực kỳ mâu thuẫn. Tất nhiên lúc này Trần Cảnh không biết bản thân mình có biến hóa thế nào, hắn đang chìm vào trong trống rỗng, dung nhập vào trong con sóng.

Một con bướm hạ xuống một gợn sóng, tựa như đáp xuống một đóa hoa trong bụi hoa. Gợn sóng cuồn cuộn lao tới từng đợt, con bướm lại không chút động đậy, vẫn luôn đứng ngay một chỗ nơi Tú Xuân loan đó. Không thấy nó động, nhưng cũng không bị cuốn trôi theo con sóng.

Lúc này tâm cảnh Trần Cảnh như sóng lớn của sông Kinh Hà này. Luôn chảy xuôi xuống một cách vĩnh hằng bất biến, nhưng lại mang theo an tĩnh khác thường. An tĩnh đến mức hắn có thể nghe được tiếng cá thở ra từng bọt khí nhỏ, đến mức hắn nghe được từng âm thanh khác nhau của từng con sóng vỗ về vào bờ. Chỉ là những thứ đó cũng chỉ như đi ngang trước mặt Trần Cảnh, không lưu lại chút vết tích nào trong lòng hắn.

Trong đầu hắn chảy xuôi tất cả những sở học và những thứ từng đọc được trong tàng kinh của núi Thiên La, dung nhập cả vào trong con sóng nước. Trong lòng hắn cũng cuồn cuộn từng gợn sóng dâng trào, hình thành nên những con sóng rồi lại trở nên yên tĩnh lại. Những gợn sóng đó không phải là sóng nước sông, mà là các loại ý niệm đạo lý, các loại chân ngôn phép thuật. Trong đó cũng có những thứ không tính là cao minh như “Thiên La Tiếp Dẫn quyết”, có “Thần Du Tinh Không quyết” chuyên tu nguyên thần, đến cả “Tế Kiếm Tâm kinh” cũng dung nhập vào gợn sóng đó.

Những phương thức tế kiếm sau khi kiếm hóa hình trong “Tế Kiếm tâm kinh” như dung pháp, chủng thần, kết thai, sinh linh cũng dần hiện ra trong con sóng nước. Lại có cả “Thiên Yêu hóa hình thiên” và “Vu chú” của Vu tộc cũng có mặt trong sóng nước cuồn cuộn.Tuy mỗi gợn sóng hiện ra hoàn toàn khác nhau, nhưng cũng vẫn nằm trong một dải sóng nước dài liên miên không dứt. Từng gợn, từng gợn sóng, nổi lên rồi lại chìm xuống, dung hợp, va chạm, hòa quyện vào nhau.

Tu hành, tu hành. Tu chính là pháp thân nơi trần thế, tu cũng chính là để tâm phản chiếu lấy trời xanh.

Pháp môn trên thế gian này vốn là thứ chưa bao giờ thiếu thốn qua, nhưng truyền thừa tới lúc bước vào trường sinh lại đột nhiên đứt gãy. Như thể một người đứng ở bờ bên này sông Kinh Hà, có thể nhìn thấy được bờ sông bên kia, thế nhưng lại không thể đi qua được bởi vì đã không còn cầu bắc qua sông. Trải qua ngàn năm quanh co và tìm kiếm, cuối cùng mọi người mới xác định được cây cầu nối tượng trưng cho con đường đại đạo đã biến mất. Rồi bọn họ cũng giật mình bừng tỉnh, có thể không cần có cầu kia. Vì rất nhiều năm trước, mặt sông vốn không có cầu bắc ngang qua, kẻ nào muốn qua sông đều phải thả mình bơi qua con sóng nước liên miên cuồn cuộn đó. Qua được sẽ đắc đạo thành tiên, không qua thì trọn đời này sẽ phải trầm luân, mê lạc không ngày về.

Trần Cảnh không nhớ rõ mình nảy sinh cái ý niệm này trong đầu từ khi nào: “Ta còn là người hay là yêu? Ta là thần linh, lại tu phép luyện khí của Đạo môn, ta còn tu nguyên thần, thu lấy tín ngưỡng. Vậy con đường tu hành của ta phải đi thế nào đây…?” Ý niệm này luôn tồn tại trong tiềm thức của hắn. Từ khi trở thành thần linh, hắn đã không biết con đường tu hành phải đi thế nào rồi. Đến khi trở về từ cõi âm, hắn càng mờ mịt hơn.

“Những pháp môn kia không đủ để giúp ta trường sinh, không giúp ta có thể thoát thân trong nước lũ cuồn cuộn giữa thế gian này, cũng không thể giúp ta nhìn rõ ràng phương hướng bơi tới bờ bên kia được."

Vì vậy, hắn bắt đầy suy tư. Bước lên con đường tu hành chân chính, không phải dựa vào những phương thức tu hành kia, mà phải nỗ lực nhận thức rõ trời đất này, hình thành pháp môn tu hành cho riêng mình.

Trong quá trình nhìn xem tâm tưởng, xem con sóng sông Kinh Hà này, hắn dần quên đi tất cả các pháp môn tu hành cùng với hết thảy các phép thuật. Những pháp môn tu hành đó tựa như những dòng nước màu sắc khác nhau, nhưng dần bị Trần Cảnh dung hợp lại, rồi qua thời gian dần biến chuyển thành một loại màu sắc không ai biết được.

Đây là một quá trình lâu dài, hắn cũng không biết cuối cùng sẽ ra màu sắc gì. Trần Cảnh ngồi trước miếu Hà Bá, tay cầm ba trang “Hoàng Đình”, như đang nhìn rất tỉ mỉ chăm chú, hoặc như đang đờ người ra vậy.

Không rõ cái trạng thái tĩnh lặng này trôi qua bao lâu, cũng không rõ từ lúc nào trong mắt hắn đã không còn quyển kinh “Hoàng Đình” nữa, mà chỉ có từng gợn sóng nước. Trong lòng hắn cũng chỉ có từng cơn sóng mãi mãi bất biến, luôn xô đẩy không ngừng. Cả thế gian tĩnh lặng lại, vạn vật sinh linh thế giới này như biến mất, chỉ có sóng nước từng đợt từng đợt xô đẩy. Không rõ từ lúc nào, trong lòng hắn truyền đến một ít giọng nói khe khẽ mơ hồ. Lúc đầu âm thanh này căn bản không nghe rõ được, chỉ biết có giọng nói loáng thoáng hiện lên trong lòng hắn, như thể những hình ảnh phản chiếu trong lớp sương mù dày đặc.

Tinh, khí, thần của Trần Cảnh đều tan vào trong dòng Kinh Hà. Nhìn vào bên trong, là sông Kinh Hà, nhìn ra bên ngoài thế giới, vẫn cứ là Kinh Hà. Hắn đắm chìm vào một loại trạng thái huyền diệu này lúc nào không hay. Trong trạng thái này, hắn rất tự nhiên nắm bắt lấy được một tia ảo diệu. Thời khắc này, trời đất ở trong lòng hắn, còn trong mắt hắn là một thế giới chỉ toàn những con sóng sông.

Tinh, khí, thần của hắn hoàn toàn dung nhập vào trong Kinh Hà. Lúc này hắn chính là sóng sông, là Kinh Hà. Hắn cảm nhận khí tức sông Kinh Hà như liên thông với địa vực bên ngoài cách hàng tỉ dặm, liên thông với tất cả sự vật vô hình và hữu hình.

Ngày qua ngày, cứ thế đột nhiên có một ngày, hắn nghe được trong những giọng nói khẽ khẽ thì thầm đó có hai chữ: “Trần Cảnh…”

Trần Cảnh bỗng nhiên giật mình tỉnh lại. Trong trạng thái thần diệu khó tả này bừng tỉnh, hắn chợt nghĩ đến một loại thần thông trong truyền thuyết là Thuận Phong Nhĩ (theo gió nghe đến). Loại thần thông này có thể từ trong gió nghe được âm thanh cách xa ngàn dặm. Hắn không cho rằng đó là ảo giác, vì tuy trạng thái này không thể tả lại được, như ảo như thật, nhưng hắn biết rõ tuyệt đối không phải ảo giác.

Hắn muốn nghe tiếp nữa, nhưng bên ta chỉ có tiếng gió thổi gào thét, tiếng sóng vỗ và tiếng cây cối cọ quẹt vào nhau nơi xa xôi. Thỉnh thoảng, trong đó còn lẫn vài tiếng kêu đầy ma quái của những con chim săn đêm, căn bản không còn là cái cảm giác thế gian tĩnh lặng kia nữa. Có điều, có những thứ huyền diệu xuất hiện trong trạng thái đó đã khắc sâu trong lòng Trần Cảnh. Đó là một loại cảm giác thần du (xuất khiếu bay đi) trong trời đất, hay đúng hơn là cả tinh, khí, thần đều hòa vào trong sóng nước. Sóng nước sông Kinh Hà cuộn từng lớp từng lớp dồn dập, như thể từng nốt nhạc của trời đất. Chỉ cần đầu bên kia có người kích thích vào, thì âm thanh sẽ vang lên nơi Kinh Hà xa xôi này.

Loại trạng thái kì diệu này không giống với đả tọa tĩnh thần, cũng không giống ngồi đó tham thiền, mà như đi vào trong một trạng thái như mộng ảo. Loại cảm giác này vừa xuất hiện, sẽ không biến mất đi, vĩnh viễn khắc sâu trong lòng. Như thể là một cây đàn huyền cầm, chỉ cần đặt tay lên, là có thể đánh ra được tiếng đàn.

Trần Cảnh lại lần nữa kích động cái dấu ấn như có như không trong lòng, liền chậm rãi chìm vào trong cái trạng thái vô niệm vô tưởng. Trong mắt và cả trong lòng hắn đều xuất hiện một dải sóng nước, sóng nước càng lúc càng rõ ràng. Ngoại trừ sóng nước, tất cả mọi vật đều như mờ dần đi, kể cả âm thanh sóng nước đang vọng khắp nơi này, cả tiếng gió thổi và những thứ mà mắt thường có khả năng nhìn tới được, chỉ còn từng lớp từng lớp sóng nước.

Trong tĩnh lặng, bên tai Trần Cảnh lại nghe thấy giọng nói không rõ từ đâu truyền đến, không chỉ là một giọng, mà có rất nhiều giọng nói. Lúc đầu không nghe rõ, chỉ khi Trần Cảnh tập trung tinh, khí, thần vào một giọng nói duy nhất thì mới nghe thấy rõ ràng, như thể có người đang đứng nói chuyện bên cạnh mình. Nghe kĩ lại, còn phát hiện giọng nói này là từ trong từng con sóng nước truyền đến. Mỗi một gợn sóng trong nước, lại mang theo một âm thanh khác nhau, ồn ào xôn xao trộn lẫn tạo thành âm thanh của một loại sóng nước nào đó. Hắn tập trung toàn bộ tâm lực trong một con sóng, âm thanh trong đó lập tức trở nên rõ ràng. Chỉ nghe thấy đó là một giọng nói truyền ra từ con sóng nước: “Hà Bá Kinh Hà Trần Cảnh nằm đan xen giữa thần và ma, cho nên không có chuyện gì quan trọng, ngàn vạn lần không được bước vào thần vực của hắn.” Không rõ giọng nói này truyền tới từ nơi nào, thậm chí không phân rõ là giọng của người già hay trẻ, nam hay nữ, nhưng Trần Cảnh có thể nghe được ý vị nhắc nhở trong câu nói đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.