[Dịch]Dưỡng Hoàng Đế

Chương 10 : Chương 10




Chương 10. Nữ nhân kỳ lạ

Triệu Phi Linh đã rời khá xa hoàng cung, nhưng vẫn ở trong phạm vi kinh thành Kim Lăng của Bắc Triều quốc. Bản thân nàng đã mệt mỏi rã rời do cơ thể của công chúa Triệu quốc vốn yếu đuối chưa kịp thích nghi với những hoạt động mạnh vậy nên, khi tìm thấy một hẻm nhỏ không người qua lại, nàng bèn dựa xuống ngả lưng rồi dần dần ngủ thiếp đi.

Kẻ theo dõi Triệu Phi Linh vẫn cứ theo dõi nàng không rời một bước, hắn thấy nàng chìm vào giấc ngủ như vậy trong lòng không khỏi ngao ngán : “ Nữ nhân này, sao có thể bạ đâu ngủ đấy giống như phường cái bang thế này!....”

Hắn cũng thắc mắc tại sao nào phải lén lút trốn khỏi hoàng cung bằng phương pháp không giống ai, với danh phận hiện tại của nàng, muốn xuất nhập cung đâu nhất thiết phải vất vả như vậy. Hơn nữa hành động đó lại càng không giống việc làm của một nữ nhân dịu dàng đoan chính. Càng quan sát hắn càng thấy hiếu kỳ hơn là sự nghi ngờ, vì vậy hắn quyết định sẽ dõi theo nàng một cách lặng lẽ nhất, luôn giữ khoảng cách đủ để không mất dấu và khiến nàng không nhận ra.

Sáng hôm sau, kẻ theo dõi thấy Triệu Phi Linh bắt đầu hành trình bằng việc đi vào một y phục điếm trong thành. Nàng cũng như bao nữ nhân khác, đều thích thú ngắm nhìn vải vóc, kiểu mẫu, nàng cũng vận thử các kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Nàng vốn đã rất xinh đẹp, y phục thế nào cũng càng tôn lên vẻ đẹp cực phẩm của nàng. Mặc dù thử nhiều trang phục, nhưng cuối cùng nàng lại chọn mua một bộ nam trang đơn giản, gọn gàng nhất màu lam trầm khiến cho diện mạo của nàng cộng thêm vài phần tuổi tác. Nàng muốn giả trang nam để khỏi gây sự chú ý nhưng vẻ đẹp tuyệt sắc, nước da trắng nõn cộng thân hình nhỏ bé của nàng thật khó mà lừa người khác. Dẫu vậy, hình tượng nữ phẫn nam trang này lại càng làm cho khí chất của nàng trở nên đặc biệt.

Tiếp theo Triệu Phi Linh đến tiệm cầm đồ đổi ngân lượng. Nàng đem vài món đồ trang sức như trâm cài, vòng xuyến vàng ngọc để đổi lấy bạc và ngân phiếu. Trong con mắt phán đoán của kẻ lén theo chân nàng, hành động đổi tiền này không thể được xem là chiến lược của kẻ làm gián đệp, bởi lẽ chẳng có tên gián điệp nào mất thời gian kì kèo trả giá, thêm bớt vài đồng với chủ tiệm như thể phường buôn bán giống nàng.

Thêm vài canh giờ nữa để theo chân Triệu Phi Linh, kẻ đeo bám không khỏi mất kiên nhẫn khi mà nàng không hề có một hành vi nào đáng phải lưu ý. Cả buổi sáng, nàng chỉ dạo chơi khắp kinh thành, đi xem hàng hóa, ăn các món quà vặt như bánh quế hoa, hồ lô đường bằng một tâm trạng vô tư thoải mái. Nàng giống như một thiếu nữ hiếu kỳ với tất cả những thứ sắc màu phồn hoa trong kinh thành. Hắn bắt đầu nghĩ, có thể lý do nàng trốn khỏi hoàng cung chỉ đơn giản là nàng mải chơi, thích thú muốn tham quan kinh đô của một quốc gia không phải quê hương mình.

Khi hắn đang thấy lãng phí thời gian và muốn bỏ mặc nàng thì bỗng nhiên thấy nàng dừng lại trước cửa Huyễn Mộng lâu, thanh lâu kĩ viện lớn nhất kinh thành.

Hắn bắt đầu cảm thấy lo lắng, hắn vạn vạn không bao giờ muốn Triệu Phi Linh bước chân vào nơi này. Đây là nơi chỉ có nam nhân mới tìm đến mong hưởng khoái lạc, hắn không lo nàng sẽ bị tổn hại vấy bẩn mà chỉ lo sự hiếu kì của nàng sẽ làm hỏng việc của hắn. Hắn toan định xuất đầu lộ diện ngăn cản thì chợt thấy nàng đứng ngây người nhìn vào tấm biển Huyễn Mộng lâu lẩm nhẩm đọc :

“ Huyễn La (*)… Là ý gì vậy trời? Củ cải ma thuật sao? Nơi giải quyết sinh lý của lũ đàn ông mà lại đặt tên là Huyễn La sao?”

Hắn nhìn nàng bật cười rồi bỏ đi, trong lòng không khỏi nhẹ nhõm. Chính hắn cũng tự cảm thấy nực cười khi công chúa Triệu quốc vốn mang danh đệ nhất tài nữ lại đọc sai mặt chữ thông dụng như vậy.

Sau đó Triệu Phi Linh tiếp tục cuộc hành trình thưởng ngoạn kinh thành bằng cách tham gia vào phiên đấu giá cổ vật diễn ra mỗi quý hàng năm.

Thú chơi, sưu tầm đồ cổ đã xuất hiện từ rất xa xưa. Tuy nhiên điểm khác biệt giữa các nhà sưu tầm cổ vật của thế giới hiện đại và thời phong kiến chính là cách nhận định giá trị vật phẩm. Ở thế kỉ 21, cái người ta quan tâm hơn là giá trị văn hóa, tính lịch sử, nghệ thuật của vật phẩm. Giả như một chiếc bát mẻ xuất hiện từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng, chỉ cần có niên đại lớn thì ắt được giá cao, nhận đc sự săn đón của các nhà nghiên cứu sử học. Nhưng ở thời phong kiến, nhất là ở Bắc Triều, các tay chơi cổ vật luôn hướng đến các vật phẩm quý giá như trân châu, lục bảo, hay các vật dụng bằng vàng ngọc, đá quý, đồng đen mà vua chúa cùng giới quý tộc đời trước đã từng sử dụng. Vì vậy đối tượng quan tâm đến cổ vật ở Bắc Triều không phải là các nhà nghiên cứu mà đơn thuần chỉ là những hào phú, đại gia muốn sở hữu các vật phẩm giá trị để phô trương thanh thế.

Có cung ắt có cầu, hiểu được thú chơi “tao nhã” của giới hào môn nên các thương nhân ở Bắc Triều đã xin cấp phép của triều đình để lập nên các phiên đấu giá mỗi quý hàng năm. Bắc Triều hoàng đế cũng nhận thấy việc này thúc đẩy mạnh giao thương buôn bán, đối với nền kinh tế vô cùng có lợi nên hoàn toàn khuyến khích. Triệu Phi Linh cảm thấy thích cách nghĩ thực tế, hiện đại này của hoàng đế nhưng không hề biết rằng, người gợi ý cho các thương nhân và thông suốt ý tưởng này cho hoàng đế chính là Tương vương Lưu Vệ Anh, đệ đệ cũng do hoàng hậu sinh thành của Lưu Tử Anh.

Kẻ theo dõi vẫn giữ khoảng cách đủ để quan sát mọi hành động của Triệu Phi Linh. Hắn đứng trong một góc khuất để không ai có thể nhìn thấy, căn bản hắn không chỉ đề phòng một mình Phi Linh bắt gặp mà hắn còn muốn tránh vài thành phần khác xuất hiện trong phiên đấu giá này. Người mà hắn nhất quyết phải tránh là Bắc Triều đương kim thái tử Lưu Tuyên Thành.

Thái tử của Bắc Triều vốn là kẻ mải chơi ham vui, đàn bà, rượu và cổ vật là ba thứ hắn vô cùng yêu thích, hắn có mặt ở đây âu cũng là lẽ thường tình. Thái tử cũng thích cải trang làm công tử hào môn với danh phận Lưu công tử, luôn đi cùng Hàn thừa tướng, cũng chính là nhạc phụ của hắn, xuất hiện hầu hết ở các phiên đấu giá. Cặp đôi bố vợ, con rể này nổi tiếng trong giới sưu tầm cổ vật ở mức độ chịu chơi, dám trả giá. Thứ mà Lưu công tử đã để mắt tới thì khó ai có nhiều ngân lượng hơn để tranh giành.

Không rõ Triệu Phi Linh có nhận ra sự xuất hiện của thái tử ở đây không, nàng ta có vẻ như chẳng cần đề phòng, cũng chẳng muốn phô trương, nàng tự tìm một vị trí an tọa bình thường nhất để hòa nhập với dòng người tham gia phiên đấu giá. Nhãn quang nàng ánh lên vẻ hào hứng, mong chờ được chiêm ngưỡng các cổ vật cực phẩm trong thiên hạ…

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................

Chú thích : (*) 幻夢 : Huyễn mộng nghĩa là giấc mơ huyền ảo không có thực, chữ ‘Mộng” (夢)ở đây được viết dưới dạng phồn thể, là chữ viết của người Trung Hoa thế hệ trước, nhìn qua khá giống với chữ “La”(萝) nghĩa là củ cải vì có cùng một số bộ. Triệu Phi Linh vì là người hiện đại, không quen dùng chữ phồn thể cộng với việc không cẩn thận mà nhìn lướt nên đã nhầm thành “Huyễn la” ( 幻萝) một cụm từ không có nghĩa, hiểu thành “củ cải ma thuật” là do tách nghĩa từng chữ ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.