Biên tập: Rai
Thiên tử nhỏ tuổi ngồi thõng chân trên triều đường.
Thái hậu vừa góa chồng ngồi ngay sau lưng thiên tử, nắm quyền triều chính cách một lớp rèm châu phỉ thúy sẫm màu. Văn võ cả triều được phân biệt rõ ràng, tông thân ở phía trước, triều thần xếp phía sau, bên trái là văn thần, bên phải là võ tướng.
Buổi lâm triều hôm nay không có chuyện gì mới, ai cũng có thể đoán được nội dung thảo luận chính chả gì khác ngoài vụ ám sát tại Thiên Bộ Lang hôm qua. Người bị ám sát chính là Đại Lý Tự khanh Thái Tư, Thái đại nhân – một người dẫu già nhưng ý chí chưa tàn. May mắn lúc ấy có không ít cao thủ Đông Xưởng và Cẩm Y Vệ ở đấy, tuy Thái đại nhân bị thương, song ít ra vẫn giữ được tính mạng, hiện đang cáo bệnh ở nhà nhận phục vụ tận tình, xuyên suốt của Thái Y Viện.
Khi phái Thanh Lưu cùng dâng sổ con xin tấu bệ hạ phái thêm người điều tra kỹ vụ án này, vở kịch nội đấu triều đường đã chính thức mở màn.
Chuyện không liên quan đến các võ tướng, còn phía tông thân hầu như không tham gia thảo luận triều chính, nên cả hai cùng chọn cách hóng hớt xem trò vui.
Vì đây rõ ràng là chuyện của bên văn thần, ngày nay ai mà không biết di sản văn hóa phi vật thể mà Tiên đế để lại cho Tân đế là hàng tá đảng phái tranh chấp dai dẳng cơ chứ?
Cho dù là một vụ ám sát rành rành ra đấy, nhưng cũng có thể bị họ phanh thây theo nhiều cách, từ mọi khía cạnh và góc độ. Ngay cả suy đoán Thái Tư già mà không đứng đắn, dang díu với con dâu nên mới chịu cảnh bị thuê người đến 'giết người vì tình' cũng thốt ra được.
Thái lão gia tử cũng sắp 80 rồi, nếu nghe sau lưng có người đặt điều như vậy, e là không cần đến thích khách cũng có thể tức chết tại chỗ được.
Trong đám triều thần dâng tấu, có người thật lòng tìm hung thủ giúp Thái đại nhân, cũng có người đục nước béo cò, nhưng nhiều nhất vẫn là kẻ muốn mượn chuyện để đạt được mục đích cá nhân. Liên Đình chỉ cảm thấy mấy vị đại nhân đấu võ mồm này cực kỳ thú vị, không có một động tác hay ánh mắt nào là thừa thãi. Hắn cũng không tham gia thảo luận mà chỉ ghi nhớ mỗi triều thần đã nói và làm gì, sau đấy bắt đầu sắp xếp và phân tích lại trong đầu.
Bởi vì sau khi bãi triều hắn phải tổng kết lại cho Thái hậu nghe.
Dương Thái hậu tuy đã là Thái hậu, nhưng kỳ thật nàng mới ngoài 30, mỹ nhân tao nhã đang trong thời kỳ đỉnh cao. Xuất thân của nàng không cao, là một mỹ nhân ngu ngốc tiêu chuẩn, do tổ tiên Đại Khải xưa nay luôn có câu "chọn lựa hậu phi từ dân gian", nên mới may mắn được phong làm Kế hậu. Từ họ của nàng có thể thấy, nàng và Dương Thủ phụ có chút liên quan với nhau, chẳng qua không gần mấy, nếu không phải được phong hậu, thâm chí nàng cũng không biết mình còn có họ hàng xa làm Thủ phụ.
Trước mắt có vẻ Thái hậu và Thủ phụ là châu chấu trên cùng một chiếc thuyền, nhưng chỉ có những tâm phúc của Thái hậu như Liên Đình mới biết rốt cuộc họ đang ở đâu.
Trước khi đại hôn, Dương Thái hậu là kẻ mù chữ chưa từng đọc sách, ban đầu Liên Đình được chọn vào Trường Xuân Cung cũng vì đã lén dạy cho hoàng hậu biết chữ. Tiên đế đột ngột qua đời, Dương Thái hậu hoàn toàn là tay mơ trong chuyện triều chính, có lần không nhắc đến phẩm cấp, nàng còn chẳng phân rõ quan chức ấy là lớn hay nhỏ. May mà nàng sẵn lòng học hỏi, tuyệt đối không thùng rỗng kêu to trước mặt người am hiểu, trưởng thành như măng mọc sau mưa.
Ngoài trừ chuyện khăng khăng hồi phục Đông Xưởng ra, thì danh tiếng Dương Thái hậu trong triều thần cũng không tệ lắm, cùng là một linh vật giống như tiểu Hoàng đế.
Để tránh khơi dậy sự cảnh giác không đáng có từ Dương Thủ phụ, nên mỗi lần bãi triều Liên Đình sẽ không đến Từ Ninh Cung, mà chỉ thỉnh thoảng đến "thỉnh an". Giống như hôm nay.
Trong Từ Ninh Cung cũng có một tấm rèm châu mờ ảo, nhưng lần này Thái hậu lại đang mặc thường phục lam sẫm ngồi phía trước, còn tiểu Hoàng đế thì ẩn phía sau tấm rèm.
Thái giám Đại Khải cũng đặc biệt hơn hẳn các triều đại trước, hàng năm Nội đình đều sẽ chọn một nhóm Thái giám nhỏ tuổi vào Nội Thư Đường học tập. Ti Lễ giám trong mười hai vị giám [1], trong tình huống đặc thù, thậm chí có thể đề bút đỏ ra chỉ thị thay mặt Đại đế. Chẳng qua hiện tại Ti Lễ giám giữ ấn ấy cấu kết làm việc xấu với Các lão Dương Tẫn Trung, nội các nội đình cùng chung một giuộc, đều ước gì Thái hậu và tiểu Hoàng đế cứ mãi ngu dốt như vậy, chỉ vậy mới giúp Liên Đình có không gian phát huy để thượng vị.
[1] 12 vị giám thời nhà Minh: Ty Lễ giám, Nội Quan giám, Ngự Dụng giám, Ty Thiết giám, Ngự Mã giám, Thần Cung giám, Thượng Thiện giám, Thượng Bảo giám, Ấn Thụ giám, Trực Điện giám, Thượng Y giám, Đô Tri giám.
Liên Đình cũng chẳng tự cho là mình đang dạy Thái hậu, hắn chỉ cảm thấy mình là người vô cùng giỏi việc kể chuyện. Sinh động hài hước, mạch lạc rõ ràng, bằng vài câu đơn giản đã có thể tóm gọn câu chuyện từ phức tạp trở nên dễ hiểu.
Hai phe phái quyền lực nhất trong triều hiện nay là Dương đảng do Thủ phụ Dương Tẫn Trung đứng đầu, và phái Thanh Lưu tự xưng là nhóm quân tử chứ không phải đảng, cũng chính là phái Thanh Lưu có một đại lão xảy ra chuyện ở Thiên Bộ Lang ngày đó.
Thể như hai phường ép dầu ở đầu thôn, một thôn không thể nuôi nổi hai phường ép dầu. Hiện tại một phường ép dầu của ông chủ Tam xảy ra chuyện, tất nhiên phải nghi ngờ là phường đối thủ xuống tay. Đương nhiên phe kia sẽ không ngồi yên chịu đánh, bất kể có phải mình làm hay không, họ đều sẽ vùng mình lên, thậm chí còn trả đũa, nói đối thủ vừa ăn cướp vừa la làng.
Tấu chương như bông tuyết chất đầy trên bàn nội các, hai đảng lại bắt đầu một vòng đấu đá rùm beng.
Tuy phái Thanh Lưu không nói thẳng, nhưng ám chỉ trong đó đã rất rõ ràng, hắc thủ đứng sau màn trong vụ án này cần điều tra nữa sao? Dương Tẫn Trung nổi tiếng với việc trừ khử những kẻ trái ý mình từ thời Tiên đế. Dương đảng phản bác cũng dữ dội lắm, nếu họ muốn trị Thanh Lưu thì có rất nhiều biện pháp, cần gì phải ám sát trên đường thấp hèn như vậy? Xem thường ai đó hả?
Ông nói ông có lý, bà nói bà có lý.
Áp lực cũng lập tức đè nặng trên Cẩm Y Vệ đang quản lý chuyện này.
"Ai xuống tay thật ra không quan trọng, quan trọng là bọn họ đạt được gì từ án tử này." Hai bên cùng nhau tạo áp lực cho Cẩm Y Vệ, không phải vì họ muốn đòi lại công lý cho Thái đại nhân, mà là muốn Cẩm Y Vệ không chịu nổi gánh nặng, buộc phải đáp ứng hợp tác điều tra với nhiều bên, đồng thời đẩy người của mình vào cuộc tranh giành quyền lực này một cách danh chính ngôn thuận.
Phái Thanh Lưu muốn đẩy học trò của Thái đại nhân thượng vị, không cần hỏi cũng biết người này chắc chắn là học tử Võ Lăng – một người có gốc rễ thuộc phái Thanh Lưu. Dương Các lão vì tị hiềm, không muốn đẩy 'gương mặt sáng giá' của Dương đảng ra ngoài, tuy nhiên có một người thích hợp được chọn hơn —— Liêm Thâm, người đã làm việc ở Đại Lý Tự nhiều năm.
"Liêm Thâm? Cái tên này nghe hơi quen tai." Dương Thái hậu nhíu đôi mày thanh tú lại.
"Thái Hậu anh minh, Liêm Thâm – Liêm Viễn Dã, là Thám hoa năm Hòa Quang thứ ba, nhân sĩ Giang Tả, học trò của Võ Lăng." Xuất thân thế gia, đỗ giải Trạng Nguyên, còn là đệ tử cuối cùng của Đại nho Kỷ Quan Sơn. Kỷ Quan Sơn chính là sư huynh của thủ lĩnh Lục Xuân Sơn phái Thanh Lưu hiện nay. Với hàng loạt danh hiệu như thế, thoạt nhìn Liên Thâm cũng là một thành viên của phái Thanh Lưu, tất cả mọi người đều từng cho là như vậy.
Cho đến khi Liêm Thâm cưới nữ quyến thuộc nhà vợ Thủ phụ Dương Tẫn Trung.
Một con đường chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ, Liêm Thâm không gia nhập Dương đảng theo đúng nghĩa, chẳng qua... cũng dễ hiểu thôi.
Liêm Thâm rất am hiểu thơ văn, nghe nói từng trong vòng một năm viết 35 bài thơ ca ngợi Dương Các lão, xu nịnh tột cùng. Dĩ nhiên, từ đây thanh danh trên triều đường của hắn coi như mất hết, bị mắng không ngóc đầu dậy nổi.
Nhưng thú vị nhất chính là, thế hệ Liêm Thâm được cho là nhân tài xuất hiện lớp lớp, trăm hoa đua nở, cuối cùng kết cục lại giáng chức rồi giáng chức, chết rồi chết, chỉ có mình Liêm Thâm gặt hái được thành công từ chốn quan trường. Từ Biên tu thất phẩm Hàn Lâm Viện cho đến hiện tại là Thiếu khanh tứ phẩm Đại Lý Tự, hắn đã từng bước leo lên bằng tài năng và học thức thực thụ của bản thân.
Bước tiếp theo, chỉ cần Thái đại nhân cáo lão, Liêm Thâm sẽ có thể trở thành Đại Lý Tự Khanh trẻ tuổi nhất. Chưa đầy 30, quan cư tam phẩm, tốc độ lên chức khó thể so với Liên Đình – một nội giám đi theo con đường bên cạnh Thái hậu nhưng chẳng chậm hơn là bao.
"Vậy nên, thứ bọn họ đang tranh giành thật sự là vị trí Đại Lý Tự Khanh." Thái hậu bắt được trọng điểm, "Thái đại nhân còn chưa chết, mà người khác đã xâu xé vì vị trí dưới mông lão rồi." Thậm chí nếu có thể mượn vụ ám sát hất thêm chút nước bẩn vào người đối thủ cạnh tranh thì còn gì bằng.
Thanh Lưu hay Dương đảng gì đấy, chẳng qua đều là những kẻ nóng lòng đoạt danh lợi mà thôi.
Về phần cuối cùng rốt cuộc ai có thể thượng vị, trước mắt Thái Hậu và tiểu Hoàng đế đều không có quyền lên tiếng. Mà họ cũng không định đoán kết quả, chỉ muốn xem rốt cuộc giữa hai đảng, ai có bản lĩnh cao hơn mà thôi.
Đúng lúc này, có cung nhân lỗ mãng đột ngột xông vào trong cung Thái hậu.
Thật ra cũng không thể dùng từ "xông" vào để hình dung, khi Liên Đình tới "thỉnh an" Thái hậu xưa nay chưa từng đóng cửa, vì cửa mở càng chứng tỏ bọn họ không thẹn với lòng, cũng càng thuận tiện nhìn xung quanh xem có người đang nghe lén hay không hơn. Cung nhân vừa tiến vào đã quỳ xuống trước mặt Thái hậu, cùng lắm chỉ coi là tội bất kính không thông báo trước.
Nhưng việc gấp sẽ được ưu tiên, trông cung nhân kia có vẻ rất vội vàng: "Xin Thái hậu làm chủ, Bắc Cương Vương, Thế tử Bắc Cương Vương lại ầm ĩ đòi về Bắc Cương, không chịu ăn cơm."
Thế tử Bắc Cương Vương – Văn Lan Nhân, là đệ đệ ruột chung một mẹ của đương kim Thiên tử, mới chỉ 6 tuổi, lúc trước theo bệ hạ từ Bắc Cương vào kinh, hiện đang tạm thời sống trong cung. Do vấn đề Thiên tử có muốn nhận Tiên đế làm cha hay không vẫn chưa được quyết định, nên thân phận thế tử Bắc Cương Vương cũng trở nên khó xử theo.
Liên Đình không biết đối phương nghe được bao nhiêu, song cũng không luống cuống, tiếp đấy ung dung lấy hai chiếc bánh mè từ trong tay áo ra: "Ngài nói xem có trùng hợp không? Nô tỳ [2] đang muốn dâng bánh cho Thái hậu và bệ hạ này, đứa nhỏ ở nhà thích bánh này lắm, nói không chừng cũng lọt vào mắt xanh của Thế tử đấy."
[2] Ở một vài triều đại, thái giám tự xưng là nô tỳ.
Mật thám đang mọp trên đất nghĩ ngợi liên hồi, tự cho rằng mình đã hiểu. Hôm nay Liên thái giám đến thỉnh an là vì công khai con trai hắn. Thảo nào trước đó hình như nghe loáng thoáng thấy tên Thái đại nhân, hẳn là đang nhắc đến chuyện Thiên Bộ Lang.
Đại Khải không quy định rõ thái giám không được nhận con nuôi, nhưng cũng không đặc biệt cho phép. Mà muốn nhận nuôi cũng dễ thôi, đơn giản là dân không than quan không kiểm, nếu phía trên thấy ngươi nên có con trai, vậy thì ngươi sẽ có con trai.
Mặc dù tin tức lớn nhất hôm qua là vụ ám sát tại Thiên Bộ Lang, nhưng những ai thích hóng chuyện cũng sẽ không quên màn nhận thân ngay bên đường của Liên xưởng công.
Trong bụng Liên Đình đã soạn xong thân phận Nhứ Quả: "Bẩm Thái Hậu, Nhứ Quả là con trai của đại ca nô tỳ. Ngài cũng biết đấy, cách đây vài năm đại ca nô tỳ mất, quê nhà gửi thư đến báo tin đại ca khiến nô tỳ đau lòng một thời gian, bởi vì ở nhà chỉ có đại ca là người thân thiết với nô tỳ nhất. Nào ngờ nhoáng cái con trai của đại ca đã lớn như vậy, cũng tới tuổi phải đi học rồi."
Chẳng những biết kể chuyện xưa, Liên Đình còn biết bịa chuyện nữa. Hắn ước gì mình có thể không lui tới với mấy thứ cực phẩm trong nhà cho đến chết, những năm qua bọn họ chưa gây rắc rối gì cho hắn, e là bị hắn dọa sợ triệt để rồi. Chẳng qua là hắn có một đại ca đã chết thật. Về phần quan hệ với người chết thế nào, hết thảy chẳng phải dựa vào miệng hắn sao?
Thái hậu cũng rất biết diễn kịch, tức khắc nhập vai thành bà nhỏ lắm chuyện, than trời trách đất như một vị Bồ Tát: "Trời thấy còn thương, đứa trẻ nhỏ tuổi thế mà đã mồ côi cha, khéo sao ngươi lại không thể có con của mình... Chẳng phải ông trời đang muốn ngươi nối lại tình thân với đại ca sao? Hoàng đế, người nói có đúng không?"
Đến cung nhân cũng hiểu, tại sao lại gọi đến Hoàng đế? Vì Thái hậu muốn giúp Thái giám thân yêu của nàng xác nhận chuyện nhận con trai này.
Tiểu Hoàng đế vén bức rèm châu lên, lộ ra gương mặt vui vẻ chưa trải sự đời: "Sao trẫm nghe nói mới nãy trước Thiên Điện, Liên bạn bạn [3] cũng tặng không ít bánh này nhỉ?"
[3] Một kiểu xưng hô của phía trên gọi thái giám.
"Bởi vì đứa nhỏ nói hy vọng nô tỳ có thể mang bánh này tặng cho người mình thích, bệ hạ và Thái hậu chính là người mà nô tỳ thích nhất đó ạ."
Cung nhân:... Buồn nôn quá rồi đấy!? Lẽ nào Liên Đình ngươi thượng vị được là nhờ không biết xấu hổ sao?
Vở kịch nhỏ xàm xí:
Tiểu công:??? Lần đầu tiên lên sân khấu mà cho ta cái background khóc quấy tuyệt thực á?
Nhứ Quả: Cũng không biết cha có tặng cho bằng hữu không nữa, sầu quá đi à.
Tác giả có lời muốn nói:
PS: Cha Nhứ Quả chính là Liêm Thâm, Liêm đại nhân. Chỗ này cần spoil một xíu, hắn không phải phản diện, cũng không phải Dương đảng, hẳn chỉ chống Dương đảng theo con đường khác thôi. Ngay cả Trương Cư Chính cũng vậy, đương lúc Nghiêm đảng cầm quyền cũng gửi 76 câu thơ chúc mừng đó thôi.
Lại PS: Tuy tên của công và thụ hợp thành một thành ngữ, nhưng không liên quan đến tuyến tình cảm của công thụ, tại tên là do cha mẹ đặt mà, chỉ trùng hợp nói lên tình yêu của cha mẹ hai bên thôi. Cha mẹ công phu thê sâu đậm, cha mẹ thụ... mỗi người có hạnh phúc riêng.
Tân đế không phải con của Tiên đế, Tiên đế không có con, Thủ phụ vì cầm quyền nên đã đẩy một đứa trẻ trong phiên vương lên kế vị Hoàng đế.
Có mật thám "xông" vào là muốn biết Liên Đình, Thái hậu và Hoàng đế đang làm gì. Lúc ấy Liên Đình đang nói đến vụ án Thái Tư của Thiên Bộ Lang, đây là chuyện mà Thủ phụ không muốn Hoàng đế biết, để ngừa vạn nhất, Liên Đình chỉ có thể nhập gia tuỳ tục, nhắc đến chuyện cùng ngày ấy ở Thiên Bộ Lang, cũng chính là chuyện hắn bị nhận thân. Theo lý mà nói, nếu có người ăn vạ mà việc này còn là giả, thân là Xưởng công Đông Xưởng, Liên Đình vốn không cần phải cất công nói cho Hoàng đế nghe. Nên mật thám mới tin tưởng hắn tìm Thái hậu và Hoàng đế chỉ vì chuyện công khai con trai.
Chú thích:
Tên công thụ hợp thành 'Lan nhân nhứ quả', ý chỉ hôn nhân mở đầu tốt đẹp nhưng kết thúc đau thương, Lan nhân - xuất phát từ Chu Dịch: "Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim, Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan". Vợ chồng đồng tâm quý hơn vàng, thơm như lan; Nhứ quả - Nhứ thực ra là chỉ sợi bông gòn. Người ta dùng Nhứ quả để nói về những loại quả giống quả bông, nhẹ, và bay tan tác, ẩn dụ cho sự chia ly. (theo reitn)